Nguyen Mai Này cô gái, cười lên đi, cuộc đời này đẹp lắm...

5 lời khuyên dạy con biết nói lời xin lỗi

Đăng 5 năm trước

“Xin lỗi” là một trong những từ đầu tiên ta dạy con mình, nhưng đôi lúc đây có thể là một khái niệm khá mơ hồ. Ngay cả người lớn cũng đôi lúc không hiểu hết ý nghĩa của từ này. Một tiếng xin lỗi không thể thay đổi được chuyện đã rồi và cũng chẳng thể xoa dịu hết nỗi đau. Vậy xin lỗi có tác dụng gì, và làm thế nào để khuyến khích trẻ nói ra lời xin lỗi chân thành xuất phát từ sự cảm thông?

Mặc dù lời xin lỗi không làm con cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng nó góp phần thúc đẩy sự tha thứ. Các con có vẻ công nhận nó như một dấu hiệu cho thấy người có lỗi cảm thấy tồi tệ về việc họ đã làm và ngầm hứa họ sẽ không tái phạm nữa.” 

Nói đến việc xin lỗi, trẻ biết đó là một việc làm đúng, nhưng trẻ có thể hoàn toàn không hiểu tại sao mình phải làm vậy. Khi chứng kiến ai đó bị tổn thương, trẻ có thể khó hiểu được làm sao một từ đơn giản có thể xóa bỏ nỗi đau và cải thiện tình hình. Mặc dù xin lỗi có thể không làm lành vết thương hoặc thay đổi cảm giác của người bị hại, nhưng nó nuôi dưỡng niềm tin và sự kết nối sau này. Động viên trẻ nói lời xin lỗi là một cách quan trọng để nuôi dưỡng một phẩm chất cần thiết ở trẻ - sự cảm thông. 

5 lời khuyên để khuyến khích sự cảm thông và lời xin lỗi chân thành nơi trẻ: 

1. Nhìn Nhận Sự Việc Dưới Góc Độ Của Người Khác

Hãy hỏi xem con bạn nghĩ gì về cảm giác của người bị tổn thương. Cách này sẽ khuyến khích con chấp nhận một quan điểm khác về tình huống này, qua góc nhìn khác và có thể buồn hơn góc nhìn của con. Ngoài ra, bạn hãy hỏi xem con cảm thấy thế nào nếu điều tương tự xảy đến với con.

2. Giải Thích Cho Con Biết Rằng Lời Nói Có Sức Ảnh Hưởng

Hãy cho con cảm nhận sức mạnh của tử tế, cảm thông và trách nhiệm về mặt cảm xúc. Lời nói của con có sức ảnh hưởng - nó có thể gây tổn thương, có thể giúp đỡ và cũng có thể chữa lành. Hãy cùng con khám phá cách sử dụng hiệu quả lời nói của mình để tốt cho cả con lẫn những người xung quanh:  

"Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu con nói xin lỗi?"  

"Còn nếu con không xin lỗi thì sao?"  

"Con muốn điều nào xảy ra?"  

"Con muốn điều gì xảy ra ngay bây giờ?"  

"Con có thể làm gì để khiến điều con muốn xảy ra?" 

3. Giảm Thiểu Sự Hổ Thẹn

Dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, việc giảm thiểu sự hổ thẹn vẫn rất quan trọng. Để học hỏi từ một hành vi, trẻ cần cảm thấy đủ an toàn để làm chủ hành vi đó. Sự hổ thẹn cản trở điều này. Hãy giảm thiểu nó bằng cách nhận xét về chuyện đã xảy ra trên phương diện điều trẻ đã làm, chứ không phải con người trẻ. Thay vì nói, “Con thật hư đốn,” hãy nói “Khi con giẫm lên lâu đài cát của bạn…”  

Một cách để giảm thiểu sự hổ thẹn là bình thường hóa sự không hoàn hảo của con – ai cũng có những điểm chưa tốt và ta cần phải cho con biết điều đó cũng như biết rằng mình vẫn là một người đáng yêu như trước khi làm điều đó.  

Ví dụ: “Ba/mẹ biết con không cố ý làm như vậy – con là một đứa trẻ tốt – nhưng đôi lúc ta làm những chuyện khiến người khác buồn. Khi điều đó xảy ra, quan trọng là ta phải cố gắng cải thiện tình hình. Hãy nói xem con có thể làm gì nào.”

4. Giải Thích Tại Sao Xin Lỗi Lại Quan Trọng

Khái niệm xin lỗi có thể khó hiểu – chẳng có gì cụ thể về việc nói xin lỗi và thông thường cũng chẳng có sự thay đổi hữu hình nào xảy ra khi ta nhận được lời xin lỗi. Hãy giúp con hiểu vì sao xin lỗi lại quan trọng. Ví dụ: “Nói lời xin lỗi không giúp người khác hết đau khổ và chắc chắn không thể hàn gắn những thứ đã vỡ, nhưng con nói lời xin lỗi không phải vì mục đích đó. Con xin lỗi là để đối phương biết rằng con quan tâm, con đã nhận ra lỗi của mình và sẽ cố gắng hết sức không tái phạm. Mọi người không xin lỗi vì họ hư đốn hoặc xấu xa, họ xin lỗi vì họ đủ dũng cảm để thừa nhận mình đã phạm sai lầm và đủ can đảm để cố gắng làm mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn.” 

5. Các Tình Huống Khó Xử

Một trong những điều quan trọng trẻ cần hiểu là xin lỗi và làm “điều đúng” chỉ liên quan đến con người trẻ, chứ không liên quan đến người khác hoặc điều trẻ nghĩ đối phương có thể xứng đáng nhận lấy.  

Bạn có thể nói với trẻ rằng: “Cha/mẹ biết bạn đó nói với mọi người rằng chiếc áo choàng của con là giả và con không phải là Người Dơi thật, nhưng bạn làm vậy không có nghĩa là con nên nói xấu bạn. Một người tử tế và dũng cảm sẽ làm gì bây giờ nào?”  

Làm trẻ con không dễ chút nào – có quá nhiều việc phải làm và trên hết, các em phải hiểu một số khái niệm mơ hồ. May mắn thay, thời thơ ấu mang đến nhiều cơ hội cho các em khám phá, thử nghiệm và tìm ra cách tốt nhất để có thể hiểu được các khái niệm đó. Đôi khi, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, và đôi khi chuyện không hay xảy ra và trẻ cần đến lời xin lỗi. Đó chính là ý nghĩa của lời xin lỗi – cơ hội cho các em khám phá ra rằng sức mạnh của mình nằm ở những lúc đó.  

Nguồn: Karen Young/Ubrand

Có thể bạn quan tâm

Chủ đề chính: #cách_dạy_con

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn