Đỗ Anh Minh

Bất đồng quan điểm và quan niệm “cha mẹ luôn đúng”

Đăng 8 năm trước

Một vấn đề khá phổ biến trong đại đa số gia đình Việt Nam hiện đại đó chính là bất đồng quan điểm giữa các thế hệ giữa gia đình

Bất đồng quan điểm, có lẽ không còn quá xa lạ với tất cả chúng ta. Nó xuất hiện ngay từ khi còn bé và chắc chắn rằng không ai là không trải qua một vài lần. Có thể giải thích rằng nếu hồi còn bé chúng ta suy nghĩ chưa chín chắn thì việc bất đồng quan điểm bị coi là “cãi bố mẹ” là có thể hiểu được. Thế nhưng liệu khi chúng ta đủ trưởng thành, đủ suy nghĩ và thái độ với một vấn đề thì liệu chuyện bất đồng quan điểm có còn gói gọn trong việc “cha mẹ luôn đúng” hay không?

Mô tả hình ảnh

Có một sự thật rằng, cứ hễ chúng ta, những bậc con cái tranh luận thì trong mắt những bậc cha mẹ, chúng ta đang cãi lại họ. Điều này đúng ngay cả trong trường hợp bất đồng quan điểm giữa bố mẹ chúng ta với ông bà. Nguyên nhân của nó bắt nguồn từ việc “ai cũng nghĩ là mình đúng và chẳng ai chịu nhận sai”. Và cụ thể hơn, nguyên nhân của việc “ai cũng nghĩ mình đúng” xuất phát từ sự khác biệt lớn trong suy nghĩ của hai thế hệ trong gia đình. Với những bậc trên, họ luôn dựa vào trải nghiệm của họ trong cuộc sống để chỉ bảo cho chúng ta và luôn lấy cớ rằng chính vì có nhiều trải nghiệm hơn mà họ luôn đúng. Còn với những bậc con cái, mặc dù chưa có nhiều trải nghiệm bằng cha mẹ, ông bà, thế nhưng xét trên một khía cạnh nào đó, suy nghĩ của chúng ta lại phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn, hay nói cách khác là tiến bộ hơn so với cha mẹ, ông bà, và chính từ đó, bậc con cháu cũng luôn nghĩ rằng, họ không sai. Do vậy, một cuộc tranh luận bất đồng quan điểm giữa hai thế hệ luôn xảy ra một cách chóng vánh.

Mô tả hình ảnh

Trong những cuộc “tranh luận” như thế, người yếu thế luôn là chúng ta bởi một thứ ràng buộc gọi là lòng kính trọng. Có một thực trạng khá phổ biến thế này, khi chúng ta sai, bố mẹ phân tích, chúng ta hiểu và tiếp thu nó; nhưng khi bố mẹ sai, chúng ta đúng thì chúng ta lại chẳng được cái quyền để phân trần, giải thích cho bố mẹ hiểu. Không phải bố mẹ chúng ta luôn đúng, bởi họ cũng là con người, nhưng chắc chắn rằng, bố mẹ chúng ta luôn sai nếu họ không nhìn vấn đề một cách hiện đại hơn. Bên cạnh đó, có một thực trạng nữa là, khi bố mẹ chúng ta sai, họ thường sẽ không nhận sai mà luôn áp đặt chúng ta theo một khuôn mẫu như bố mẹ, đó là lý do có nhiều lúc chúng ta phải phát khóc lên vậy!!

Mô tả hình ảnh

Chính từ sự khác biệt trong suy nghĩ mà nhiều khi bố mẹ thường đưa ra một quyết định liên quan tới bạn nhưng lại chẳng hỏi ý kiến bạn. Có quá nhiều ví dụ để diễn tả cho điểm này. Giả sử bạn đang lên kế hoạch đi chơi với bạn bè vào chủ nhật, bạn xin phép bố mẹ từ đầu tuần và được đồng ý. Thế nhưng khi đến ngày thứ bảy, bố mẹ bạn đột ngột quyết định chủ nhật đi về nhà ngoại chơi và yêu cầu bạn huỷ buổi hẹn chủ nhật để làm theo điều bố mẹ mong muốn. Từ đó bất đồng quan điểm xảy ra. Nó xảy ra ở chỗ trong khi bố mẹ luôn nghĩ rằng chúng ta còn bé, việc của chúng ta không quan trọng thì họ lại quên mất rằng chúng ta đã đủ lớn để góp ý vào một quyết định trong gia đình, chúng ta đã đủ trưởng thành để biết rằng chúng ta cũng xứng đáng được lắng nghe, giải thích và quan trọng hơn hết là được tôn trọng những quyết định của mình (tất nhiên là với những quyết định không sai).

Mô tả hình ảnh

Chính tại việc bất đồng quan điểm luôn xảy ra hàng ngày trong hầu hết các gia đình mà chúng ta cần đối mặt với nó một cách nghiêm túc nhất. Để tránh cho những việc đáng tiếc nhất xảy trong một cuộc tranh luận bất đồng quan điểm đấy chính là phải học cách nhường nhịn, và tất nhiên nó phải đến từ hai phía. Đứng trên vị trí của những người làm cha mẹ, họ cần lắng nghe con cái nhiều hơn, họ cần biết rằng, cuộc sống, xã hội đã thay đổi và suy nghĩ của họ cũng cần thay đổi để phù hợp hơn với con cái của mình. Còn với trên vị trí của những bậc con cái, có thể suy nghĩ của chúng ta đúng, hiện đại hơn, nhưng không vì thế mà chúng ta có quyền “gân cổ lên” để bày tỏ quan điểm của mình. Chúng ta cần biết lắng nghe suy nghĩ của bố mẹ để chỉ cho họ thấy điều gì là khác biệt giữa suy nghĩ của hai thế hệ và tại sao suy nghĩ của chúng ta lại hợp với thời đại hơn.

Mô tả hình ảnh

Như vậy, tổng kết lại một cách khách quan nhất, mối bất đồng quan điểm sẽ như sau. Bố mẹ có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm hơn nhưng đôi khi lại áp đặt một cách thái quá  những suy nghĩ “cổ điển” lên chúng ta. Ngược lại, trong khi tuổi đời và trải nghiệm cuộc sống ít hơn nhưng cách bày tỏ quan điểm đúng của chúng ta chưa thực sự hợp lý nên thường hay dẫn đến “căng thẳng leo thang”. Vì vậy, sau bài viết lần này, tác giả hi vọng, không chỉ những bậc con cái, mà những bậc phụ huynh cũng nên suy xét lại một cách thấu đáo nhất những sự khác biệt lớn trong suy nghĩ từ hai phía để từ đó giúp mối quan hệ gia đình trở nên bền vững hơn.

Clear Mind

Chủ đề chính: #bất_đồng_quan_điểm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn