Adonis Nguyễn Thanh Thông tin cá nhân sơ lược: • Họ và tên: Nguyễn Thanh • Ngày sinh: 06 tháng 08 • Quê quán: An Giang • Trình độ học vấn: Đại học - chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh - năm tốt nghiệp: 2010 • Nghề nghiệp: biên dịch viên tự do • Sở thích: đọc sách báo, nghiên cứu, dịch thuật, nghe nhạc nhẹ, xem bóng đá,… • Facebook: Adonis Nguyễn Thanh • Zalo: Nguyễn Thanh

6 loài chim nguy hiểm nhất thế giới

Đăng 5 năm trước

Bảo vệ lãnh thổ và con non khỏi những kẻ săn mồi luôn là ưu tiên hàng đầu của nhiều loài chim. Ngay cả những con chim nhỏ nhất cũng sẽ bất ngờ đáp trả trước các mối đe dọa. Danh sách dưới đây là một bộ album nhỏ tập hợp “chân dung” nổi bật của một số loài chim nguy hiểm nhất thế giới.

Hồi năm 1963 đạo diễn Alfred Hitchcock có cho công chiếu bộ phim The Birds (tạm dịch: “Đàn chim dữ”), một trong những phim kinh dị mang đậm tính biểu tượng nhất của ông. Khán giả chứng kiến trong phim những đợt “càn quét” được châm ngòi từ lũ chim chóc, những sinh vật sống lay lắt và chẳng đáng quan tâm trong đời sống thường nhật của chúng ta, khi chúng đột nhiên “nổi dậy” tấn công một thị trấn nhỏ ven biển ở California. Bộ phim lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật xảy ra vào năm 1961: cuộc tấn công của những con hải âu bồ hóng ở thành phố Capitola, California. Vụ việc có liên quan đến tình trạng ngộ độc tảo cát của những con cá trống vốn là mồi của hải âu. Những con chim này đã đâm đầu vào nóc nhà còn xác của chúng thì được tìm thấy trên đường phố và khắp thị trấn.

Những bộ phim khai thác quyền năng của giới tự nhiên như The Birds (1963) hay The Happening (2008, tựa tiếng Việt là “Thảm họa toàn cầu”) đột nhiên trở thành tác phẩm gây tranh cãi trong rạp chiếu phim suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, viễn cảnh một ai đó bị thương vong do loài chim dữ gây ra không phải chỉ có trên màn ảnh rộng. Bảo vệ lãnh thổ và con non khỏi những kẻ săn mồi luôn là ưu tiên hàng đầu của nhiều loài chim. Ngay cả những con chim nhỏ nhất cũng sẽ bất ngờ đáp trả trước các mối đe dọa. Danh sách dưới đây là một bộ album nhỏ tập hợp “chân dung” nổi bật của một số loài chim nguy hiểm nhất thế giới.

1. Đà điểu đầu mào phương nam hay Đà điểu đầu mào hai yếm (Cassowary)

Đà điểu đầu mào phương nam là thành viên của họ đà điểu châu Úc (Casuariidae), thuộc bộ Casuariiformes, bao gồm cả chim Êmu (sẽ mô tả sau). Mỗi loài trong số ba loài (một số chuyên gia tính là sáu) đều có nhiều chủng loại, có môi trường sống trải rộng ở một số vùng của Úc và New Guinea. Nó được cho là hung thủ gây ra cái chết của con người bằng những cú “tung cước” ác liệt và hết sức nguy hiểm - phần trong cùng của ba ngón chân của nó có “trang bị” một cái móng dài như dao găm! Loài này chạy rất nhanh dọc theo các ngỏ hẹp trong bụi rậm - tốc độ chạy nước rút của nó lên đến 50 km/giờ!

Giống đà điểu này rất tò mò, thỉnh thoảng chúng tấn công nhưng các cuộc tấn công người là tương đối hiếm. Những cuộc tấn công với mật độ dày đặc có liên quan đến việc chúng xin thức ăn từ con người. Một trong những sự cố xảy ra gần đây nhất là vào năm 2012, khi một du khách ở Queensland (Úc) bị một con đà điểu đá vào lưng khiến cho ông này văng ra khỏi vách đá và rơi xuống một vùng nước nhưng may là không hề hấn gì. Một trong những vụ tấn công nổi tiếng nhất (cũng là vụ duy nhất được xác nhận có người chết) xảy ra vào năm 1926: một thành viên của nhóm thiếu niên nọ đang săn bắt đà điểu đầu mào thì bị loài chim này giết chết - khi cậu bé đang đứng trên bãi đất thì bị nó nhảy lên mình. Chiếc móng chân dài của con chim đã chém vào tĩnh mạch cảnh (1) của cậu bé xấu số.

2. Đà điểu châu Phi (Struthio camelus)

Loài chim không biết bay này chỉ được tìm thấy ở các lãnh thổ mở (2) thuộc châu Phi. Những con lớn nhất là con đực trưởng thành: cao 2,75 m (chiều dài cổ chiếm gần một nửa chiều cao), nặng hơn 150 kg. Tùy theo mùa mà chúng đi riêng lẻ, theo cặp, theo từng đàn nhỏ hoặc những bầy lớn. Để trốn tránh kẻ thù - chủ yếu là con người và những động vật ăn thịt lớn hơn, đà điểu dựa vào đôi chân mạnh mẽ của nó (gồm hai ngón chân độc nhất vô nhị, ngón chủ lực phát triển gần như một móng guốc). Khi sợ hãi, đà điểu có thể chạy với tốc độ 72,5 km/giờ. Nếu bị dồn vào đường cùng, nó có thể tung ra những cú đá nguy hiểm có khả năng giết chết loài thú săn mồi cỡ lớn (chẳng hạn như sư tử). Hầu hết các cuộc tấn công con người là do chúng bị khiêu khích còn những “ca” tử vong do các cú đá và chém là rất hiếm.

Một trong những câu chuyện đà điểu tấn công đáng chú ý nhất có liên quan đến nhạc sĩ người Mỹ Johnny Cash – ông này trông nom một công viên động vật kỳ lạ với những con đà điểu là tài sản của mình. Khi đi dạo trong rừng vào năm 1981, Cash đã nhiều lần “chạm trán” một con đà điểu đực hung dữ. Lần nọ, Cash vung lắc một cây gậy có chiều dài hơn 1,8 m trước mặt con chim này, nó đã né đòn và “tung cước” vào ông. Cash nhận thấy cú đá giáng vào bụng mình và nếu không nhờ cái khóa thắt lưng kiên cố, ông nói rằng móng vuốt của con đà điểu rất có thể đã mổ bụng và cướp đi sinh mạng của mình!

3. Chim Êmu (Dromaius [hoặc Dromiceius] novaehollandiae)

Chim Êmu thường, loài sống sót duy nhất trong số nhiều loài cùng họ bị những người định cư tiêu diệt, có thân hình mập mạp và đôi chân dài giống như họ hàng của nó – loài đà điểu đầu mào châu Úc. Nó có thể chạy với tốc độ gần 50 km/giờ; nếu bị dồn vào đường cùng, nó sẽ đá đối phương bằng cái chân có ba ngón to lớn. Giống như loài đà điểu đầu mào châu Úc và đà điểu châu Phi, móng vuốt của chim Êmu trong điều kiện thích hợp có khả năng moi ruột con vật; tuy nhiên, hiếm khi chúng gây ra cái chết cho con người. Báo cáo về những lần chim Êmu tấn công và gây ra hàng loạt vụ thương tích ở Úc, trong các công viên động vật hoang dã, trang trại chim Êmu và vườn thú trên khắp thế giới không phải là hiếm - chỉ trong năm 2009 thôi đã có 100 vụ.

4. Kền kền râu (Lammergeier/ Gypaetus barbatus)

Chúng là loài kền kền Cựu thế giới có kích thước lớn giống như đại bàng, thuộc họ Ưng (Accipitridae). Cơ thể chúng dài hơn 1 m, với sải cánh dài gần 3 m. Loài chim này cư trú ở các vùng núi từ Trung Á và Đông Phi đến Tây Ban Nha. “Bữa ăn tối” của chúng là xác động vật thối rữa, đặc biệt là xương. Chúng thả xương rơi từ độ cao 80 m xuống những tảng đá phẳng bên dưới để cho xương nứt ra, khi đó chúng có thể “thưởng thức” phần tủy. 

Hiếm khi chúng tấn công người, có chăng chỉ là giai thoại: người ta kể rằng kịch tác gia Hy Lạp cổ đại Aeschylus đã chết tại Gela (bờ biển phía nam đảo Sicily) khi một con kền kền râu thả một con rùa lên cái đầu hói của ông ta vì nhầm nó với một… hòn đá. Mặc dù Aeschylus bỏ mạng tại Gela, các chuyên gia tin rằng câu chuyện mô tả nguyên nhân gây nên cái chết kỳ lạ của ông là do một nhà soạn kịch hậu bối có khiếu hài hước thêu dệt nên.

5. Cú sừng (Bubo virginianus)

Nhiều loài cú đã bị cáo buộc là những kẻ tấn công con người khi chúng bảo vệ con non, bạn tình hoặc lãnh thổ của chúng. Mục tiêu của chúng thường là người chạy bộ và người đi bộ không mấy khả nghi. Thường thì nạn nhân trốn thoát mà không bị thương, còn trường hợp tử vong do bị cú tấn công là cực kỳ hiếm. Cụ thể, những con cú sừng và loài cú lông sọc (sẽ mô tả sau) đã gây “ấn tượng” từ các cuộc tấn công nổi tiếng của chúng.Vào năm 2012, những người trong công viên ở khu vực Seattle kể lại rằng họ đã bị một con cú lớn có sừng từ trên cây sà xuống tấn công họ. 

Vào năm 2015, một cuộc “không kích” tương tự đã xảy ra ở thành phố Salem (Oregon) khi một con cú sừng liên tục mổ lên đầu một người đang chạy bộ, người này sau đó đã chạy và trốn thoát. Chiều dài cơ thể của những tay săn mồi dũng mãnh này là hơn 0,6 m, sải cánh lên tới 2 m. “Địa bàn” của chúng là khắp châu Mỹ, “thực đơn” của chúng thường bao gồm động vật gặm nhấm và chim cỡ nhỏ nhưng đôi khi chúng cũng thay đổi “khẩu vị” bằng nhữngcon mồi lớn hơn. Móng vuốt của loài này có lực bám có khi lên đến 500 psi (tương đương với cú cắn của một con chó bảo vệ lớn, đủ sức gây “tàn phế võ công”, mù lòa, thậm chí tử vong). Giống như hầu hết các loài cú, chúng có xu hướng ra đòn tập trung vào mặt và đầu đối thủ trong các trận chiến với những loài động vật lớn hơn.

6. Cú lông sọc (Strix varia)

Môi trường sống của cú lông sọc bao gồm phần lớn miền đông Hoa Kỳ và đông nam Canada. Loài này nhỏ hơn những con cú sừng loại lớn. Chúng nặng từ 0,6-0,8 kg với sải cánh khoảng 1,1 m. Báo cáo cho thấy loài cú này đã nhiều lần tấn công người đi bộ từ Texas đến British Columbia. Cú lông sọc được cho là đã tham gia vào một vụ án mạng kỳ lạ gây xôn xao dư luận ở Bắc Carolina hồi năm 2003 (3).

Chú thích:

(1) Tĩnh mạch cảnh là một tĩnh mạch trong đôi tĩnh mạch ở cổ có nhiệm vụ nhận máu từ đầu và cổ để đưa về tim. Mỗi tĩnh mạch gồm nhánh ngoài và nhánh trong. Tĩnh mạch cảnh tập trung máu tĩnh mạch từ đầu và cổ, nhập với các tĩnh mạch dưới đòn rồi đổ vào tĩnh mạch chủ trước. 

(2) Lãnh thổ mở là tên gọi để chỉ một số vùng đất không bị rừng rậm bao phủ, hoặc có ít cây cối, là nơi có ít người cư trú. 

(3) Vào tháng 10/2003, nhà văn người Mỹ Michael Peterson đã bị tuyên án tù chung thân về tội giết vợ. Một luật sư người Mỹ và một nhà báo người Pháp đã kiên trì điều tra về vụ án và đã tìm ra chứng cứ nhằm chứng minh rằng thủ phạm giết người không phải là Peterson mà là một con cú mèo. Chi tiết: antg.cand.com.vn

Về tác giả:

John P. Rafferty có bằng Thạc sĩ ngành Khoa học và chính sách môi trường của Đại học Wisconsin-Green Bay (1995) và bằng Cử nhân Khoa học môi trường của Đại học St.Norbert (1992). Trước đây ông là giáo sư ngành Sinh học của Đại học Lewis - nơi ông dạy các môn Sinh vật học, Khoa học môi trường, Sinh thái học và Khoa học Trái đất. Ông cũng từng giữ các vị trí giảng dạy tại Đại học Roosevelt và Đại học Illinois ở Urbana-Champaign – nơi ông nhận bằng Tiến sĩ ngành Địa lý.

Người dịch: Adonis Nguyễn Thanh

Nguồn: britannica.com

Chủ đề chính: #động_vật

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn