An Hạ Viết lại bất kỳ điều gì lướt qua cuộc sống của mình <3

5 bí quyết giúp bạn không đưa ra những quyết định sai lầm

Đăng 5 năm trước

Cuộc sống là sự lựa chọn. Và khi đứng trước những sự lựa chọn đó, chúng ta luôn phải đưa ra quyết định. Làm thế nào để đưa ra quyết định đúng đắn, trong khi bản thân chúng ta vẫn còn hàng tá những băn khoăn?

1. Đưa ra quyết định khi bạn đang nghỉ ngơi

Khi bạn sắp sửa đưa ra một quyết định quan trọng trong cuộc đời, hãy đưa ra quyết định khi bạn đang nghỉ ngơi, tập trung và có động lực. Theo Kahneman (2011), những suy nghĩ quan trọng và phức tạp đòi hỏi sự tập trung, có động lực, và sự bình tĩnh. Quyết định của bạn sẽ bị hạn chế nếu bạn đang trong trạng thái bận rộn, stress, mỏi mệt.

Một nghiên cứu khác của Baumister, Tice và Vohs (2018) đã chỉ ra rằng sự kiệt sức ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định của trẻ em khi làm các bài tập lý thuyết, tham gia các hoạt động cộng đồng, đánh giá và bầu chọn. 

Vì vậy, hãy đưa ra những quyết định quan trọng khi bạn đã nghỉ ngơi tốt, hoàn toàn tỉnh táo, có đầy đủ năng lượng để suy ngẫm kỹ càng và đưa ra quyết định. 

2. Dành thời gian

Tất nhiên, để đưa ra quyết định đúng đắn thì cần thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn phải đưa ra quyết định dưới áp lực và deadline ngắn hạn, có thể bạn sẽ đưa ra những quyết định nhanh chóng. Ví dụ, theo một nghiên cứu về các quyết định tài chính của Kirchler và các đồng nghiệp (2017), người ta có xu hướng đưa ra các quyết định mạo hiểm khi chịu áp lực thời gian. 

Vì vậy, khi chúng ta đang vội vàng, chúng ta cũng thường đưa ra kết luận vội vàng, cảm tính và chủ quan hơn là những kết luận tỉ mỉ dựa trên các thông tin xác đáng. 

Do đó, lối suy nghĩ nhanh chóng phù hợp với các quyết định nhỏ, hàng ngày - những quyết định không cần quá nhiều sự cân nhắc hay ẩn chứa rủi ro. Tuy nhiên, nếu bạn sắp sửa đưa ra một quyết định rất quan trọng, hãy dành thời gian và suy nghĩ thật thấu đáo.


3. Thu thập thông tin

Ngoài thời gian và năng lượng để suy nghĩ thấu đáo, các quyết định của chúng ta tốt nhất nên dựa trên những thông tin mà chúng ta biết về các lựa chọn. Chúng ta có thể dành thời gian cân nhắc một lựa chọn trong vài giờ, nhưng nếu thông tin mà chúng ta có vô cùng hạn hẹp và kém chất lượng, thì mọi nỗ lực nghiền ngẫm, cân nhắc đều vô nghĩa. Và rất có thể sau cùng, chúng ta lại đưa ra quyết định dựa trên cảm tính. Vì vậy chúng ta càng thu thập được nhiều thông tin xác thực, chúng ta càng có cơ hội đưa ra quyết định đúng đắn. 

Ví dụ, một nghiên cứu của Ariely (2000) chỉ ra rằng những khách hàng có nhiều thông tin thì sẽ dễ dàng liên kết những thông tin đó với sở thích của bản thân, tăng thêm hiểu biết về lĩnh vực đó và tự tin hơn khi đưa ra các đánh giá. 

Tuy nhiên, không có cái gọi là thông tin "hoàn hảo", và sự định giá đôi khi cũng không chính xác hoàn toàn. Ariely cũng nói thêm, việc xử lý thông tin thường đòi hỏi suy nghĩ tỉ mỉ. Vì vậy, bí quyết là hãy cân bằng giữa các thông tin bạn sở hữu với tầm quan trọng của quyết định sắp đưa ra. Quyết định càng quan trọng, bạn càng cần thu thập nhiều thông tin để không đưa ra quyết định sai lầm.

4. Cân nhắc nhiều khả năng

Một nghiên cứu của Gibert (1991) chỉ ra rằng, chúng ta thường tự động thừa nhận mọi thứ đúng trước khi chúng ta suy ngẫm về chúng. Đồng quan điểm, theo Kunda (1990), những lập luận của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi cảm tính, cảm tính dẫn dắt chúng ta đến những thông tin mà chúng ta muốn tin tưởng. Do đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định vội vàng hoặc không khách quan để xác nhận những gì chúng ta muốn tin, hơn là những gì thông tin phản ánh. 

Vì vậy, khi đưa ra những quyết định quan trọng, hãy cân nhắc nhiều khả năng (đặc biệt là những lựa chọn bạn không thích hoặc không muốn). 


5. Tạo ra các quy tắc

Dù những kẻ giỏi đưa ra quyết định nhất là con người, nhưng đôi khi chúng ta cũng cảm thấy mỏi mệt, không đủ năng lượng, vội vàng, stress, và cảm tính. Trên tất cả những điều đó, thu thập thông tin và suy nghĩ về mọi lựa chọn đã giúp chúng ta đưa ra quyết định đúng đắn. Đó là lý do vì sao, khi chúng ta suy nghĩ thấu đáo, những người đưa ra quyết định hiệu quả thường đặt ra một vài quy tắc và công thức để đưa ra lựa chọn tốt hơn - dù họ đang vội vàng đi chăng nữa. 

Ví dụ như lên danh sách những thứ cần mua, để bạn tuân thủ nghiêm ngặt những thứ đó, thay vì vớ đại thứ gì đó khi bạn đang đói, và mua những thứ không cần thiết.


Nguồn: Jeremy Nicholson M.S.W., Ph.D. từ psychologytoday.com

Chủ đề chính: #quyết_định_sai_lầm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn