An Hạ Viết lại bất kỳ điều gì lướt qua cuộc sống của mình <3

Ba sai lầm ngăn bạn cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống

Đăng 5 năm trước

Thực tế là khi bạn làm ba điều này, bạn chỉ càng cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.

Cảm xúc ảnh hưởng đến những quyết định trong cuộc sống của chúng ta. Cảm xúc ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc, tinh thần và sức khỏe tâm lý của mỗi người. Nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng quản lý cảm xúc quyết định thành công của bạn trong tương lai. 

Trong cuộc sống, bạn trải qua rất nhiều những xúc cảm quan trọng và đầy ý nghĩa, nhưng thông thường, chúng ta sẽ không ngồi lại để nghiền ngẫm về những xúc cảm ấy. Đa phần mọi người đều lựa chọn không bận tâm. 

Chúng ta hiếm khi nói về cảm giác của mình, và phần lớn chúng ta chưa bao giờ được dạy cách để đối diện với cảm xúc của chính mình. Như một hệ quả tất yếu, chúng ta – kể cả người thông minh hay thành công – đều mắc những sai lầm về cảm xúc. 

Và có những sai lầm mà chúng ta thường xuyên mắc phải:

1. Phủ nhận cảm xúc của mình

Thực tế là khi chúng ta bị thương về thể xác, ví dụ như một vết cứa ở chân, bạn sẽ không bao giờ phủ nhận rằng mình bị cứa ở chân. Chúng ta sẽ ngay lập tức xử lý vết cứa ấy mà chẳng cần suy nghĩ. Vậy mà, chúng ta lại phủ nhận những vết thương tâm hồn. 

Chúng ta cố gắng gói gọn cảm xúc của bản thân bằng cách cười trừ “Tôi không quá quan tâm đến công việc ấy” hoặc phủ nhận cảm xúc bằng cách nói “Không, tôi không tức giận”, phần lớn chúng ta cố gắng hành động như thể chúng ta không hề bị tổn thương. Nhưng, càng cố gắng lờ đi cảm xúc, càng khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ. 

Nhiều người nghĩ rằng kìm nén cảm xúc là minh chứng của một tâm hồn mạnh mẽ. Thực tế là, chúng ta chỉ đang giả vờ kiên cường. 

Có lẽ thật xấu hổ và không thoải mái khi phải thừa nhận những khó khăn mà bạn gặp phải. Nhưng chấp nhận và đối diện với cảm xúc của chính mình chính là chìa khóa giúp bạn đi đến những quyết định đúng đắn – và đó cũng là yếu tố căn bản để chữa trị những tổn thương tâm hồn một cách hiệu quả.

2. Né tránh những cảm xúc tiêu cực

Sợ hãi, buồn bã, xấu hổ và thất vọng là những cảm xúc tiêu cực mà không ai muốn trải qua. Một số người cố gắng hết sức để làm một việc tưởng chừng đơn giản: né tránh những cảm xúc ấy, thực tế là họ đang tự bó buộc chính mình. 

Bạn nên cho phép mình được cảm thấy không thoải mái. Bạn nên cho phép mình trải qua những cảm xúc tiêu cực nếu như bạn thực sự muốn trải nghiệm cảm giác tích cực. Hãy nhớ rằng nếu bạn luôn luôn hạnh phúc, bạn sẽ không còn trân trọng hạnh phúc nữa. 

Mỗi khi phải đối diện với những tình huống khó khăn, hãy nhớ rằng đó là cơ hội để bạn thêm tin tưởng vào bản thân mình. Khi bạn học được cách tự trắc ẩn, bạn sẽ càng bản lĩnh hơn khi đối diện với nỗi sợ hãi, và mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn. 

3. Theo đuổi hạnh phúc

Hạnh phúc là điều chúng ta theo đuổi hàng ngày. Ai cũng nói về những điều nên làm để có được hạnh phúc. 

 Thế nhưng, theo đuổi hạnh phúc đem lại kết quả ngược lại.Càng theo đuổi, thì bạn càng không hạnh phúc. Ý nghĩ rằng bạn không hạnh phúc sẽ ngăn bạn tận hưởng nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống. Và việc không ngừng đuổi theo hạnh phúc chỉ càng làm bạn cảm thấy cuộc sống tồi tệ hơn. 

 Thêm vào đó, một số người đang đánh đổi sự thỏa mãn dài lâu bằng những phút hài lòng ngắn ngủi. Ăn thêm một phần tráng miệng chỉ khiến bạn thoải mái trong chốc lát. Bỏ bê dự án dang dở để chìm đắm vào show truyền hình yêu thích cũng chỉ có thể khiến bạn ngừng chán chường và giận dữ trong chốc lát. 

 Nhưng sự hài lòng trong chốc lát và sự chiều chuộng bản thân quá mức có thể khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội lâu dài. Rèn luyện bản thân – điều đó giúp bạn học được cách tự trắc ẩn, cách đối diện với những điều không vui –và tất nhiên là giúp bạn cảm thấy hạnh phúc dài lâu hơn.

Làm thế nào để trau dồi kỹ năng quản lý cảm xúc?

Quản lý cảm xúc cũng là một dạng kỹ năng – vì vậy cũng cần được luyện tập. Nhưng trước khi trau dồi kỹ năng này, bạn cần loại bỏ những xử lý cảm xúc sai lầm trước hẵng. 

Tin tốt là, quản lý cảm xúc cũng là một trong ba chìa khóa để có một thể chất khỏe mạnh. 

Nguồn: Amy Morin từ psychologytoday.com

Chủ đề chính: #hạnh_phúc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn