quân sư

7 câu hỏi thường gặp về tiểu đường

Đăng 5 năm trước

Tiểu đường là một trong những bệnh lý mạn tính không lây ngày càng phổ biến hiện nay. Tỉ lệ bệnh đang tăng nhanh trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 380 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2025. Mặc dù có khoảng 4% dân số thế giới mắc bệnh tiểu đường nhưng nhiều người không hiểu rõ về căn bệnh này. Do đó, những kiến thức dưới đây là rất cần thiết cho tất cả chúng ta nhằm hiểu biết hơn về căn bệnh này.

1. Tiểu đường là gì

Tiểu đường, hay chính xác hơn theo y văn gọi là đái tháo đường. Đái tháo đường là tình trạng cơ thể không sử dụng glucose một cách bình thường. Glucose là nguồn năng lượng chính cho tế bào. Nồng độ glucose trong máu được kiểm soát bởi insulin là nội tiết tố được tiết ra từ tụy. Insulin giúp glucose đi vào tế bào. Nguyên nhân gây bệnh Đái tháo đường là do có sự đề kháng insulin, hay sự thiếu hụt sản xuất insulin, do đó glucose không được đưa từ máu vào trong tế bào. Khi cơ thể không sản xuất đủ hay không sử dụng được insulin, tế bào không thể dùng glucose tạo ra năng lượng và đường huyết sẽ tăng cao. Do đó để có nguồn năng lượng thay thế cơ thể phải phân hủy chất béo và protein cơ để sử dụng.

2. Tiểu đường có khỏi hoàn toàn được khồng

Hiện nay, khoa học không thể chữa khỏi hoàn toàn tiểu đường. Trên thực tế, chỉ có thể giảm thiểu quá trình phát triển và các biến chứng của bệnh thông qua điều trị. Tuy vậy, nếu kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh hoàn toàn có thể sống như một người khỏe mạnh bình thường.

3. Tôi bị tiểu đường, nhưng không điều trị. Tuy nhiên tôi thấy cơ thể vẫn hoàn toàn bình thường. Vì sao

Rất nhiều bệnh nhân khi đi khám bệnh định kì mới phát hiện ra mình bị tiểu đường. Tuy nhiên bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn bình thường, không có gì khác biệt. Vì tiểu đường là một căn bệnh âm thầm, khi có triệu chứng bên ngoài thì thường bệnh đã bị từ rất lâu, các cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế khi phát hiện tiểu đường cần điều tị ngay.

4. Tôi bị tiểu đường có phải do tôi ăn nhiều đường

Một sai lầm phổ biến là ăn nhiều chất tinh bột, đường sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường. Tuy nhiên nguyên nhân gây ra bệnh rất phức tạp và đa dạng, Bệnh tiểu đường có yếu tố nội tại trong gen. Nhưng nếu không được nhúng vào trong môi trường thích hợp thì gen này sẽ "khoá" cả đời nên chúng ta không sợ mắc bệnh nữa. Chúng ta sẽ quay về thời kỳ 30 năm trước tỷ lệ người bị đái tháo đường rất ít, đa số ở người lớn tuổi. Lối sống tĩnh tại, stress cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ này ngày càng tăng.

5. Tiểu đường có thể chữa bằng các thuốc đông y không

Hiện nay, chưa có bất cứ thuốc đông y nào được khuyến cáo sử dụng trong các phác đồ điều trị tiểu đường. Do đó, nếu phát hiện bị bệnh, cần đến các cơ sở chuyên về nội tiết để có thể được khám và điều trị bệnh một cách an toàn và hiệu quả nhất.

6. Tiểu đường có những biến chứng nào

Bệnh tim mạch: ảnh hưởng đến tim và mạch máu và có thể gây ra các biến chứng gây tử vong như bệnh động mạch vành (dẫn đến nhồi máu cơ tim) và đột quỵ. Bệnh tim mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người đái tháo đường. Huyết áp cao, cholesterol cao, glucose máu cao và các yếu tố nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.  

Bệnh thận (bệnh thận đái tháo đường): gây ra do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn đến thận hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh thận phổ biến ở những người đái tháo đường hơn những người không mắc đái tháo đường. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.  

Bệnh thần kinh (bệnh thần kinh do đái tháo đường): đái tháo đường có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương, và nhiều chức năng khác. Trong các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân. Tổn thương thần kinh ở những vùng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến đau, ngứa ran và mất cảm giác. Mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt quan trọng vì nó có thể cho phép chấn thương không được chú ý, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể phải cắt cụt chi. Những người đái tháo đường có nguy cơ bị cắt cụt chi có thể cao gấp 25 lần so với người không có đái tháo đường. Tuy nhiên, với sự quản lý toàn diện, có thể ngăn ngừa một tỷ lệ lớn các cắt cụt liên quan đến đái tháo đường. Ngay cả khi cắt cụt chi, chân còn lại và cuộc sống của người bệnh có thể được cứu chữa, cải thiện bằng cách chăm sóc theo dõi tốt bởi nhóm đa lĩnh vực. Những người đái tháo đường nên kiểm tra bàn chân thường xuyên 

Bệnh mắt (bệnh võng mạc do đái tháo đường): hầu hết những người mắc đái tháo đường sẽ phát triển một số loại bệnh về mắt (bệnh võng mạc) làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng với huyết áp cao và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây ra bệnh võng mạc. Tình trạng này có thể được quản lý thông qua kiểm tra mắt thường xuyên và kiểm soát giữ mức glucose máu và lipid bình thường hoặc gần bình thường.

7. Người bị tiểu đường nên ăn uống như thế nào

  • Nên duy trì bữa ăn gia đình, ăn uống điều độ, đa dạng, không ăn quá nhiều vào bữa tối, không ăn sau 8h tối.
  • Chọn thức ăn thô, nguyên hạt, gần với thiên nhiên để bảo tồn chất xơ, ít bị mất đi các dưỡng chất.
  • Hạn chế thức ăn nhiều béo, nên chọn món luộc, hấp nhiều hơn món chiên, xào, quay.
  • Hạn chế thức ăn ngọt hay thức uống có đường, hạn chế bia, rượu, thuốc lá.
  • Tăng cường chất xơ từ rau lá, rau củ, trái cây ít ngọt.

Chủ đề chính: #bệnh_tiểu_đường

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn