Quyên Nguyễn "Life is a choice" Trong cuộc sống này, tất cả những việc mình làm đều là do mình lựa chọn. Nó đồng nghĩa với việc chọn làm việc tốt hay chọn việc làm trái với lương tâm; chọn sống cho mình hay chọn sống cho người khác; chọn nhìn về hướng tích cực hay chọn đi về hướng tiêu cực.

'Bỏ túi' những kỹ năng quan trọng khi đi thang máy

Đăng 6 năm trước

Thang máy đang dần trở thành phương tiện di chuyển phổ biến đối với tất cả mọi người. Cho dù công nghệ có hiện đại đến mấy, nhưng để tránh rủi ro trong quá trình di chuyển, bạn cần phải trang bị cho mình một số kỹ năng quan trọng để giữ bình tĩnh cũng như kịp thời giải quyết vấn đề đó.

Đối với những người làm việc trong các cao ốc văn phòng, sinh sống tại các căn hộ, chung cư, việc sử dụng thang máy chắc chắn sẽ gặp vài sự cố không thể lường trước được. Dưới đây là những sự cố thường gặp nhất khi đi lại bằng thang máy: 

  • Mất điện: Sự cố này thường gặp nhất, là do yếu tố khách quan gây nên. Khi tòa nhà mất điện đột ngột, thang máy sẽ dừng lại, nhưng chúng sẽ sớm hoạt động ngay khi được cung cấp dòng điện từ máy phát.  
  • Thang máy tự ngừng hoạt động: Thang máy có cấu tạo từ hàng trăm ngàn các thiết bị, linh kiện nhỏ. Nhưng chỉ cần một vài bộ phận bị hư hỏng, thang máy sẽ không hoạt động trơn tru được.  
  • Thang máy chạy nhanh, vượt tốc độ: Đó là khi tốc độ của thang máy cao hơn hẳn tốc độ thường sử dụng.  
  • Thang máy gặp sự cố rơi tự do.

Đa số mọi người đều vô cùng hoảng loạn khi thang máy gặp sự cố, đặc biệt là trường hợp đèn trong thang cũng tắt khiến bạn không nhìn thấy gì và gọi thì không ai trả lời. Thực tế, bạn hoàn toàn có thể tự mình thoát ra nếu giữ được bình tĩnh và cố gắng một chút với một số kỹ năng sau:

1. Giữ bình tĩnh

Trước nhất bạn cần giữ bình tĩnh, hít thở sâu, nhắm mắt lại rồi từ từ mở ra để mắt quen với bóng tối. 

Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm trong lúc này là phải thật bình tĩnh, hãy cố gắng loại khỏi đầu những sự suy diễn và lo lắng không đáng có của bạn. Thư giãn để giảm bớt nỗi sợ hãi. Trường hợp thường gặp nhất là chúng ta phải đợi cho tới khi thang máy bắt đầu hoạt động trở lại. 

Bạn nên nhớ rằng rất ít trường hợp có người chết khi bị nhốt trong thang máy cũng như bạn có thể thoát khỏi một cái thang máy đóng kín mà không hề bị trầy xước.

2. Giữ tư thế an toàn

Dựa lưng vào tường, gần bảng điều khiển, nắm chắc tay vịn, hơi khuỵu gối đề phòng thang trôi tự do rồi đột ngột dừng lại (chỉ bỏ tư thế này khi thang đã đứng yên và phải quay lại tư thế này ngay khi bạn cảm thấy thang không ổn định hoặc đang rơi).

3. Thử nút mở cửa

Khi thang máy đột ngột dừng lại, bạn không nhất thiết phải bấm loạn xạ các nút đến các tầng khác để xem nó có di chuyển tiếp hay không. Thay vào đó, hãy thử bấm nút mở cửa. Nếu thang máy vẫn không có phản ứng thì hãy kêu cứu ngay lúc đó hoặc ấn chuông gọi. Ngoài ra, bạn có thể gõ vào cửa thang bằng chùm chìa khóa, gót giày thay vì giậm chân hay đấm tay vào cửa. Bởi vì một số thang máy yếu rất dễ tròng trành, nó chỉ khiến bạn mất bình tĩnh hơn thôi.

4. Chờ thiết bị cứu hộ trong thang máy

Thang máy tải khách hiện nay đều có bộ cứu hộ tự động Automatic Rescue Device (gọi tắt là ARD), tác dụng của bộ cứu hộ ARD nhằm giúp đưa thang về vị trí gần nhất để cho người bị kẹt trong thang có thể thoát ra ngoài thông qua hệ thống tích điện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì hệ thống ARD bị hư hỏng hoặc không hoạt động thì người bị kẹt có thể nhờ sự trợ giúp bên ngoài.

5. Liên lạc với những người bên ngoài

Khi thang máy bị lỗi, người phía trong cần bình tĩnh để liên lạc ra bên ngoài bằng điện thoại di động hoặc điện thoại trong thang máy, nếu không có hoặc điện thoại không sử dụng được, có thể tìm cách gọi to, đập vào cửa thang... để kịp thời báo hiệu ra bên ngoài. 

Hãy tìm số điện thoại hotline (đường dây nóng), người cầm số hotline là chuyên viên kĩ thuật nên bạn hoàn toàn có thể tin tưởng và nghe theo hướng dẫn của họ. Số điện thoại đó nằm trên bảng hướng dẫn sử dụng trong thang máy, bạn chỉ cần gọi điện để báo tình hình và chờ đợi người giúp đỡ.

6. Không tự ý trèo ra ngoài qua cửa thoát hiểm

Trong thời gian chờ đợi, hãy cố giữ bình tĩnh và không nên tìm cách cậy cửa, thoát ra ngoài bằng cửa thoát hiểm trên nóc hay đập phá liên tục trong cabin. Hành động này chỉ làm bạn và những người xung quanh ở trong cabin nhanh chóng mất sức và hao hụt lượng oxy trong thang máy nhanh hơn mà thôi. 

Nếu như thang máy rơi tự do, bạn phải nhanh chóng nằm xuống sao cho cơ thể song song với sàn nhà, ở vị trí chính giữa của thang máy là tốt nhất. Việc làm này có tác dụng phân bố lại trọng lực, lực rơi đều trên toàn bộ cơ thể của bạn, sẽ giảm được tình trạng thương tích cho bạn. Ngoài ra, một tay bạn nên dùng để gối đầu giúp đầu không bị thương, tay còn lại hãy dùng để che chắn mặt.

Một số nguyên tắc cần thiết khi đi thang máy:

  • Gọi thang máy đúng cách: Ở mỗi cửa tầng thang máy đều có bảng hiển thị để chỉ dẫn cho người sử dụng biết là thang máy đang lên hay xuống và hiện cabin đang ở tầng mấy. Nếu đi lên, hãy chọn mũi tên đi lên ở bảng hiển thị gọi tầng và ngược lại. 
  • Không nên chơi đùa với các nút bấm, vì sẽ gây khó chịu cho người đi cùng. 
  • Khi gọi thang, nếu cabin đã đủ người, hãy kiên nhẫn và chờ lượt đi sau.
  • Khi vào thang máy, hãy bước lùi về cuối cabin, mặt nhìn hướng về phía trước và tránh xa cửa.
  • Trẻ em còn quá nhỏ khi sử dụng thang máy phải luôn có người lớn đi kèm và nắm tay trong lúc thang máy di chuyển.
  • Hãy quan sát bước chân khi ra vào thang máy, chờ thang máy dừng hẳn hãy bước vì thang máy có thể dừng không bằng với mặt đất.
  • Nên giữ thú nuôi bằng dây xích khi đi thang máy.
  • Nếu thấy có điều gì bất thường trong thang máy, hãy thông báo ngay cho bộ phận quản lý bảo trì.
  • Hãy nhấn nút mở cửa để giữ cabin cho người khác, đây là một nét văn hóa tốt khi đi thang máy.
  • Nếu có hỏa hoạn hay tình huống khác có thể dẫn đến sự cố mất điện, bạn cần phải đi thang bộ. 
  • Không nô đùa, nhún nhảy trong cabin khi thang máy đang hoạt động.

Phần bổ sung

Nguyên tắc sử dụng thang cuốn

  • Khi đi thang cuốn phải đứng thẳng, không xô đẩy hay ngã về phía sau, một tay phải vịn vào lan can bên phải của thang cuốn. Tuyệt đối không chạy nhảy, nô đùa trên thang. 
  • Không nên dựa vào lan can hoặc ngồi trên bậc cầu thang. 
  • Không cho chân, tay vào khu vực các mép bên bậc thang hoặc khớp nối ở cuối thang.
  • Nếu đang đẩy con trên xe hoặc dùng xe đẩy đồ thì không nên dùng thang cuốn mà hãy sang dùng thang máy.
  • Khi bước vào thang cuốn, cần quan sát cẩn thận hướng chuyển động của thang lên – xuống. Không nên thử di chuyển theo chiều ngược lại vì rất dễ gặp tai nạn.
  • Chọn bậc gần nhất để bước vào, đứng hai chân trên cùng một bậc thang. Tuyệt đối không đứng hai chân trên hai bậc khác nhau, không đứng bắt chéo chân hay chạy vượt bậc khi đang chuyển động. 
  • Không nên quay người lại để nói chuyện với người ở sau, như vậy dễ mất thăng bằng dẫn đến ngã. 
  • Khi đi thang cuốn, quần áo mặc không nên quá dài, không cầm dây lòng thòng, bởi có thể bị kẹt vào mép bên thang hoặc gờ giữa hai bậc thang. Khi bị kẹt rất dễ bị cuốn vào gầm thang. Khi quần áo bị cuốn vào thang thì không nên cố giữ mà tìm cách cởi bỏ nhanh nhất. 
  • Khi có trẻ em còn nhỏ đi cùng, người lớn cần bế trẻ em khi bước vào/bước ra thang cuốn. Khi thang chạy, có thể để trẻ đứng xuống bậc nhưng phải trông giữ.     
  • Khi thang cuốn đã đi hết một vòng, xuống hoặc lên đến nơi, cần phải nhanh chóng bước ra khỏi bậc thang trên hoặc dưới cùng. Tuyệt đối không đứng lại vì bậc thang tiếp tục chu trình vòng quay tiếp theo, rất dễ bị cuốn.

Cuối cùng bạn hãy luôn nhớ rằng thang máy dù vô cùng hiện đại nhưng nó cũng chỉ là một thiết bị điện tử, nên không có gì đảm bảo là nó sẽ hoạt động liên tục hay không bao giờ hư hỏng đột ngột. Luôn luôn giữ bình tĩnh và trang bị những kĩ năng xử lí tình huống khi thang máy gặp trục trặc là vô cùng cần thiết và quan trọng giúp bạn tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Chủ đề chính: #đi_thang_máy

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn