Nguyễn Thị Hạnh

8 vấn đề bạn gặp trong kinh doanh nhỏ trên ghế nhà trường

Đăng 8 năm trước

Dưới đây là một số kinh nghiệm thực tế để giúp các bạn có dự định, đang dự định kinh doanh khi còn là sinh viên học sinh

Mình là một sinh viên một trường kinh tế khá nổi của Hà Nội. Giống như bao sinh viên khác, mình đã ấp ủ những dự định kinh doanh nhỏ trong trường, ngoài trường. Những ý tưởng, dự định đến với mình một cách vô cùng tình cờ. Nó đến khi vô tình đi qua trước cổng thấy quán ô mai ven đường và chợt thấy cơ hội kinh doanh. Đó là khi thấy người người nhà nhà mua sắm trên mạng, hay nhu cầu đồng phục đang trở nên ngày càng lớn. Đó cũng là khi đột nhiên thấy hết tiền, không có tiền mua mấy đôi tất. Vậy thôi, thế là những ý tưởng kinh doanh đến với mình. Mình thực hiện chúng bằng chính bản thân cũng có, bằng việc kết hợp với người khác cũng có. Sau đây, tuy kiếm số tiền vô cùng ít ỏi với nhiều dự định trong vòng hơn 1 năm, mình xin tổng kết lại một số vấn đề mình hay gặp phải trong quá trình kiếm tiền nho nhỏ này nhé.

1. Chất lượng hàng

Thật sự, tất cả các dự định của mình đều tính rất kĩ về chất lượng hàng. Tuy nhiên, dự định buôn ô mai đầu tiên của mình thì lại gặp phải vấn đề bị nghi ngờ về chất lượng. Mình đã từng siêu nản, thế nhưng vẫn duy trì được việc buôn bán trước khi thi cuối kỳ giai đoạn hai.

Vấn đề chất lượng hàng luôn được những khách hàng của mình hỏi đi hỏi lại. Họ cần sự cam đoan và sự tin cậy ở bạn người bán hàng cho họ. Đó là từ chất lượng an toàn thực phẩm của thức ăn, hay chất lượng quần áo, chất lượng những đôi tất nhìn siêu đẹp. Vì vậy, vấn đề đầu tiên quyết định bạn kinh doanh có thành công hay không, đó là chất lượng. Nếu bạn không đảm bảo được chất lượng thì dù bạn có hứa hẹn, đảm bảo, quảng bá giỏi thì cuối cùng vẫn không thể tiếp tục duy trì với chất lượng dởm.

2. Quảng bá

Điều quan trọng thứ hai không ngoài đâu khác là sự quảng bá. Đối với sinh viên, học sinh, để có thể bán hàng, buộc bạn phải quảng bá được sản phẩm bởi đây là kinh doanh nhỏ, người ta chưa biết về sản phẩm. Bạn phải đưa sản phẩm cho càng nhiều người biết càng tốt, lượng  bạn bè chịu quảng bá hộ cùng kha khá người thì mới có thể khiến sản phẩm được biết đến rộng rãi.

Ở tất cả các dự định kinh doanh của mình, mình đều có chiến lược quảng bá riêng. Nói cho hay ho là vậy, nhưng cũng không đến mức là chiến lược. Mình có 4 kế hoạch kinh doanh. Đó là buôn ô mai, buôn quần áo, làm đồng phục, buôn tất. Tất cả đều được mình quảng bá trên facebook trong những khung giờ và nhóm đông. Đó là một điều khá hiệu quả với việc mình buôn ô mai. Ngoài ra, mình còn lập hẳn một fanpage về thương hiệu của mình. Lượt like tính đến giờ cũng thấp nhưng cũng đã có một vài đơn hàng từ đó. Còn buôn quần áo với làm đồng phục, đây mới thực sự là vấn đề to, bởi vì đồng phục và buôn quần áo không hẳn ai cũng làm được vì lượng tiền bỏ ra cho một sản phẩm khá lớn với túi tiền học sinh, sinh viên. Bởi vậy, họ khá đắn đo với việc bỏ tiền cho bạn và hai dự án này của mình thất bại thảm hại. Một trong những nguyên nhân thất bại là lượng tiếp cận của mình tới khách hàng quá thấp.

3. Sự giúp đỡ về mua hàng

Khi bạn bắt đầu kinh doanh, số lượng người ủng hộ sản phẩm của bạn là bạn bè bạn khá lớn. Vì vậy, khi kinh doanh đừng nên ảo tưởng những con số khi mới bắt đầu. Khi hết giai đoạn ủng hộ, bạn mới thật sự thấy sock về doanh thu của kinh doanh nhỏ ấy. Điều quan trọng thứ ba là nó đâu có sai. Đúng là ban đầu chúng ta cần sự giúp đỡ này, nhưng cũng không nên quá mức bắt ép hay hối thúc bạn bè của bạn vì họ không giúp được ta mãi. Vấn đề của bạn là khách hàng quay trở lại mới quan trọng. Tuy nhiên, sự khích lệ từ người thân cũng là một nguồn động lực rất lớn về sự thành công sau này.

4. Dám nghĩ dám làm

Mình có 4 dự định kinh doanh và mình khá tự hào là mình đều đã từng hành động dù có dự định thất bại thảm hại và có dự định dù thành công nhưng cũng không vang dội gì cho cam. Bạn biết đây, kinh doanh thì nên dám nghĩ dám làm, không lưỡng lự thì mới rèn luyện được.

5. Tính toán, tránh ảo tưởng

Việc dám nghĩ dám làm ở trên mình rất khuyến khích, nhưng việc làm mà không tính thì mình khuyên bạn từ bỏ ngay lập tức. Nếu không có sự tính toán, bạn đã bắt tay với thất bại ngay từ đầu. Việc đầu tư kinh doanh nhỏ cũng giống như việc đầu tư kinh doanh lớn, nó cần sự tính toán tỉ mỉ, bạn thấy có cơ hội mới làm nếu tính ra thất bại đừng làm nữa. Tuy nhiên, trong quá trình tính toán những điều ấy, các bạn thường hay sa vào ảo tưởng. Đó là ảo tưởng doanh thu, thu nhập tương lai và nhiều thứ khác. Đó chính là một trong những lí do thất bại của dự định kinh doanh đồng phục của mình. Đó là một bài học rất xương máu. Sự tính toán không chính xác về thị trường về đơn hàng và khả năng dẫn đến việc lãng phí thời gian.

6. Tài chính minh bạch

Đây là một trong những vấn đề mọi người đều biết nhưng đến khi thực hiện đều không thành công. Việc bạn kinh doanh thì việc vốn và tiền hàng thu được cần được tách riêng khỏi tiền bạn chi tiêu bình thường, không nên để lẫn. May mắn là mình ở dự định bán ô mai đã thực hiện khá tốt điều này. Tuy nhiên, việc minh bạch tài chính không dừng ở đó. Dự định đồng phục mình làm cùng một nhóm bạn. Điều đáng nói là làm một nhóm thì việc minh bạch tài chính là điều cần nhất thì lại không được thực hiện vì nhóm có người đứng đầu và còn ngại nhau. Từ đấy, dẫn đến sự thất bại nhanh chóng của dự định kinh doanh chỉ sau một sự kiến kiếm được kha khá và tiền thì về tay bạn đứng đầu. Bạn thấy đó, việc minh bạch rất cần thiết.

7. Các mối quan hệ

Khi bạn kinh doanh, bạn sẽ phải chấp nhận với hiện thực của các mối quan hệ. Mình rất cảm ơn kinh doanh đã cho mình thấy mức độ tình bạn, sự chân thành từ những người xung quanh mình. Đúng là mối quan hệ không đụng đến tiền thì không sao, đụng đến tiền thì có chuyện. Cũng xuất phát từ việc bạn kinh doanh, những người thực sự chân thành sẽ không phải nghĩ là kiếm được lợi từ bạn bao nhiêu, bạn lợi từ họ bao nhiêu mà nghĩ cho việc kinh doanh của bạn. Tuy nhiên, thật không may mắn là mình gặp kha khá người nghĩ về việc mình lợi bao nhiêu. Đây là thể hiện rõ được các mối quan hệ một cách rõ ràng và hiện thực nhất.

8. Chấp nhận, học hỏi và tiến bộ

Kinh doanh nhỏ mang đến khá nhiều bài học và kinh nghiệm trong cuộc sống. Có những thất bại, vấp ngã bạn buộc phải chấp nhận. Có những điều hay ho bạn nên học hỏi để tiến lên từng ngày. Tin mình đi, kinh doanh hay lắm!!

Kết lại, kinh doanh nhỏ mang 8 vấn đề trên. Hãy thật khôn ngoan khi bắt đầu kinh doanh nhé những bạn trẻ, sinh viên, học sinh đầy dự định.

Chúc thành công.

Chủ đề chính: #khởi_nghiệp

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn