NgT Vui vẻ, hài hước, thích du lịch và đọc sách. Xem phim thì phải là phim hành động, phiêu lưu. Nói nhiều, nói nhanh

Ánh mắt giúp phát hiện nói dối? Đó cũng chỉ là lời nói dối

Đăng 7 năm trước

Có rất nhiều nghiên cứu cho rằng, bất kể bạn dùng thủ thuật tinh tế đi bao nhiêu chăng nữa cũng không thể che dấu một lời nói dối qua ánh mắt. Thực ra đó cũng chỉ là một lời nói dối. Ánh mắt thật sự không giúp bạn phát hiện ra chúng.

Những nghiên cứu này đều chỉ ra rằng trong sự chuyển động của ánh mắt có liên hệ mật thiết với “chất lượng” thông tin trong não. Vì thế, nếu học cách quan sát ánh mắt bạn sẽ biết người đối diện có thật sự nói dối hay không. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã phản bác lại, ánh mắt không hề có sự “ràng buộc” nào đối với một lời nói dối hay nói thật. 

Trong cuốn sách mới mang tên “Presence” (Tạm dịch: Sự hiện diện) của giáo sư Amy Cuddy – nhà tâm lý đến từ Đại học Harvard cho rằng, đừng nên dựa vào ánh mắt để tìm kiếm thông tin chuẩn xác nữa. Nó không còn đúng. Đã đến lúc bạn nên sử dụng một phương pháp khác.

Tại sao ánh mắt lại không giúp phát hiện ra lời nói dối?

Từ xưa đến nay rất nhiều nhà khoa học, nhà tâm lý luôn tin khi một người liếc mắt nhìn lên phía bên phải, nghĩa là họ đang nói dối, còn liếc về bên trái là đang nói thật. Nhưng theo giáo sư Richard Wiseman, nhà tâm lý học của Đại học Hertfordshire, và nhóm nghiên cứu của ông  cho rằng, điều này hoàn toàn không có căn cứ xác thực. Để chứng minh điều đó, họ đã tổ chức những buổi kiếm tra có ghi hình video lại.

Theo lý thuyết ngôn ngữ học thần kinh, khi người thuận tay phải nhìn về phía bên phải của mình là họ đang hướng suy nghĩ đến việc “xây dựng” hoặc tưởng tượng ra. Ngược lại, khi nhìn bên trái nghĩa là họ đang  cố gắng “nhớ lại” (sự thật). Vậy nên, nói ngắn gọn, ai có xu hướng nhìn bên phải thì “chắc ăn” là đang sắp nói dối. 

Cuộc thử nghiệm gồm hai nhóm, nhóm một  sẽ thực hiện những lời nói dối và nói thật. Tất cả đều được ghi hình để quan sát chuyển động của ánh mắt. Nhóm thứ hai được yêu cầu xem những video của nhóm một và cố gắng phát hiện ra những điều dối trá bằng cách quan sát ánh mắt của họ. 

"Kết quả của nghiên cứu đầu tiên cho thấy không có mối quan hệ giữa việc nói dối và ánh mắt”- Giáo sư Wiseman nói. Nhóm thứ hai cũng không thể dùng ngôn ngữ học thần kinh để đoán chính xác được ai là người nói dối,ai là người nói thật.

Một nghiên cứu tiếp theo liên quan đến việc phân tích những đoạn video của các cuộc họp báo cao cấp trong đó bao gồm một số lời kêu gọi tìm kiếm người thân bị mất tích và một số người tự xưng mình là nạn nhân của tội phạm. Kết quả họ cũng không tìm được bằng chứng về mối tương quan giữa việc nói dối và những ánh mắt tố cáo. 

Giáo sư Dr Caroline Watt, Đại học Edinburgh, nói rằng:"Phần lớn mọi người tin rằng các ánh mắt có thể tố cáo sự dối trá, và nhận định này thậm chí còn được dạy trong các khóa đào tạo  chuyên môn hẳn hoi”. Nhưng có lẽ từ đây, bạn nên thay đổi lại cách suy nghĩ của mình thôi.

Vậy đâu mới là cơ sở để phát hiện lời nói dối?

Theo giáo sư Richard Wiseman cho rằng, sự lưỡng lự trong lời nói và nhất quán trong cử chỉ tay chân mới thực sự là thủ phạm tố giác sự không thật thà trong phát ngôn của người đối diện. 

Trong cuốn sách “Presence” của giáo sư Amy Cuddy cũng nêu lên nhận định rằng đừng phụ thuộc vào ánh mắt nữa mà hãy tìm kiếm những biểu hiện khác của người nói, tận dụng các kỹ năng để quan sát, phát hiện sự thiếu nhất quán trong một chuỗi cách giao tiếp của đối phương như nét mặt, điệu bộ cử chỉ hay cách nói năng. 

"Nói dối là một việc rất khó khăn. Chúng ta kể một câu chuyện và phải kiềm chế một phần sự thật. Nếu như đó chưa là gì phức tạp, đa phần chúng ta đều có cảm giác tội lỗi mỗi khi nói dối. Chúng ta phải kiềm chế cả sự tội lỗi này. Con người không có đủ sức mạnh trí não để làm từng ấy việc trong một lúc mà không để lộ ra sơ hở", Giáo sư Cuddy nói. 

 Cá Ngựa (Dịch & Tổng hợp)

Chủ đề chính: #ánh_mắt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn