Cốc Vũ

8 đặc điểm khiến bạn dễ bị trầm cảm hơn

Đăng 6 năm trước

Trầm cảm là những khoảng thời gian mệt mỏi triền miên, bệnh nhân không còn bất cứ hứng thú hay hi vọng gì với cuộc sống. Sau đây là những đặc điểm khiến một người có nguy cơ cao hơn với bệnh trầm cảm.

Trầm cảm không chỉ là buồn hay một chút yếu đuối mà bệnh nhân có thể nhẹ nhàng bước qua. Trầm cảm là những khoảng thời gian mệt mỏi triền miên, bệnh nhân không còn bất cứ hứng thú hay hi vọng gì với cuộc sống. 

Ngày nay, nhờ sự phát triển của y học, trầm cảm không còn là một bệnh xa lạ. Trên thế giới, ước tính có khoảng 300 triệu người mắc trầm cảm. Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể mắc bệnh. 

Tuy nhiên, các chuyên gia về tâm thần đã chỉ ra những đặc điểm là yếu tố nguy cơ của bệnh.Chúng ta hãy cùng nhìn qua những điểm đó.

1. Đặc điểm nhân cách yếu đuối ví dụ như kém tự tôn và quá phụ thuộc, hay tự buộc tội và bi quan.

Tự trách là một đặc điểm quan trọng thể hiện đạo đức. Nhưng thường xuyên tự trách không làm vấn đề tốt lên mà chỉ khiến tâm trạng của bạn xấu đi.

2. Trải qua chấn thương, stress. Ví dụ như bị lạm dụng thân thể, tình dục, các chết của người thân, mối quan hệ khó khăn, các vấn đề về tài chính.

Quá khứ đau thương khiến nhiều người không thể có một hiện tại hạnh phúc.

3. Có quan hệ huyết thống với bệnh nhân trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào xác định được gene chính gây ra bệnh trầm cảm. Nhưng tỉ lệ bệnh nhân trầm cảm tăng lên ở người có tiền sử gia đình mắc các rối loạn tâm thần.

4. Là người đồng giới, chuyển giới, song tính ( LGBT)

LGBT là cộng đồng dễ bị tổn thương, họ có nguy cơ cao hơn với bệnh trầm cảm cũng như các rối loạn tâm thần khác.

5. Có tiền sử bệnh lý các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, rối loạn sau sang chấn tâm lý – stress.

Bệnh nhân từng được chẩn đoán chứng cuồng ăn, hội chứng sợ xã hội, rối loạn lo âu.. đều có nguy cơ cao hơn người bình thường với bệnh trầm cảm.

6. Lạm dụng rượu và thuốc kích thích.

Đây là một vòng xoáy ác tính. Bệnh nhân trầm cảm thường tìm đến rượu và chất kích thích. Ở phía ngược lại, những người lạm dụng rượu và chất kích thích cũng dễ mắc trầm cảm hơn.

7. Mắc bệnh nặng hoặc bệnh mạn tính như ung thư, đột quỵ, chứng đau mãn tính, bệnh tim mạch.

Theo thống kê của hội sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ, 25% bệnh nhân ung thư mắc trầm cảm. Với bệnh nhân sau đột quỵ, tỉ lệ này khoảng 10 - 27%. Ở bệnh nhân trải qua biến cố tim mạch, tỉ lệ này khoảng 33.3%.

8. Sử dụng thuốc như các thuốc tăng huyết áp hoặc thuốc ngủ.

Hãy cảnh giác với những thuốc bạn đang dùng. Một số thuốc có tác dụng phụ trên thần kinh trung ương. Nếu bạn thấy tâm trạng quá sa sút sau khi dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn để có lời khuyên đúng đắn nhất.

Chủ đề chính: #bệnh_trầm_cảm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn