ngocnungocnu
Tác giả tại Gác sách

6 cuốn sách hay viết về đề tài gia đình mà bạn nên đọc

Đăng 3 năm trước
6 cuốn sách hay viết về đề tài gia đình mà bạn nên đọc

Đối với mỗi chúng ta, gia đình luôn là một chỗ dựa vững chắc. Đặc biệt, tình yêu thương của cha mẹ luôn là điều thiêng liêng nhất trong cả cuộc đời của mỗi người. Sau đây sẽ là những cuốn sách hay về chủ đề tình cảm đầy sâu sắc, cảm động giữa cha mẹ đối với con cái và tình cảm của con cái đối với cha mẹ mà bạn không nên bỏ qua. Hy vọng những câu chuyện này sẽ mang đến cho các bạn những hành trình trải nghiệm đầy yêu thương và cảm xúc về tình cảm gia đình!

1. Mẹ, thơm một cái (Cửu Bả Đao)


"Anh nằm dư một tuần trong bụng mẹ, bởi không chịu rời khỏi mẹ,tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ, bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ

Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào bèn nhảy ra, bởi đã hẹn với mẹ.

Ba anh em, từ trong bụng mẹ, đã yêu thương mẹ theo cách của riêng mình.”

Không cần nhiều lời hoa mỹ, lòng yêu thương mẹ của Cửu Bả Đao đầy ắp những trang anh viết trong giai đoạn bên giường bệnh người mẹ. Tình cảm thiêng liêng đó vốn chẳng riêng ai, thật dễ lan truyền tới mỗi chúng ta, nên mỗi khi mở cuốn sách này ra, tim ta lại rung lên những nhịp xốn xang về Mẹ.

2.  Ba ơi, mình đi đâu? (Jean-Louis Fournier)


Câu hỏi ngỡ như bâng quơ của một đứa trẻ không biết suy nghĩ “Ba ơi, mình đi đâu?” lặp lại như lời chất vấn dai dẳng về ý nghĩa tồn tại của một đời người: chúng ta từ đâu đến? chúng ta làm gì? chúng ta đi về đâu?...Ba Ơi, Mình Đi Đâu? là một cuốn sách dễ dàng khiến người đọc rơi lệ khi đang mỉm cười.

Ngay từ lá thư đầu tiên mở đầu cuốn sách, tác giả không giấu giếm về những điều sắp xảy ra sau đấy. Một cuốn sách viết về hai đứa con trai tật nguyền của ông, Jean-Louis Fournier. Đó là tín hiệu về sự chân thành để giữa bao mối quan tâm bề bộn của cuộc sống này, bạn đọc sẵn lòng bước vào lối mở ấy.

Một ông bố và hai đứa con tật nguyền - hai ngày tận thế, như ông bố ấy tự ví von một cách hài hước những vẫn chẳng thể xóa bỏ nỗi buồn và niềm đau. Cứ như thế, họ hợp thành những nhân vật chính trong cuộc đời mình, tập tễnh lê bước qua từng ngày từng ngày cuộc sống. Mệt mỏi, tiếc nuối, tuyệt vọng quanh quẩn trong từng giây, từng phút mỗi ngày.

Cả Thomas và Mathieu đều không có khả năng nhận biết những gì xung quanh, hoặc có, nhưng chỉ mình các em có thể biết. Chúa tạo ra các em, đáng lẽ là món quà tuyệt vời nhất cho cuộc sống, cho gia đình thì lại biến các em thành sự trừng phạt thảm khốc. Các em không bao giờ có thể đứng thẳng chứ đừng nói chơi thể thao, không nói được chứ đừng nghĩ đến chuyện đến trường học bình thường, không thể suy nghĩ chứ đừng vội bàn đến tư duy hay sáng tạo... Chúa tước đoạt của các em mọi thứ, trừ sự sống.

Ba Ơi, Mình Đi Đâu? thấm đẫm cảm xúc ở mọi cung bậc với tất cả tình yêu thương của một người cha bất kể phải đối mặt với những gì trong cuộc sống. Người cha ấy kiên nhẫn sống từng ngày, kiên nhẫn tìm ra những điều tuyệt vời nhỏ nhoi, kiên nhẫn để cố lãng quên những mệnh đề giả định "Nếu Thomas và Mathieu là những đứa trẻ bình thường...." Sự kiên nhẫn ấy cần đến sức mạnh phi thường mà nếu không đối mặt, không ai có thể hiểu được.


3. HÃY CHĂM SÓC MẸ (Shin Kyung-Sook)


Sẽ không bất ngờ nếu bạn đã đọc xong rồi nhưng vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh người mẹ đi lạc, chân đi dép lê màu xanh, ngón chân bị toạc ra đến nỗi “ruồi bu quanh”.


Tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Hàn Quốc Kyung-sook Shin mở đầu bằng khung cảnh xáo trộn của một gia đình. Mẹ bị lạc khi chuẩn bị bước lên tàu điện ngầm cùng bố ở ga Seoul. Hai ông bà dự định lên đây thăm cậu con cả. Con gái đầu, Chi-hon, là người đứng ra viết thông báo tìm người lạc thay cho cả gia đình. “Ngoại hình: Tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be”. Trong tiềm thức của mình, Chi-hon vẫn nghĩ mẹ là người thường“bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Trong khi đó, những người qua đường đáp lại thông báo tìm người lạc của cô bằng miêu tả về một “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn”. Liệu đó có phải là người mẹ mà cả gia đình cô đang cất công tìm kiếm?

Một ngày, một tuần rồi gần một tháng chầm chậm trôi qua. Người chồng và những đứa con hiện đều đã phương trưởng cả không chỉ lo sốt vó mà còn day dứt tâm can vì cảm giác tội lỗi, và rối bời “trong nỗi hoảng loạn như thể tất cả mọi người đều bị tổn thương ở vùng não”. Họ cũng lấy làm băn khoăn tại sao mẹ không biết hỏi đường về nhà cậu con cả cho đến khi phát hiện ra hai sự thật rằng mẹ không biết chữ và mẹ bệnh ung thư vú khiến đầu óc không được minh mẫn như thường.
Từ đây, những hy vọng tìm lại mẹ càng trở nên mong manh hơn… -

“Cuốn sách của tác giả nổi tiếng nhất Hàn Quốc này có thể làm mọi độc giả phải rơi nước mắt.” - Library Journal
“Cảm động và ám ảnh.” - Newsday
“Phần là câu chuyện về sự chuyển dịch của xã hội Hàn Quốc từ nông thôn ra thành thị, phần là khúc ca về sức mạnh của mối ràng buộc gia đình được hình thành từ sự quên mình của người phụ nữ; đây là một tác phẩm vô cùng cảm động.” - Kirkus Reviews
“Nao lòng… Thấm thía… Người đọc sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong câu chuyện về gia đình bán chạy nhất Hàn Quốc từ trước tới nay này.” - Publishers Weekly

 4. Con đến như một phép màu (Lê Hữu Nam)


“Ba viết những dòng thư này cho những ngày con lớn lên, cho những gì con thiếu vắng bên cuộc đời con. Là sự thật, nỗi buồn, điều oan trái, tình yêu thương, sự gửi gắm và cả niềm hy vọng trong những ngay mà ba phải sống xa con biền biệt. Mong con luôn hạnh phúc và hãy nhớ ba yêu con trong từng hơi thở...!”“Con đến như một phép màu là dòng nhựa mỏng tràn đầy sức sống. Chồi non cứ phún xanh. Nắng dội, mưa dầm nó quẹo xuống tàn lụi. Nhưng sau đó nó tủa chi chít chồi mới, sẵn sàng phủ xanh lên mọi cỗi cằn. Một quyển nhật ký hay những trang thư cho con mang hơi hớm tiểu thuyết. Trong đây nhân vật chính diện không phải chiến đấu với nhân vật phản diện mà là chiến đấu cùng nỗi nhớ và căn bệnh tim bẩm sinh đột biến vô chừng.

Lê Hữu Nam gần như vô vọng ngày gặp lại con vì bệnh cứ luôn chực đến, chực kéo anh khỏi thế gian mà tin tức con cứ bằn bặt. Anh chiến đấu với cái tên “nỗi nhớ” bằng tất cả sức lực mong manh của mình. Nhìn cách anh cười, cách anh nghĩ về những hoạt động giúp đỡ trẻ khuyết tật hay viết về con đường bảo vệ môi trường chung cho trái đất, ta cứ tưởng anh rất may mắn, rất sung sướng. Có lẽ anh đang tự hào vì luôn tin đây là món quà anh có thể gởi lại cho con và nó sẽ vô cùng hạnh phúc vì đã được chào đời trên thế giới đầy yêu thương này.” (Võ Diệu Thanh)


5. Một Ngày Của Bố (Thụ Nho - Thái Mỹ Phương)


Độc đáo về ý tưởng, phá cách về minh họa và trình bày, cuốn sách này là một ấn phẩm độc đáo, nhiều tầng ý nghĩa về gia đình

Đây là câu chuyện về ông bố bình thường ấy, dù có nhiều cảnh tượng khác biệt, nhưng hầu như vẫn là một ngày dài dằng dặc…”

Đưa con đến nơi tới chốn rồi, sau đó bố mẹ mới làm tới việc của mình: đi ăn một bát phở, một tô miến, một bát cháo, rồi sau thì đến cơ quan, cống hiến hoặc phung phí tám giờ hoặc vàng ngọc hoặc cám bã của ngày.


Trong bề bộn khói bụi và nỗi mệt nhọc nơi những cơn tắc đường, kẹt xe, người bố và người mẹ của thời hiện tại vẫn tận tụy sớm hôm đưa đón lũ trẻ tới lớp, về nhà, đi học thêm. Dẫu trời mưa cũng như trời nắng, đông cũng như hè, đường tắc cũng như thông, đi thảnh thơi hay phải phóng lên hè…

Bọn trẻ vẫn phải được đưa đến trường! Bởi chúng là tương lai, là cái neo của số phận. Và do đó, mẹ hoặc bố vẫn sẵn sàng lên đường! Trong Hạnh phúc và Trách nhiệm! Một nghìn lần!

Trong câu chuyện này, dù nhân vật là người Bố, nhưng có Bố nào mà thiếu được Mẹ! Vì thế, Bố cũng là Mẹ nữa! Vả lại, trong mắt của đứa con, ngày của bố cũng là ngày của mẹ!

Đây là một câu chuyện giản dị, nhưng nó xứng đáng được kể ra, bằng cách này hay cách khác.

Một câu chuyện hàm chứa nhiều tầng ẩn dụ, như mọi câu chuyện ngụ ngôn mà cha mẹ thường kể cho các con nghe. Mỗi người sẽ tìm thấy ở đây những tầng ý nghĩa riêng. Người tất tả kiếm đồng tiền vun vén cho gia đình thấy nỗi nhọc nhằn cay cay đọng nơi khóe mắt. Người khổ đau vì giao thông Việt Nam đương đại thấy tiếng thở dài khe khẽ. Người phụ nữ đã có gia đình thoáng giật thột thấy hình bóng người chồng mình hay bỏ quên. Người con gái còn son rỗi thấy một chút hiện thực.


Nhưng có một điều ăm ắp nhất mà ai cũng thấy, cũng cảm nhận được: Tình Yêu Thương giữa những thành viên trong gia đình. Nó càng đặc biệt khi được kể từ góc độ của một thành viên xưa nay thường khá kiệm lời và ít thể hiện tình cảm hơn: Người Cha.
Bao năm qua, ở Việt Nam, thể loại picture book (sách tranh truyện) hầu như vẫn ở giai đoạn sơ khai, không có bước tiến nào đáng kể, ngoại trừ một vài bộ sách tranh cổ tích do một hai đơn vị xuất bản đầu tư. Trong khi đó, sách tranh là một thể loại sách quan trọng ở hầu hết các nền xuất bản khác, ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí cả Thái Lan… Trong điều kiện ấy, Một ngày của bố có thể coi như một nỗ lực đáng trân trọng và ghi nhận của ê-kíp làm sách. Thoát ra khỏi những khuôn mẫu sáo rỗng bó hẹp về đề tài, cuốn sách đã đạt tới một trình độ cao về chất lượng tranh truyện, kể một câu chuyện hiện đại, thấm đẫm tính thời sự, mà vẫn giàu suy tưởng và hàm chứa nụ cười hài hước. Phần minh họa của họa sĩ Thái Mỹ Phương, được đầu tư hơn một năm trời để làm phác thảo và vẽ…. cũng đã vượt ra khỏi vẻ “thật thà” thường thấy trong sách tranh truyện, gợi nhiều liên tưởng hơn, kích thích trí tưởng tượng bay xa hơn.

6. Điều kì diệu ở phòng giam số 7 (Park Lee Jeong, Han Gyn ) 

Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 kể về Yong Gu, một người cha bị thiểu năng trí tuệ, hầu như không có gì trong tay ngoài tình yêu vô bờ bến dành cho cô con gái Je Sung. Chỉ vì muốn mua cho con gái chiếc cặp Thủy thủ Mặt Trăng mà Yong Gu bị đổ oan tội giết người, cưỡng dâm trẻ em và bị vào tù cùng án tử hình.

Và tại không gian chật hẹp của phòng giam số 7 ở nhà tù mà Yong Gu bị tống giam, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Ban đầu là nhờ sự trợ giúp của các bạn tù, con gái Je Sung của Yong Gu đã được bí mật đưa vào thăm bố. Nhưng sự việc nhanh chóng bị phát giác bởi sở trưởng trại giam nọ - người ngay từ đầu đã có ác cảm với Yong Gu sau khi biết anh phạm tội giết người, cưỡng dâm trẻ em.

Tuy nhiên, vị trại trưởng, trong quá trình điều tra phát hiện ra Yong Gu bị oan, đã bất chấp mọi quy định của trại giam để đưa cô con gái Je Sung của Yong Gu hàng ngày vào thăm và thậm chí sống với bố trong trại giam, đồng thời nhận Je Sung làm con nuôi. Vậy là từ ngày có Je Sung, phòng giam số 7, từ một nơi chỉ có sự tuyệt vọng và nỗi giày vò, trở nên đầy ắp tiếng cười, khi người với người xích lại gần nhau hơn.

Chỉ tiếc là câu chuyện cổ tích ở trại giam lại không kéo dài khi ngày xét xử Yong Gu cuối cùng cũng đến. Mặc dù được sự hậu thuẫn và yêu thương của tất cả những người ở trại giam nhưng cuối cùng, tình yêu thương vẫn không đủ để thắng được sự bất công và lộng quyền của những người nắm cán cân luật pháp...

Tổng hợp

Chủ đề chính: #sách_hay

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn