Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

Bạn phải luôn cố gắng? Dẹp bỏ cái khái niệm đó đi!

Đăng 7 năm trước

Mark Manson - Bạn chỉ thành công và có được hạnh phúc một khi bạn nhận thức rõ về những điểm yếu của bản thân chứ không phải tạo ra các ảo tưởng về hạnh phúc và sự thỏa mãn.

Charles Bukowski là một kẻ nghiện rượu, quan hệ lăng nhăng, nghiện cờ bạc đã “ăn sâu vào máu”, thô lỗ, bần tiện, vô công rồi nghề và trong những khoảng thời gian tệ nhất thì ông ta lại là một nhà thơ. Ông ta có thể là người cuối cùng trên Trái Đất này mà bạn sẽ tìm đến mỗi khi cần một lời khuyên cuộc sống hoặc mong đợi sẽ được nhìn thấy trong một cuốn sách phát triển bản thân (Self-help) nào đó.

Đây là lý do tại sao Charles Bukowski là lựa chọn hoàn hảo để chúng ta bắt đầu câu chuyện.

Bukowski đã từng muốn trở thành một nhà văn. Nhưng qua rất nhiều thập kỷ, các tác phẩm của ông đã bị chối bỏ bởi gần như tất cả các tạp chí, báo, đại lý và nhà xuất bản mà ông đã gửi. Họ nói rằng những tác phẩm của ông thật kinh khủng. Thô thiển. Ghê tởm. Đồi trụy. Và vì những thông báo từ chối bản thảo cứ chồng chất lên nên sức nặng của các thất bại càng đẩy ông đắm chìm trong men rượu, tạo thành nỗi tuyệt vọng bám riết ông gần như cả cuộc đời.

Bukowski có một công việc hành chính tại một bưu điện. Nhiệm vụ hàng ngày của ông là sắp xếp các lá thư. Một ít tiền nhận được, ông dùng phần lớn để mua rượu. Số còn lại, ông đổ hết vào cờ bạc. Buổi tối, ông uống một mình và thi thoảng, ông sáng tác thơ bằng chiếc máy chữ cũ kĩ tới mức không thể sửa được nữa. Thường, ông thức dậy trong tình trạng đang nằm trên sàn nhà và không thể nhận thức được về những gì ông đã làm trong tối hôm trước.

30 năm cuộc đời ông đã trôi qua như vậy, phần lớn những năm tháng đó là sự mờ nhạt, vô nghĩa trong rượu, thuốc, cờ bạc và gái gú. 

Thời điểm đó, Bukowski 50 tuổi, sau một quãng thời gian thất bại và căm thù bản thân, một biên tập viên của một hãng xuất bản độc lập nhỏ đã có một sự hứng thú hết sức lạ lùng đối với ông ấy. Biên tập viên đó không đề xuất đưa cho Bukowski nhiều tiền hay hứa hẹn về doanh số bán sách gì cả. Tuy nhiên, ông ta lại có một ảnh hưởng hết sức kỳ lạ đối với một kẻ thất bại nát rượu, nên Bukowski đã quyết định đánh cược vào người này. Đó là cơ hội thực sự đầu tiên mà ông nhận được và có thể đó cũng sẽ là cơ hội duy nhất ông có trong đời. Bukowski gửi lại thư cho nhân viên biên tập đó rằng: “Tôi có một trong hai lựa chọn - ở lại bưu điện và phát điên…. Hoặc ra khỏi đó và làm việc với tư cách là một nhà văn và chết đói. Tôi quyết định chết đói”.

Sau khi ký hợp đồng, Bukowski viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong 3 tuần. Nó đơn giản có tên là “Bưu điện” (Post Office). Trong lời đề tặng sách, ông viết, “chẳng dành riêng cho ai cả”.

Bukowski làm được điều đó với tư cách là một tiểu thuyết gia và một nhà thơ. Ông tiếp tục làm việc và xuất bản ra 6 cuốn tiểu thuyết cùng hàng trăm bài thơ khác, với tổng số hơn 2 triệu bản được bán. Sự nổi tiếng của ông bất chấp những kỳ vọng của mọi người, đặc biệt là của bản thân ông nữa.

Những câu chuyện như của Bukowski đã trở thành phần cơ bản trong các câu chuyện kể được lan truyền khắp cộng đồng. Cuộc đời của Bukowski là hiện thân của Giấc mơ Mỹ (American Dream): một người đấu tranh cho điều anh ta muốn, không bao giờ từ bỏ, và cuối cùng hiện thực hóa được ước mơ quái dị của anh ta. Thực tế, đó là một bộ phim đang chờ được hiện thực hóa.Tất cả chúng ta đều nhìn vào các câu chuyện như của Bukowski và nói “Thấy không? Ông ta không bao giờ từ bỏ. Ông ta không bao giờ dừng cố gắng. Ông ta luôn tin vào chính bản thân mình. Ông ta vẫn kiên trì bất chấp mọi sự chống đối và tự làm được thứ gì đó”.

Thế nhưng, điều lạ lùng là trên bia mộ của Bukowski lại có dòng chữ: “Đừng cố gắng”.

Nhìn xem, mặc dù doanh số bán sách và sự nổi tiếng ngày càng lớn nhưng Bukowski vẫn là một kẻ thất bại. Ông ta biết điều đó. thành công của ông ta không phải xuất phát từ sự quyết tâm trở thành người chiến thắng mà là từ thực tế rằng ông ta biết ông ta là một kẻ thất bại, chấp nhận nó và sau đó, viết một cách chân thành về nó. Ông ta không bao giờ cố gắng để trở thành bất cứ thứ gì hơn ông ta thời đó. Sự tài ba trong các tác phẩm của Bukowski không phải là vượt qua những nghịch lý khó tin hay phát triển bản thân thành một nguồn sáng văn chương lỗi lạc. Đó là điều ngược lại. Đó là khả năng đơn giản của ông để chân thành với bản thân một cách hoàn toàn, không ngập ngừng - đặc biệt là ở những phần tồi tệ nhất của chính mình - và để chia sẻ những thất bại của ông mà không hề nghi ngờ hay do dự.

Đây là câu chuyện có thật về thành công của Bukowski: sự thoải mái của ông với bản thân là một sự thất bại. Bukowski đếch quan tâm về thành công. Ngay cả sau khi nổi tiếng, ông vẫn tiếp tục xuất hiện trước các sự kiện ngâm thơ, chỉ trích, lăng mạ người khác bằng lời nói. Ông vẫn xuất hiện trước công chúng và ngủ với những người phụ nữ mà ông ta quen. Sự nổi tiếng và thành công không biến ông ta trở thành người tốt hơn. Và cũng không phải bằng cách trở thành người tốt hơn, ông ta đã thành công và nổi tiếng.

Tự cải thiện bản thân và thành công thường đi liền với nhau. Nhưng về cơ bản, đó không có nghĩa chúng cùng là một thứ.

Ngày nay, văn hóa của chúng ta bị ám ảnh bởi việc tập trung vào những mong đợi tích cực viển vông: Hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, được ghen tị hơn và được ngưỡng mộ hơn. Trở nên hoàn hảo, ấn tượng, kiếm được những miếng vàng nặng 12 kara trước mỗi bữa sáng trong khi vừa hôn bạn đời, các con, vừa tự sướng. Sau đó, ngồi lên trực thăng riêng để bay tới phòng làm việc tuyệt vời - nơi bạn dành cả ngày để làm những công việc vô cùng ý nghĩa mà một ngày nào đó có thể cứu cả Trái Đất. 

Nhưng khi bạn dừng lại và thực sự nghĩ về nó, những lời khuyên cuộc sống quen thuộc - tất cả những thứ phát triển bản thân, hạnh phúc, tích cực mà chúng ta lúc nào cũng nghe - thực sự chỉ tập trung vào điều bạn thiếu. Nó soi sáng điều mà bạn nhận thức được về những thiếu sót của bản thân, những thất bại đã trải qua và sau đó làm rõ chúng cho bạn. Bạn học được những cách tốt nhất để kiếm tiền bởi vì bạn cảm thấy bạn đang không có đủ tiền. Bạn đứng trước gương và lặp lại những câu tự khẳng định rằng bạn xinh đẹp bởi vì bạn cảm thấy như thể bạn chưa đẹp. Bạn áp dụng các lời khuyên về mối quan hệ và hẹn hò bởi vì bạn cảm thấy rằng bạn chưa được yêu mến. Bạn thử các bài tập hình dung ngu ngốc về thành công bởi vì bạn cảm thấy như thể bạn vẫn chưa thành công đủ. 

Trớ trêu thay, sự mê muội vào điều tích cực - vào điều tốt hơn, lớn hơn - chỉ càng nhắc nhở chúng ta liên tục về điều mà chúng ta chưa có, về điều chúng ta thiếu, về điều đáng lẽ chúng ta nên làm nhưng vẫn chưa làm được. Sau cùng, không hề có người thực sự hạnh phúc nào cảm thấy thực sự cần phải đứng trước gương và đọc thuộc lòng rằng “tôi hạnh phúc” cả. Họ chỉ đơn giản hạnh phúc thôi.

Ở Texas có một câu nói rằng: “Con chó nhỏ nhất sủa to nhất”. Một người đàn ông tự tin không cảm thấy cần phải chứng minh rằng anh ta tự tin. Một người phụ nữ giàu có không cảm thấy cần phải thuyết phục mọi người rằng cô ta giàu có. Hoặc là bạn hoặc là không phải bạn. Và nếu lúc nào cũng mơ về một thứ gì đó thì có nghĩa là lúc nào bạn cũng củng cố cho cùng một sự thật thuộc về tiềm thức rằng bạn chưa có thứ bạn muốn.

Mọi người và các chương trình truyền hình đều muốn bạn tin rằng chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp là phải có một công việc tốt hơn, xe hơi sành điệu hơn, có người vợ xinh đẹp hơn hay có một phòng tắm có cả bể bơi bơm hơi cho trẻ nhỏ. 

Thế giới liên tục nói với bạn rằng con đường để có được cuộc sống tốt hơn là phải nhiều, nhiều, nhiều hơn nữa - mua nhiều hơn, sở hữu nhiều hơn, kiếm ra nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn và trở thành thứ gì đó lớn hơn nữa. Bạn liên tục bị nhồi nhét bởi các các thông điệp là phải quan tâm tới tất cả mọi thứ, lúc nào cũng thế. Quan tâm các chương trình truyền hình mới. Quan tâm tới các kỳ nghỉ hơn các đồng nghiệp. Quan tâm tới việc mua những thứ đồ trang trí trên bãi cỏ. Quan tâm tới việc phải chọn được một chiếc gậy tự sướng phù hợp.

Tại sao? Suy đoán của tôi: Bởi vì quan tâm tới nhiều thứ linh tinh sẽ tốt cho kinh doanh.

Và trong khi không có gì sai với những người kinh doanh là cần phải hiểu biết nhiều thì vấn đề là, quan tâm quá nhiều thứ sẽ rất có hại cho sức khỏe tinh thần. Nó khiến bạn quá gắn chặt với những thứ giả tạo và hời hợt, dành trọn cả đời bạn để theo đuổi ảo tưởng về hạnh phúc và sự thỏa mãn. Chìa khóa của một cuộc sống tốt đẹp không phải là quan tâm nhiều hơn mà là quan tâm ít đi, chỉ quan tâm tới điều gì là thật, gần gũi và quan trọng. 


Theo Mark Manson

Các bài khác của Mark Manson:

Chủ đề chính: #Mark_Manson

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn