Dâu Cô gái xinh xắn làm nghề Nhân sự, thích ăn ngon, mặc đẹp, dưỡng da, bán hàng online và chơi chứng khoán.
Nhân viên Nhân sự tổng hợp tại Hà Nội

5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ứng tuyển vào một công ty "tồi"

Đăng 2 năm trước
5 dấu hiệu cho thấy bạn đang ứng tuyển vào một công ty "tồi"

Bằng kinh nghiệm xương máu của mình, sau bao lần đau thương vấp ngã. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ cho các bạn 5 dấu hiệu nhận biết công ty mà bạn đang ứng tuyển là một công ty tồi, xin các bạn cảnh giác với các công ty này.

1. Công ty không có Hợp đồng lao động (HĐLĐ)

Bất kỳ một công ty hay một tổ chức khi đã tuyển dụng một nhân viên vào làm thì chắc chắn phải có HĐLĐ đầy đủ với các điều khoản rõ ràng quy định về chức danh, công việc, quyền lợi được hưởng với Người lao động (NLĐ). Những công ty không có HĐLĐ hoặc nội dung các điều khoản trong HĐLĐ không rõ ràng thì là những công ty không minh bạch trong việc thuê và sử dụng lao động, rất có nguy cơ sẽ "bùng lương" của nhân viên. Đến lúc đó, bạn không có giấy tờ bằng chứng xác nhận, người thiệt chính là bạn.

Vì vậy, trong ngày đầu tiên làm việc, bạn nhất định phải yêu cầu Nhân sự hoặc người phụ trách ký HĐLĐ với bạn. Sau đó, bạn cần giữ một bản HĐLĐ để làm chứng cứ. Nếu sau này nếu phát sinh tranh chấp sẽ có HĐLĐ làm căn cứ pháp luật để tố cáo, khởi kiện NSDLĐ.

Trước khi bắt đầu công việc, bạn nên nhớ phải ký HĐLĐ

2. Công ty không đóng BHXH cho nhân viên

Khi bạn đi phỏng vấn, thường những công ty này sẽ có chung một "văn" để giải thích đó là "công ty không đóng BHXH vì tránh những rắc rối của việc báo tăng, giảm bảo hiểm. Công ty sẽ trả phần bảo hiểm vào lương để nâng cao thu nhập cho nhân viên". Nghe thì có vẻ hợp lý đấy nhưng sự thật là:

- Công ty tiết kiệm được tối thiểu 1 triệu đồng tiền BHXH cho 1 nhân viên

- Công ty thực tế không trả thêm số tiền đó vào lương cho nhân viên

- Công ty không ghi nhận việc thuê nhân sự và không cần phải làm các thủ tục kê khai, đóng thuế TNCN cho nhân viên, tránh được việc phát sinh với các cơ quan thuế và BHXH, Sở lao động

- NLĐ mất đi quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN đáng ra phải được nhận. Khi xảy ra các rủi ro trong cuộc sống, chúng ta sẽ không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Bảo hiểm, đó là một điều thiệt thòi rất lớn.

Phương án xử lý: chúng ta có thể đề xuất mức lương mong muốn, và yêu cầu công ty đóng BHXH cho mình. Hoặc cộng lương và mức đóng bảo hiểm phần của công ty ra mức lương mình nhận được và đề xuất mức đó.

BHXH cho người lao động

3. Công ty đòi thử việc quá 2 tháng, lương thử việc nhỏ hơn 85%

Về Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây: Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên (Khoản 1 Điều 27 của Bộ luật Lao động 2012); Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ (Khoản 2 Điều 27 của Bộ luật Lao động 2012); Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác (Khoản 3 Điều 27 Bộ luật Lao động 2012).

Về tiền lương trong thời gian thử việc (Điều 28 Bộ luật Lao động 2012) Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Vậy nên, những công ty nhăm nhe cắt giảm quyền lợi tối thiểu của nhân viên bằng cách kéo dài thời gian thử việc mặc dù kết quả vẫn tốt, lương thử việc giảm còn 70-80% lương chính thức, thì khi vào làm việc chắc chắn những quyền lợi khác cũng sẽ bị tính toán để cắt xén. Những công ty như vậy không đáng để cống hiến. Hãy luôn nhớ "Nếu bạn giỏi điều gì đó thì đừng làm nó miễn phí"

Thử việc

4. Công ty yêu cầu đặt cọc, thu phí, giữ giấy tờ gốc

Lưu ý với các bạn sinh viên mới chập chững ra trường đang trên con đường tìm việc, những tấm chiếu mới chưa từng trải: Đặt cọc, thu phí, giữ giấy tờ gốc là những hành vi bị cấm khi tuyển dụng nhân sự.

Đặt cọc và nộp phí rồi là mất. Giấy tờ gốc đem nộp đến khi đòi lại không đòi được. Hậu quả vừa mất giấy tờ vừa bị người ta sử dụng giấy tờ của mình bất hợp pháp để làm việc gì chúng ta cũng không biết luôn.

Vì thế lưu ý 1000 lần là nói không với thu phí, giữ giấy tờ gốc nhé.

5. Sếp tồi

- Sếp luôn yêu cầu nhân viên làm hoặc kiêm thêm các công việc không đúng chuyên môn

- Sếp luôn đưa ra các yêu cầu vô lý bắt nhân viên thực hiện

- Sếp luôn tìm lý do để phạt, trừ lương nhân viên

- Sếp luôn bắt đi họp nhưng chỉ để nghe sếp chém gió

- Sếp lấy lý do nợ lương

- Sếp cư xử không đúng mực với nhân viên, quá giới hạn bằng việc quát mắng, sỉ nhục nhân viên trước các nhân viên khác

- Sếp hay giảng đạo lý

.................................................

 

Sếp tồi

Xã hội càng phát triển, cơ hội việc làm ngày càng nhiều. Bên cạnh những công ty làm ăn chân chính, tử tế, luôn có những công ty nhăm nhe bóc lột sức lao động và lừa đảo NLĐ. Chúng ta là những người lao động thông minh, hãy luôn cảnh giác để tránh mắc vào những chiếc bẫy của những công ty xấu nhé. Chúc các bạn thành công trong sự nghiệp.

 

Ủng hộ mình viết bài bằng cách Follow trang cá nhân, like và comment mỗi bài viết. 

Nếu thích chủ đề gì, vui lòng comment cho mình biết để mình viết nhé. Xin cảm ơn! 

Chủ đề chính: #cuộc_sống

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn