Lê Thị Kim Khang

5 cách để trở thành một quản lí tốt hơn

Đăng 9 năm trước

Đây là một bài viết hữu ích để giúp cho những nhà quản lí trẻ dễ dàng tiếp cận được với các thành viên trong nhóm của mình

Đây là một bài viết hữu ích để giúp cho những nhà quản lí trẻ dễ dàng tiếp cận được với các thành viên trong nhóm của mình

Bạn đang cần những phương pháp hữu hiệu nhất để trở thành một vị quản lí tốt hơn? Tôi có thể giúp bạn việc đó. Thật không dễ dàng gì để trở thành một người quản lí tốt cả khi mà bạn lại có nhiều trách nhiệm hơn, chưa kể bạn còn phải thường xuyên tiếp lửa và động viên đội ngũ của mình làm việc hăng say hơn. Hiệu suất làm việc của đội ngũ của bạn phụ thuộc chủ yếu vào bạn. Dù vậy, việc quản lí một nhóm người cũng không khó như bạn nghĩ đâu. Một quy tắc đơn giản mà bạn nên nghe theo, tránh việc trở nên quá hách dịch hoặc quá thân thiện. Bạn cần phải là một người với tác phong chuyên nghiệp và là một hình mẫu để các đồng nghiệp của bạn noi theo. Sau đây là một vài “mánh” để bạn có thể trở thành một quản lí tốt khi đi làm.

Mô tả hình ảnh

1. Là một tấm gương sáng

Chỉ đơn giản vì bạn được thăng chức lên làm quản lí không có nghĩa là bạn có nhiều quyền lực trong tay hơn và bạn có thể thư giãn. Bạn nên làm việc như nhóm của mình. Mấu chốt ở đây là từ “nhóm”, điều đó có nghĩa là mọi người nên làm việc cùng nhau. Nếu như các bạn đang có một dự án khó cần phải hoàn thành, đừng ngồi đó mà đợi các đồng nghiệp của bạn hoàn thành nó. Đề ra ý tưởng của bạn, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, và cố gắng hết mình để giúp mọi người hoàn thành thành công dự án theo đúng tiến độ. Nhân tiện nói về thời gian, nhớ đi làm đúng giờ mỗi ngày nhé. Động viên mọi người cùng nhau đi làm đúng giờ giống bạn nữa. Nếu bạn tới chỗ làm buổi trưa, phê bình công việc của đồng nghiệp rồi sau đó lại về vào lúc 4-5 giờ chiều thì bạn sẽ chẳng bao giờ trở thành một quản lí thành công được. Tuân theo các quy tắc mà bạn đề ra cho nhóm của bạn, và họ chắc chắn sẽ tôn trọng bạn và muốn được làm việc với bạn tới cùng.

2. Thúc đẩy đội ngũ của bạn

Chẳng ai muốn mình bị kẹt mãi ở một vị trí. Vậy nên hãy động viên các thành viên trong đội của bạn chăm chỉ làm việc hơn để được thăng chức. Tiếp lửa để họ có thể phát triển trên con đường sự nghiệp của mình và giúp họ chạm đến những cột mốc trong sự nghiệp của họ. Một trong số những cách tốt nhất để thúc đẩy đội ngũ của bạn làm việc hiệu quả hơn là tổ chức những buổi họp cá nhân để các bạn có thể cùng nhau chia sẻ về những ưu điểm và khuyết điểm của bản thân, và tìm ra những phương pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng suất lao động của họ. Cố gắng động viên những thành viên của đội bạn học hỏi điều gì đó mới mẻ mỗi ngày. Không may là hầu hết các quản lí đều không đưa ra những phương hướng để giúp đỡ các thành viên trong nhóm mình phát triển trên con đường sự nghiệp một cách tốt hơn và đó cũng là một sai lầm nghiêm trọng mà bạn cần phải tránh.

3. Thưởng phạt phân minh

Tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao việc khen thưởng dựa trên thành tích của nhân viên hoặc đơn giản chỉ là câu nói “Làm việc tốt lắm” dù là chỉ một lần thôi cũng được, lại quá khó với những ông sếp hoặc những nhà quản lí như vậy. Đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân mình, tôi có thể nói rằng hầu hết các vị sếp thường tránh khen thưởng nhân viên của họ đơn giản vì họ còn chẳng muốn nhìn nhận mặt tốt của bạn. Họ lúc nào cũng chuẩn bị sẵn những lời khiển trách ở trong đầu để chực chờ cơ hội nói thẳng vào mặt bạn rằng bạn chẳng được tích sự gì cả và bạn sẽ chẳng bao giờ được thăng chức. Thật sự rất là bất công và bực bội, nhất là khi mà bạn cày như trâu cả ngày ngoài đồng và đôi khi cả buổi tối nữa. Nếu bạn là một quản lí thì nhớ đừng lặp lại sai lầm này. Nếu thành viên trong nhóm bạn làm việc một cách tuyệt vời thì đừng ngần ngại mà cho họ một lời khen. Đội ngũ của bạn sẽ tôn trọng bạn và họ sẽ chẳng bao giờ nói bạn là một quản lí tệ.

4. Cùng nhau vui vẻ

Kể cả cơ quan của bạn có cấp kinh phí để mọi người vui chơi với nhau hay không thì việc vui vẻ với nhau ít nhất một lần mỗi tuần vẫn là một ý hay. Là một quản lí thành công không có nghĩa là các bạn chỉ biết đến công việc với nhau. Bạn cũng nên tìm hiểu them về đời sống của các thành viên trong nhóm như sở thích, thú vui hay đặc điểm. Thời gian vui vẻ là một cơ hội không nên bỏ lỡ để bạn có thể hiểu rõ đội ngũ của mình hơn, có khoảng thời gian tuyệt vời bên cạnh nhau và xây dựng tình đồng đội.

5. Thừa nhận thiếu sót của bản thân

Nhiều người có rắc rối với việc thừa nhận sai lầm của bản thân, đặc biệt là các ông sếp và quản lí. Họ sẽ tìm mọi cách để chứng minh là bạn sai và bạn không hoàn thành tốt phận sự của mình. Tuy nhiên, chẳng có ai là hoàn hảo và mọi người trên thế giới đều mắc phải những sai lầm. Chúng ta nên học cách thừa nhận chúng. Hãy vứt bỏ cái tôi của bạn ở nhà và đừng ngại nói với các thành viên trong nhóm bạn rằng đó là lỗi của bạn. Bạn có khi cũng chẳng tốt lành gì hơn các thành viên của nhóm mình vậy tại sao lại không tôn trọng lẫn nhau và học hỏi từ những sai lầm của nhau? Đội của bạn sẽ dạn dày kinh nghiệm hơn và thành công nếu họ có một vị quản lí tốt bụng và khôn ngoan.

Mặc dù bạn, với tư cách là một người quản lí, có thể có rất nhiều kĩ năng độc nhất, kiến thức rộng lớn về chuyên môn và thậm chí là nhiều quyền lực hơn nhưng điều đó không có nghĩa là những đồng nghiệp của bạn đều tệ hơn bạn. Có thể họ không thông minh bằng bạn, nhưng bạn luôn có thể giúp đỡ họ để họ trở thành những thành viên tốt hơn. Sau cùng, nếu như cả đội thành công thì quản lí của họ cũng sẽ thành công. Nhớ kĩ rằng bạn là lãnh đạo và cũng là hình mẫu để họ noi theo. Bạn cần phải tìm ra những cách khôn khéo để thúc đẩy họ làm việc tốt hơn và đạt được những dấu mốc trong sự nghiệp của họ. Vậy thì những bí quyết để bạn trở thành một quản lí thành công là gì nào?

Chủ đề chính: #quản_lí_nhóm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn