Mai Trần

Bạn có tưởng tượng được cuộc sống sẽ như thế nào... khi xung quanh toàn là rác?

Đăng 7 năm trước

Đó chính là cuộc sống ở nơi ô nhiễm nhất thế giới - vùng thủ đô Delhi của Ấn Độ là nơi có bầu không khí không-thể-thở-nổi và nguồn nước không-thể-uống-được.

Mọi ngóc ngách từ bầu trời cho đến mặt đất của Delhi đều......bị ô nhiễm. Delhi là vùng lãnh thổ của Ấn Độ, và New Delhi - thủ đô của Ấn Độ cũng nằm trong khu vực này.

Một người đàn ông đang tìm phế liệu trong một bãi rác khổng lồ

Thành phố nổi tiếng về độ ô nhiễm mọi người thường biết đến là Bắc Kinh của Trung Quốc, với hàng loạt bài báo sửng sốt về bầu trời toàn khói bụi. 

Nhưng theo nghiên cứu trên toàn cầu của Tổ chức Sức Khoẻ Thế Giới năm 2014 thì mức ô nhiễm không khí ở Delhi còn gấp vài lần Trung Quốc. Hầu hết những kết quả đo đạc đều chỉ ra đây là nơi ô nhiễm nhất thế giới.

Nhiếp ảnh gia Matthieu Paley đã dành 5 ngày liền đi dọc Delhi để cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống của người dân nơi đây.

Những xí nghiệp xả thẳng chất thải hoá học vào dòng sông, làm phủ trắng xoá những lớp hoá chất độc hại lên măt sông

Ngay cả dòng sông linh thiêng Yamuna có ý nghĩa lớn trong đạo Hindu cũng không thể thoát khỏi tình trạng ô nhiễm nặng nề. Con sông dài 1376 km chạy dọc Ấn Độ này là nguồn cung cấp nước cho 57 triệu người. Khoảng 80% phần nước ô nhiễm của dòng sông này chảy vào 22.5 km mạch nước đi qua Delhi.  

Đất xói mòn, nước thải và chất hoá học ùa thẳng vào dòng chảy làm cho nước ở một số nơi đen sì, và những nơi còn lại thì sủi bọt trắng

Một ngôi làng ở phía Bắc Delhi nằm ngay cạnh một bãi rác lộ thiên. Rác ở nơi này được đốt liên tục, và khí thải cũng theo đó mà xả ra liên tục. 

Những người đàn ông giặt đồ trong dòng nước ô nhiễm

Dòng sông Yamuna chính là tâm điểm của cả tín ngưỡng và đời sống sinh hoạt của những người dân sống gần nó. Trẻ em chơi đùa trong dòng nước, người dân giặt tẩy quần áo và tất cả già trẻ lớn bé đều dùng nước sông để tắm gội và làm nước uống, họ tin rằng nước sông sẽ rửa tội cho tâm hồn của mình.

Sunita Narain - giám đốc của Trung tâm Khoa học và Môi Trường (CSE), trụ sở New Delhi, vào năm 2010 đã viết rằng:

Dòng sông này - dựa trên những thông số về mức độ ô nhiễm - đã trở thành một dòng sông chết. Chỉ có điều nó chưa được chính thức hoả thiêu thôi.


Đồ trắng mới tinh được phơi ngay dưới một đống rác thải....

Hai bố con sống ngay dưới chân cầu, mỗi ngày đi bới rác để kiếm sống

Và đối với một số người, rác và chất thải chính là một nguồn thu nhập của họ. Khi Paley chụp lại những bức ảnh sinh hoạt của người dân, ông bắt gặp không ít đàn ông, phụ nữ và trẻ em bới móc trong những đống phế liệu và trên dọc bờ sông để tìm kiếm kim loại, nhựa và giấy có thể tái chế được. Vào một ngày bội thu, họ có thể kiếm được 1000 rúp - tương đương 15$.

Một nông trại hoang sơ và xa xa là những chiếc cần cẩu của... bãi rác. Nguồn thức ăn của người dân thường đặt gần những nơi có rác thải làm tăng khả năng nhiễm độc của chúng

Một chiếc xe đẩy màu hồng xinh xắn đặt ngay cạnh dòng nước đen kịt

Vào tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Nadrenra Modi đã mở một chiến dịch quốc gia có tên là "Nhiệm vụ làm sạch Ấn Độ". Chiến dịch nghe-có-vẻ-tốt này thực chất được ban hành 1 tuần sau lời tuyên bố về chiến dịch "Make in India" ("Được làm ở Ấn Độ"), được biết đây là chiến dịch khuyến khích các doanh nghiệp toàn cầu đưa ngành công nghiệp của họ đến Ấn Độ - và đây là một mục đích trái ngược hoàn toàn với chiến dịch vận động vì một môi trường sạch đẹp hơn.

Một bé gái đang tìm kiếm phế liệu trong bãi rác dài hàng cây số ở Delhi

Một bức ảnh chụp từ trên cao ở bãi rác thải cho thấy bầu khí...thải lơ lửng trên New Delhi

CSE đã lên tiếng chỉ trích những chiến dịch này và vào năm 2015 họ đã đưa ra một bản báo cáo cho thấy ngân sách của chính phủ không có ý định thực hiện một chiến lược nào để cải thiện môi trường. Và cho đến tận ngày nay Delhi vẫn thiếu những trang thiết bị cần có như thùng đựng rác. Paley nói rằng ông đã không thể tìm thấy bất cứ dấu vết nào của thùng rác và rất nhiều lần ông đã phải cầm mảnh rác của mình trong tay suốt cả ngày liền. 

Những đứa trẻ chèo ra giữa sông...

 Và thậm chí là lặn ngụp trong dòng nước ô nhiễn để tìm phế liệu mưu sinh.

Người dân sống ở nơi có nguồn nước ô nhiễm và cống rãnh lộ thiên thường bị đe doạ bởi những căn bệnh như sốt xuất huyết... Người đàn ông ngủ trong mùng như một biện pháp để giữ an toàn khỏi bọn muỗi.

Việc đốt rác thải góp một phần lớn vào sự ô nhiễm ở Delhi

Xưởng nhuộm một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất

Một bãi tập kết phế liệu ngay dưới chân cầu

Hình ảnh trong một nhà máy tái chế ở Delhi

Bên trong ngôi nhà của một người đàn ông nhặt phế liệu

Một người đàn ông và một đứa trẻ đang tắm bằng nước lấy từ con sông ô nhiễm. Nhánh sông chảy qua Delhi chỉ chứa 2% nước của dòng sông Yamuna nhưng lại chứa tới 80% lượng nước ô nhiễm của toàn bộ dòng sông. Chính phủ đã khuyên người dân không nên tắm rửa súc vật của họ trên dòng sông vì nó cực kì ô nhiễm.

Nhưng những đứa trẻ vẫn cứ tắm rửa và nô đùa bình thường trong dòng nước.... và rác.

Dịch: Mai Trần

Nguồn: Nation Geographic

Chủ đề chính: #rác_thải

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn