Ngọc Bích Nguyễn
Youtuber, content writer, content creator tại Hà Nội

7 điều cấm kỵ mà bạn đừng bao giờ nên nói tại nơi làm việc

Đăng 5 năm trước

Đã bao giờ bạn tự hỏi môi trường làm việc sau này của bạn sẽ như thế nào, con người ở đó sẽ ra sao và bạn sẽ phải làm gì để không rơi vào những tình cảnh éo le tại nơi làm việc. Hãy cùng tìm hiểu một vài thứ thú vị trong bài viết dưới đây và biết đâu chúng sẽ là những kinh nghiệm bổ ích giúp bạn sau này đấy.

Có những người dành thời gian cho đồng nghiệp còn nhiều hơn cả bạn bè thân thiết hay gia đình của mình. Đôi khi điều đó có nghĩa rằng họ muốn nói tới một vấn đề khác chứ không phải là công việc.Nói chung, một câu chuyện vui hoặc một câu nói đùa là điều khá quan trọng giúp bạn có thể phát triển các mối quan hệ của mình đối với những người đồng nghiệp. Tuy nhiên, cho dù bạn có thân thiết với một vài người đồng nghiệp tới mức nào thì cũng đừng bao giờ chia sẻ quá cởi mở về những chủ đề cấm kỵ bởi điều đó vô hình chung sẽ khiến bạn tự ném mình vào nồi nước sôi đấy. Nói về những chủ đề nhạy cảm trong môi trường công ty có thể sẽ khiến bạn bị xa lánh bởi những người đồng nghiệp hoặc thậm chí còn khiến bạn phải trả giá bằng con đường thăng quan tiến chức của mình.Chúng tôi đã thu thập và tổng kết một số lời khuyên từ các chuyên gia nghề nghiệp và các nhà quản lý nguồn nhân lực về những điều mà bạn không nên nói tới ở nơi làm việc.   

1.Bạn ghét công việc cũ của mình như thế nào

Ông Jason Carney, giám đốc quản lý nguồn nhân lực thuộc tổ chức WorkSmart Systems cho biết : “Cho dù một ai đó thực sự đã phải trải qua những trải nghiệm kinh hoàng từ công việc trước đây thì họ vẫn nên nói về những người lãnh đạo cũ của mình với thái độ tích cực. Nếu như họ thể hiện quá rõ ràng về việc họ ghét công việc trước kia của mình như thế nào, điều đó đồng nghĩa với việc họ không hề có trách nhiệm đối với những việc làm của mình. Đó là dấu hiệu của việc họ vẫn chưa thực sự trưởng thành khi mà họ thậm chí còn không thể chia sẻ về những gì mà họ đã học được từ những trải nghiệm trước đó mà chỉ chăm chăm vào việc đổ lỗi cho chúng.

2. Quan điểm chính trị của bạn

Sarah Johnston, nhà tuyển dụng đồng thời là nhà sáng lập của The Briefcase Coach đưa ra lời khuyên rằng: “Tôi thực sự khuyên các bạn nên tránh việc tranh luận về chủ đề chính trị cho dù bạn có bị bất ngờ bởi bởi tư tưởng chính trị của một số người. Tôi còn nhớ trong một buổi họp với một người lãnh đạo cấp cao, người đó đã hỏi quan điểm của tôi về một chủ đề rất nổi cộm. Tôi nhận ra rằng quan điểm của chúng tôi có sự trái ngược với nhau nhưng đó không phải là nơi phù hợp để tranh luận với một người về vấn đề này. Ông ấy đã đẩy tôi vào tình thế khá khó xử vì tôi không muốn đi ngược lại với những quan điểm và nhận định của mình nhưng đó lại không phải là địa điểm và thời điểm thích hợp để nói về điều đó.”

3. Bạn đang tìm kiếm một công việc mới.

“Đó không hề là một hành động thông minh khi bạn nói với một người nào đó trong công ty rằng bạn muốn tìm một công việc ở nơi khác nếu bạn không hề muốn họ biết nơi mà bạn muốn chuyển tới là nơi nào. Ý của tôi ở đây không nói rằng bạn không nên tìm việc ở một nơi khác. Tôi là một tín đồ của việc theo đuổi những cơ hội phù hợp với giá trị và những mục tiêu của bản thân khi mà ông chủ hiện tại không thể cho bạn điều mà bạn cần.Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn đừng nên chia sẻ về dự định của bạn cho những người khác trong công ty trừ ông chủ của bạn khi bạn chắc chắn sẽ rời đi. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho những người khác để gây khó khăn cho bạn từ việc phá hoại những nỗ lực của bạn cho tới việc ngồi bàn tán về tương lai của bạn. Có thể khá khó để giữ bí mật những điều quan trọng là bạn phải hiện thực hóa kế hoạch của bạn trước khi nói cho người khác biết vì điều đó sẽ giúp mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn.” - Đây là lời khuyên từ Nihar K. Chhaya, chủ tịch của PartnerExec.

4. Những vấn đề về sức khỏe

Annette Harris, chủ tịch và là người sáng lập của ShowUp! cho biết: “ Chúng ta không nói đến những vấn đề nhỏ như việc bạn than phiền rằng bạn sẽ phải đến gặp nha sĩ mà ở đây chúng ta đang nói đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn mà bạn nên tránh mang ra để bàn luận. Tương tự như những vấn đề về hôn nhân, mọi người thường không biết phải phản ứng hay đối phó như thế nào trong môi trường làm việc công ty.”

5. Chia sẻ quá cởi mở về những mối quan hệ cá nhân của bạn

Nikita Lawrence, nhà sáng lập của Wealth Success Chamber Enterprise, LLC khẳng định: “ Những câu chuyện về lễ kỷ niệm, ngày sinh nhật của các thành viên trong gia đình hoặc những giải thưởng của con bạn trong các môn thể thao là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được bởi những cuộc trò chuyện này đang đi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, khi mà câu chuyện của bạn bị lái sang một chủ đề khác, cụ thể là về mối quan hệ “yêu đương” của bạn hay những chủ đề “nhạy cảm” giữa các cặp đôi thì nó sẽ trở nên không được thoải mái trong bối cảnh làm việc công ty và thực sự không phù hợp. Nếu bạn muốn giải quyết những rắc rối cá nhân thì hãy đảm bảo rằng bạn sẽ nói về chúng với một người mà bạn thực sự tin tưởng nhưng phải là một người không ở cùng một nơi làm việc với bạn. Rủi ro từ “những tình bạn” ở nơi làm việc đó chính là những chuyện riêng tư của bạn sẽ bị phân tán đi khắp nơi mà không có sự cho phép. Điều đó sẽ gây ra xung đột và tình trạng chia rẽ trong nội bộ công ty, đồng thời đặt ra nhiều áp lực cho mọi người”.

6. Phàn nàn về đồng nghiệp hoặc ông chủ

“ Có lẽ bạn sẽ cảm thấy mình cần phải xả tất cả những điều bực mình mà ông chủ hoặc đồng nghiệp gây ra cho bạn tuy nhiên điều đó chẳng có ý nghĩa gì đâu. Tốc độ lan truyền của những tin đồn trong công ty không khác nào một vụ cháy rừng, và điều mà bạn nói với một ai đó có thể dễ dàng truyền đến tất cả mọi người trong công ty. Bạn chắc chắn sẽ không bao giờ muốn kết thúc chuyện này với việc bạn sẽ phải trả giá bằng sự thăng quan tiến chức của mình bởi vì bạn đã nói những điều không hay về sếp một lần rồi.” - theo như lời chia sẻ của Peter Yang, nhà đồng sáng lập và CEO của Resumego.

7. Chỉ trích chính sách chiến lược của công ty

“Cố gắng đừng nói những điều tồi tệ về chiến lược hoặc các quyết định của công ty vì bạn có lẽ một ngày nào đó bạn sẽ được đưa lên một vị trí mà bạn không thể làm gì hơn ngoài việc phải tuân theo chỉ dẫn của công ty. Tôi đã từng giáo huấn lại những người nhân viên phàn nàn về lực lượng lãnh đạo công ty mà không hề đưa ra những ý kiến mang tính chất xây dựng cho các nhà lãnh đạo về những mối lo ngại của họ. Và khi mà họ được thăng chức lên hàng ngũ của lực lượng lãnh đạo thì họ lại bị mắc kẹt trong một khó khăn có thật. Do đó, tốt hơn hết là bạn nên nghiêm túc với những mối lo ngại của mình và thể hiện chúng theo những cách mà có thể giúp công ty đi lên từ vị trí mà bạn đang đứng.” - lời khuyên từ Nihar K. Chhaya, chủ tịch của PartnerExec.

Nguồn: huffpost

Tác giả: Casey Bond

Chủ đề chính: #kỹ_năng_làm_việc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn