HadesCass

7 bước để bạn sở hữu trí nhớ của một thiên tài

Đăng 6 năm trước

Bạn thường xuyên vất vả, mệt mỏi vì chứng nhớ nhớ quên quên của mình? Bạn cảm thấy mình học điều gì cũng không thể nhớ lâu được? Hay chỉ đơn giản là bạn thấy óc phân tích, khả năng phán đoán, kết luận vấn đề của mình không nhanh nhạy? Nếu bạn gặp phải ba vấn đề trên thì bài viết này hoàn toàn hữu ích đối với bạn. Áp dụng tuần tự từng bước bạn sẽ có trí nhớ của một thiên tài. Bởi thực chất, thiên tài chỉ là sự cố gắng lâu ngày có phương pháp mà thôi.

1. Quan sát thật kĩ.

Khi muốn tìm hiểu về vấn đề gì, việc đầu tiên mà bạn phải làm là tiếp cận vấn đề. Nếu vấn đề đó tồn tại ở dạng thể chất thì bạn cần quan sát nó thật kĩ, tìm ra từng chi tiết, đặc điểm nhỏ nhất của nó.

Giống như nhà họa sĩ, học có khả năng chụp hình bằng mắt, từng chi tiết chỉ thoáng qua thôi nhưng cũng đã được ăn sâu vào tâm trí họ.

Còn nếu vấn đề đặt ra là phi vật thể, bạn vẫn phải quan sát nó, nhưng đó là sự quan sát của tâm thức mọi thứ được hình thành và diễn ra trong suy nghĩ của bạn.

Như vậy, quan sát sẽ giúp cho bạn muốn nhớ được rõ ràng, không sót một đại khái nào hay một chi tiết nào.

2. Tập trung tinh thần.

Quan sát là điều quan trọng, tuy nhiên bạn sẽ chẳng nhớ được bất cứ thứ gì nếu không tập trung vào nó và chỉ mình nó trong khoảng thời gian nhất định. Thực ra, thiên tài cũng là người bình thường nhưng họ lại có sự chú ý tập trung khác thường.

Để quan sát cũng như tập trung vào nó bạn cần phải lập ra một bảng liệt kê những phương diện mà mình cần tập trung và phương diện mà chỉ cần lướt qua ở một vấn đề.

 Đây là một trong những cách thức hay được sử dụng nhất của những vĩ nhân trong lịch sử, như: Napoleon, Sherlock Home,... 

3. Tìm ra lợi ích.

Thật khó để quan tâm đến điều gì nếu như đó là thứ mà ta không thích hay ta không thể tìm  thấy ở nó chút lợi ích gì. Sự thật là những gì mà bạn thích thì bạn sẽ tìm sâu sắc và nhớ rất lâu. Vậy còn thứ mà bạn không thích nhưng vẫn cần nhớ thì sao?

Thay vì càn nhằn mất thời gian, bạn hãy cố gắng tìm ra lợi ích của nó để có động lực tìm hiểu và ghi nhớ: lợi ích mà nó đối với bạn ra sao, có ích cho vật chất hay tinh thần thế nào? Chắn chắn bạn sẽ thích mà thôi.

4. Tìm đồng dị.

Để nhớ điều gì một cách sâu sắc cũng như toàn diện nhất,  bạn cần so sánh nó với cái quan niệm lý  tưởng của mình. Từ đó mà tìm ra những điểm tương đồng hay khác giữa thế giới nội tại và xung quanh. 

Thực chất, đây là cách  diễn đạt đơn giản của khả năng đồng hóa tri thức của mỗi người. Căn cứ vào nguyên tắc này mà cuốn sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế của Adam Khoo đã đưa ra phương pháp nhớ siêu đẳng đặc biệt cho việc ghi nhớ từ vựng, bằng cách hãy liên tưởng tới một câu chuyện hài hước liên quan tới những từ loại đó.

Việc đồng hóa này còn giúp cho bạn có thể dễ dàng kiểm chứng những hiểu biết của mình có bị lỗi thời hay sai lệch gì không?

5. Chia nhỏ vấn đề.

Việc chia nhỏ vấn đề không chỉ để hiểu rõ hơn mà còn giúp cho ta dễ nhớ hơn. Minh chứng là khi còn đi học các thầy cô thường phân tích nhỏ vấn đề thành từng đề mục rồi lại thành từng gạch đầu dòng một, lý do duy nhất là để ta có thể hiểu vấn đề sâu sắc cũng như dễ tìm ra điểm đồng dị hơn mà thôi.

Bây giờ sau khi ra trường, chúng ta cũng nên học cách chia nhỏ vấn đề ra như vậy,  rẽ nhánh được bao nhiêu hay bấy nhiêu, giúp cho ta có thể đánh giá nhiều mặt của vấn đề hơn. Và thật bất ngờ, trong khi chia nhỏ ấy, một phần của vấn đề đã được tự động ghi nhận vào bộ não của ta.

6. Tổng quát các chi tiết thành đại ý.

Từ các chi tiết đã được chia nhỏ ở bước thứ 5 ta cần tổ chức chúng vào từng trường nghĩa rồi tổng quát lại thành những đại ý để nắm được cốt lõi vấn đề. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì cho những chi tiết rời rạc không có liên kết với nhau, thậm chí nó còn khiến bạn cảm thấy rối rắm hơn trong việc nhận định vấn đề.

Chính vì thế, tổng quát là điều vô cùng cần thiết,  chỉ khi các chi tiết đã được gắn kết lại với nhau chúng mới tạo thành ý nghĩa. Giống như nhiều viên gạch mới có thể tạo thành bức tường vậy. 

Không chỉ có vậy, khả năng tổng quát vấn đề còn giúp ta giảm đi khá nhiều áp lực ghi nhớ. Khi tổng kết vấn đề, ta tìm ra điểm cốt lõi, đồng nghĩa ta chỉ cần nhớ lấy điều cốt lõi đó thì những chi tiết vụn vặt cũng từ đó mà suy ra được. 

7. Tìm lại trong kí ức điều mình đã biết.

Đây là bước cuối cùng của sự ghi nhớ, bạn cần ôn lại những gì mà mình đã nhớ để làm mới nó, bởi bất cứ điều gì cho dù nhớ đến đâu, nếu như sau một thời gian dài bạn không ôn lại thì cũng sẽ phai mờ dần theo năm tháng.

Không dừng lại ở tác dụng ấy, việc nhớ lại còn rất hữu ích trong quá trình ghi nhớ kiến thức mới. Sau khi đã tổng kết được vấn đề cốt lõi, để đảm bảo cho kiến thức ấy không bị thất lạc ta cần so sánh với những gì đã biết để tìm ra nét tương đồng từ đó sắp xếp chúng theo chủng loại.

Việc này tương tự như công việc của một thủ thư, hãy tưởng tượng bộ não của bạn giống như một thư viện, và bạn là thủ thư khi cần đến cuốn sách nào(hiểu biết) bạn chỉ cần tìm đến giá sách(tầng ghi nhớ mà bạn đã sắp xếp) có ghi tên loại sách bạn cần tìm là có thể tìm ra cuốn sách đó. 

Như vậy bạn đã nắm được 7 bước để có thể ghi nhớ theo phương thức của một thiên tài, thực ra 7 bước này được phát triển dựa trên ba giai đoạn của việc ghi nhớ: Ấn tượng - Giữ lại - Nhớ lại và các điều kiện cần có cho sự ghi nhớ như: cảm xúc, liên tưởng,... mà thôi. Hãy tin vào một điều bộ óc của bạn là bộ óc của một thiên tài, bởi lẽ thiên tài chỉ có 1% là bẩm sinh, còn lại đến 99% là sự kiên trì có phương pháp.

* Cảm ơn tác giả Nguyễn Duy Cẩn (Thu Giang) đã viết ra cuốn sách "Óc sáng suốt", mở đầu cho con đường tự học của mỗi người.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn