Nguyễn Doãn Huân Kinh Doanh Đồ Thờ Bằng Gỗ! Tâm Bình An! Tánh Xởi Lởi!

7 Bệnh Lý - Tai Biến Nguy Hiểm Khi Có Thai Và Cách Dự Phòng!

Đăng 5 năm trước

Việc phát hiện sớm các bệnh lý và tai biến nguy hiểm để có hướng xử lý kịp thời là vô cùng quan trọng. Sau đây là 7 bệnh lý - tai biến nguy hiểm khi có thai, phụ nữ đang có ý định mang thai nên đọc để nắm được bản chất, nguyên nhân, các nguy cơ tiềm ẩn và cách phòng ngừa.

7 Bệnh Lý - Tai Biến Nguy Hiểm Phụ Nữ Nên Nắm Được Nguyên Nhân

A. 7 Bệnh lý - tai biến: 

1. Chửa trứng     

      Chửa trứng (còn gọi là thai trứng) là một loại thai nghén bệnh lý ở 3 tháng đầu của thời kỳ thai nghén, trong đó các gai rau thoái hóa không phát triển được thành các gai rau bình thường, mà biến thành các bọng nước (hay nang nước) phát triển rất nhanh, cái nhỏ, cái to dính với nhau như những chùm nho.    

      Chửa trứng hay gặp ở những thai phụ còn quá trẻ (dưới 20 tuổi) hoặc đã nhiều tuổi (trên 40 tuổi). Điều đáng lo ngại nhất của chửa trứng là có tỷ lệ biến thành ung thư tế bào nuôi rất cao (20%) (thường gọi là ung thư rau).    

      Nguyên nhân của chửa trứng hiện nay được biết là kết quả của sự thu tinh giữa tinh trùng và một noãn bất thường tạo nên.    

      Chửa trứng là tình trạng thai bệnh lý, không thể tồn tại được mà chắc chắn sẽ kết thúc bằng tình trạng sảy. Diễn biến của sảy thai trứng cũng giống như sảy thai thường, nhưng thai phụ bị mất nhiều máu hơn, quá trình sảy kéo dài, chất sẩy ra không phải là thai nhi và rau thai mà là các nang trứng. 

 2. Chửa ngoài dạ con (chửa ngoài tử cung, thai ngoài tử cung).  

     Chửa ngoài tử cung là trường hợp trứng sau khi thụ tinh không di chuyển đi vào làm tổ trong tử cung, mà lại làm tổ ở một nơi khác ngoài buồng tử cung (vì thế còn gọi là thai nghén lạc chỗ).    

      Chửa ngoài tử cung có thể làm tổ ở các bộ phận sau đây: tại ống dẫn trứng (hay gặp nhất), tại buồng trứng (ít gặp hơn), trong ổ bụng (rất hiếm gặp), tại ống cổ tử cung (rất hiếm gặp nhưng nếu bị thì rất nguy hiểm).      

     Nguyên nhân chủ yếu: viêm nhiễm đường sinh dục, ống dẫn trứng bị dị dạng, do sự phát triển bất thường của trứng.

 3. Thai chết lưu (thai chết trong tử cung).    

     Thai chết trong tử cung là những trường hợp thai chết khi tuổi thai từ 22 tuần trở lên, nằm lại trong tử cung ít nhất là 48 giờ trước khi chuyển dạ.     

      Nguyên nhân: mẹ bị các bệnh huyết áp cao, tiền sản giật, sản giật, tiểu đường, bệnh thận, các nhiễm khuẩn nặng, tử cung dị dạng; thai bị rối loạn nhiễm sắc thể hoặc rối loạn về gen, thai dị dạng, bất đồng nhóm máu mẹ - con, thai suy dinh dưỡng, thai quá ngày sinh; dây rau bị xoắn hay thắt nút, dây rau quấn quanh cổ chặt nhiều vòng làm ngừng trệ tuần hoàn rau thai, dây rau ngắn, bánh rau bị nhồi máu, bị xơ hóa nặng, trường hợp đa ối hay thiểu ối. 

  4. Rau tiền đạo.   

      Rau tiền đạo là trường hợp bánh rau không bám ở đáy tử cung như bình thường, mà bám lan xuống dưới, có thể che lấp một phần hoặc toàn bộ lỗ trong cổ tử cung, trở thành vật cản trên đường ra của thai nhi.    

       Nguyên nhân: thực sự chưa biết rõ, nhưng thường xảy ra ở nhóm thai phụ lần đẻ trước đã bị rau tiền đạo, có sẹo mổ cũ ở tử cung, đã sảy nạo thai nhiều lần, có tiền sử viêm nhiễm niêm mạc tử cung. Có thể những nguyên nhân này làm cho niêm mạc tử cung ít nhiều bị tổn thương, khiến phôi không thể làm tổ được ở đáy tử cung mà chuyển xuống phần thấp hơn để làm tổ. Rau tiền đạo cũng hay gặp ở những người chửa nhiều thau vì bánh rau quá to nên lan xuống đoạn dưới.   

       Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ ra chỉ định mổ lấy thai hay được theo dõi đẻ đường dưới. 

 5. Rau bong non    

      Rau bong non là trường hợp rau bám đúng vị trí, nhưng đã bong một hay nhiều phần của bánh rau, khi thai còn nằm trong tử cung. Đây là một cấp cứu trong sản khoa, khi ở thể nặng, có thể làm chết cả mẹ lẫn con.    

       Nguyên nhân: rau bong non do chấn thương trực tiếp vào bụng thai phụ gây chảy máu ở bánh rau và gây máu tụ sau rau, làm cho bong rau; rau bong non do bệnh lý thường gặp ở những thai phụ có hội chứng tiền sản giật nặng. 

 6. Dọa vỡ và vỡ dạ con (dọa vỡ và vỡ tử cung).

      Dọa vỡ tử cung là một dấu hiệu lâm sàng sắp dẫn tới vỡ tử cung. Nếu phát hiện sớm và xử trí kịp thời giai đoạn vỡ tử cung có thể phòng ngừa được vỡ tử cung.    

       Vỡ tử cung là một tai biến có thể xảy ra trong chuyển dạ, biểu hiện bằng tử cung bị vỡ, thai có thể bị đẩy vào trong ổ bụng một phần hay toàn bộ thai và rau, tùy theo chỗ vỡ to hay nhỏ, gây tử vong cao.   

       Vỡ tử cung có thể xảy ra ở nửa cuối thời kỳ thai nghén, thường ở những tử cung có sẹo mổ cũ, trường hợp này không có dấu hiệu dọa vỡ.  

        Nguyên nhân: từ phía mẹ, do khung chậu hẹp hay bất thường làm thai không lọt được, tử cung bị tổn thương do đẻ nhiều lần hay có sẹo mổ cũ, do khối u tiền đạo; từ phía thai nhi, thai to bất xứng, ngôi thai bất thường; do can thiệp của cán bộ y tế không đúng cách.      

7. Nhiễm độc thai nghén (cao huyết áp, tiền sản giật và sản giật do thai nghén)    

        Khi mang thai, cơ thể bà mẹ có thể xuất hiện một số hội chứng bệnh lý chỉ khi có thai mới có; sau khi thai nghén kết thúc các hội chứng đó cũng mất dần đi (trừ số ít do biến chứng). Các hội chứng này trước đây gọi là "nhiễm độc thai nghén", ngày nay được gọi là: cao huyết áp, tiền sản giật và sản giật do thai nghén.   

        Khi mang thai những tháng cuối, nếu thai phụ bị tăng huyết áp kèm theo nước tiểu có protein hoặc phù hoặc kèm theo cả hai thì gọi là hội chứng tiền sản giật.    

       Sản giật là giai đoạn cuối của bệnh, sản phụ bị tiền sản giật nặng, lên cơn sản giật.   

        Sản giật hay gặp ở những sản phụ sinh con so hoặc còn quá trẻ (dưới 18 tuổi), thai phụ chửa nhiều thai, đa ối, những người bị cao huyết áp mãn tính, bệnh thận, tiểu đường, béo phì, hoàn cảnh sinh sống của thai phụ khó khăn, lao động vất vả.  

B. Dự Phòng Các Bệnh Lý Và Tai Biến:

      Các thai phụ nên đi khám thai định kỳ, để được siêu âm, kiểm tra huyết áp, thử nước tiểu, kiểm tra máu; nhờ đó các tình trạng bất thường của thai phụ sẽ được phát hiện, được theo dõi và điều trị kịp thời, hạn chế tỷ lệ tử vong (mẹ và con), giảm tỷ lệ bệnh nặng, các tai biến và di chứng để lại suốt đời cho thai phụ.      

     Những thai phụ có thai mà tử cung có vết mổ cũ phải đăng ký quản lý thai nghén ở cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật. Tháng cuối thời kỳ thai nghén nên vào viện trước ngày dự kiến đẻ khoảng 2 tuần, đặc biệt khi vết mổ tử cung cũ dưới 24 tháng.   

     Khi có dấu hiệu bất thường, thai phụ cần gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn cách xử lý tại nhà, sau đó nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra. Các bất thường như: đau tức bụng, ra huyết, chảy dịch, bé ít máy, ít đạp hơn bình thường hoặc ngược lại đạp quá nhiều,...  

    Chúc các bạn có một thai kỳ khoẻ mạnh và thành công! 

Doãn Huân

Theo: SỨC KHOẺ SINH SẢN

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn