Huy Huy

Bí mật đằng sau những 'Người đẹp bị xẻ thịt'

Đăng 5 năm trước

'Trên xác một mĩ nữ bị phanh xẻ từ sợi dây chuyền trên cổ cho đến xương chậu, một bào thai bé xíu đạp chân ra khỏi tử cung, đoạn ruột chất đống bên cạnh sinh vật không chút sự sống'. Ai có thể không phát hoảng trước cảnh tượng kinh hoàng đó? Phải chăng đằng sau những pho tượng mĩ nữ bị mổ phanh ấy chứa đựng bí mật khủng khiếp gì? Hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc và lý do ra đời của những bức tượng người đẹp ngủ mê quyến rũ bị mổ phanh lộ rõ nội tạng, khiến người xem rùng mình sợ hãi!

Đó chính là bức tượng Thần vệ nữ Giải phẫu nguyên bản của Clemente Susini được tạo tác từ năm 1780 đến 1782 tại La Specola, Florence, Giờ đây bức tượng vẫn được trưng bày trong tủ kính bằng gỗ cẩm lai và kính Venice tại Josephinum, Vienna, Áo. Bức tượng sáp có kích thước như người thật, tóc làm bằng tóc người thật, và được cấu tạo với bảy lớp giải phẫu học chính xác.

Sau đó, nàng đã được tạo thêm rất nhiều phiên bản, còn được gọi là "Người đẹp bị xẻ thịt" hoặc "Nét duyên giải phẫu" và cũng được trưng bày ở các bảo tàng y khoa. Có bức tượng được đeo vương miện bằng vàng, một bức tượng khác được cột một dải ruy băng bằng lụa quanh một đoạn ruột treo lủng lẳng. 

Thì ra, vào thời đó, thế kỉ 18, khi ngành giải phẫu học bắt đầu phát triển hơn tại Châu Âu, các nhà nghiên cứu, bác sĩ chỉ có thể thực hành trên các tử thi và gặp phải vô vàn khó khăn do điều kiện bảo quản lạc hậu, cũng như lượng tử thi được “chấp nhận” làm vật thí nghiệm giới hạn. Chính vì vậy, các mô hình sáp ra đời để tạo điều kiện cho việc học tập và nghiên cứu y học một cách trực quan hơn. Tuy nhiên, "Với những người đàn ông đang theo học ngành y, họ phải bị quyến rũ bởi vẻ thẩm mỹ, nhưng làm cách nào để khiến bất cứ ai cũng chấp nhận được hình ảnh của cái chết?" Các tác phẩm tượng sáp này khai thác khía cạnh thẩm mỹ để tiếp cận với nhiều khán giả hơn - Ebenstein viết. Để giải bài toán hóc búa này, các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà giải phẫu học thế kỉ 18 đã tạo ra những bức tượng sáp "Thần vệ nữ bị mổ bụng" với mái tóc làm từ tóc người thật, làn da, ngũ quan được tạo hình và chế tác tỉ mẩn, sống động đẹp đẽ nhất có thể, khiến người xem bị thu hút và muốn tìm hiểu sâu hơn nhưng không cảm thấy sợ hãi.

Những Thần Vệ nữ Giải phẫu học ra đời trên tinh thần đó nên nó không chỉ là mô hình giải phẫu học phục vụ cho y khoa. Nó còn xứng đáng là các tác phẩm nghệ thuật thực sự có thể làm rung cảm những trái tim yêu cái đẹp. "Nằm ngửa trong tủ kính, nàng mời gọi với nụ cười duyên dáng hoặc với ánh nhìn gợi cảm ngây ngất," Ebenstein viết trong quyển Thần Vệ nữ Giải phẫu học. "Một phong thái thư thả với bím tóc bện vàng óng làm từ tóc người thật, một cách thể hiện sự sang trọng," tấm nệm bằng vải sa tanh đã bị mọt ăn trong khung kính của nàng cũng như thân thể nàng gợi cảm giác tự nhiên trong trạng thái phẫu thuật nhưng không có máu. Như Ebenstein tranh luận, Thần Vệ Nữ giải phẫu học gợi đến "một lịch sử dài của hội họa và điêu khắc với những tượng khỏa thân bình an và lý tưởng". Và đó là những chi tiết người khiến ta bị xáo động. "Nàng được thiết kế để quyến rũ trên từng chi tiết: đôi mắt lấp lánh bằng kính với mi mắt từ lông mi thật, cần cổ trần của nàng có đeo chuỗi ngọc, và nàng tự hào với suối tóc người thật."

Tuy nhiên, dù các bức tượng sáp này có vẻ kỳ lạ đến đâu, chúng vẫn được dùng vào mục đích chính là dạy học. Theo Ebenstein, "mỗi mẫu tượng sáp nguyên sơ tại bảo tàng là sản phẩm của nghiên cứu cẩn trọng các xác chết được chuyển đến từ bệnh viện Santa Maria Nuova."  Sau 200 năm được tạo ra, tượng sáp giải phẫu học "Thần vệ nữ bị mổ bụng" của La Specola vẫn được nhìn nhận là cực kỳ chính xác. Một vài bức tượng trong đó thể hiện những cấu trúc giải phẫu học còn chưa được đặt tên hoặc mô tả vào thời chúng được tạo ra. Đồng thời, chúng cũng chính là những tác phẩm nghệ thuật mang tính cách mạng, để từ đó đến hơn 200 năm sau, người ta vẫn tiếp tục trầm trồ, chiêm ngưỡng các tuyệt tác “tượng sáp giải phẫu”.

Vậy là, "từ khi được tạo ra vào cuối thể kỷ 18 ở Florence, những tượng sáp nữ giới này đã luôn quyến rũ, khiêu khích và đầy tính hướng dẫn. Trong thế kỷ 21, họ cũng gây nhầm lẫn, tỏa sáng giữa lằn ranh của y học và huyền thoại, giữa dâng hiến và suồng sã, giữa gợi tình và nghệ thuật," Ebenstein viết."Làm cách nào chúng ta ngày nay có thể hiểu được một vật thể có thời là đại diện cho sự quyến rũ của nhan sắc nữ giới hoàn hảo và thể hiện rõ ràng chức năng bên trong của cơ thể? Làm sao chúng ta có thể hiểu được một tác phẩm nghệ thuật có thời từng xuất hiện ở triển lãm cũng như ở bảo tàng y khoa?".

Đến bây giờ, Thần Vệ Nữ giải phẫu học của Clemente Susini vẫn còn không ngừng gây ra cảm giác mơ hồ. Một mặt, người ta không thể không ngưỡng mộ một công việc chi tiết và chất lượng như vậy. Và mặt khác, sự sống động và giống nhau đáng kinh ngạc với những người sống cũng gây ra cảm giác sợ hãi.

Tổng hợp

Chủ đề chính: #Thần_vệ_nữ_Giải_phẫu

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn