Nấm
Phiên dịch tự do tại Hà Nội

51 gợi ý trả lời phỏng vấn xin việc giúp bạn dễ dàng thuyết phục nhà tuyển dụng

Đăng 6 năm trước

51 câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp cùng gợi ý trả lời sáng suốt và thuyết phục, giúp bạn đánh đâu thắng đó!!!

1. Bạn hãy giới thiệu một chút về bản thân 

Gợi ý trả lời: Phần lớn mọi người trả lời câu này theo cách quá thông thường, chỉ nói họ tên, tuổi tác, kinh nghiệm làm việc, những thông tin này trên sơ yếu lý lịch đều đã ghi rõ cả rồi. Thật ra, điều mà nhà tuyển dụng muốn biết nhất là người ứng tuyển có thể đảm nhiệm được công việc này hay không, bao gồm: kỹ năng mạnh nhất, lĩnh vực kiến thức mà bạn hiểu biết nhất, những nét tích cực nhất trong tính cách, việc thành công nhất mà bạn đã từng làm, thành tựu chủ yếu... cần bộc lộ ra cá tính và khả năng làm việc tích cực, cần nói hợp tình hợp lý thì nhà tuyển dụng mới tin tưởng.

2. Ưu điểm lớn nhất của bạn là gì?

Gợi ý trả lời:  Điềm đạm bình tĩnh, sắp xếp công việc rõ ràng, lập trường kiên định, thích giúp đỡ mọi người... Hãy đưa ra ví dụ như: Ở XX tôi đã trải qua một đến hai năm đào tạo, cùng kinh nghiệm thực tiễn, thêm công việc thực tập, tôi thấy bản thân phù hợp với công việc này.

3. Khuyết điểm lớn nhất của bạn là gì?

Gợi ý trả lời: Xác suất mà doanh nghiệp hỏi câu hỏi này là rất lớn, thường thì họ sẽ không mong muốn nghe được câu trả lời trực tiếp nói khuyết điểm là gì, nếu người ứng tuyển nói bản thân hẹp hòi, lười biếng, hiệu quả làm việc thấp, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ không tuyển bạn rồi. Cần bắt đầu nói từ ưu điểm của bản thân, trong đó nói ra một vài khuyết điểm nhỏ, cuối cùng lại đưa vấn đề trở về ưu điểm, thể hiện rõ ưu điểm của mình.

4. Nói ra quan điểm của bạn về việc tăng ca?

Gợi ý trả lời: Trên thực tế có rất nhiều công ty hỏi câu hỏi này, không có nghĩa là nhất định sẽ tăng ca, họ chỉ muốn kiểm tra xem bạn có chịu cống hiến vì công ty hay không.

Câu trả lời mẫu: Nếu công việc đòi hỏi phải tăng ca, tôi sẵn sàng tăng ca, hiện tại tôi đang độc thân, không có gánh nặng gia đình, có thể hết lòng vì công việc. Nhưng đồng thời, tôi sẽ nâng cao hiệu quả làm việc, giảm bớt thời gian tăng ca không cần thiết.

5. Nói ra yêu cầu của bạn về mức lương?

Gợi ý trả lời: Nếu bạn yêu cầu một mức lương quá thấp, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang đánh giá thấp năng lực của mình, nếu bạn yêu cầu một mức lương quá cao, lại thể hiện rằng khả năng của bạn vượt quá yêu cầu của công ty, công ty không trả nổi lương, thường thì các nhà tuyển dụng luôn dự toán sẵn một mức lương cho mỗi vị trí tuyển dụng, vậy nên mức lương mà họ đã nói trước luôn là mức lương cao nhất mà họ có thể chi trả, họ hỏi bạn câu hỏi này chỉ là muốn chứng thực mức lương này có đủ để bạn quan tâm đến công việc này hay không.

Câu trả lời mẫu: (1) Tôi không có yêu cầu cứng nhắc về mức lương, tôi tin rằng quý công ty sẽ chi trả thiện chí và hợp lý. Điều tôi quan tâm nhất là cơ hội tìm được một công việc phù hợp, vậy nên chỉ cần điều kiện công bằng, tôi sẽ không quá tính toán về lương. (2) Tôi đã được đào tạo bài bản về việc lập trình phần mềm, không cần phải đào tạo nhiều, hơn nữa bản thân tôi cực kỳ có hứng thú với việc lập trình. Vậy nên, tôi hy vọng công ty có thể trả cho tôi một mức lương hợp lý dựa trên điều kiện của tôi và mức lương tiêu chuẩn của thị trường. (3) Nếu bạn nhất định phải nói ra số tiền cụ thể, vậy đừng nói ra một phạm vi quá rộng lớn, như vậy bạn chỉ đạt được con số thấp nhất trong phạm vi đó. Tốt nhất hãy nói ra một con số cụ thể, điều đó chứng tỏ bạn đã tìm hiểu kỹ càng về thị trường việc làm, biết một người ứng viên với bằng cấp, kinh nghiệm như mình xứng đáng đạt được một mức lương như thế nào.

6. Trong khoảng thời gian năm năm, bạn có kế hoạch gì cho công việc của mình?

Gợi ý trả lời: Đây là một câu hỏi mà không một người ứng tuyển nào muốn gặp phải, nhưng dường như ai cũng sẽ bị hỏi, một đáp án hay gặp là "người quản lý". Đương nhiên, bạn có thể nói ra những vị trí khác mà bạn quan tâm. Cần biết rằng, nhà tuyển dụng luôn thích những ứng viên có chí tiến thủ. Lúc này, nếu bạn trả lời là "tôi không biết", e rằng bạn đã đánh mất một cơ hội tốt. Có lẽ đáp án hay gặp nhất là, "Tôi chuẩn bị có một số hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật" hoặc là "Tôi mong rằng bản thân có thể thăng tiến theo trình tự thăng chức của công ty".

7. Đánh giá của bạn bè về bạn?

Gợi ý trả lời: Mục đích của câu hỏi này là nhằm tìm hiểu về tính cách và cách chung sống của bạn với mọi người.

Câu trả lời mẫu: (1) Bạn bè tôi đều nói rằng tôi là một người đáng tin cậy, bởi vì, khi tôi đã đồng ý với ai làm một việc gì, tôi nhất định sẽ làm được. Nếu tôi không làm được, tôi sẽ không dễ dàng nhận lời. (2) Tôi cảm thấy mình là một người khá hòa đồng, có thể giao tiếp trò chuyện với những người có tính cách khác nhau. Khi tiếp xúc với mọi người, tôi có thể đứng trên góc độ của người khác để xem xét vấn đề.

8. Bạn còn có vấn đề gì muốn hỏi không?

Gợi ý trả lời: Câu hỏi này của nhà tuyển dụng có vẻ có cũng được không có cũng xong, thực ra có vai trò rất quan trọng, nhà tuyển dụng không thích những người trả lời là "không muốn hỏi gì cả", bởi họ rất coi trọng cá tính và khả năng sáng tạo của nhân viên. Nhà tuyển dụng cũng không thích những ứng viên hỏi về những vấn đề về phúc lợi cá nhân, nếu có người hỏi rằng: Quý công ty có chương trình đào tạo nào với những nhân viên mới không, tôi có thể tham gia không? Hoặc là chế độ thăng chức của công ty như thế nào? Nhà tuyển dụng sẽ rất hoan nghênh, bởi qua đó thể hiện được bạn là một người ham học hỏi, trung thành với công ty, và có chí tiến thủ.

9. Sau khi được tuyển, nếu bạn nhận ra mình không phù hợp với vị trí này, khi đó bạn sẽ làm gì?

Gợi ý trả lời: Làm việc một thời gian, khi bạn nhận ra công việc không phù hợp, có hai tình huống: (1) Nếu bạn thực sự yêu thích công việc này, vậy thì hãy cố gắng học tập không ngừng, khiêm tốn học tập những kiến thức nghiệp vụ, và kinh nghiệm giải quyết công việc từ lãnh đạo và đồng nghiệp, hiểu biết về tinh thần nghề nghiệp và yêu cầu công việc, cố gắng rút ngắn lại khoảng cách. (2) Bạn cảm thấy công việc này không quan trọng, vậy thì hãy chuyển việc càng sớm càng tốt, tìm kiếm công việc phù hợp với bạn, nghề nghiệp mà bạn yêu thích, như vậy tiền đồ phát triển của bạn mới rộng mở, điều này sẽ có lợi cho cả công ty và bản thân bạn.

10. Trong quá trình làm việc, nếu bất đồng quan điểm với lãnh đạo, bạn sẽ làm thế nào?

Câu trả lời mẫu: (1) Về mặt nguyên tắc, tôi sẽ tôn trọng và phục tùng sự sắp xếp công việc của lãnh đạo, đồng thời cũng tìm cơ hội xin ý kiến, và khéo léo bày tỏ suy nghĩ của mình, xem lãnh đạo có thể thay đổi quan điểm không. (2) Nếu lãnh đạo không tiếp nhận ý kiến của tôi, tôi cũng sẽ hoàn thành công việc thật tốt theo yêu cầu của lãnh đạo. (3) Còn có một tình huống, nếu yêu cầu của lãnh đạo vi phạm nguyên tắc, tôi sẽ kiên quyết đưa ra ý kiến phản đối, nếu lãnh đạo vẫn cố chấp làm theo ý mình, tôi sẽ thẳng thắn phản ánh với lãnh đạo cấp cao hơn.

11. Quan điểm của bạn về vấn đề nhảy việc?

Câu trả lời mẫu: (1) Nhảy việc thông thường có thể thúc đẩy việc lưu chuyển người tài, nên ủng hộ.

(2) Nhảy việc quá thường xuyên gây bất lợi cho cả doanh nghiệp và cá nhân, nên phản đối.

12. Công việc xảy ra sai sót và gây tổn thất, bạn sẽ làm thế nào?

Câu trả lời mẫu: (1) Tôi luôn tâm niệm cần cố gắng làm việc vì công ty, nếu gây ra tổn thất về kinh tế, tôi nghĩ vấn đề quan trọng hàng đầu là, cần tìm ra cách để bù đắp hoặc xoay chuyển tổn thất kinh tế, nếu tôi không có khả năng phụ trách, hy vọng công ty có thể giúp đỡ giải quyết. (2) Phân rõ trách nhiệm, ai chịu trách nhiệm của người đó, nếu là trách nhiệm của tôi, tôi chấp nhận chịu phạt, nếu do sai sót của một người khác trong nhóm mà tôi phụ trách, cũng không thể cười trên nỗi đau của người khác, là một tập thể, cần cùng nhau hoàn thành công việc, an ủi đồng nghiệp, giúp đỡ đồng nghiệp tìm ra nguyên nhân và tổng kết kinh nghiệm. (3) Đời người không thể nào không mắc sai lầm, quan trọng là có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ sai lầm của mình hay của người khác, cần kiểm điểm lại cách làm việc của bản thân, phân tích vấn đề kỹ càng.

13. Mối quan hệ với đồng nghiệp và cấp trên không tốt, bạn sẽ làm thế nào?

Câu trả lời mẫu: (1)Tôi sẽ phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, phối hợp làm việc với đồng nghiệp. (2) Tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân từ bản thân mình, phân tích kỹ càng có phải do mình không làm tốt công việc hay không, liệu bản thân đã ứng xử tốt chưa, nếu bản thân làm chưa tốt tôi sẽ cố gắng sửa đổi. (4) Là một nhân viên xuất sắc, làm việc gì cũng cần lấy đại cục làm trọng, dù cho trong một khoảng thời gian, đồng nghiệp và cấp trên không hiểu, tôi cũng cần làm tốt chức trách của mình, khiêm tốn học hỏi từ mọi người, tôi tin rằng, họ sẽ thấy rõ sự cố gắng của tôi.

14. Cấp trên cướp công của bạn, bạn sẽ làm thế nào?

Câu trả lời mẫu: Thứ nhất tôi sẽ không tìm người cấp trên đó để nói rõ về việc này, tôi sẽ chủ động trò chuyện với lãnh đạo phụ trách, bởi trò chuyện là cách tốt nhất để giải quyết các mối quan hệ giữa người với người, nhưng kết quả sẽ có hai khả năng: (1) Cấp trên biết lỗi của mình, tôi nghĩ mình sẽ dựa vào tình hình cụ thể xem có tha thứ cho họ không. (2) Cấp trên sẽ không nhận lỗi, thậm chí còn uy hiếp tôi, vậy thì tôi sẽ không hề do dự mà báo cáo việc này với cấp cao hơn, bởi họ làm vậy sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực, gây bất lợi cho công việc sau này.

15. Đồng nghiệp cô lập bạn, bạn làm thế nào?

Câu trả lời mẫu: (1) Kiểm điểm lại bản thân xem liệu có phải độ nhiệt tình với công việc vượt xa sự nhiệt tình trong việc giao lưu giữa các đồng nghiệp hay không, tăng cường giao lưu và sở thích chung với đồng nghiệp. (2) Trong quá trình làm việc, tuyệt đối không được làm tổn thương đến lòng tự tôn của đồng nghiệp (3) Không đơm đặt bịa chuyện trước mặt lãnh đạo.

16. Gần đây bạn có tham gia chương trình đào tạo nào không?

Gợi ý trả lời: Tự chi trả học phí, tham gia chương trình đào tạo XX (Có thể nói nhiều về những kỹ năng mà bản thân đã tự học được)

17. Hiểu biết của bạn về công ty chúng tôi?

Gợi ý trả lời: Trước khi tham gia phỏng vấn, hãy lên mạng tìm hiểu về lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của công ty này, có thể trả lời như sau: Quý công ty có kế hoạch thay đổi chiến lược kinh doanh, tăng cường hợp tác với các cơ sở sản xuất gốc của các công ty lớn trên thế giới, với những sản phẩm có thương hiệu riêng có phân phối thông qua các nhà phân phối ở nước ngoài.

18. Thế mạnh của bạn là gì?

Gợi ý trả lời: Nói về những chương trình đào tạo có liên quan đến vị trí mà bạn ứng tuyển, thể hiện một chút sự nhiệt tình của bạn, điều này không có gì là không tốt cả.

19. Nguyên nhân tại sao bạn lựa chọn công việc này?

Gợi ý trả lời: Mục đích của câu hỏi này là muốn biết mức độ nhiệt tình và hiểu biết của ứng viên đối với công việc này, nhằm loại bỏ những ứng viên đến phỏng vấn vì hứng thú nhất thời, nếu là người không có kinh nghiệm, có thể nhấn mạnh "Cho dù tính chất công việc không giống nhau, cũng mong có cơ hội phát huy những kinh nghiệm trước đây của bản thân."

20. Bạn có thể đem lại những gì cho công ty chúng tôi?

Gợi ý trả lời: (1) Nếu như có thể, hãy thử nói với họ rằng bạn có thể giảm bớt chi phí cho họ. VD: "Tôi đã được đào tạo chuyên môn về XX trong thời gian hai năm, có thể làm việc ngay." (2) Doanh nghiệp rất muốn biết nhân viên của mình có thể làm gì cho doanh nghiệp, ứng viên có thể nhấn mạnh thêm về ưu thế của mình, sau đó hãy bày tỏ: “Với năng lực của tôi, tôi có thể làm một nhân viên xuất sắc phát huy khả năng của mình trong tổ chức, đem đến cho tổ chức hiệu suất làm việc cao hơn, và thu về nhiều lợi ích hơn. Nhà tuyển dụng thích những ứng viên thể hiện được năng lực của mình trong vị trí ứng tuyển, ví như xin vào những vị trí như nhân viên kinh doanh, có thể nói: "Tôi có thể khai thác nhiều khách hàng mới, phục vụ khách hàng cũ chu đáo toàn diện hơn, khai thác nhu cầu và chi tiêu mới của khách hàng cũ." VV.

21. Ba từ có thể khái quát nhất về con người bạn?

Câu trả lời mẫu: Ba từ tôi thường xuyên sử dụng là: Khả năng thích ứng mạnh, có tinh thần trách nhiệm và làm việc có đầu có cuối. Đồng thời kết hợp với những ví dụ cụ thể để giải thích với người phỏng vấn.

22. Với vai trò là một ứng viên, hãy chấm điểm cho tôi?

Gợi ý trả lời: Thử liệt kê ra bốn ưu điểm và một nhược điểm cực kỳ nhỏ. (Có thể phàn nàn một chút về cơ sở (Những khuyết điểm không quy rõ trách nhiệm, người ta sẽ không quá để ý.)

23. Bạn hiểu gì về vị trí mà bạn ứng tuyển?

Gợi ý trả lời: Có thể nói về trách nhiệm, nhiệm vụ và thái độ làm việc của vị trí mà bạn ứng tuyển.

24. Bạn thích điều gì ở công việc này?

Gợi ý trả lời: Khi trả lời nhà tuyển dụng câu hỏi này, không nên nói ra điều bạn muốn nói một cách quá trực tiếp, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tiền lương, nhưng những câu trả lời không gây khó xử là một phương án trả lời tốt: như vấn đề giao thông, tính chất và nội dung công việc phù hợp với sở thích của bản thân... Tuy nhiên nếu bạn có thể đưa ra một quan điểm khác biệt về công việc này, tin rằng sẽ được cộng kha khá điểm.

25. Tại sao bạn lại thôi việc?

Gợi ý trả lời: (1) Khi trả lời câu hỏi này, cần phải cẩn thận, cho dù bạn phải chịu ấm ức nhiều thế nào ở công ty cũ, dù có bất mãn thế nào với công ty cũ cũng không tiện thể hiện ra, đặc biệt tuyệt đối không phê bình sếp cũ, tránh nhà tuyển dụng có cảm xúc tiêu cực và ấn tượng không tốt về bạn. Phương án trả lời tốt nhất nên là đưa vấn đề kéo về phía mình, ví như cảm thấy công việc không có không gian để bản thân học tập và phát triển, hoặc là công việc trước đó không phù hợp với kế hoạch của bản thân... đáp án nên mang tính tích cực. (2) Tôi mong muốn bản thân có thể dành được một công việc tốt hơn, nếu cơ hội tới, tôi sẽ nắm bắt. Tôi cảm thấy công việc hiện tại đã đạt tới đỉnh cao, không thể phát triển thêm nữa.

26. Quan điểm của bạn về xu hướng phát triển của nghề nghiệp và kỹ thuật?

Gợi ý trả lời: Các nhà tuyển dụng thường rất hứng thú với câu hỏi này, chỉ những ứng viên đã chuẩn bị kỹ càng mới có thể vượt qua, ứng viên có thể lên mạng tìm hiểu những thông tin về nghề nghiệp, bộ phận mà mình ứng tuyển, chỉ có hiểu sâu mới có thể đưa ra đáp án khác biệt. Nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên thông minh sẽ tìm hiểu kỹ về công ty mà mình tham gia phỏng vấn, bao gồm các bộ phận trong công ty, tình hình phát triển. Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn, có thể nhắc đến những tình hình mà mình hiểu, doanh nghiệp chào đón những người "tri kỷ" chứ không phải những "người mù".

27. Kỳ vọng và mục tiêu của bạn đối với công việc?

Gợi ý trả lời: Doanh nghiệp sử dụng câu hỏi này để đánh giá xem ứng viên có một kỳ vọng nhất định với bản thân hay không, có hiểu về công việc này hay không. Với những người có mục tiêu học tập rõ ràng trong công việc, sẽ học nhanh hơn, dễ dàng thích ứng với công việc mới hơn, bạn nên tìm ra một đáp án chính xác dựa vào tính chất của công việc, nếu là công việc liên quan đến kinh doanh có thể trả lời như sau: "Mục tiêu của tôi là trở thành một nhân viên kinh doanh xuất sắc, đem sản phẩm của công ty tiêu thụ rộng rãi ra bên ngoài, đạt được thành tích kinh doanh cao nhất; để đạt được mục tiêu, tôi chắc chắn sẽ cố gắng học hỏi, tôi tin rằng với tinh thần trách nhiệm cao, tôi sẽ đạt được mục tiêu. Với những nghề nghiệp khác, có thể trả lời dựa theo câu trả lời trên, chỉ cần thay đổi một chút về mục tiêu là được.

28. Nói về gia đình bạn?

Gợi ý trả lời: Khi phỏng vấn, doanh nghiệp hỏi câu hỏi này, không phải là buộc phải biết hoàn cảnh gia đình của ứng viên, mà là muốn biết tầm ảnh hưởng của bối cảnh gia đình đối với ứng viên. Trọng tâm mà nhà tuyển dụng cần biết là những ảnh hưởng tích cực của gia đình đối với ứng viên.

Câu trả lời mẫu: Tôi rất yêu gia đình của mình, nhà tôi luôn rất hòa thuận, tuy bố mẹ tôi đều là người bình thường, nhưng ngay từ nhỏ, tôi đã thấy bố tôi thức khuya dậy sớm, mỗi ngày đều làm việc rất cần cù, bố đã bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm và cần cù ở tôi như thế. Mẹ tôi là một người lương thiện, nhiệt tình, mẹ lấy việc giúp đỡ mọi người làm niềm vui, vậy nên ở công ty mọi người đều quý mến mẹ tôi, từng hành động của mẹ đều dạy tôi đạo lý làm người.

29. Bạn cho rằng bản thân có thiếu sót gì khi ứng tuyển vào vị trí này?

Gợi ý trả lời: Nhà tuyển dụng thích hỏi về nhược điểm của ứng viên, những ứng viên sáng suốt thường không trả lời trực tiếp.

Câu trả lời mẫu: Tiếp tục lặp lại ưu thế của mình, sau đó nói: "Về vị trí này và với năng lực của tôi, tôi tin rằng mình có thể làm tốt, chỉ là chưa nhiều kinh nghiệm, sau khi tôi vào công ty làm việc, vấn đề này có thể khắc phục trong thời gian ngắn nhất, tôi có khả năng học hỏi tốt, tôi tin rằng mình nhanh chóng hòa nhập với văn hóa công ty, thích ứng nhanh với công việc.

30. Mẫu người nào thường được bạn đánh giá cao?

Gợi ý trả lời: Người thành thật, không cố chấp, hòa đồng với mọi người. Đưa vào những ví dụ thực tế về người thật việc thật.

31. Với những phê bình của người khác về mình, bạn thường xử lý thế nào?

Gợi ý trả lời: (1) Im lặng là vàng, không cần phải nói gì cả, nếu không tình hình sẽ càng tồi tệ hơn, nhưng tôi sẽ tiếp nhận những lời phê bình mang tính xây dựng. (2) Trước tiên, tôi sẽ đợi mọi người bình tĩnh, sau đó mới tiếp tục thảo luận.

32. Đối mặt thế nào trước thất bại của bản thân?

Gợi ý trả lời: Đại ý: Chúng ta sinh ra vốn không ai hoàn hảo cả, tôi tin rằng mình có cơ hội thứ hai để sửa chữa sai lầm của mình.

33. Điều gì khiến bạn có cảm giác thành tựu?

Gợi ý trả lời: Cống hiến vì công ty, làm hết khả năng của mình, hoàn thành một dự án.

34. Trước mắt, điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn?

Gợi ý trả lời: Với tôi, có thể tìm được một công việc trong lĩnh vực này là quan trọng nhất, có thể vào công ty làm việc, điều đó rất quan trọng với tôi.

35. Tại sao bạn chấp nhận tới công ty chúng tôi làm việc?

Gợi ý trả lời: Với câu hỏi này, bạn cần cực kỳ cẩn thận, nếu bạn đã nghiên cứu về công ty này, bạn có thể trả lời bằng một số nguyên nhân chi tiết.

Câu trả lời mẫu: (1) Công ty vốn khai thác về mảng công nghệ cao, môi trường làm việc hấp dẫn tôi. Tôi và công ty đều được sinh ra trong cùng một thời đại, tôi hy vọng có thể được làm ở một công ty có cùng quá trình trưởng thành với tôi. (2) Công ty luôn phát triển ổn định, trong những năm gần đây, rất có sức cạnh tranh trong thị trường. Tôi tin rằng công ty có thể cho tôi một con đường phát triển khác biệt.

36. Bạn đã từng phát sinh tranh chấp với người khác bao giờ chưa?

Gợi ý trả lời: Đây là một câu hỏi hóc nhất khi phỏng vấn xin việc, thật ra đó là một cái bẫy của nhà tuyển dụng, giải quyết mâu thuẫn thành công là một khả năng cần có khi làm việc trong tập thể. Giả sử bạn làm việc trong ngành dịch vụ, câu hỏi này rõ ràng trở thành một bước quan trọng nhất. Bạn có thể giành được công việc này hay không, sẽ được quyết định bởi đáp án của câu hỏi này. Nhà tuyển dụng muốn thấy được sự chín chắn và sẵn sàng cống hiến ở bạn. Thông qua câu hỏi này, họ muốn hiểu được mức độ chín chắn và khả năng ứng xử của bạn. Dưới tình huống không bị can thiệp bởi yếu tố bên ngoài, giải quyết vấn đề thông qua thỏa hiệp mới là đáp án chính xác.

37. Điều gì bạn từng làm khiến bạn tự hào nhất?

Gợi ý trả lời: Đây là một cơ hội mà nhà tuyển dụng dành cho bạn, để bạn thể hiện khả năng nắm bắt vận mệnh của mình. Điều này sẽ thể hiện khả năng lãnh đạo tiềm ẩn của bạn, và khả năng thăng tiến của bạn. Giả sử bạn ứng tuyển vào một đơn vị làm trong ngành dịch vụ, rất có khả năng bạn được mời đi ăn trưa. Hãy nhớ kỹ: Tương lai của bạn phụ thuộc vào kiến thức, khả năng xã giao của bạn, cũng như các biểu hiện tổng hợp.

38. Với công việc này, bạn cho rằng mình sẽ gặp phải những khó khăn gì?

Gợi ý trả lời: (1) Không trả lời ngay những khó khăn mà mình sẽ gặp phải, nếu không sẽ khiến nhà tuyển dụng hoài nghi ứng viên không đủ năng lực. (2) Có thể thử sử dụng chiến thuật vu hồi, thể hiện rõ thái độ của ứng viên về khó khăn- Gặp chút khó khăn trong công việc là chuyện bình thường, đó cũng là điều ta khó mà tránh khỏi, chỉ cần bản thân có đủ nghị lực chịu đựng không từ bỏ, tinh thần hợp tác tích cực, và sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo trước khi hành động, bất kỳ khó khăn nào cũng có thể vượt qua. (Chiến thuật vu hồi: Đưa lực lượng vào bên sườn hoặc bên hông đối phương để phối hợp với lực lượng tiến công chính diện cùng tiêu diệt đối phương.)

39. Sau khi trúng tuyển, bạn sẽ triển khai công việc như thế nào?

Gợi ý trả lời: (1) Nếu ứng viên không thực hiểu rõ về vị trí mà mình ứng tuyển, tốt nhất không nên nói rõ phương pháp cụ thể để triển khai công việc. (2) Có thể lựa chọn trả lời theo chiến thuật vu hồi, như "Trước hết cần nghe theo chỉ thị và yêu cầu của lãnh đạo, sau đó sẽ tìm hiểu và làm quen với những việc có liên quan, rồi đưa ra kế hoạch làm việc trong tương lai gần, báo cáo với lãnh đạo để lãnh đạo phê duyệt, sau cùng sẽ triển khai công việc theo kế hoạch đã đề ra."

40. Bạn "mong muốn" cùng làm việc với một người cấp trên như thế nào?

Gợi ý trả lời: (1) Thông qua "mong muốn" của ứng viên về cấp trên, có thể phán đoán được ý thức của ứng viên về yêu cầu của bản thân, đây vừa là một cái bẫy, đồng thời cũng là một cơ hội. (2) Tốt nhất bạn hãy tránh nói về những mong muốn cụ thể đối với lãnh đạo, hãy nói nhiều hơn về yêu cầu về bản thân, như "Là một người mới vừa mới bước chân vào xã hội, tôi cần yêu cầu bản thân mình mau chóng làm quen môi trường làm việc, thích ứng nhanh với hoàn cảnh, chứ không nên đưa ra những yêu cầu với hoàn cảnh, chỉ cần phát huy được sở trường của bản thân là được rồi."

41. Bạn thiếu sót kinh nghiệm làm việc, làm sao để làm tốt công việc này?

Gợi ý trả lời: (1) Nếu nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi này với ứng viên mới tốt nghiệp, điều này có nghĩa là nhà tuyển dụng không thực sự quan tâm đến kinh nghiệm làm việc của ứng viên, chủ yếu là xem ứng viên trả lời như thế nào. (2) Về phần trả lời cho câu hỏi này, ứng viên cần thể hiện được những phẩm chất như chân thành, lanh trí, can đảm, và tận tâm với nghề.

Câu trả lời mẫu: Là sinh viên mới tốt nghiệp, thực sự có thiếu sót trên phương diện kinh nghiệm làm việc, vậy nên khi còn đi học, tôi luôn tranh thủ cơ hội để làm các công việc bán thời gian trong lĩnh vực này. Tôi cũng nhận ra rằng, công việc thực tế phong phú và phức tạp hơn, khác xa với kiến thức trong sách vở. Nhưng tôi là một người có ý thức trách nhiệm cao, hơn nữa cũng rất chịu khó, vậy nên luôn làm tốt các yêu cầu của công việc bán thời gian, những công việc đó giúp tôi có được nhiều kinh nghiệm hữu ích. Xin công ty hãy yên tâm, những kiến thức đã học được trong trường và những kinh nghiệm được tích lũy khi làm thêm sẽ giúp tôi làm tốt công việc này.

42. Bạn làm gì để được đồng nghiệp giúp đỡ?

Gợi ý trả lời: Các công ty đều đang trong quá trình thay đổi và phát triển không ngừng, đương nhiên bạn cũng mong nhân viên của mình cũng thế. Bạn mong muốn đạt được điều đó, cũng hoan nghênh mọi người thay đổi, bởi vì họ hiểu rằng, vì sự phát triển của công ty, thay đổi là một phần quan trọng tạo nên cuộc sống hàng ngày của công ty. Những nhân viên như vậy luôn có thể dễ dàng thích ứng với những thay đổi của công ty, cũng sẽ có những hưởng ứng tích cực với sự thay đổi đó.

43. Nếu bạn không được tuyển dụng, bạn có dự định gì?

Câu trả lời mẫu: Xã hội hiện tại là một xã hội cạnh tranh, từ lần phỏng vấn này cũng có thể thấy được điều đó, có cạnh tranh ắt sẽ có cả điểm lợi và điểm bất lợi, có thành công chắc chắn phải có thất bại, sau thành công luôn có rất nhiều khó khăn và thử thách, nếu như lần này thất bại cũng chỉ là một lần thất bại mà thôi, chỉ khi trải qua tích lũy kinh nghiệm phong phú, mới có thể nhào nặn được một con người thành công hoàn toàn, tôi sẽ nêu ra đánh giá thực sự của bản thân về lần thất bại này từ những phương diện dưới đây:

(1) Dám đối mặt, đối mặt với thất bại này không nản lòng, chấp nhận hiện thực mình đã đánh mất cơ hội này rồi, sẽ không quay đầu lại. Cần phải tự tin, tin rằng qua lần thất bại này, chỉ cần bản thân cố gắng nhất định sẽ làm được, có thể vượt qua chính mình. (2) Biết nhìn lại vấn đề, cần tổng kết lại kinh nghiệm phỏng vấn lần này, xem xét và phân tích vấn đề kỹ, tìm ra thiếu sót của bản thân. Đánh giá bản thân chính xác, biết mình có chỗ nào tốt, chỗ nào chưa tốt. (3) Đi ra khỏi cái bóng đó, khắc phục áp lực tâm lý do lần thất bại này đem lại, luôn phải nhớ kỹ nhược điểm của bản thân, đề phòng những việc không mong muốn về sau, tăng cường học tập, nâng cao năng lực của bản thân. (4) Làm việc chăm chỉ, sau khi trở về với vị trí cũ, cần là việc nghiêm túc cần cù tận tâm, "Ba mươi sáu nghề, nghề nào cũng có trạng nguyên, giành những cơ hội để đạt được những thành tích nhất định trong nghề. (5) Tiếp tục nỗ lực không ngừng, sau này nếu còn có cơ hội, tôi vẫn sẽ tham gia cạnh tranh.

44. Việc khiến bạn chán nản nhất?

Gợi ý trả lời: Tôi từng tiếp xúc với một người khách hàng, đã nghe nói người khách này vốn có tiếng kén chọn, vậy nên trước đó đã chuẩn bị rất kỹ càng, cũng đã đầu tư vào đó rất nhiều công sức và thời gian, sau cùng tuy khách hàng không nhận hết hàng theo đơn, nhưng số lượng nhận hàng đã vượt qua dự liệu của bản thân. Vốn tưởng từ đó về sau có thể hợp tác vui vẻ, nhưng lại biết được vì vấn đề kinh phí mà khách hàng đã chọn một đối tác khác, những cố gắng trước đó vì thế mà bị đổ xuống sông xuống bể. Cho dù là thế, từ kinh nghiệm đó tôi cũng đã học được rất nhiều điều, như những hiểu biết đối với nghề này, sự ăn ý của tập thể cũng rất quan trọng.

45. Bạn có bao giờ nghĩ sẽ khởi nghiệp?

Gợi ý trả lời: Câu hỏi này có thể thể hiện được ý chí của bạn, nhưng nếu câu trả lời của bạn là "có", thì cần phải cẩn thận, câu hỏi tiếp theo có thể là: Vậy tại sao bạn không làm thế?

46. Có nhiều ứng viên như vậy, tại sao chúng tôi phải chọn bạn?

Gợi ý trả lời: Đừng quá thổi phồng năng lực của bản thân, hoặc tùy ý đưa ra những lời hứa hẹn quá chi tiết, như tôi sẽ đem đến cho công ty những mối kinh doanh bao nhiêu tiền... Điều này khiến người khác có cảm giác bạn thích nói những lời viển vông, không thực tế.

Câu trả lời mẫu: Theo như hiểu biết của tôi về quý công ty, và những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, và các mối quan hệ của tôi trong nghề này, tôi tin rằng mình là ứng viên mà công ty đang tìm kiếm. Ngoài ra, tôi có khả năng ứng xử và giao tiếp tốt, tin rằng có thể hợp tác vui vẻ với đồng nghiệp.

47. Ngoài công ty chúng tôi, bạn còn ứng tuyển vào công ty nào khác không?

Gợi ý trả lời: Đây là một câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong các buổi phỏng vấn xin việc, mục đích là muốn biết chí hướng cũng như mong muốn nghề nghiệp của ứng viên, vậy nên không nhất thiết phải đưa ra câu trả lời phủ định, cho dù không tiện nói ra tên công ty, cũng có thể trả lời là "Công ty kinh doanh các sản phẩm tương tự", nếu ứng tuyển vào các công ty khác lĩnh vực kinh doanh, sẽ khiến người ta có cảm giác không đáng tin cậy.

48. Bạn không tốt nghiệp từ một ngôi trường danh tiếng?

Câu trả lời mẫu: Có tốt nghiệp từ một ngôi trường danh tiếng hay không không quan trọng, quan trọng là có khả năng hoàn thành công việc mà công ty giao cho tôi, tôi đã được đào tạo chuyên ngành XX, những kỹ năng của tôi hoàn toàn có thể hoàn thành tốt những công việc của công ty, ngoài ra khả năng làm việc thực tiễn của tôi còn vượt xa nhiều sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường danh tiếng, tôi nghĩ tôi sẽ phù hợp với vị trí này hơn.

49. Bạn nhìn nhận thế nào về học lực và năng lực?

Câu trả lời mẫu: Về học lực, tôi nghĩ rằng chỉ cần là tốt nghiệp cử nhân đại học, điều đó đã thể hiện rõ tôi có khả năng học tập cơ bản, còn lại, bạn là cử nhân, hay tiến sĩ, liên quan đến việc thảo luận về điểm này, không phải xem bạn học được bao nhiêu kiến thức, mà là xem bạn phát huy được những gì trong lĩnh vực này, cũng chính là nói về vấn đề năng lực. Khả năng làm việc của một người có tốt hay không quyết định được sự nghiệp của người đó, còn học lực cao hay thấp chỉ là một bước đệm để người đó bước vào nghề nghiệp đó mà thôi, nếu như yêu cầu của công ty là phải có học vị từ tiến sĩ trở lên, vậy thì tôi không thể nào bước chân vào công ty, đương nhiên đây không hẳn là tổn thất của riêng cá nhân tôi, nếu một cử nhân bình thường có thể đảm nhận được công việc đó, thì công ty đâu nhất thiết phải yêu cầu tuyển dụng một tiến sĩ?

50. Bạn hãy nói xem làm sao để thích ứng với một môi trường làm việc mới ở văn phòng?

Câu trả lời mẫu: (1) Mỗi một người trong văn phòng đều có chức vụ và chức trách riêng, không được tự ý rời khỏi vị trí làm việc. (2) Căn cứ vào sự chỉ đạo của cấp trên và sự sắp xếp trong công việc, định ra kế hoạch làm việc, làm tốt công tác chuẩn bị, và hoàn thành công việc theo kế hoạch. (3) Cần báo cáo công việc kịp thời, chỗ nào không rõ cần hỏi cho rõ ràng, làm rõ vấn đề. (4) Tranh thủ thời gian, học hỏi và cố gắng không ngừng, để hoàn thiện trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của bản thân.

51. Khi nào có thể nhận việc?

Gợi ý trả lời: Phần lớn các doanh nghiệp đều quan tâm đến thời gian nhận việc, câu trả lời tốt nhất: "Nếu được tuyển, tôi có thể đến công ty làm việc theo thời gian quy định của công ty", nhưng nếu như bạn vẫn chưa thôi việc ở công ty trước, thời gian làm việc lại quá gần, điều này có thể hơi khó khăn, bởi ít nhất phải cần một tháng để bàn giao công việc, trước hết bạn cần nói rõ nguyên nhân, có thể nhà tuyển dụng sẽ thông cảm.

-Nấm dịch-

Xem thêm:

Chủ đề chính: #mẹo_trả_lời_phỏng_vấn

Bình luận về bài viết này
1 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn