Dã Quỳ Cai nghiện thôi!

7 quan niệm sai lầm trong nuôi dạy của bố mẹ 'làm hỏng' cuộc đời con

Đăng 7 năm trước

Nuôi dạy con cái nên người là điều ông bố bà mẹ nào cũng mong muốn. Nhưng có những quan niệm và phương pháp dạy con lại đi theo con đường sai lầm. Hãy cùng xem đó là gì.

1. Đặt quá nhiều kỳ vọng ở con

Đã là phụ huynh ai cũng mong con cái mình giỏi giang, thành tài, thành người lương thiện. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, bố mẹ càng yêu cầu cao và khắt khe đối với con cái mình hơn. Đối với họ điểm 8 môn Toán là điểm số không thể chấp nhận được của con, họ luôn mong con họ trở thành người hoàn hảo, không những phải học giỏi, phải vẽ đẹp, khiêu vũ điêu luyện, mà còn giỏi cả thể thao, bóng chuyền, đánh đàn,.... Tôi có quen biết một vị phụ huynh, con chị ấy buổi sáng vừa tổng kết lớp 1 nhưng buổi tối đã phải học để chuẩn bị học lớp 2, bé luôn phải học, không có thời gian nào rảnh rỗi để chơi với bạn bè, mới có lớp 2 mà đã phải đeo kính cận, sau này nếu em ấy nhìn lại tuổi thơ mình thì chắc chỉ có sách với vở mà thôi.

Nhiều khi cha mẹ đã quên hỏi ý kiến con mình, hỏi sở thích con là gì, cái đó có phải năng khiếu của con không. Tất cả những điều đó làm cho trẻ cảm thấy chán nản, cuộc sống thì áp lực, mệt mỏi,...nên rất nhiều em đã tự sát vì không thể làm hài lòng cha mẹ mình.

2. Quá nghiêm khắc với con

Cùng với quan điểm: "Dạy con từ thuở còn thơ", các ông bố bà mẹ bắt đầu uốn nắn nghiêm khắc từ nhỏ, chỉ cần phạm lỗi sẽ luôn có hình phạt cứng rắn để "dạy bảo" cho con nên người. Nhưng càng như vậy, con cái sẽ càng sợ sai lầm, mỗi quyết định của chúng đều sợ bố mẹ sẽ phạt, đến mức chúng rất sợ sẽ phạm lỗi, và khi phạm lỗi chúng sẽ giấu thật kỹ, vì chỉ cần hở ra bố mẹ biết được thể nào cũng đòn roi bầm dập. Dường như chúng ta quên mất rằng, chỉ có phạm lỗi con người mới trưởng thành lên được, vậy nên các em còn nhỏ chưa hiểu được, thì cần phải có người định hướng, phân tích và học hỏi từ những lỗi sai để trẻ rút kinh nghiệm chứ không phải cứ dùng đòn roi thì trẻ sẽ nên người.

3. Nuông chiều thái quá là một phương pháp dạy con sai lầm.

Nhiều bố mẹ lại nuông chiều con thái quá, chỉ cần con muốn bất cứ thứ gì cũng có thể có được, điều này thường xảy ra ở những gia đình hiếm con, hay sinh mãi mới được một cậu con trai, đứa trẻ cứ như ông trời của cả nhà vậy, chỉ cần bỏ một bữa cả nhà sẽ loạn hết cả lên. Thật sự nếu nuông chiều như vậy làm sao đứa trẻ lớn lên được, bé làm sao có thể hiểu được giá trị của những món quà, bất kể là thứ gì muốn có được ta đều phải trả cho nó một cái giá tương xứng. Khi trẻ nhõng nhẽo đòi một món quà nào đó, phải đặt ra thử thách để trẻ rèn luyện, chỉ có thế trẻ mới biết được giá trị của món quà. Nếu cứ nuông chiều con cái, trẻ sẽ không biết trân trọng những gì mình có được và không biết yêu thương, chăm sóc những người xung quanh mình.

4. Không yêu cầu con yêu thương, chăm sóc mình.

Nhiều khi chúng ta luôn cho rằng mình yêu thương, chăm sóc cho con là trách nhiệm của mình nhưng chúng ta quên rằng chúng ta có quyền yêu cầu con yêu thương, chăm sóc chúng ta. Nếu ta cứ yêu thương trẻ vô điều kiện, trẻ sẽ nghĩ đó là điều đương nhiên nó được nhận, chúng cũng quên rằng chúng cũng có nghĩa vụ phải yêu thương, chăm lo cho bố mẹ, dẫn đến vô cảm với những nổi khổ, nỗi vất vả của bố mẹ. Nên từ giờ các ông bố bà mẹ hãy giao những phần việc nhỏ bé như rót nước, cất giày, xoa bóp chân tay,....cho các bé để các bé biết rằng trước khi được người khác yêu thương mình phải yêu thương người khác thật trọn vẹn.

5. Bắt con sống cuộc đời của người khác

Điển hình của trường hợp này là việc bố mẹ thần tượng một ai đó trong gia đình, dòng họ, chòm xóm,... Thế là bắt con mình cũng phải học hành, tập luyện y chang "thần tượng" của bố mẹ. Lớn hơn một chút thì việc thi trường nào, làm nghề gì cũng là theo ý kiến của bố mẹ, bố mẹ bắt con cái phải thực hiện ước mơ của mình. Đi làm cũng quyết định luôn nơi làm, công việc,.... Rồi khi lấy vợ, gả chồng cũng phải hợp ý bố mẹ mới được lấy.... Cả cuộc đời người con cái ấy không thể quyết định việc gì cho mình, suốt đời phải sống cuộc đời của người khác, sống cho người khác, cuộc đời thế thì còn gì nữa, thân thể của mình nhưng cuộc sống này đâu phải của mình.

6. Không lắng nghe tâm sự của con

Đối với nhiều người, nuôi con mà cứ như nuôi.....heo vậy. Chỉ cần cho ăn, cho mặc, đi học thì phó mặc cho nhà trường, cần thì cho tiền vậy thôi. Chỉ cần không ốm đau bệnh tật, một năm có khi họ cũng không tâm sự với nhau lần nào, đối với họ nuôi con là chỉ cần con lớn khỏe mạnh, còn những việc khác đều không liên quan tới họ. Nhưng hỡi ôi, con người ta chứ nào phải....heo, ngoài ăn, uống, mặc, ở,...họ còn bao nhiêu nỗi niềm buồn vui, trắc trở trong cuộc sống và đều cần một người có thể tin tưởng để sẽ chia, cần một người bên cạnh để định hướng, dẫn dắt những bước non nớt đầu đời. Nhiệm vụ của mỗi ông bố bà mẹ là trở thành người ở bên đáng tin cậy ấy.

7. Không làm gương cho con

Người lớn thường mắc một lỗi sai thường gặp là chỉ tốt khi giáo dục con cái, con mình thì bao nhiêu tật xấu đều phơi bày trước mặt con, nào là nói tục, nhậu nhẹt, nói xấu đồng nghiệp sau lưng, ăn cắp vặt, nói một đằng làm một nẻo, không giữ lời hứa,....Nhưng lại bắt con của mình phải ngoan ngoãn, lễ phép, tốt tính,.... Người lớn có thấy vô lý không? Tất nhiên là có rồi. Vì vậy để giáo dục con tốt mỗi người hãy tự thay đổi bản thân mình trước, hãy loại bỏ tối đa các tính xấu của bạn thân, thì mới nuôi dạy con tốt được.

Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết!

Thân ái!

Chủ đề chính: #nuôi_dạy_con_cái

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn