Chút chít Hòa đồng, nhiệt tình, tưng tửng ^^

Bất ngờ trước những cách thử thai của người xưa

Đăng 6 năm trước

Trước khi que thử thai tiện lợi ra đời, những người phụ nữ thời xưa phải sử dụng rất nhiều cách để biết mình có thai hay không? Một vài trong số chúng thậm chí vô cùng quái lạ. Hãy cùng đọc để tìm hiểu nhé!

1. Thử thai bằng lúa mì, lúa mạch

Đây là cách thử thai sớm nhất trong lịch sử được áp dụng ở Ai Cập cổ đại từ năm 1350 trước công nguyên. 

Người phụ nữ sẽ lấy hạt lúa mì và lúa mạch ngâm trong nước tiểu của mình vài ngày. Nếu hạt lúa mạch nảy mầm thì mang thai bé trai, nếu hạt lúa mì nảy mầm thì mang thai bé gái. Ngược lại nếu không hạt nào nảy mầm thì người phụ nữ đó không mang thai. 

Nghe có vẻ vô lý nhưng theo kết quả nghiên cứu của viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1963 đã chứng minh phương pháp này cho kết quả chính xác tới 70%. Vì nước tiểu của người phụ nữ mang thai với hàm lượng hormone oestrogen tăng cao đã kích thích hạt lúa nảy mầm trong khi nước tiểu của đàn ông và phụ nữ không mang thai thì không làm được như vậy. 

Tuy nhiên, việc kết luận lúa mạch nảy mầm sinh con trai và lúa mì nảy mầm sinh con gái thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

2. Thử thai bằng củ hành

Nếu phụ nữ Ai Cập sử dụng lúa mì và lúa mạch để thử thai thì phụ nữ Hy Lạp cổ đại lại thử thai bằng cách nhét một củ hành hoặc một loại củ có mùi hăng như tỏi hoặc gừng vào âm đạo và để qua đêm. Nếu sáng hôm sau hơi thở của người phụ nữ có mùi hành thì chứng tỏ cô ấy không mang thai và ngược lại. 

Người Hy Lạp cho rằng nếu không mang thai thì tử cung sẽ mở do đó mùi hành có thể thông lên đến miệng dẫn đến việc hơi thở sẽ có mùi hành. Còn nếu người phụ nữ mang thai thì tử cung sẽ đóng lại nên hơi thở của cô ấy sẽ không có mùi. 

Phương pháp thử thai này đã được ghi trong tài liệu của Hippocrates (năm 460 – 370 trước Công nguyên), người được xem là cha đẻ của nền y học phương Tây và một số tài liệu cổ được viết trên giấy cói (papyrus) của người Hy Lạp.

3. Thử thai bằng chìa khóa

Vào thế kỉ 15, nếu một người phụ nữ nghi ngờ mình có thai, cô ấy sẽ đi tiểu vào một chiếc bát có chứa chìa khóa kim loại. Sau khi chờ đợi khoảng 3-4 giờ, nếu chiếc chìa khóa sáng loáng thì chứng tỏ cô ấy đang mang thai. 

Ở thời đó, người ta tin rằng trong nước tiểu của thai phụ có hàm lượng axit cao sẽ làm sáng chìa khóa. Tuy nhiên, lý giải này cho tới nay vẫn chưa được sáng tỏ.

4. Thử thai dựa vào màu sắc nước tiểu

Thử thai dựa vào màu sắc nước tiểu là phương pháp phổ biến tại Châu Âu vào thế kỷ 16. Một tài liệu từ năm 1552 đã mô tả nước tiểu của phụ nữ có bầu là:  “có màu vàng nhạt đến trắng đục”. Bên cạnh đó, người ta còn thử thai bằng cách trộn nước tiểu với rượu rồi quan sát kết quả.

Thực tế, rượu phản ứng với một số protein trong nước tiểu. Vì vậy thử nghiệm này có tỷ lệ chính xác nhất định. Tuy nhiên, thử nghiệm này sẽ không chính xác nếu người phụ nữ mắc một số bệnh như tiểu đường, trầm cảm hoặc ăn một số thực phẩm như cà rốt, dâu tây khiến màu nước tiểu thay đổi.

5. Thử thai dựa vào màu sắc âm đạo

Khi người phụ nữ mang thai khoảng 6 đến 8 tuần, cổ tử cung và âm đạo sẽ thay đổi màu sắc: có thể có màu tím hoặc đỏ sẫm do lượng máu đến khu vực này tăng lên. Đây được cho là dấu hiệu đáng chú ý của thai kỳ, trước cả những dấu hiệu phổ biến như thèm của chua, ốm nghén. 

Một bác sĩ người Pháp đã chú ý đến dấu hiệu này từ năm 1836 nhưng đến tận năm 1886, bác sĩ sản khoa James Read Chadwick mới giới thiệu phát hiện này tại một cuộc họp của hội Phụ khoa Mỹ. Sau đó, việc theo dõi màu sắc vùng âm đạo để thử thai được gọi là “dấu hiệu Chadwick”. 

Tuy nhiên để nhận thấy “dấu hiệu Chadwick” đòi hỏi phải khám âm đạo. Vì vậy nhiều phụ nữ không muốn sử dụng cách này.

6. Thử thai bằng cách tiêm nước tiểu vào thỏ, chuột nhắt

Vào những năm 1920, hai nhà khoa học Đức là Selmar Aschheim và Bernhard Zondek đã phát hiện một loại hormone trong nước tiểu của phụ nữ mang thai dẫn đến sự phát triển buồng trứng: đó là hormone hCG. 

Sau khi tiêm nước tiểu của phụ nữ mang thai vào thỏ con hoặc chuột nhắt, họ nhận thấy buồng trứng của chúng tăng trưởng đáng kể giống như ở tuổi trưởng thành. Vì vậy, họ đã nghĩ ra cách sử dụng thỏ để thử thai. 

Một tạp chí y học thời đó viết lại cách thử thai này như sau: "Mẫu nước tiểu của phụ nữ được tiêm vào một số thỏ con (hoặc chuột nhắt) trong khoảng thời gian 5 ngày. Vào ngày thứ năm, bác sĩ sẽ khám nghiệm buồng trứng của chúng. Nếu buồng trứng của chúng tăng trưởng thì chứng tỏ người phụ nữ đã mang thai. Nếu người phụ nữ muốn biết kết quả sớm hơn 5 ngày thì các bác sĩ sẽ tiêm mẫu nước tiểu cho nhiều thỏ hơn". 

Phương pháp thử thai này bị coi là vô nhân đạo và đã bị cấm do giết chết rất nhiều thỏ và chuột nhắt. Thậm chí thời đó cụm từ "thỏ chết" có nghĩa là có một người phụ nữ đang mang thai. 

Tuy nhiên, thật may mắn vì ngày nay, nhờ khoa học và công nghệ hiện đại, phụ nữ có thể thử thai dễ dàng bằng que thử mà không phải tàn sát nhiều loài vật như vậy nữa.

Tổng hợp

Chủ đề chính: #cách_thử_thai

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn