An Hạ Viết lại bất kỳ điều gì lướt qua cuộc sống của mình <3

Bố mẹ làm thế nào để giúp trẻ vượt qua cảm giác suy sụp khi bị loại?

Đăng 4 năm trước

Một trong những điều quan trọng nhất của mối quan hệ gia đình là bố mẹ và con cái có thể giao tiếp với nhau. Khi bố mẹ biết cách giao tiếp với con cái, họ có thể giúp con cái vượt qua những quãng thời gian khó khăn trong tuổi trẻ của chúng.

Bố mẹ biết rằng bị loại hay thất bại là những điều không thể tránh khỏi trong quá trình trưởng thành. Nỗi thất vọng mà cảm giác bị loại mang lại có khi lớn lao, có khi dễ trôi qua, và các bố mẹ - những người trưởng thành hiểu rằng mình nên chấp nhận chúng. Nhưng làm thế nào để truyền đạt điều đó tới con trẻ - đứa trẻ vừa trượt vòng phỏng vấn vào câu lạc bộ yêu thích, hay không chạm tới ngưỡng cửa trường đại học mơ ước. Đổ vỡ, thất vọng, buồn đau - đó là cảm giác của chúng. Nhưng bạn có thể giúp chúng, dạy chúng cách đương đầu với cơn suy sụp mà không vụn vỡ. 

Trấn an trẻ, giữ cho trẻ bình tĩnh

Điều bạn cần làm: Giúp trẻ thoát khỏi cảm giác tiêu cực là điều đầu tiên bạn cần làm. Các chuyên gia tin rằng những cái chạm giúp trấn an nỗi lo lắng trong đứa trẻ. Để trẻ hít thở sâu với một tay đặt lên vùng dạ dày và một tay đặt lên ngực. Bảo đứa trẻ hít thở sâu từ cơ hoành cho đến khi trẻ bình tĩnh. Đồng thời cố gắng không phán ứng thái quá trước trẻ, khích lệ trẻ vì đã cố gắng hết sức. 

Điều bạn cần nói: "Đừng lo lắng, bố mẹ biết con đã cố gắng rất nhiều."

Giúp trẻ phân tích tình huống

Điều bạn cần làm: Sau khi trẻ bình tĩnh, đây là thời điểm thích hợp để hỏi trẻ về những gì đã xảy ra. Đầu tiên, khuyến khích trẻ kể về thất bại của mình, đừng giữ kín nó. Bạn cũng có thể hỏi thăm giáo viên của trẻ hoặc đến trường để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với trẻ. Nhưng lựa chọn tốt nhất là hỏi trực tiếp cảm nhận của chúng. Giữ sự tỉnh táo và lý trí sẽ giúp bạn tập trung vào bản thân tình huống thay vì chú ý tới những cảm xúc tiêu cực mà tình huống đó mang lại cho trẻ. 

Điều bạn nên nói: "Đã có chuyện gì xảy ra? Bố mẹ hiểu, vậy sau đó sự việc tiếp diễn như thế nào? Con nghĩ vì sao mình không được chọn?"

Đưa ra nhiều ví dụ về cách đương đầu với nỗi suy sụp, bao gồm câu chuyện của chính bạn

Điều bạn cần làm: Sự suy sụp là điều bình thường và không thể tránh khỏi, bạn nên giúp trẻ nhận ra điều này càng sớm càng tốt. Bố mẹ có thể lấy ví dụ từ các chương trình truyền hình thực tế, sẽ có những người bị loại khỏi cuộc thi và những người được ở lại. Hãy chỉ cho đứa trẻ thấy cách mọi người vượt qua nỗi thất vọng một cách bình an và biết ơn. Đồng thời, hãy nhớ lại những ví dụ từ chính cuộc sống của bạn, một lúc nào đó bạn từng bị loại, nhưng bạn đã vượt qua nó. Thậm chí bạn có thể kể cho trẻ về tình huống đáng xấu hổ nhất, vì nó có thể giúp trẻ cảm thấy tốt hơn nhiều.

Điều bạn nên nói: "Con biết không, mẹ từng rơi vào trường hợp như con. Đó là khi mẹ mới 9 tuổi và mọi người đã loại mẹ khỏi tiết mục văn nghệ hôm đó. Con biết mẹ đã làm gì không?"

Chỉ cho con các lựa chọn

Điều bạn cần làm: Đôi khi, bị loại mang đến cơ hội để chúng ta thử một điều gì đó khác, thậm chí nó có thể thú vị hơn lựa chọn ban đầu. Khi chúng ta chìm trong thất vọng, chúng ta không thường nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, do đó, chúng ta từ chối suy xét đến những lựa chọn tốt hơn. Hãy chỉ cho đứa trẻ những lựa chọn khác và lợi ích của những lựa chọn đó.

Điều bạn nên nói: "Mẹ biết con buồn nhiều vì điểm số của con không vào được trường Đại học N, nhưng sao con không thử một ngôi trường khác? Con nhớ ngôi trường chúng ta từng đến thăm vào tháng trước không? Ngôi trường có khuôn viên rất rộng ấy!"

Giúp trẻ tự tìm ra cách riêng để vượt qua cảm giác thất vọng khi bị loại

Điều bạn cần làm: Giúp trẻ tự nhìn nhận mình như một người có đủ khả năng tự đương đầu với khó khăn. Có thể đứa trẻ sẽ tự nghĩ ra một phương án tốt hơn phương án mà bạn đưa ra, và chúng có thể tự động viên mình. 

Điều bạn nên nói: "Mẹ biết con đang cảm thấy rất tệ vì không được chọn. Con có thể làm gì để cảm thấy tốt hơn ngay bây giờ?"


Bài viết được dịch từ tiếng Anh

Bài gốc Alena Sofronova - BrightSide.me

Chủ đề chính: #cách_dạy_con

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn