Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Ba Tư ngàn lẻ

Đăng 5 năm trước

Bước xuống từ ngàn lẻ một đêm, tôi đặt chiếc đĩa than vào khoảng không bỏ ngỏ, crik…crik…crik “Phiên chợ Ba Tư” của Ketèlbey cổ xưa như một chuyến du thuyền.

“Phiên chợ Ba Tư” (In a Persian market) là một tác phẩm của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, nghệ sĩ piano người Anh Albert William Ketèlbey (1875 – 1959). Kỳ thực Ketèlbey không phải là một tên tuổi lớn với tư cách một nhà soạn nhạc cổ điển. Trong lĩnh vực này, ông chỉ đạt được một vài ghi nhận nhỏ về mặt phê bình với số ít tác phẩm hợp xướng và thính phòng.

Sabre Dance – Phiên chợ Ba Tư – Vanessa Mae

Ngoài những tác phẩm thời kỳ đầu mang phong cách cổ điển, phần lớn thời gian ông chuyên tâm vào kiểu nhạc nhẹ (Light Music) viết cho piano hoặc dàn nhạc. Dẫu vậy Phiên chợ Ba Tư cứ như một con thú hoang mách bảo người ta len lỏi từ rừng già này đến vực sâu kia rồi bỗng chốc say cuồng nhảy múa trong những bữa tiệc thánh thần, nơi ấy chỉ có màu sắc và những xúc cảm của con người còn đang run rẩy.Phiên chợ Ba Tư, được sáng tác năm 1920, là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Ketèlbey. 

Theo nhà phê bình Anh Ralph Hill, một người rất sành về âm nhạc Ba Tư, đây là tác phẩm về Ba Tư hay nhất được viết ra bên ngoài vùng đất này với một mối quan tâm lớn đến sắc màu phối khí.Màu sắc phối khí phong phú là một đặc trưng lớn trong nhiều sáng tác của Ketèlbey. Người họa sĩ vẽ cover cho tác phẩm của ông đã hóm hỉnh mô tả chính nhà soạn nhạc như một phù thủy đang pha chế một hỗn hợp âm điệu trong một cái vạc lớn. 

Tôi thực sự xúc cảm trước liên tưởng của người họa sỹ nọ và vô hình trung Phiên chợ Ba Tư đã mở ra trong tôi những cảm nhận mới mẻ. Đó là tưởng tượng về những cuộc phiêu lưu mải miết ngàn lẻ Ba Tư.

( Người đàn bà Nguyễn Hoàng Anh và người đàn ông có thói quen ngậm tẩu trầm mặc ở Chez Vu Homestay – Trần Vũ, tại Istanbul )

Hình như tôi đã nói ở đâu đó: Được sống đã là vui, nhưng được đi mới là hạnh phúc…Khi đôi chân còn chưa mỏi mệt thì ngại gì những khúc biệt hành…Đất nước Iran hay còn có tên gọi trước đây là Ba Tư đang trở thành một điểm nóng du lịch trong nhiều năm gần đây, với những hoạt động lữ hành sôi động, thu hút sự chú ý của du khách khắp nơi trên thế giới.Ba Tư cổ xưa mà hiện đại, huyền hoặc mà thênh thang đến tận đường chân trời. Ba Tư tốn nắng, Ba Tư tốn gió, Ba Tư chao đảo vạc dầu trong những đêm leo lét cổ tích thần đèn lưu lạc nhân gian.Isfahan, nằm ​​ở trung tâm của đất nước, là thành phố thu hút nhiều khách du lịch nhất Iran. Thành phố này nổi tiếng với kiến trúc Hồi giáo, cầu có mái che, cung điện và nhà thờ Hồi giáo.

Đó là nơi có nhiều điểm du lịch lớn, chẳng hạn như quảng trường Imam (Naqsh-e Jahan Square), một trong những thành phố quảng trường lớn và đẹp nhất thế giới với kiến trúc Hồi giáo tuyệt đẹp.Ba Tư ảo huyền, Ba Tư màu nhiệm, đến Ba Tư có ai quên chặng đường về? 

Đảo Kish nằm cách bờ biển phía Nam Iran chỉ khoảng 20 km. Nơi đây được mệnh danh là hòn ngọc trai của vịnh Persia với một điều kiện tự nhiên lý tưởng bao gồm rặng san hô trải dài dọc bờ biển yên tĩnh cùng những bãi cát vàng ngập trong nắng.  

Với hình dáng và cách trang hoàng vô cùng tráng lệ, khu vườn Eram được xem là công trình xuất sắc nhất trong kiểu kiến trúc này. Tên gọi “Eram” nghĩa là “Vườn Thiên Đàng”, bởi phong cảnh nơi đây là sự kết hợp hài hòa tuyệt đối tựa như thiên đàng của hồ nước và cảnh quang thiên nhiên xung quanh.

Với những sắc màu trầm tư mà chẳng hề cũ càng, Ba Tư làm cho người ta cảm giác như mới vừa ngay hôm qua thôi thành phố và xứ sở này còn đang rối rắm trong tơ lụa, giăng mắc trong những đoạn nhạc réo rắt và phiêu linh những ngàn lẻ đêm dài bất tận.Thử hỏi trong tâm trí mỗi con người liệu ai không có một bóng hình Aladdin và cây đèn bao trùm lên ký ức cơ man nào thần diệu. 

Có lẽ cũng bởi vì thế mà Ba Tư trở nên thân thuộc trong mỗi một bước chân lữ khách khi du hành đến nơi này.Tôi vẫn luôn ám ảnh bởi giấc mơ thiếu thời về cây đèn, về tấm thảm, về Aladdin, về trăm vạn ngàn phép thuật, về cái ác, về điều thiện cùng những lương tri và nhân phẩm ngự trị trong mỗi con người.Trong truyện cổ tích thì nhân vật chính lúc nào cũng được ưu ái, vì chắc chắn là sẽ có một hạnh phúc ngọt ngào đến ở cuối truyện. 

Aladin thì lại may mắn, vì tự dưng nhặt được cây đèn thần, tự dưng trong phút chốc có tất cả mọi thứ, tự dưng trở thành hoàng tử. Nhưng trong cái may mắn của Aladin đã tiềm ẩn những bi kịch cuộc đời. Đôi khi, có được mọi thứ quá dễ dàng cũng không phải là điều hạnh phúc. Bởi khi ấy, bạn không biết trân trọng cái mà bạn có, bạn coi đó như là điều “đương nhiên nó phải thế” mà quên mất rằng cái gì do mình thực sự tạo ra từ nỗ lực của chính mình thì nó mới bền vững.

Hãy nghe lại Phiên chợ Ba Tư, có những đoạn sóng nhạc réo rắt, có những đoạn âm thanh chỉ còn mơ hồ như một sợi tơ mỏng manh. Đó là những lúc bi kịch giữa đời thường và trăm ngàn vạn biến tại xứ sở Ba Tư. Cuộc sống đầy âm thanh và sắc màu như một phiên chợ. Ở đó người ta có thể ngã giá. Nhưng ở đó người ta cũng có thể định đoạt chính mình.

Tâm tư loang loét ánh chiều cổ tích. Tôi bước vào ngàn lẻ một đêm, lấy chiếc đĩa than từ khoảng không bỏ ngỏ, có tiếng sạn của thời gian “Phiên chợ Ba Tư” của Ketèlbey cổ xưa như thoáng nheo mày…

Nguồn: Trải Nghiệm Khác Biệt

Chủ đề chính: #phiên_chợ_Ba_Tư

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn