Bất Ngôn

Bạn nghĩ như thế nào về lòng kiên trì???

Đăng 3 năm trước
Bạn nghĩ như thế nào về lòng kiên trì???

Muốn thành công dù là trong bất kì lĩnh vực nào bạn không thể không có lòng kiên trì. Đó là chân lý bất biến của cuộc sống. Bạn tin vào vận may? Xác suất may rủi quả là một điều dễ làm người ta thót tim và không chắc chắn đấy. Này, hãy nhìn vào thực tế, cuộc sống dạy mọi người rằng hãy khôn ngoan hơn trong mọi quyết định và lòng kiên trì thực sự cần thiết!

Một ngày kia bạn đi trên đường, bất ngờ gặp một chướng ngại vật và bạn bắt buộc phải dừng lại. Ôi không! Một cái cây lớn bị ngã do cơn mưa hôm qua đang chặn mất con đường. Giờ phải làm thế nào nhỉ? Chúng ta đang đứng trước hai sự lựa chọn hoặc chờ đợi hoặc phải hành động và làm điều gì đó chẳng hạn như nghĩ cách để di chuyển khúc cây hay tìm một con đường khác. Bạn thân mến, dù là cách nào bạn cũng cần phải bình tĩnh và nhẫn nại để có một tầm nhìn đúng đắn mà giải quyết mọi chuyện một cách ổn thỏa nhất. Ngay lúc này, thì lòng kiên trì, nhẫn nại là một điều vô cùng cần thiết.

Trong cuộc sống, chúng ta cần phải học cách kiên trì, kiên trì chờ đợi, kiên trì để làm một việc gì đó, kiên trì cho mục tiêu, lý tưởng,... . Lòng kiên trì nói một cách đơn giản là sự cố gắng không ngừng nghỉ, khả năng nhẫn nại và bình tĩnh của một con người, dù trong bất kì tình huống nào cũng cần phải duy trì sự lí trí và cân bằng tốt mọi cảm xúc tiêu cực chẳng hạn như nóng nảy, bực tức, khó chịu vì mọi chuyện chẳng như ý muốn. Nếu để cảm xúc tiêu cực chi phối bạn sẽ dễ dàng có những phát ngôn và hành động khiến mình có thể phải hối hận.

Trên con đường của mỗi con người, lòng kiên trì gắn liền với sự phát triển thành hoặc bại của mọi cá nhân. Nó là một người bạn đồng hành không thể thiếu nếu bạn muốn thành công dù là trong lĩnh vực nào đi nữa. Vậy thì một người cần làm như thế nào để rèn cho mình một lòng kiên trì vững chắc mặc cho mọi phong ba xoay vần ngoài kia?

1.  Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực

Cân bằng và khống chế tốt cảm xúc là một trong những kỹ năng hàng đầu cần có của một người thành công. Lưu trữ quá nhiều cảm xúc tiêu cực sẽ dễ dàng làm con người ta nóng nảy, cau có, bực tức, chẳng khác nào đặt bên mình một quả bom nổ chậm cả. Qúa nguy hiểm! Trong một giây không thể kìm chế thứ cảm xúc ấy có thể phá hủy một mối quan hệ tốt đẹp và tạo ra nhiều phiền phức không đáng có. Để tránh những điều đáng tiếc ấy, hãy nuôi dưỡng trong mình ngay những cảm xúc tích cực để mỗi ngày là một ngày tươi đẹp, nhẹ nhàng. Tâm hồn an nhiên, không phiền muộn, sẽ thúc đẩy những mối quan hệ tốt đẹp và khiến bạn tự tin hơn vì những cố gắng của mình đấy!

2. Học cách lắng nghe, nói ít lại nghĩ nhiều hơn

Trong cuộc sống bộn bề ngày nay, hầu như ai cũng có nhiều suy nghĩ chất chứa trong lòng. Ở một cuộc trò chuyện, có thể bạn vẫn thường nghe người khác nói quá nhiều về bản thân và thực sự là bạn cũng muốn nói. Nhưng chúng ta không thể nào cướp lời của người khác. Ông cha ta vẫn thường bảo nhau cách tốt nhất để rèn luyện lòng kiên trì là hãy học cách lắng nghe. Học cách lắng nghe cũng là một loại kỹ năng sống vô cùng quan trọng. Qúa trình đó, giúp ta rèn luyện được khả năng kiên nhẫn, đứng dưới góc nhìn của người khác mà thấu hiểu họ nhiều hơn, rút ngắn khoảng cách giữa người và người trong xã hội hiện đại mà công nghệ dường như phát triển quá mức này. Khi bạn có thể kiên nhẫn lắng nghe người khác, bạn sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn và nói ít lại. Nó giúp bạn hạn chế tối thiểu những sai lầm không cần thiết mà vẫn có thể thấu hiểu được người khác một cách tốt nhất.

3. Tu tâm

"Tu thân, tề gia, trị quốc" là con đường thực hiện lý tưởng nhân sinh của cổ nhân. Nhưng trước đó còn một tiền đề ít ai biết đến đó là "thành ý, chính tâm, tu thân". Đây mới là con đường nội ngoại kiêm tu, lưỡng toàn kì mĩ, đỉnh cao của sự chuẩn mực tu dưỡng.

Có thể thấy, từ ngàn xưa tu tâm mới là cái cốt lõi của sự tu dưỡng. Muốn bồi đắp nên một lòng kiên trì vững chắc cái chính là phải học cách tu tâm. Xác định rõ mục tiêu là một điều rất cần thiết để có thể kiên trì nhưng trước hết bạn cũng không thể xem nhẹ việc tu tâm được. Tâm thanh tịnh, thân tất thanh tịnh. Tâm rối loạn không yên, thân cũng sẽ không thể tĩnh lặng. Một người muốn đạt được cảnh giới tối cao của sự kiên trì thì phải thấu hiểu ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc tu tâm. Có thể hiểu đơn giản nó là một cách cân bằng giữa cảm xúc và lý trí giữ cho đầu óc minh mẩn, tinh thần sáng khoái, nhìn nhận mọi việc một cách sáng suốt, rành mạch, logic. Chỉ như vậy, bạn mới có thể nhìn nhận rõ bản thân ở giữa cuộc sống rối ren này, mới có thể giữ vững bản tâm đi đúng đường, biết rõ mình phải làm gì và có tầm nhìn rộng mở trên con đường thênh thang phía xa kia.

Qua đó, chúng ta có thể kết lại rằng long kiên trì là một đức tính không thể không có nếu muốn vươn tới những chân trời mới trong cuộc sống. Lòng kiên trì là một sự miệt mài theo đuổi không ngừng nghỉ cần phải có một nội tâm vững chắc, một cái tôi "tĩnh" để vững bước trên mọi nẻo đường! Vì thế, đừng vội đừng vàng mà hãy trang bị và củng cố ngay cho mình một lòng kiên trì "bất di bất dịch, bất khả xâm phạm" ngay thôi nào!

Chủ đề chính: #lòng_kiên_trì

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn