Felix or @hqandthedh.

7 thói quen tư duy của những người tự tin

Đăng 5 năm trước

Liệu sự tự tin của bản thân có thể được dần hình thành qua các thói quen tâm lý không? 7 thói quen suy nghĩ dưới đây sẽ chứng minh câu trả lời là “Có”.

Nhà tâm lý học Meg Selig đã nghiên cứu và giới thiệu đến bạn đọc những phương pháp để xây dựng và tăng sự tự tin ở một người bằng cách thay đổi cách tư duy của bản thân. Tất nhiên không thể thiếu việc luyện tập những cách ứng xử hằng ngày giúp nâng cao sự tự tin và khích lệ sự tự tin ở chính những người xung quanh. Hy vọng rằng chúng sẽ hữu ích cho bạn.

1. Không cần quá lo lắng khi bạn không thể luôn luôn tự tin.

Điều này nghe có vẻ khác thường, đúng không? Nhưng Tiến sĩ Alice Boyes, trong cuốn The Healthy Mind Toolkit của mình, đã nói rằng thi thoảng bà cần cả sự tự tin lẫn tự ti để có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Một chút tự ti hay tự nghi ngờ bản thân giúp bạn trở nên đủ khiêm tốn để nhận ra rằng mình nên học hỏi và nỗ lực nhiều hơn khi làm một việc gì đó. Nó còn khơi dậy sự quyết tâm bền bỉ trong bạn để giúp bạn bước tiếp và “cho họ thấy bạn thực sự là ai”. Sự nghi ngờ, theo như Boyes, “khiến chúng ta tự hỏi mình đang làm gì, giúp tinh thần chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận sự thay đổi, thôi thúc chúng ta làm việc chăm chỉ hơn hay làm việc theo hướng khác đi, và chỉ cho ta cách tiếp cận phối hợp khi phải đối mặt với những người bất đồng quan điểm với chúng ta.” 

Hãy nhớ rằng cảm giác tự tin sẽ có lúc dâng cao, cũng có lúc suy yếu trong suốt cả một ngày – hay là cả cuộc đời – sự biến động này thực tế là một điều hoàn toàn bình thường và bạn không cần phải quá bận tâm.

2. Học cách quan tâm đến bản thân ở tương lai.

Suy nghĩ cho tương lai của bạn thể hiện ở những việc làm nhỏ nhất như bơm đầy bình gas ngay chiều nay vì sáng mai bạn có việc bận, hay những dự định “ăn no lo xa” như tập luyện thể dục hàng ngày để khi về già cơ thể bạn khỏe mạnh hơn. Bạn có thể tự nói với bản thân mình rằng, “Thực sự mình không muốn tập thể dục tí nào đâu, nhưng mình của tương lai sẽ cần và biết ơn vì điều đó.” Trong một blog của mình, Leo Babauta đã chỉ ra rằng những con người không có thói quen trì hoãn là những người mong muốn hạnh phúc cho bản thân ở tương lai.

3. Luyện tập cách tự động viên, khích lệ bản thân.

Một nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi nhà tâm lý học Kelly McGonigal, được thể hiện trong cuốn The Willpower Instinct của bà, cho rằng khi bạn nhận ra bản thân mình đang trải qua chuyện không vui, hãy tự an ủi mình rằng “ngày mai sẽ khác”. Điều này phần nào sẽ giúp bạn học cách chấp nhận bản thân khi mà chính bạn không thể tự đối xử với bản thân theo cách mà bạn muốn. Biết cách động viên và yêu thương chính mình khi bạn mắc sai lầm không chỉ thúc đẩy sự tự tin, mà còn củng cố động cơ thúc đẩy và khả năng kiểm soát bản thân.

Một số ví dụ cho những lời tự động viên: 

  • “Đúng là lúc đó mình chưa làm tốt, mặc dù mình cảm thấy khá tệ nhưng ít ra mình cũng đã dũng cảm vượt qua nó.”
  • “Bây giờ mình lại hối hận vì đã không TỪ CHỐI lời đề nghị của bạn ấy chứ gì? Vậy hãy rút kinh nghiệm và nghĩ xem lần tới mình nên nói gì đi.” 
  • “Không có ai là hoàn hảo.”
  • “Không được để bất cứ điều gì làm mình chán nản. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua thôi.”

4. Hãy nghĩ rằng thất bại là bước lùi, là thử thách, là cơ hội và là trải nghiệm.

Nếu nghĩ rằng “thất bại” là “trải nghiệm”, lượng hormone căng thẳng trong cơ thể bạn sẽ được giảm xuống đáng kể. Thay đổi cách dùng một từ có thể gợi ra một chuỗi những dòng suy nghĩ tích cực trong đầu bạn; và phân tích những sai lầm và vấp ngã trong quá khứ có thể giúp bạn làm tốt hơn trong tương lai. Vì thế, hãy loại bỏ ngay những từ ngữ tiêu cực như “thất bại” ra khỏi từ điển của bạn ngay hôm nay! Hãy luyện tập thường xuyên, và bạn sẽ xây dựng đượcmột hệ thống “Tư duy cầu tiến” – theo cách gọi của nhà tâm lý học Carol Dweck – trong tương lai không xa.

5. Đừng cho rằng ai cũng biết những điều bạn biết. Hãy giữ điều gì đó cho riêng mình.

Lời khuyên này cũng xuất phát từ cuốn The Healthy Mind Toolkit của Alice Boyes. Bạn có biết… những cửa hàng quần áo giá cả phải chăng? Luật lệ của thành phố bạn sống về việc đổ rác hay thu gom phế thải? Một nhà hàng tuyệt vời cho bất cứ ai vào bất cứ dịp nào? Hãy nghĩ đến những lần bạn bè hay những người xung quanh tìm đến bạn để có được những thông tin đó; và họ sẽ nhận ra bạn thực sự am hiểu nhiều lĩnh vực – kể cả kiến thức chuyên môn hay đời sống thường ngày.

6. Ý thức được thế mạnh của mình.

Hãy nhớ lại những lời khen hay lời nhận xét tích cực từ mọi người. Nghĩ về những công việc bạn đã làm, việc nào khiến bạn thích, việc nào không. Hiểu được bạn đã xoay sở để vượt qua những tình huống khó khăn như thế nào. Và khi đạt được một thành công nào đó, hãy “tua” lại trong đầu bạn những điều trên, thêm một lần, rồi một lần nữa. Sự thật là, tận hưởng những lời khen là một cách hay để biến những thế mạnh đó trở thành một phần bản chất của bạn. Tương tự như vậy, ghi nhớ những trải nghiệm tốt đẹp sẽ khiến cho những phẩm chất đặc biệt ăn sâu vào tâm trí bạn.

7. Luôn nhắc nhở bản thân về những mục tiêu cao hơn, xa hơn.

Luôn nhắc nhở bản thân về những giá trị quan trọng, những mục tiêu và nhiệm vụ trong cuộc sống sẽ mang lại ý chí, lòng kiên trì và sự tự tin. Những giá trị bản thân sẽ là kim chỉ nam cho cuộc đời bạn, chỉ cho bạn biết bạn thực sự là ai.

Nếu những lời khuyên trên không có tác dụng với bạn, và bạn luôn trong trạng thái day dứt vì cảm thấy mình thật vô dụng và chán ghét bản thân, hãy tìm một liệu pháp hiệu quả. Nhà trị liệu sẽ giúp bạn hóa giải những vấn đề tiêu cực nhất ẩn sâu bên trong con người bạn. Và đúng thế, trị liệu luôn đi liền với thời gian, tiền bạc và công sức; nhưng điều đó thực sự đáng giá nếu nó có thể cải thiện sự tự tin của bạn.


Nguồn: Tác giả Meg Selig từ psychologytoday.com

Felix dịch

Chủ đề chính: #người_tự_tin

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn