Nấm
Phiên dịch tự do tại Hà Nội

Bản thảo Voynich, cuốn sách 600 năm tuổi 'thách thức' giới khoa học đã được giải mã?

Đăng 6 năm trước

Một nhà nghiên cứu lịch sử tuyên bố đã giải mã thành công bí ẩn của bản thảo Voynich với những bằng chứng chỉ ra rất thuyết phục.

Bản thảo Voynich là một trong những tài liệu huyền bí nhất trên thế giới. Các nhà khoa học mới đây đã tiết lộ điểm bất ngờ, giúp giải mã cuốn sách 600 năm tuổi này. 

Cụ thể, Nicholas Gibbs, một nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên nghiên cứu về các bản thảo y học Trung cổ mới đây tuyên bố đã giải mã thành công bí ẩn của bản thảo Voynich với những bằng chứng chỉ ra rất thuyết phục. 

Bản thảo Voynich hay cuốn sách cổ 600 năm tuổi thực chất là một tài liệu y học chỉ dẫn về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, gồm có nhiều nội dung được sao chép lại từ những hướng dẫn khác trong cùng một thời kỳ.

"Bản thảo Voynich" là một trong những cuốn sách bí ẩn nhất thế giới ra đời vào khoảng thời gian 1404-1438. Tên cuốn sách được đặt theo tên của ông Wilfrid Voynich, một nhà buôn sách cổ người Ba Lan đã mua nó tại Italy vào năm 1912. Voynich gồm 240 trang bằng da thuộc, được viết bằng loại ngôn ngữ rất khó hiểu, chứa rất nhiều hình vẽ vật thể như cây cối, thiết bị thí nghiệm cổ xưa, ký hiệu chiêm tinh liên quan đến nhiều lĩnh vực giống như y khoa, sinh học, hóa học, vũ trụ… Hơn một thế kỷ qua, bản thảo Voynich 600 năm tuổi vẫn còn là một ẩn số lớn khiến nhiều nhà nghiên cứu "bó tay". Cuốn sách cổ này hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Beinecke, Đại học Yale, Mỹ.

Trao đổi với Time Literary Supplement, Gibbs cho rằng, Voynich thực chất chỉ là một cuốn sổ tay sức khỏe dành cho phụ nữ. Sau khi so sánh Voynich với các văn bản khác thời Trung cổ, bên cạnh những hình vẽ cây cối, thảo dược, cuốn sách còn có nhiều hình vẽ về phụ nữ đang tắm. 

Nhà nghiên cứu Nicholas Gibbs cho hay, ngôn ngữ được viết trong bản thảo Voynich là một dạng tiếng Latin viết tắt, thường được sử dụng trong các cuốn sách về thảo dược. 

Nhờ thời gian nghiên cứu và làm quen với ngôn ngữ y tế cổ đại, Gibbs cho rằng: "Các chữ viết tắt tương ứng với mẫu chuẩn của từ ngữ được sử dụng trong Herbarium Apuleius Platonicus – aq = aqua (nước), dq = decoque / decoctio (thuốc sắc), con = confundo (hỗn hợp), ris = radacis / gốc cơ bản, s aiij = seminis ana iij (3 hạt mỗi loại), …" 

Do đó, đây không phải là mật mã, mà chỉ là những từ ngữ được viết tắt. Chúng có thể rất quen thuộc đối với những người quan tâm đến y học vào thời điểm đó.

Bí ẩn từ ngôn ngữ và hình vẽ kỳ lạ

Nghiên cứu về các hình ảnh cuốn sách và các loại thảo mộc đã khiến Gibbs nảy ý tưởng muốn kiểm tra những tài liệu y học viết bằng chữ Latin khác. 

Trong thời kỳ Trung Cổ, các nhà chép sách thường hay đọc lại những văn bản cũ để đảm bảo thông tin chính xác. Lúc bấy giờ, chưa có quy định chính thức về bản quyền, tác giả, và sách thực sự rất hiếm. Do đó, không ai phàn nàn về điều này. 

Ngay khi nhận ra Bản thảo Voynich là một cuốn sách y khoa, Gibbs giải thích, ông nhanh chóng hiểu ra những hình ảnh kỳ lạ trong đó. 

Cụ thể, hình ảnh của cây trồng liên quan đến thuốc thảo dược, bồn tắm liên quan đến thuốc sắc theo quan điểm của người La Mã và tất cả các hình ảnh của phụ nữ khỏa thân mang hàm ý về Voynich giống như là một cuốn sổ tay về phụ khoa. 

Bên cạnh đó, hình vẽ về các bản đồ cung hoàng đạo được đưa vào trong cuốn sách cổ 600 năm bởi vì những bác sĩ cổ đại vào thời trung cổ tin rằng phương pháp chữa trị sẽ có hiệu quả cao hơn nếu dựa theo các dấu hiệu chiêm tinh cụ thể.

Ông Gibbs thậm chí còn xác định một bức ảnh được sao chép từ một bản thảo khác với hình ảnh những phụ nữ cầm nam châm trong bồn tắm. Đây là vật dụng được nhiều người tin tưởng và cho rằng nó có tác dụng y học cho đến tận thế kỷ 15.

Nhà nghiên cứu Gibbs kết luận rằng bản thảo Voynich là một cuốn sách đa năng. Nó có thể được viết cho một người hoặc là cuốn sách phổ biến kiến thức y học cho phụ nữ.

Tuy nhiên, không ít nhà khoa học tỏ ra nghi ngờ với giả thuyết của Gibbs vì trong bản thảo không có ghi chép tên thảo dược và tên các căn bệnh. Ông Gibbs cho rằng chúng được chú thích trong phần phụ lục, nhưng điều này rất khó để kiểm chứng vì phần phụ lục của cuốn sách đã bị mất. 

Dù nhận định giả thuyết ra sao, nhưng đây có thể là một hướng nghiên cứu mới, giúp khám phá và tìm hiểu bản thảo Voynich – một trong những cuốn sách cổ và kỳ bí bậc nhất trên thế giới mà chúng ta mong muốn giải mật trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Theo Nguyễn Hằng / Soha.vn

Chủ đề chính: #sách_cổ

Bình luận về bài viết này
1 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn