Anns Nơi ghi chép những câu chuyện vụn vặt của cuộc sống

Bí mật của sự hữu hạn

Đăng 2 năm trước
Bí mật của sự hữu hạn

Khi cuối cùng chúng ta biết là chúng ta sẽ chết, và mọi sinh linh khác cũng sẽ chết cùng ta, ta bắt đầu có một cảm giác cháy bỏng, gần như khiến trái tim thổn thức, rằng mọi khoảnh khắc mới mong manh, quý báu làm sao. Và từ đó trỗi dậy một lòng trắc ẩn sâu sắc, sáng tỏ và vô tận hướng tới vạn vật.

Trong Thần thoại Hy Lạp, người anh hùng Achilles đã tiết lộ bí mật của thần linh cho nàng Briseis rằng: “Các vị thần ghen tị với chúng ta bởi chúng ta là con người, bởi vì mỗi khoảnh khắc này đây đều có thể là phút giây cuối cùng. Mọi thứ đều trở nên đẹp đẽ và diệu kì hơn bởi chúng ta có cái chết, có sự kết thúc”. Quả thật vậy, hành trình sống là hành trình con người tịnh tiến đến cái chết như một sự tất yếu. Thế nhưng có phải vì thế mà con người trở nên tuyệt vọng, buông xuôi? Không! Nói như thiền sư Sogyal Rippoche thì: Khi cuối cùng chúng ta biết là chúng ta sẽ chết, và mọi sinh linh khác cũng sẽ chết cùng ta, ta bắt đầu có một cảm giác cháy bỏng, gần như khiến trái tim thổn thức, rằng mọi khoảnh khắc mới mong manh, quý báu làm sao. Và từ đó trỗi dậy một lòng trắc ẩn sâu sắc, sáng tỏ và vô tận hướng tới vạn vật.

Như dòng sông từ thượng nguồn đổ ra biển, hành trình sống của con người là hành trình đi đến cái chết như một sự tất yếu. Nụ cười đắc thắng, kiêu hãnh của vua Solomon cũng phải lịm tắt khi ngài thấy dòng chữ trên chiếc nhẫn vàng: “Điều gì rồi cũng sẽ qua đi”. Thì ra, bản chất của cuộc đời là vô thường, là thay đổi, là hóa sinh. Sự sống nào cũng có điểm kết hữu hạn, không gì là vĩnh hằng, trường cửu với thời gian. Vậy nhưng, chính con người cũng mang trong mình “bản năng chết” như một trạng thái bình thường của tâm lí; thậm chí theo Phân tâm học Freud, “bản năng chết” của con người bao giờ cũng lấn lướt “bản năng sống” mong manh và con người buộc phải đấu tranh để chống lại điều ấy. Câu hỏi về cái “chết” chưa bao giờ là có lời giải đáp cuối cùng, thế nhưng có lẽ khi nhận thấy được mình sẽ chết cũng là lúc chúng ta ý thức được việc mình phải sống như thế nào chăng?

Dám ước mơ, dám theo đuổi đam mê và hoạch định cuộc đời mình

Nhờ có điểm kết thúc, con người mới bức tốc thực hiện ước mơ, hoàn thiện ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhìn con ve sầu thối rữa khi thu đến hay đóa phù dung chưa bao giờ diện kiến ánh trăng đêm, ta mới biết thế nào là sự hữu hạn của nhân sinh, vậy thì chúng ta còn e dè điều gì mà không “cháy” hết mình để cuộc sống thêm trọn vẹn? Đừng ngại ước mơ và hãy dám bước đi cho ước mơ của mình dù con đường có đầy gai nhọn. Ý nghĩa của cuộc sống không phải được đo bằng sự sống dài ngắn của cơ thể sinh học. Sự tồn tại thực sự là khi ta hiểu được mình, biết khẳng định giá trị bản thân, tận hưởng và tận hiến. Chính khi ta dám sống, dám thất bại, dám cháy hết mình, con người mới “đủ can đảm để dám hạnh phúc”, dám là chính mình (Dám bị ghét). Có lẽ vậy mà Susan Boyle – giọng ca thiên thần người Anh – mới cất cao ca khúc “Dreams come true” đánh bại mọi định kiến, mọi lời dè bỉu về ngoại hình và chứng bệnh chậm phát triển của mình chăng? Ca khúc vang lên như một ước vọng vào tương lai và một tuyên ngôn của con người dám sống.

Susan Boyle - giọng ca thiên thần người Anh - giây phút cất lên tiếng hát đánh bại mọi định kiến (nguồn: Internet)

Sống chậm lại để nhận ra những giá trị ẩn tàng

Có lẽ chính khi ý thức được sự hữu hạn của từng khoảnh khắc cũng là lúc con người biết sống chậm lại đôi chút để nhìn ngắm cuộc đời. Trong cuộc sống tấp nập của thời đại toàn cầu hóa, con người như bị cuốn vào một vòng xoáy vô thức của danh vọng, vật chất, nỗi lo cơm áo hằng ngày, đôi khi ta lại đánh mất mình mà chẳng hay. Đã bao giờ bạn cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi và nhận ra sự vô nghĩa lý của cuộc đời? Đã bao giờ bạn nhìn lại con đường mình đã đi và cảm thấy tiếc nuôi? Đã bao giờ bạn muốn dừng lại để nạp năng lượng và cho phép bản thân nghĩ ngơi? Đứng giữa thế kỉ XXI, tôi mới cảm nhận trọn vẹn tốc độ phát triển vũ bão của kỷ nguyên số. Trong thời đại 4.0, thế giới được san phẳng, robot Sofia được trình làng, công nghệ in 3D, con người không ngừng chinh phục vũ trụ… tất cả những thứ ấy đã tái định hình cuộc sống của chúng ta, đẩy chúng ta vào một cuộc chạy đua bất tận. Thế nhưng sống hiện sinh không có nghĩa là điên cuồng lao mình vào công việc, mà là khi ta biết cân bằng cuộc sống của chính mình để trải nghiệm trọn vẹn thế giới. Đó là lúc ta “đạp phanh” dừng lại để chiêm nghiệm và suy tư.

Nhập cuộc, cống hiến, chống lại "cái chết tinh thần"

Song, ngẫm lại, con người đâu chỉ có cái chết thể xác? Chính chúng ta còn mang trong mình mầm mống đáng sợ hơn của cái chết tinh thần. Chẳng vậy mà có ý kiến cho rằng: “Có những người chết từ năm 25 tuổi nhưng phải đến năm 75 tuổi mới được chôn”! Mỗi phút mỗi giây đều đang rút ngắn tuổi trẻ, nhanh đến độ không còn thời gian đâu để lãng phí; mỗi phút mỗi giây đều đang chảy trôi, nhanh đến độ còn chưa chín chắn đã già đi. Ấy vậy mà dường như chúng ta lại càng khiến cuộc sống mong manh hơn khi cứ nhốt mình trong lớp vỏ của sự tự ti, e dè, lo sợ, của lười biếng và đồi trụy. Phải chăng là những người trẻ, thế hệ tiên phong, chúng ta càng phải biết nhập cuộc, dám đương đầu và can đảm phá bỏ mọi giới hạn của bản thân? Cuộc sống liệu có ý nghĩa hay không nếu chỉ nhận thức về sự hữu hạn của nó mà không dám hành động thiết thực để tạo ra những giá trị mà cái chết không thể phủ định được? Chính Harland Sanders, ông lão hồi sinh từ tuổi 66 đã không ngần ngại tuổi tác mà bắt đầu lại cuộc đời, sáng lập ra thương hiệu nổi tiếng KFC. Vậy thì chúng ta có cớ gì mà chôn mình trong nấm mồ của thời gian?

Nhìn vào thực tiễn đời sống với sự xô bồ, hỗn tạp, tôi lại càng trăn trở về chính mình và những người đồng trang lứa – một thế hệ trẻ của dân tộc. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được ngày 6/11/2020 đầy kinh hoàng khi xảy ra liên tiếp 6 vụ án thương tâm, trong đó có đến 4 vụ là tự sát. Tại sao con người lại dễ dàng từ bỏ cuộc đời đến vậy? Dẫu biết ai cũng phải chịu áp lực và không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác sẽ không thể nào thấu hiểu được, nhưng phải chăng vẫn có những người không đủ sáng suốt để nhìn ra tia hi vọng của đời, không đủ can đảm để đối mặt với khó khăn? Dường như trong chính sư hỗn mang của đời sống, con người cần tái tạo, làm mới mình để thích nghi, đối diện với những áp lực mới. Không khi nào khác, việc nhận thức bản chất sự hữu hạn của vạn vật lại quan trọng hơn ngay lúc này. Khi mọi điều rồi cũng sẽ qua đi, ta nên biết quý trọng những điều đang hiện hữu, nắm bắt lấy thực tại và thay đổi, cải biến cho tương lai.

Có lẽ xin mượn câu nói mà tôi tâm đắc để khép lại: “Rêu chỉ mọc trên những khối đá bất động, vậy nên hãy cứ sống đi!”.

Chủ đề chính: #phong_cách_sống

Bình luận về bài viết này
2 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn