Đào

Bản đồ không chính xác như ta vẫn nghĩ

Đăng 4 năm trước

Hãy hình dung một bản đồ trong đầu. Có khả năng bản đồ mà bạn vừa tưởng tượng chính là phép chiếu Mercator bởi nó là loại bản đồ phổ biến nhất. Vậy độ rộng lớn của Mĩ so với Nga? Greenland so với châu Phi? Châu Nam Cực so với châu Âu? Nếu bạn thử so sánh diện tích thực của những nơi này với diện tích trên quả địa cầu thì ắt hẳn là bạn bất ngờ đấy.

Sự chính xác của bản đồ

Mặc dù phép chiếu Mercator khiến châu Phi và Greenland rộng lớn gần như nhau nhưng sự thật không phải vậy: Châu Phi thực ra rộng gấp 14 lần Greenland. Vậy tại sao chúng lại trông tương tự nhau trên bản đồ? Câu trả lời là do hình cầu không phải là thứ mà các nhà toán học gọi là developable surface, tức là một bề mặt có thể được trải trên một mặt phẳng mà không bị méo. Với người chuyên vẽ bản đồ thì việc trải hình cầu lên một bề mặt phẳng nhất định sẽ đi kèm với một vài sai số. 

Trong trường hợp của phép chiếu Mercator, chúng ta đánh đổi sai sót trong kích thước tương đối để đảm bảo tính chính xác của la bàn. Càng gần các cực thì kích cỡ của những đất nước càng tăng lên. Tuy nhiên, hướng Bắc-Nam và Đông-Tây vẫn được giữ nguyên giữa 2 điểm bất kì trên bản đồ nhằm khiến cho việc điều hướng dễ dàng hơn.  

Những bản đồ khác có thể cho ta thấy những kích thước chân thực hơn nhưng đổi lại là những sai sót trong khoảng cách hoặc sự kết nối giữa các châu lục. Thậm chí, việc sử dụng hình cầu còn có những mặt hạn chế: Bạn không thể thấy mọi quốc gia ngay trong một lần được mà phải đo khoảng cách cung tròn thay vì đường thẳng.

Một Trái Đất bằng phẳng

Kiến trúc sư Nhật Bản Hajime Narukawa tin rằng ông đã phát triển được một bản đồ có độ chính xác lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại. Nó được gọi là AuthaGraph World Map (bản đồ thế giới AuthaGraph). Bản đồ này chia thế giới thành 96 tam giác, tạo thành một khối tứ diện, và khi mở nó ra thì ta được một hình chữ nhật. Tuy nhiên, ông Narukawa cũng thú nhận rằng bản đồ của ông cũng không chính xác hoàn toàn – một số khu vực vẫn có hơi bị méo.

Nếu bạn muốn có muốn biết rõ hơn về diện tích của nơi bạn sống, hãy ghé thăm trang công cụ online này. Nó cho phép bạn rê chuột để xem nhiều đất nước khác nhau trên tấm bản đồ và bạn sẽ thấy được sự khác biệt về kích cỡ của đất nước mà bạn muốn so sánh.

Nói tóm lại, tấm bản đồ “chính xác” nhất phụ thuộc vào cách bạn sử dụng nó mà thôi.


Dịch: Đào – OhayTV 

Nguồn: curiosity.com

Chủ đề chính: #bản_đồ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn