A Hun

6 cách dạy con cách suy nghĩ đúng đắn về tiền bạc

Đăng 7 năm trước

Là cha mẹ, chúng ta nên dạy con cái cách quản lý tiền bạc, nhận thức về lối sống hưởng thụ và quan trọng là làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc mà không phải chi tiêu quá tay.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đề cao tính hưởng thụ.

Chúng ta không ngừng bị dội bom với hàng tá tin nhắn mời gọi chúng ta mua sắm ngay cả khi chúng ta không có nhu cầu.

Bạn cũng biết sẽ chúng ta sẽ ra sao nếu rơi vào cái bẫy chi tiêu nhiều hơn thu. Sẽ còn tệ hơn nếu con cái chúng ta lớn lên nhìn nhận việc chi tiêu như vậy là chuyện hiển nhiên.

Là cha mẹ, chúng ta nên dạy con cái cách quản lý tiền bạc, nhận thức về lối sống hưởng thụ và quan trọng là làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc mà không phải chi tiêu quá tay.

Nếu chúng ta làm được thế, chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các con.

1. Dạy con cách quản lý tiền bạc

Lập ngân sách và quản lý tiền bạc sẽ trở nên phức tạp hơn khi con cái trưởng thành nhưng rốt cuộc nó chỉ dựa trên một nguyên tắc đơn giản:

 Đừng chi nhiều hơn so với những gì làm được.

Khi dạy con về tiền, chúng ta cần dạy con về việc tiết kiệm trong ngắn hạn và dài hạn. Các con nên hiểu nếu chúng tiêu tiền mua kẹo hôm nay, chúng sẽ mất nhiều thời gian hơn nếu muốn đủ tiền mua đồ chơi mới khác. Trong một thế giới mà sự thoả mãn rất dễ dàng, trẻ em thực sự cần nắm được khái niệm tiết kiệm tiền ngay hôm nay để dành cho ngày mai.

Con cái cũng cần được dạy về tiết kiệm để đề phòng các tình huống khẩn cấp. Mặc dù “khẩn cấp” trong vốn từ của trẻ con có thể đồng nghĩa với đồ chơi bị hỏng hay cuốn sách bị rách cần phải sửa, chúng vẫn cần hiểu rằng, trong đa số trường hợp, tiền bạc không phải là một loại hàng hoá – tiền bạc chỉ là sự cần thiết.

2. Dạy trẻ biết sự khác nhau giữa Mong Muốn và Nhu Cầu

Các con cần phải hiểu không nên tiêu tiền bạc bừa bãi vào những gì chúng muốn. Người lớn tiêu hầu hết tiền để đảm bảo họ có một mái ấm để tránh mưa gió, quần áo để mặc và đồ ăn uống – những thứ phục vụ nhu cầu.                                          

Điều này không có nghĩa cha mẹ phải bắt con cái chia sẻ những chi phí trong nhà như hoá đơn tiền điện nhưng chúng cần biết tiền phải được tiêu theo mức độ ưu tiên về sự cần thiết. Chúng cần hiểu sự khác nhau giữa mong muốn và nhu cầu.

Đơn giản như thế này: "Nhu cầu" là thứ bạn phải có nó thì mới tồn tại được, trong khi "mong muốn" là thứ để phục vụ cho nhu cầu giải trí, vui chơi. Không có “mong muốn”thì không ảnh hưởng gì đến việc sinh tồn của bạn. Những đứa trẻ khi lớn lên hiểu được điều này sẽ có xu hướng ít mua sắm bốc đồng và hạn chế vung tay quá trán hơn.

3. Dạy trẻ về tâm lý quảng cáo.

Cha mẹ nên cùng con cái nói chuyện về những quảng cáo thương mại cả nhà thấy trên tivi cũng như trên mạng internet hàng ngày.

Nhiệm vụ của các quảng cáo là khiến khách hàng tiềm năng nghĩ họ có “nhu cầu” về sản phẩm đang được quảng cáo – ngay cả khi điều đó đồng nghĩa phải hy sinh một “nhu cầu” thực tế khác. Một số người trưởng thành sẽ thấy rất khó khăn khi phải chống lại sự mời gọi mua sắm, mua sắm và mua sắm. Những đứa trẻ thiếu hiểu biết về tác dụng tâm lý đằng sau các quảng cáo có xu hướng mua sắm nhiều hơn.

Bằng cách dạy con cái suy nghĩ phản biện về nội dung của các quảng cáo, cha mẹ có thể yên tâm hơn khi chúng sẽ học được cách tiêu tiền thông minh và tránh được những thói quen tai hại.

4. Dạy trẻ về đạo đức công việc

Trẻ con cần được biết về tiền không tự nhiên sinh ra. Tiền không mọc từ trên cây.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đa số trẻ con thường không nhận ra cha mẹ làm việc vất vả thế nào để kiếm sống vì chúng không bao giờ nhìn thấy. Chúng không thấy các hoá đơn điện nước hay tiền học phí mà cha mẹ phải lo lắng hàng tháng. Vì không nhìn thấy, chúng thường nghĩ tiền là một nguồn của cải vô tận.

Chúng ta những người lớn hiểu rằng tiền kiếm được từ những nỗ lực không ngừng nghỉ và làm việc chăm chỉ. Cha mẹ cần truyền cho trẻ ý tưởng đó càng sớm càng tốt khi chúng đủ khôn lớn để dọn dẹp phòng hay là tự dọn giường. Thay vì cho con những khoản tiêu vặt, hãy yêu cầu con lao động và kiếm tiền. Giải thích tụi trẻ có thể kiếm nhiều hơn bằng cách làm nhiều việc hơn để dọn dep nhà cửa – và đồng thời không phải tất cả mọi thứ chúng làm đều giúp chúng kiếm tiền nhiều hơn.

Đó là cách thức thế giới vận hành. Chúng học được điều này càng sớm, tương lai chúng sẽ càng thịnh vượng hơn.

5. Thỉnh thoảng hãy nói KHÔNG

Hãy nhớ: Chúng ta là người lớn.

Bất kể cha mẹ giáo dục các con tốt như thế nào về việc quản lý tiền bạc, sự khác nhau giữa nhu cầu và mong muốn và khả năng kiềm chế các thú vui, chúng thỉnh thoảng vẫn luôn cố gắng khiến bạn phải thoả hiệp nhiều nhất có thể.

Vấn đề ở chỗ khi bạn bắt đầu thoả hiệp, bạn sẽ tiếp tục thoả hiệp. Dần dần bạn sẽ thấy khó khăn khi nói “KHÔNG” với con khi chúng yêu cầu một đồ chơi mới, một món quà mới mà bạn không thể đáp ứng.

Khi đứa trẻ cáu giận, chúng sẽ không muốn nghe lý do. Nếu bạn nói “KHÔNG” và con bắt đầu vùng vằng, bạn sẽ không thể dạy chúng bất kỳ điều gì về quản lý tiền bạc cho đến khi chúng ngoan ngoãn trở lại. Nó sẽ khiến bạn nổi nóng nhưng yên tâm đi, các con cuối cùng cũng sẽ học được những gì mà bạn muốn – dĩ nhiên với điều kiện bạn phải kiên định với những mục tiêu ban đầu của mình.

6. Thường xuyên Tập Luyện những gì bạn muốn dạy con

Cuối cùng, là cha mẹ bạn luôn phải là tấm gương cho các con học tập khi nói về quản lý tiền bạc và lối sống hưởng thụ.

Nếu các con thấy bạn đi đến trung tâm mua sắm mỗi cuối tuần và về nhà với hàng tá quần áo mới, giày mới và các thứ thừa thãi khác, bạn nghĩ chúng sẽ làm gì sau này?

Tất nhiên, bạn làm việc chăm chỉ, vất vả để kiếm tiền thì bạn có quyền đòi hỏi những thứ xứng đáng. Nhưng đừng lẫn lộn giữa xứng đáng với lãng phí vì có những thứ bạn chỉ nhất thời khao khát nhưng không bao giờ sử dụng. Trước khi bạn mua gì, hãy tự hỏi mình sẽ sử dụng chúng như thế nào sau này.

Dạy các con chỉ nên tiêu tiền nếu chúng ý thức sẽ sử dụng thông minh những đồ chúng mua về. Dần dà chúng sẽ học được kinh nghiệm thực tế về những gì chúng đã tiêu pha. Chúng sẽ tránh vung tay quá trán và rơi vào cái bẫy lối sống vật chất, hưởng thụ.

Nguồn: Lifehack.org

(A Hun dịch)

Chủ đề chính: #kiếm_tiền

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn