Khang Ninh

Bài học cần nhớ cho những người trẻ bước đầu lập nghiệp

Đăng 8 năm trước

Môi trường xã hội không còn dễ dàng như khi bạn còn ngồi ghế nhà trường. Trước khi bắt đầu xông pha tạo lập sự nghiệp, bạn cần nuôi dưỡng và trau dồi những nguyên tắc cơ bản nhất nếu muốn tìm được vị trí trong xã hội.

1. Xác lập mục tiêu

Những bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ở lại nơi thành thị tìm kiếm công việc cho mình nhất định cần phải có mục tiêu và sự theo đuổi của bản thân. Đây là nguyên tắc đầu tiên để bạn tạo lập sự nghiệp và xây dựng cuộc sống nơi xa nhà.

Bạn đã lựa chọn con đường rời khỏi vòng tay gia đình thì luôn phải hiểu rõ mục tiêu của mình. Bất luận là kế sinh nhai trước mắt hay kế hoạch cho cả cuộc đời trong tương lai, bạn đều phải vạch ra mục tiêu ngắn hay dài hạn. Có mục tiêu mới có thể biết được phương hướng nỗ lực, từng bước từng bước tiến cao tiến xa hơn.

Người không có mục tiêu, cho dù bôn ba chăm chỉ bao nhiêu, cuối cùng cũng rơi vào tình trạng hoang mang, mơ hồ và không nhìn thấy hy vọng cho tương lai, đừng nói chi đến hai chữ “tiền đồ”.

2. Học cách thích ứng

Hoàn cảnh là thứ rất khó thay đổi. Cuộc sống xa nhà với đủ thứ gánh nặng từ tiền thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt cá nhân v.v… đều phải tự mình gánh vác. Cuộc sống như thế chắc chắn có lúc đẩy bạn rơi vào tình trạng túng thiếu khó khăn, và lúc này rất cần bản lĩnh thích nghi của bạn để vượt qua nó. Những người trẻ tự lập luôn đòi hỏi phải học cách thích ứng với môi trường luôn biến động, thích ứng cả với sự cô độc lâu dài, và từ quá trình thích nghi này, bạn sẽ học được cách “uốn mình” theo hoàn cảnh mà hướng tới mục tiêu của mình. Cho dù gặp bất cứ khó khăn nào, hãy nhớ cho mình câu nói: thay đổi bản thân nhiều hơn và ít than vãn hoàn cảnh lại!

3. Tin vào bản thân

Quyết định lập nghiệp xa quê đã là một dũng cảm, cũng là niềm tin với chính bản thân mình. Loại niềm tin này chính là lý do mà bạn lựa chọn con đường cho mình và là nguồn cổ vũ không nhỏ trong mọi hoàn cảnh. Điều đáng sợ nhất chính là khi những người trẻ trải qua thử thách hay thất bại, họ dần mất niềm tin vào chính mình, không còn đủ dũng khí tiến về trước nữa, khi đó mọi nỗ lực xem như dã tràng xe cát.

4. Duy trì phấn khởi

Trong quá trình theo đuổi sự nghiệp và cuộc sống, có rất nhiều thứ quan trọng mà bạn cần nắm bắt, bao gồm thời cơ, năng lực,học thức, bạn bè v.v… Song, quan trọng hơn cả chính là lòng phấn đấu nỗ lực của bạn. Sự phấn khởi lẫn nhiệt huyết giống như hạt giống, hạt giống không tốt dù đất, tự nhiên hay phân bón có tốt mấy cũng không thể cho ra những mầm cây ưu việt. Đừngbao giờ làm nguội tắt sự phấn khởi của mình dành cho công việc, sự nghiệp đang theo đuổi. Nó chính là tấm đệm nâng mỗi bước chân của bạn biến ước mơ thành hiện thực.

5. Trân trọng thời gian

Sự nghiệp và cuộc mưu sinh đều cần có một quá trình phát triển từng bước. Quá trình này sẽ dài ngắn khác nhau tùy người nhưng vẫn cần có giới hạn của nó.Trong khi nỗ lực cần phải có sự tiến bước, một thời gian quá dài mà không có tiến bộ nào thì thật không ổn. Trong khi người khác đang dần tiến bộ thì bạn vẫn mãi giậm chân tại chỗ dù thực tế bạn đang cố gắng, đây là sự lãng phí thời gian không đáng có. Thời gian là vốn quý, vì vậy nó cần được đầu tư cho những việc có giá trị và hữu ích nhất để có thể đạt được kết quả tối ưu.

6. Tích lũy kinh nghiệm

Thành công có con đường của thành công, thất bại cũng có lý do của thất bại. Đây là những bài học và kinh nghiệm trong quá trình phấn đấu của bạn. chúng cần được đúc kết lại để vận dụng hữu ích trong sự nghiệp lẫn cuộc sống. Kinh nghiệm của sự thành công cần đúc kết và chia sẻ với người khác, cùng nhau tham khảo và phát huy. Kinh nghiệm của sự thất bại cũng cần đúc kết, nhắc nhở bản thân không đi lại vết xe đổ và giúp người khác lấy đó mà đề phòng. Không ngừng đúc kết kinh nghiệm mới có thể giảm thiểu tối đa những trở ngại trong tương lai của bạn.

7. Biết tiến thoái

Cùng một lĩnh vực, không phải ai cũng thích hợp theo đuổi và thành công. Người không biết phấn đấu rất khó có thu hoạch, tuy nhiên không phải cứ phấn đấu là nhất định thành công, còn phải xem bạn có định hướng và phương pháp thế nào, có nắm bắt thời cơ hay không, và biết đâu là ưu khuyết điểm của mình. Biết tiến thoái nghĩ là hiểu được lúc nào nên tiến lên, lúc nào cần lùi lại. Như thế vừa tiết kiệm thời gian và kịp thời tìm ra được con đường phát triển phù hợp với mình nhất.

Chủ đề chính: #bài_học

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn