duy1392010

Bạn có dấu hiệu của một kẻ tội phạm?

Đăng 3 năm trước
Bạn có dấu hiệu của một kẻ tội phạm?

Điều kiện sợ hãi tự chủ bị thiếu hụt sớm ở trẻ có thể dẫn đến tội ác khi trưởng thành. Bởi vì, những người thiếu sợ hãi thường ít có khả năng tránh các tình huống, bối cảnh và sự kiện liên quan đến hình phạt trong tương lai - dẫn đến thiếu lương tâm.

Thời gian gần đây, những vụ giết người cứ tiếp tục tăng. Các trang báo liên tục đăng những tin tức về những vụ án mạng. Như vụ giết người cướp của mà báo VnExpress đưa tin vào ngày 13 tháng 10 năm 2020 về tử thi có 6 vết đâm ở bờ đê sông Lô, huyện Sơn Dương. Hay như vụ án với dấu tích hình tròn của kẻ sát nhân để lại trên người nạn nhân xảy ra ở Mỹ vào tháng 10 năm 1937. Thậm chí có những vụ án giết người kinh khủng nhất trong lịch sử về tên sát nhân cầm rìu ở New Orleans (1918-1919). Điều gì đã khiến họ trở thành những kẻ giết người tàn bạo như vậy?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội có thể là do ảnh hưởng bởi: đặc điểm sinh học như hooc-môn trong cơ thể, hàm lượng insulin trong máu,..; những dấu hiệu về văn hóa, xã hội hay nghề nghiệp…

Năm 2010, Yu Gao và các cộng sự của mình đã tiến hành cuộc nghiên cứu về “Association of Poor Childhood Fear Conditioning and Adult Crimec” (tôi gọi nó là: “Nhỏ không sợ. Lớn lên làm tội phạm”). Gao đã đánh giá chứng sợ điện qua da (như kiểu người ta sẽ chỉa điện vô người bạn xem bạn có sợ không) trong một nhóm người gồm 1,795 trẻ em 3 tuổi và ghi chép phạm tội hình sự ở tuổi 23.

Theo Yu Gao, khả năng điều hòa sợ hãi kém (ý là không sợ trời không sợ đất) ở trẻ 3 tuổi dễ dẫn đến tội phạm ở tuổi 23. Khi điều hòa nỗi sợ hãi kém xuất hiện sớm trong cuộc sống, nó liên quan đến rối loạn chức năng vỏ não trước trán (ventral prefrontal cortex dysfunction) và hạch hạnh nhân (amygdala) và không sợ bị xã hội trừng phạt ở những đứa trẻ lớn lên trở thành tội phạm.

Hạch hạnh nhân trái và phải. Hạch hạnh nhân bên phải sẽ sản sinh ra những cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là sợ hãi và buồn tủi khi bị kích thích. Trái lại, hạch hạnh nhân bên trái lại sản sinh ra 1 trong 2 loại cảm xúc là hài lòng (hạnh phúc) hoặc không hài lòng (sợ hãi, lo lắng, buồn tủi).

Trong báo cáo, Gao cho biết đây là nghiên cứu theo chiều dọc đầu tiên chứng minh điều kiện sợ hãi tự chủ bị thiếu hụt sớm ở trẻ là một yếu tố dẫn đến tội phạm ở tuổi trưởng thành. Theo như giả thuyết, điều kiện sợ hãi kém có thể dẫn đến tội ác bởi vì những người thiếu sợ hãi thường ít có khả năng tránh các tình huống, bối cảnh và sự kiện liên quan đến hình phạt trong tương lai - dẫn đến thiếu lương tâm. Những phát hiện của nghiên cứu này nhìn chung phù hợp với quan điểm phát triển thần kinh về tội phạm hình sự.

Rối loạn chức năng ở nhiều cấu trúc não, tập trung vào vùng thái dương phía trước, có liên quan đến tội phạm hình sự. Những nghiên cứu về sự suy giảm của các hệ thống bên trong não như: thùy trán (orbitofrontal), mặt lưng bên (dorsolateral) và hệ viền (Limbic system), bao gồm hạch hạnh nhân (amygdala) và vỏ não trước (the anterior cingulate cortex) có liên quan đến chống đối xã hội. Các mạch liên quan đến điều hòa sợ hãi cũng phức tạp tương tự, bao gồm cả vỏ não trước, đường vân, và vỏ trước ngoài hạch hạnh nhân.

Sự suy giảm kết nối giữa hạch hạnh nhân và vỏ não trước có thể là nguyên nhân dẫn đến suy giảm khả năng điều hòa sợ hãi ở tội phạm. Yu Gao và các cộng sự đã đưa ra giả thuyết rằng, sự thiếu hụt trong các vùng não liên quan làm phát sinh vấn đề về hành vi. Không chỉ vậy, điều kiện sợ hãi kém và các mạch liên quan đến điều hòa sợ hãi bị tổn hại thời thơ ấu có thể dẫn đến những hành vi phạm tội khi trẻ trưởng thành. Điều này đã được đánh giá trong một nhóm nhỏ các cá nhân có bằng chứng hành vi tội phạm ở tuổi trưởng thành

Khi so sánh các thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn ứng xử với các đối tượng cùng tuổi khác, đã phát hiện ra rằng, hạch hạnh nhân của các thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn ứng xử có khả năng đáp ứng kém với các cảm xúc tiêu cực. Không giống như một số vùng não khác (ví dụ: vùng cực trước trán và vùng thái dương), hạch hạnh nhân hiếm khi bị bệnh và thương tích, và do đó rối loạn chức năng hạch hạnh nhân có nhiều khả năng liên quan đến các vấn đề thần kinh. Nhưng Yu Gao và các cộng sự cho rằng, chỉ khi tiến hành “quét” não trên một lượng lớn trẻ nhỏ và theo dõi chúng trong vài thập kỷ thì mới khẳng định rối loạn chức năng hạch hạnh nhân sớm là một nguyên nhân dẫn đến điều hòa nỗi sợ kém ở trẻ nhỏ và chúng trở thành tội phạm hình sự lúc trưởng thành.

Olds D và cộng sự đã tiến hành cuộc thí nghiệm “Long-term effects of nurse home visitation on children's criminal and antisocial behavior: 15-year follow-up of a randomized controlled trial” (Olds D đã nghiên cứu và theo dõi suốt 15 năm về hành vi phạm tội và chống đối xã hội của trẻ em bằng việc thăm khám tại nhà của y tá). Olds D cho rằng, các chương trình trước sinh nhằm vào các yếu tố sức khỏe, bao gồm giảm tiêu thụ thuốc lá, rượu, ma túy và cải thiện chế độ dinh dưỡng, đã giúp giảm đáng kể tình trạng phạm pháp ở tuổi vị thành niên sau 15 năm.

Môi trường sống của trẻ có thể ảnh hướng đến hành vi phạm tội của trẻ khi chúng trưởng thành. 

Trong báo cáo của Raine A “Effects of environmental enrichment at ages 3–5 years on schizotypal personality and antisocial behavior at ages 17 and 23 years” (Ảnh hưởng của việc cải thiện môi trường sống ở lứa tuổi từ 3 đến 5 tuổi đến nhân cách phân liệt và hành vi chống đối xã hội ở lứa tuổi 17 và 23), năm 2003. Tăng cường môi trường sức khỏe ban đầu cho trẻ nhỏ từ 3 đến 5 tuổi bằng chế độ dinh dưỡng tốt hơn, tập thể dục nhiều hơn và kích thích nhận thức đã được chứng minh là cải thiện chức năng não 6 năm sau đó, và giảm 35% hành vi phạm tội của người lớn.

Qua đó, có thể nhận định rằng, những yếu tố như môi trường sống, các hoạt động hằng ngày của một cá nhân có thể tác động đến những hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, yếu tố về thần kinh có ảnh hưởng lớn hơn những yếu tố khách quan đến từ môi trường.

Theo cá nhân tôi thì việc điều hòa nỗi sợ kém cũng là một lợi thế. Tại sao tôi lại nói như vậy. Bởi vì, những đứa trẻ có biểu hiện không sợ hãi thường dũng cảm đón nhận những thử thách và dễ dàng vượt lên các trở ngại để có được những thành quả to lớn. Tôi thường thấy phần lớn ở những bạn trẻ kể cả tôi đó là “chứng” sợ mọi thứ. Chẳng hạn như những lúc đi xe bus, tôi thấy bác tài xế hỏi một bạn sinh viên một câu rất đơn giản “Có thẻ sinh viên không?” nhưng bạn ấy ngơ ngác nhìn và im thin thít. Có thể là do bác tài nói nhỏ nên bạn không nghe (vậy mà tôi nghe được, trong khi tôi ngồi ở hàng ghế sau), có khi giọng của bác tài khó nghe cũng nên. Đôi lúc tôi cũng ước mình có thể giảm thiểu nỗi sợ hãi của mình để theo đuổi mục tiêu. Việc điều hòa nỗi sợ kém chỉ có lợi khi đứa trẻ đó được nuôi dưỡng trong một môi trường lành mạnh, tránh xa các tiêu cực từ gia đình và xã hội nhất là các vụ bạo lực.

Tham khảo

[1] Yu Gao, Ph.D., Adrian Raine, D.Phil., Peter H. Venables, Ph.D., D.Sc., Michael E. Dawson, Ph.D., and Sarnoff A. Mednick, Ph.D, Association of Poor Childhood Fear Conditioning and Adult Crime, Published Online:1 Jan 2010

https://ajp.psychiatryonline.org/doi/full/10.1176/appi.ajp.2009.09040499#_i18

[2] Patrick CJ : Getting to the heart of psychopathy, in Psychopathy: Theory, Research, and Social Implications. Edited by Herve HYuille JC. Hillsdale, NJ, Erlbaum, 2006, pp 207–252

https://psycnet.apa.org/record/2006-11788-008

[3] Raine A , Mellingen K , Liu J , Venables P , Mednick SA : Effects of environmental enrichment at ages 3–5 years on schizotypal personality and antisocial behavior at ages 17 and 23 years. Am J Psychiatry 2003; 160:1627–1635

https://ajp.psychiatryonline.org/doi/full/10.1176/appi.ajp.160.9.1627

[4] Olds D , Henderson CR , Cole R , Eckenrode J , Kitzman H , Luckey D , Pettitt L , Sidora K , Morris P , Powers J : Long-term effects of nurse home visitation on children's criminal and antisocial behavior: 15-year follow-up of a randomized controlled trial. JAMA 1998; 280:1238–1244

https://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/188048

Chủ đề chính: #tâm_lý

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn