Nguyễn Minh Ngọc Hà Dream as if you'll live forever. Live as if you'll die today. - James Dean -

9 nhận thức sai lầm về kỹ năng sinh tồn có thể hại chết bạn

Đăng 7 năm trước

Có rất nhiều kỹ năng sinh tồn được phổ biến rộng rãi nhưng tất cả những kỹ năng đó có thực sự hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 9 nhận thức sai lầm về kỹ năng sinh tồn không chỉ vô ích mà còn có thể hại chết bạn dưới đây.

1. Sơ cứu khi bị rắn cắn

Nọc độc rắn xâm nhập vào máu rất nhanh và nó không tụ lại ở vết cắn. Vì vậy, cố gắng hút máu độc ở vết cắn là không hiệu quả. Hơn nữa, đưa miệng vào vết cắn có thể khiến nọc độc xâm nhập vào miệng và thực quản của bạn. Cách tốt nhất để một nạn nhân bị rắn cắn ngăn ngừa nọc độc di chuyển trong máu là phải giữ bình tĩnh, giữ cho vết thương thấp hơn vị trí của tim, uống nhiều chất lỏng và tất nhiên là phải đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.

2. Phải làm gì nếu bị lạc trong rừng

Bạn đã từng nghe nói điều đầu tiên bạn cần làm khi bị lạc ở một nơi hoang vu, vắng vẻ đó chính là tìm kiếm thức ăn. Điều này không hoàn toàn đúng. Một người khỏe mạnh có thể sống mà không cần thức ăn trong một thời gian khá dài: lên đến 6 tuần. Việc tìm kiếm nguồn nước và xây dựng một nơi trú ẩn giúp bạn có thể ẩn nấp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt mới là ưu tiên hàng đầu.

3. Cách để xây dựng một nơi trú ẩn

Trước khi xây dựng nơi trú ẩn thích hợp, bạn nên đánh giá môi trường xung quanh và điều kiện thời tiết. Bạn cần trú ẩn để tránh gió, mưa hoặc nắng thiêu đốt. Nhưng nếu chỉ dựng một mái che là chưa đủ. Ban đêm, mặt đất lạnh lẽo sẽ hút nhiệt ra khỏi cơ thể bạn nếu bạn không tạo ra một lớp ngăn cách cơ thể mình với mặt đất.

4. Cách để tìm nước ở sa mạc

Chỉ có duy nhất xương rồng Barrel có chứa nước có thể uống được. Bạn cũng có thể lấy chút nước rịn ra từ loài xương rồng Opuntia. Hầu hết các loài xương rồng đều độc hại. Uống chất lỏng bên trong chúng sẽ khiến bạn buồn nôn và khi nôn ra những chất lỏng quý giá trong cơ thể càng khiến bạn mất nước nhiều hơn.

5. Kỹ năng sinh tồn khi bị gấu tấn công

Gấu không muốn tấn công bạn, cũng ít khi ăn thịt bạn. Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, bạn chỉ cần đi lùi thật chậm và liên tục quan sát con gấu. Hãy giữ khoảng cách. Điều này sẽ cho gấu thấy bạn không có ý định xâm chiếm lãnh thổ của nó. 

6. Cách xác định thực vật nào có thể ăn và thực vật nào là độc hại

Trên thực tế, một số hoa quả và nấm độc đối với con người lại không độc hại với nhiều loài động vật và chim. Vì vậy, cách duy nhất để biết một thực vật có thể ăn được hay không là nhận diện chính xác loại nấm và quả dại ấy.

7. Cách xác định phương hướng bằng rêu

Rêu có thể mọc trên mọi bề mặt của cây, tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Đừng chỉ dựa vào các kiến thức phổ biến mà nhầm lẫn rằng rêu chỉ mọc ở hướng bắc của thân cây, nếu không bạn sẽ bị lạc.

8. Cách xử trí khi bị hạ thân nhiệt

Đừng bao giờ chà xát những vùng tê buốt vì điều này có thể gây tổn thương mô nhiều hơn. Bạn cũng không nên dùng nước nóng hoặc đèn sưởi ấm cho bệnh nhân. Cách điều trị này có thể khiến cơ thể bệnh nhân bị sốc nhiệt. Thay vào đó, bạn nên làm ấm bệnh nhân dần dần bằng chăn và một số chai nước ấm đặt dưới nách.

9. Kỹ năng sinh tồn khi bị cá mập tấn công

Có lẽ bạn đã từng nghe nói rằng nên đấm vào mũi cá mập để có thể sống sót khi bị nó tấn công. Ngay cả nếu như đó là sự thật thì cũng không có nhiều người đủ sức mạnh để làm điều này, đặc biệt là ở dưới nước. Thay vào đó, hãy cố gắng đặt một vật cứng ở giữa bạn và con vật (ví dụ như một mặt nạ lặn hoặc phao bơi). Nếu không có bất cứ thứ gì trong tay, cách tốt nhất để dọa một con cá mập tránh đi là làm xước mắt và mang của nó.

Theo Brightside

Dịch: Ngọc Hà - Ohay TV

Xem thêm: 

Chủ đề chính: #kỹ_năng_sinh_tồn

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn