Nhược Tích [...]

Ba nhân tám bằng mấy?

Đăng 7 năm trước

Rất nhiều nghĩ rằng đây là một câu hỏi vô cùng đơn giản cho đến khi họ đọc được mẩu chuyện dưới đây. Một câu chuyện nhỏ từ hàng ngàn năm trước nhưng đến bây giờ vẫn vẹn nguyên giá trị.

3 x 8 = 23

Thời Xuân Thu (Trung Quốc), Khổng Tử là bậc thánh nhân tài trí hơn người. Rất nhiều học trò tìm đến ông xin theo học lễ nghĩa, trong đó có Nhan Uyên. Một ngày nọ, lúc ngang qua tiệm vải, Nhan Uyên thấy người mua và người bán đang tranh cãi gay gắt. Khách hàng khăng khăng ba nhân tám là 23 đồng nên nhất quyết không trả thêm tiền. Nhan Uyên cố giải thích nhưng không được, vì vậy ông đề nghị đến gặp Khổng Tử nhờ phân định đúng sai. Vị khách lấy cả mạng sống ra để đánh cược, còn Nhan Uyên tuyên bố sẽ từ quan nếu thua cuộc. 

Khổng Tử sau khi nghe xong sự tình, mỉm cười nói rằng: 

- Nhan Uyên, con thua rồi, nên tháo mũ quan xuống đem cho người ta đi. 

Nhan Uyên miễn cưỡng chấp nhận nhưng trong lòng không tâm phục. Hôm sau ông viện cớ muốn về nhà, xin phép nghỉ học. Khi Nhan Uyên đến cáo biệt, Khổng Tử cẩn thận dặn dò học trò: “Ngàn năm cổ thụ không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ.” Nhan Uyên về đến nhà vào lúc đêm khuya. Sợ làm kinh động giấc ngủ của mọi người, ông dùng bảo kiếm mở chốt cửa rồi bước khẽ vào phòng thê tử. Trong ánh sáng lờ mờ, Nhan Uyên thấy có hai người cùng nằm ngủ trên giường nên vô cùng tức giận, định vung gươm chém chết. Bất chợt, ông nhớ đến lời dặn “sát nhân không rõ chớ động thủ” liền thắp đèn lên soi rõ, hóa ra người nằm cạnh chính là hiền muội của vợ ông. 

Về sau khi thầy trò gặp lại, Khổng Tử mới điềm đạm giải thích: 

-Ta biết rõ con bất mãn, cho rằng ta hồ đồ nên muốn nghỉ học. Lúc rời đi, con vì thua thiệt mà trong lòng sinh oán khí, dễ làm chuyện xuẩn ngốc nên ta mới căn dặn cẩn trọng. Ba nhân tám tất nhiên bằng 24, nhưng lúc đó ta nói đúng thì người khách kia sẽ phải mất mạng. Con nghĩ xem, áo quan của con so với mạng người bên nào quan trọng hơn? 

Nhan Uyên nghe xong thì tỉnh ngộ, bấy giờ vội vàng quỳ lạy sư phụ.

Thắng cũng chỉ là thua

Có nhiều lúc, chúng ta tranh cãi gay gắt, kiên quyết bảo vệ lý lẽ của mình mà không nghĩ đến hậu quả. Như vị khách kia, nếu không nhờ Khổng Tử cứu giúp thì chắc chắn đã mất mạng một cách ngớ ngẩn. Bởi vậy, khi một ai đó nói bạn sai, chớ vội mang cái tôi tự ái của mình ra để tranh luận. Hãy nhẩm câu thần chú “3 x 8 = 23” và bình tĩnh lắng nghe. Chỉ có như vậy, đôi tai của bạn mới đủ tỉnh táo để suy xét phải trái, miệng lưỡi của bạn mới đủ thời gian để cân nhắc chuyện lý lẽ.

Thua thực ra là thắng

Có một chân lý rất đơn giản nhưng không phải ai cũng nhận ra: “kim loại vì cứng rắn nên dễ gãy, nước vì mềm mại nên vẹn toàn”. Thế nên, nhượng bộ đôi khi không phải biểu hiện bản thân yếu kém và nhu nhược. Chúng ta không cần tranh cãi với hai loại người, đó là người điên và kẻ không biết nói lý lẽ. Tương ứng cũng sẽ có hai trường hợp không nên tranh luận, đó là cãi nhau vô nghĩa và cãi nhau mà mất đi quá nhiều thứ. Nhan Uyên vì cố chấp nên phải cởi bỏ áo quan, vì ấm ức chuyện đúng sai nên suýt nữa hành động dại dột. Tùy vào từng tình huống cụ thể mà biết tiến lùi linh hoạt mới là cách ứng xử thông minh, khôn khéo.

Sự thật không phải lúc nào cũng như ta nhìn thấy

Khổng Tử mặc nhiên chấp nhận điều sai để làm một việc đúng đắn với lương tâm. Thế nhưng học trò Nhan vì chỉ nhìn bằng mắt thường đã không thấy được điều đó. Vì vậy, trước mỗi sự việc, chúng ta cần gạt bỏ cảm tính để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành, đừng chỉ dựa vào biểu hiện bề nổi mà vội vàng đưa ra phán xét.

Nhược Tích

Chủ đề chính: #Khổng_Tử

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn