Ngô Thị Châu Ngà

Bạn có hiểu đúng về nhựa phân hủy sinh học?

Đăng 4 năm trước

Khi nhựa phân hủy sinh học bắt đầu được sử dụng ở Việt Nam, có thể bạn hào hứng vì nghĩ rằng giờ đây những món đồ dùng một lần sẽ được sản xuất từ nguyên liệu tự hủy hoàn toàn thành các chất thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, người người trên thế giới vẫn đang ngày ngày kêu gọi từ bỏ túi nilon, chứ chẳng ai kêu gọi hãy chuyển sang sử dụng túi phân hủy sinh học, ngoại trừ các công ty kinh doanh sản phẩm này. Điều đó có thể sẽ khiến bạn đặt câu hỏi về sự thân thiện với môi trường của các loại sản phẩm tự phân huỷ. 

Đồ nhựa dùng một lần được dán nhãn tự phân hủy sinh học ở Việt Nam hiện nay chủ yếu có 2 loại:

Nhựa thông thường + phụ gia tự hủy, trên bao bì có ghi biodegradable (phân hủy nhờ vi khuẩn) hoặc oxo-biodegradable (phân hủy thông qua con đường oxy hoá). Những sản phẩm này có bản chất là nhựa thông thường được thêm phụ gia để phân rã thành vi hạt nhựa sau một thời gian nhất định. Các vi hạt nhựa này dễ dàng phát tán trong không khí hoặc lẫn trong nước và có thể gây nguy hại cho sức khỏe nếu chúng ta hít hoặc nuốt phải.

Thứ hai là nhựa có thể ủ phân, được gắn nhãn compostable, có thể phân hủy thành các chất hữu cơ thân thiện với môi trường nếu được ủ đúng kĩ thuật trong những điều kiện (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, vi sinh vật...) thích hợp. Một số loại có thể ủ tại nhà, nhưng một số loại khác chỉ có thể phân hủy khi được ủ trong các cơ sở công nghiệp. Điều đó có nghĩa, những sản phẩm này không thể chuyển hóa thành các chất hữu cơ thân thiện với môi trường chỉ bằng cách đơn giản là vứt vào thùng rác. Ngoài ra, quá trình phân hủy có thể sản sinh ra các loại khí gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng. 

Hiện nay, ngày càng có nhiều loại nhựa phân hủy sinh học được ra đời nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chưa đạt được, có thể đơn cử một vài lý do: 

- Đối với nhựa phân hủy sinh học có sử dụng nguyên liệu nguồn gốc thực vật, phần diện tích đất đai thay vì được dùng để trồng thức ăn thì nay lại được dùng để "trồng nhựa". Điều này có thể gây khan hiếm và tăng giá thực phẩm. Đồng thời, việc đốt rừng để lấy diện tích đất trồng giải phóng rất nhiều CO2 vào bầu khí quyển.  

- Một số loại nhựa phân hủy sinh học được sản xuất từ ngô biến đổi gen, trong khi việc trồng cây biến đổi gen tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho môi trường.   

- Việc tái chế nhựa thông thường sẽ bị phá hỏng nếu quá trình tái chế bị lẫn nhựa phân hủy sinh học. 

Chuyển sang sử dụng nhựa phân hủy sinh học không hề giải quyết được vấn nạn ô nhiễm. Sống "xanh" hơn chỉ đơn giản là trân trọng những gì đang có, và từ chối sử dụng những món đồ sẽ nhanh chóng bị vứt bỏ. Đó là những bước nhỏ mà bất cứ ai cũng có thể bắt đầu thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường. 

Chủ đề chính: #bảo_vệ_môi_trường

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn