Mai Chí Trung

7 điều bất ngờ bạn chưa biết về bản thân

Đăng 7 năm trước

Mỗi người chúng ta không chỉ là một thế giới riêng, mà thế giới đó còn chứa đựng nhiều điều bất ngờ. Sau đây là 7 điều bất ngờ bạn chưa biết về bản thân mình.

1. Căng thẳng là tốt hay xấu tùy thuộc cách bạn nhìn nhận nó

Bạn từng nghe: căng thẳng rất có hại, nó làm bạn hao tâm tổn sức và khiến bạn đổ bệnh. Vậy thì tại sao bạn vẫn cứ căng thẳng?

Căng thẳng như một phản ứng xảy ra khi điều bạn quan tâm bị đe dọa. Nó có thể là nỗi bực dọc trong một vụ kẹt xe khiến bạn trễ giờ, hoặc nỗi lo về buổi thuyết trình sắp tới.

Thực tế, trong một nghiên cứu năm 2006 của Mỹ, các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng mức độ căng thẳng cao làm tăng nguy cơ tử vong lên đến 43%. Nhưng vấn đề là: điều này chỉ đúng với những người tin rằng căng thẳng là có hại. Những người có mức độ căng thẳng cao nhưng không tin rằng nó có hại có nguy cơ tử vong thấp nhất trong số những người tham gia khảo sát, dẫn đến kết luận rằng căng thẳng có hại – khi bạn tin nó có hại.

Thái độ của bạn trước căng thẳng ảnh hưởng đến những sự lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày của bạn, vì vậy, nếu xem căng thẳng là có hại, bạn có xu hướng cố tìm mọi cách tránh né nó. Mặt khác, những người xem căng thẳng có ích thường nghĩ ra các chiến lược để đối phó với nó, tìm sự giúp đỡ và tận dụng tối đa tình hình.

2. Xấu xa: dù thích hay không, nó là một phần của bạn

Lấy thí nghiệm tù nhân Stanford được tiến hành vào năm 1971 làm ví dụ. Trong thí nghiệm này, những sinh viên nam – với quá khứ hoàn toàn trong sạch – vào một nhà tù giả tại Đại học Stanford và ngẫu nhiên phân cho họ vai trò quản giáo và tù nhân.

Ngạc nhiên thay, những người vào vai quản giáo thật sự trở nên lạm dụng và bạo lực ngay lập tức. Họ nghĩ ra nhiều cách hành hạ và trừng phạt tù nhân. Thật ra, thí nghiệm này đã vượt ngoài tầm kiểm soát đến nỗi Zimbardo buộc phải dừng lại chỉ sau 6 ngày, dù thời gian nghiên cứu dự tính ban đầu là 2 tuần.

Thí nghiệm này cho thấy những hoàn cảnh nhất định có thể khiến bất kỳ ai cũng làm chuyện tàn ác. Trong trường hợp này, người ta tin rằng đóng vai quản giáo khiến các sinh viên tiếp nhận “tính cách hung hăng của người quản giáo.” Việc mặc đồng phục và đeo kính đen để tránh giao tiếp bằng mắt cho những “quản giáo” dường như cũng góp phần làm giảm tinh thần trách nhiệm cá nhân của họ.

3. Bạn có thể tự khiến mình thiếu trung thực

Chúng ta đều có phần xấu xa. Ở trường, ở công ty,ở nhà và thậm chí là trong chính tâm trí mình, chúng ta lừa dối và gian lận không bằng cách này thì cũng bằng cách khác.

Ví dụ, bạn có bao giờ nghĩ rằng một hành động đơn giản như mặc trang phục nổi tiếng nhưng là hàng nhái có thể khiến bạn nói dối nhiều hơn chưa?

Thực tế, trong một cuộc thí nghiệm, ba nhóm người tham gia được nhận kính đen, nhóm thứ nhất được bảo rằng đây là kính hàng hiệu, nhóm thứ hai được bảo rằng đây là hàng nhái, và nhóm thứ ba không được biết thông tin nào. Sau đó, những người này phải làm một bài kiểm tra toán mà họ có cơ hội gian lận.

Kết quả thế nào? Dựa theo số người gian lận ở nhóm thứ ba (nhóm không được biết thông tin về chiếc kính), tỉ lệ gian lận trung bình là 42%.

Tuy nhiên, kết quả của hai nhóm còn lại khá khác biệt: Ở nhóm thứ nhất, sự tự nhận thức tích cực về bản thân bắt nguồn từ niềm tin chiếc kính là hàng thật dẫn đến chỉ 30% người gian lận khi kiểm tra. Nhưng ở nhóm thứ hai, hiệu ứng tiêu cực của việc mang hàng nhái lớn đến nỗi tỉ lệ người gian lận lên tới 74%.

Như thí nghiệm này cho thấy, việc phạm một hành động gian dối (trong trường hợp này là đeo kính nhái hiệu) làm tăng khả năng gian dối trong các trường hợp khác.

4. Mua sắm – ngay cả những thứ khiến cuộc sống bạn thuận tiện hơn – chỉ làm bạn cảm thấy tệ hơn

Một chiếc áo len xinh đẹp sẽ làm bạn cảm thấy ấm áp và hấp dẫn hơn, từ đó hạnh phúc hơn. Đúng vậy không? Trong quyển sách của mình, John de Graaf, David Wann đưa ra quan điểm rằng xã hội nói chung bị nghiện mua sắm và điều đó khiến ta rơi vào vòng xoáy tự lừa dối bản thân đáng lo ngại.

Họ bảo rằng khao khát vật chất của ta làm giảm chất lượng cuộc sống và khiến ta lao vào công việc nhiều đến nỗi không còn thời gian cho những điều thật sự quan trọng trong cuộc sống, như mối quan hệ giữa người và người và thời gian hòa vào thiên nhiên. À mà tôi đã đề cập rằng chúng ta đang hủy hoại hành tinh của mình qua quá trình đó chưa nhỉ?

Quyển sách trên kể về câu chuyện của vòng xoáy nguy hiểm bắt nguồn từ cơn nghiện làm việc và mua sắm. Chúng ta mua thêm đồ để giải quyết vấn đề gây ra bởi sự thèm muốn mua sắm ban đầu. Cái vòng này cản trở ta đi tìm những gì mình thật sự cần như gia đình, bạn bè và cộng đồng.

Vậy bạn có thể chữa bệnh nghiện mua sắm hoặc phòng ngừa nó như thế nào? Theo các tác giả, bước đầu tiên là hiểu được rằng mua sắm không thể khiến bạn thỏa mãn, trong khi đó, giảm mua sắm có thể giúp bạn hạnh phúc hơn.

Ví dụ, năm 1995, cuộc khảo sát do Center for a New American Dream thực hiện đã kết luận rằng 86% người Mỹ tự nguyện giảm mức độ mua sắm thì sau này hạnh phúc hơn. Vì vậy, để tăng chất lượng cuộc sống, hãy cố gắng tận dụng những gì bạn đang có thay vì ra sức mua sắm nhiều hơn.

5. Thèm khát hạnh phúc hơn có thể khiến bạn không hạnh phúc

Hạnh phúc ngọt ngào đến mức việc bạn cố gắng làm mọi thứ để gia tăng hạnh phúc cũng là điều hoàn toàn bình thường. Đáng tiếc thay,như Oliver Burkeman tiết lộ trong The Antidote, càng giả vờ tích cực thì bạn cảm thấy tồi tệ. Ví dụ, những câu khẳng định, những câu nói đầy dũng khí, tự động viên bản thân được tạo ra để mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn khi lặp lại nó, rốt cuộc có thể khiến bạn cảm thấy tiêu cực. Thực ra, nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng những người được yêu cầu viết đi viết lại câu “Tôi là một người đáng mến” trở nên kém vui vẻ hơn trong quá trình đó. Ngay từ đầu họ đã không cảm thấy mình đáng mến, và cố gắng thuyết phục mình chỉ khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn.

Tác dụng ngược của việc theo đuổi hạnh phúc được miêu tả rõ nhất qua một nhân vật trong câu chuyện của Edith Wharton: “Có rất nhiều cách để khổ sở, nhưng chỉ có một cách để hạnh phúc, đó chính là ngừng theo đuổi hạnh phúc.”

Thật vậy, việc theo đuổi hạnh phúc có thể cản trở bạn hạnh phúc trong ngắn hạn, bởi lẽ những ai tập trung vào việc đạt được hạnh phúc thường ít tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp vốn mang đến hạnh phúc. Ngoài ra, bạn có thể thấy không hạnh phúc trong lúc cố gắng hạnh phúc. Hành động chăm chăm theo đuổi hạnh phúc vốn là vị kỷ, điều này có thể khiến bạn sao nhãng các nhu cầu khác, phá hỏng mối quan hệ của bạn.

Vậy nên, thay vì chăm chăm tập trung vào cảm giác hạnh phúc, Burkeman khuyên ta nên chấp nhận cảm giác thất bại, bi quan, bất an và không chắc chắn – những cảm giác ta thường né tránh.

6. Một chút bi quan khiến bạn nhạy bén hơn

Liệu một người bi quan có thể sống một cuộc đời tốt đẹp không? Có thể đấy, và trong quyển Psychobabble, Stephen Briers đưa ra tình huống những người bi quan thật ra sống tốt hơn những người lạc quan. Mặc dù tâm lý học đại chúng và những sách phát triển bản thân phát biểu rằng suy nghĩ tích cực là giải pháp cho mọi vấn đề, các nghiên cứu cho thấy những người có tâm trạng xấu thật ra ít gặp những vấn đề về tâm thần hơn. Luận điểm này được chứng minh trong một nghiên cứu mà trong đó những người tham gia được xem TV nhằm khiến họ cảm thấy vui hoặc buồn hơn, và được yêu cầu hoàn thành vài bài tập trí tuệ, ví dụ như đánh giá sự thật của những lời đồn. So với nhóm đối chứng tích cực, những người mang tâm trạng không vui tập trung tốt hơn, ít bị mắc lừa và ít phạm sai lầm hơn.

Bản thân suy nghĩ tích cực có thể nguy hiểm, nếu bạn suy nghĩ quá tích cực. Thì suy nghĩ đó sẽ trở thành sự phủ nhận và từ đó có thể phát sinh vấn đề. Điều này là do đôi khi nhận định thực tế nhất về một tình huống lại là nhận định bi quan. Bạn thử nghĩ đến vụ chìm tàu Titanic mà xem: đến tận phút cuối, nhiều hành khách vẫn cố tin rằng con tàu chưa chìm. Dù sự phủ nhận này có thể đã giúp những vị khách xấu số đối mặt với tình hình, sự phủ nhận trong các trường hợp khác có thể ngăn bạn giải quyết các vấn đề đòi hỏi bạn phải hành động. Ví dụ, nếu có những triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường, bạn phải đến khám bác sĩ thay vì giả vờ rằng mình vẫn khỏe.

Vì vậy, suy nghĩ tích cực, mặc dù bản chất không xấu, không phải lúc nào cũng lành mạnh, hữu ích hoặc hợp lý.

7. Khiếm khuyết của bạn có thể có ích cho bạn

Giờ ta biết rằng quá chìm đắm vào việc theo đuổi hạnh phúc có thể phản tác dụng. Nhưng còn việc thừa nhận khiếm khuyết của mình thìsao? Liệu như thế có quá đáng không?

Không đâu, nếu bạn hỏi Todd Kashdan và Robert Biswas-Diener, tác giả của The Upside of Your Dark Side, những người đã khám phá ra rằng cảm xúc đau khổ của chúng ta đôi khi là mấu chốt của thành công.

Lấy cảm giác tức giận làm ví dụ. Các nghiên cứu cho thấy giận dữ thật ra có thể nâng cao quyền hành của bạn, bởi lẽ những người tức giận thường được đánh giá là quyền lực hơn những người vui vẻ. Do đó, bộc lộ sự tức giận có thể giúp bạn có nhiều ảnh hưởng hơn trong cuộc đàm phán.

Ví dụ, trong một thí nghiệm, những người tham gia phải bán điện thoại di động với giá cao nhất có thể. Thú vị ở chỗ, kết quả rất khác nhau tùy theo đối tác đàm phán của họ – người mua – trông có vẻ gay gắt hay bình thường. Hóa ra một số  người tham gia chấp nhận bán điện thoại với giá rất thấp cho những khách hàng trông có vẻ hung dữ.

Hơn nữa, những cơn nóng giận đôi khi có thể là phương tiện hiệu quả để gia tăng quyền lực. Ví dụ, trong một nghiên cứu các nhà quản lý xây dựng, nhiều người được phỏng vấn nói rằng những cơn giận có chọn lọc được chứng minh là mang lại hiệu quả trong việc khích lệ tinh thần hợp tác của một nhóm làm việc kém hiệu quả.

Tác giả: Johanne Schwensen

Chủ đề chính: #khám_phá_bản_thân

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn