Quil

Bản năng sống và bản năng chết

Đăng 7 năm trước

Đời sống tình cảm sơ đẳng của chúng ta chịu sự chi phối của hai lực lượng đối nghịch, vừa thúc đẩy chúng ta thèm muốn, vừa thúc đẩy chúng ta sợ, vừa thương vừa ghét, vừa chiếm hữu vừa sẻ chia...

Theo Freud (1) khám phá ra năng lực tình dục libido không phải chỉ gồm những bản năng thúc đẩy chúng ta muốn sống mà thôi. Ông nghĩ rằng những bản năng sống gắn bó chặt chẽ với những lực lượng gây hấn những bản năng chết; bản năng chết có thể quay về chính chúng ta (masochisme) (2) hay quay về phía những người khác (sadisme) (3).

Cuộc sống động viên năng lực của chúng ta để thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta. Nhưng đồng thời nó cũng duy trì những nhu cầu này, làm cho chúng xuất hiện thường xuyên, do đó chúng ta dễ lo âu và đau khổ. Có nhiều hình thức của lo âu và đau khổ, gắn liền với những đòi hỏi an toàn và quyền hành, không bao giờ thỏa mãn hoàn toàn được. Sống tức là phải sống những giây phút căng thẳng, không thỏa mãn, và cứ như vậy lẫn lộn với nhau. Sống tức là phải tranh đấu khó nhọc để duy trì một sự quân bình mỏng manh giữa có thể và thiên nhiên, giữa những ước muốn của chúng ta và thực tế. Chính vì vậy mà khi sự lo âu, đau khổ, thất vọng hay thất bại làm hao mòn sinh lực của chúng ta, chúng ta lại thấy nảy sanh trong chúng ta một sự lo sợ truyền kiếp: sợ tranh đấu, sợ cuộc sống.

Lúc đó cái chết xuất hiện như là sự trở về đời sống hạnh phúc và vô thức của thai nhi, vừa vượt khỏi đời sống thai nhi này, cái chết được coi như là sự trở về thân phận bình yên và bất động của vật chất vô tri vô giác. Như vậy trong mỗi người chúng ta có những lực lượng chết (forces de mort) diễn tả sự nuối tiếc đời sống thai nhi trong bụng mẹ. Ngược lại ý chí sống là một sự tranh đấu không ngừng chống lại những lực lượng của già yếu và chết.

Chính vì vậy mà Freud nghĩ rằng nguyên tắc bất biến thúc đẩy chúng ta giảm bớt những căng thẳng, tới một mức nào đó có thể thúc đẩy chúng ta muốn chết: giết chết những thèm muốn của mình, tức là tránh được sự đau khổ không thỏa mãn được chúng. Như vậy trong mỗi chúng ta có hai lực lượng vô thức mạnh ngang nhau chống đối với nhau: một lực lượng thúc đẩy chúng ta hành động, sống và chinh phục; một lực lượng khác thúc đẩy chúng ta buông xuôi, tan biến và chết. Trong thực tế cả hai lực lượng này kết hợp với nhau một cách chặt chẽ và khó hiểu. Cả hai đều thúc đẩy chúng ta tìm kiếm trở lại một thế quân bình đã mất, một sự yên lành phát xuất từ sự thống nhất giữa chúng ta với thiên nhiên. Nhưng một lực lượng thúc đẩy chúng ta thỏa mãn những thèm muốn, còn lực lượng kia thì lại kéo chúng ta trở về với hư vô, để khỏi đau khổ.

Cả hai lực lượng này vừa đối nghich với nhau, vừa đồng lõa với nhau, là nguyên nhân chính đưa tới tính cách lưỡng năng tình cảm của tâm linh con người. Ý chí muốn sống là một cái gì gây hấn vì nó là một sự chinh phục không ngừng. Nhưng đồng thời trong sâu thẳm của tâm hồn chúng ta, bản năng chết thúc đẩy chúng ta tự làm cho mình đau đớn, làm cho gây hấn tính của chúng ta quay trở về chính mình, như là để trừng phạt mình tại sao lại muốn tiếp tục sự tranh đấu sống; hoặc là làm như vậy bản năng chết lại muốn tránh cho chúng ta thoát khỏi những đau khổ, phát sinh từ những thèm muốn phi lý. Khi xã hội bó buộc chúng ta phải dồn nén một số những thèm muốn của chúng ta một cách vô tình xã hội đã kêu gọi tới bản năng chết này. Thật vậy đời sống tập thể luôn đòi hỏi cá nhân phải chấp nhận hy sinh cho cộng đồng. 

Thật vậy đời sống tình cảm sơ đẳng của chúng ta chịu sự chi phối của hai lực lượng đối nghịch, vừa thúc đẩy chúng ta thèm muốn, vừa thúc đẩy chúng ta sợ, vừa thương vừa ghét, vừa chiếm hữu vừ sẻ chia, vừ muốn được bảo vệ vừa muốn được cai trị người khác, vừa thích mạo hiểm vừa muốn an toàn. Tình yêu con người vừa là cho vừa là chiếm hữu, hành động tình dục vừa là buông xuôi vừa là gây hấn. Tình yêu và hận thù, khuất phục và bạo động, rộng lượng và ích kỷ, tất cả đều sống chung với nhau trong phần sâu thẳm của vô thức, vừa được thể hiện trong hành động một cách luân phiên, làm cho thái độ của chúng ta khó hiểu vô cùng.

Như vậy đời sống tình cảm của con người được đặt trên nền tảng xung khắc, một ý niệm căn bản của Phân tâm học của Freud. Xung khắc giữa những lực lượng sống và những lực lượng chết; xung khắc này còn được tăng cường trên bình diện hành động bởi sự xung khắc giữa thiên nhiên và văn hóa, hay nói cách khác giữa những khuynh hướng nguyên khỏi và những khuôn mẫu, mà đời sống xã hội bó buộc chúng ta theo.

Theo Phân tâm học- J.P.Charrier

Dịch Lê Thanh Hoàng- Dân

1. Sigmund Freud (1856-1939) là một bác sĩ người Áo đã nổi danh nhờ khám phá ra một phương pháp mới trong việc phân tách tâm linh con người. Phương pháp này giúp chúng ta hiểu được những tiến trình của vô thức.

2. Masochisme là một biến thái của tình dục, trong đó chúng ta chỉ thỏa mãn khi nào bị đau đớn hay bị làm nhục.

3. Sadisme là một biến thái tình dục trái ngược với masochisme. Trong masochisme chúng ta thỏa mãn khi đau đớn. Trong sadisme chúng ta thỏa mãn khi làm người khác đau đớn, khi chúng ta hành hạ và làm nhục họ.

Chủ đề chính: #Phân_tâm_học

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn