Đam Mê Blog Đam mê Freelancer, viết Blog và chia sẻ kiến thức
Freelancer tại Tp. Hồ Chí Minh

Bộ máy giáo dục Việt và sự thừa nhận của một sản phẩm lỗi

Đăng 8 năm trước

Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi xin nêu ra một số bất cập với quan điểm là chính tôi như một sản phẩm do chính giáo dục Việt Nam nước tôi tạo ra.

Giáo dục luôn luôn là quốc sách hàng đầu và chấn hưng giáo dục là việc làm không của riêng ai. Nhưng trước khi làm được điều gì có ích cho giáo dục nước nhà thì chúng ta phải hiểu rõ được những vấn đề nan giải của nó. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi xin nêu ra một số bất cập với quan điểm là chính tôi như một sản phẩm do chính giáo dục nước tôi tạo ra.

1. Xa rời thực tế

Chương trình của ta đề cao tính bác học, đưa nhiều lý thuyết, công thức mà ít chú ý đến thực tế, tính ứng dụng. Lý thuyết tách bạch với hiện tượng trong cuộc sống và học một đằng, ra đời là một nẻo. Tôi thì thích chương trình có tính ứng dụng thực tế hơn vì nó giải quyết được khâu học để làm gì. Chúng ta quá đề cao Toán, Lý, Hóa mà xem nhẹ các môn nghệ thuật, kỹ năng sống, văn hóa sống. Người Việt vốn nhỏ bé mà thể dục 1 tuần chỉ có 1-2 tiết. Hậu quả nhãn tiền là thể thao Việt Nam chỉ mãi là vùng trũng mà xa hơn an ninh quốc phòng cũng bị ảnh hưởng. Học sinh Việt Nam đâu có được học cách xử lý thế nào khi bị rơi xuống nước, bị xâm hại, lúc động đất… Bởi thế nên chúng ta mới nằm trong nhóm các quốc gia có trẻ em bị chết nhiều nhất bởi các lý do như đuối nước. Âm nhạc, thủ công, nấu ăn… chỉ được xem là môn tự chọn. Hậu quả là kiến thức thì thiếu trầm trọng, còn thực hành thì tệ hết sức tệ ah…

Mô tả hình ảnh

2. Tư duy ngược

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nghề giáo là một nghề cao quý nhưng cũng là một nghề khó. Khó ở chỗ nhà giáo phải chịu sức ép của truyền thống coi trọng giáo dục, coi trọng người thầy của dân tộc, khó ở chỗ nhà giáo phải là người mô phạm, chuẩn mực, phải giữ gìn đạo đức, phải làm gương cho học trò. Hai chữ “nhà giáo” đâu phải ai cũng được gọi mà tại sao nó được sử dụng quá rộng rãi như bây giờ. Chúng ta cần phải phân biệt rõ hai khái niệm “người dạy” và “nhà giáo” hay “thầy giáo” hoặc “cô giáo”. Bởi vậy, giáo dục Việt Nam có tư duy ngược là người không đáng gọi là “thầy” thì cứ gọi là “thầy”, mà người đáng gọi là “thầy” thì chúng ta xem không ra gì.

Mô tả hình ảnh

3. Chặn gốc thả ngọn

Nhìn vào lịch học của sinh viên ĐH Mỹ mà thấy “choáng” với khối lượng bài vở mà họ phải thực hiện. Học theo tín chỉ, nhưng việc đọc làm bài tập là hàng tuần. Việc đánh giá chất lượng diễn ra trong suốt quá trình học chứ không chỉ dựa vào một hay hai kì kiểm tra giữa và cuối kì. Kết quả của môn học được tổng hợp từ các bài tập thực hành, kiểm tra, đến việc tham gia trong lớp. Bởi vậy, khi theo học 3-4 môn là lịch của sinh viên lúc nào cũng căng như dây đàn. Ngược lại ấn tượng của tôi về học ĐH ở Việt Nam là quá dễ dàng. Thi đầu vào khó, nhưng qua ải đó, gần như chắc chắn là sinh viên sẽ ra trường. Cũng bởi khu vực nhà nước vẫn đang là nhà tuyển dụng lớn mà yêu cầu chất lượng đối với khu vực này chỉ cần đến thế thôi!

Mô tả hình ảnh

4. Không công bằng

Sự học như một trò chơi trí tuệ. “Trong một trò chơi trí tuệ rất ít người chơi một mình, để trò chơi được cuốn hút, người chơi thực sự triển khai tiềm năng tư duy của mình để đi đến kết quả bất ngờ thì luật chơi phải có bạn chơi, phải có trọng tài” – GS Ngô Bảo Châu.

Mô tả hình ảnh

Thay vì bỏ ra một số tiền lớn 50.000 USD/năm để sang tận nơi các trường đại học danh tiếng học thì sinh viên chỉ cần ngồi mạng có thể lấy được tất cả các tư liệu, kể cả bài giảng video. Nhưng thử nghĩ xem nếu chúng ta chỉ ở Hà Nội hoặc Tp.HCM để truy cập thôi thì có học được nhiều bằng trực tiếp có mặt tại các trường đó không? Tôi nghĩ là không, và lúc đó không phải là một trò chơi thú vị, trò chơi không có địch thủ, không có đồng đội, không có lịch trình, không có giải thưởng và không có mục tiêu.


5. Gian dối

Thi cử ở nước ta - cái đáng ra là một cột mốc thiêng liêng đánh dấu sự thành công hay thất bại của cả một con người lại trở thành một trò đùa, một trò đùa mà người ta muốn khóc. Thí sinh quay cóp, giám thị tiếp tay, thầy cô cho đề tủ, bạn bè thông đồng… tất cả hành vi phản giáo dục đó đều được dung túng rộng rãi một cách không thừa nhận và rồi kì thi quan trọng đến thì bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi vì vi phạm quy chế. Giáo dục phương Tây văn minh hơn chúng ta vì mọi hành vi ăn gian đều bị trừng trị một cách nghiêm khắc, còn đối với Việt Nam thì đó vẫn mãi là căn bệnh kinh niên khó chữa, làm cơ thể ngày càng xanh xao, èo uột, ốm yếu và lạc hậu.

Mô tả hình ảnh

6. Thiếu dũng khí

“Kinh nghiệm của bản thân tôi khi vượt qua biên giới của những gì đã biết để thực sự theo đuổi cái chưa biết thì rất cần quả cảm, đi tìm những cái mới thường là những hành trình vô cùng cô đơn và kéo dài trong nhiều năm” - giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ tận đáy lòng của mình với giới trẻ ngày nay. Sự quả cảm là cái cần, không để sự lười biếng, hèn nhát, dụ dỗ quay lưng với sự thật. Dũng khí là rất cần khi đi tìm cái mới, đi tìm con đường chấn hưng giáo dục. Một con tàu Latouche Tréville có còn quá khó? Vậy sự thật là gì?

Mô tả hình ảnh

Chủ đề chính: #giáo_dục_Việt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn