Kimle

Bốn ngôi đền linh thiêng nhất ở Hà Nội .

Đăng 4 năm trước

Bốn ngôi đền linh thiêng trấn giữ các hướng Đông Tây Nam Bắc của thành Thăng Long , dân gian thường gọi là ' Thăng Long tứ trấn .

Thăng Long tứ trấn là khái niệm xuất hiện trong dân gian để chỉ về bốn ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông Tây Nam Bắc của thành Thăng Long đó là: 

Trấn Đông: đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội. Đền được xây dựng từ thế kỷ 9 

Trấn Tây:  Đền Voi Phục (đúng ra là đền Thủ Lệ), (hiện nằm trong Công viên Thủ Lệ) thờ,  Linh Lang - một hoàng tử thời nhà Lý. Đền được xây dựng từ thế kỷ 11  

Trấn Nam: đền Kim Liên  trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội), thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ 17 

Trấn Bắc: đền Quán Thánh (đúng ra là đền Trấn Vũ), (cuối đường Thanh Niên), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền được xây dựng từ thế kỷ 10.

Trấn Đông: Đền Bạch Mã .

  Ngôi đền tọa lạc tại số nhà 76-78 phố Hàng Buồm, là một trong “tứ trấn” của kinh thành Thăng Long. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, hay còn gọi là Tô Lịch giang thần, thành hoàng Hà Nội. 

Lich sử hình thành : Theo truyền thuyết, đền Bạch Mã được Cao Biền xây năm 866, thần Long Đỗ được phong làm “Đô phủ thành hoàng thần quân”. Năm 1010, sau khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho sửa sang lại đền bởi ngôi đền và thần Bạch Mã gắn liền với truyền thuyết xây thành của nhà vua.

 Khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến Đại La đổi tên là kinh đô Thăng Long, ngài đã cho xây dựng đô thành, nhưng thành cứ xây lên rồi lại lở. Vua liền sai người tới cầu đảo, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi quanh một vòng, đến chỗ nào thì để lại dấu chân đến đó, rồi trở lại vào trong đền thì biến mất.

 Vua liền theo dấu chân ngựa mà đắp thành lũy thì không lở nữa. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua bèn tôn phong thần Long Đỗ làm “Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương”, và cho gọi tên ngôi đền thờ thần là “Bạch Mã linh từ” (Đền thiêng ngựa trắng). 

Theo các nhà nghiên cứu thì ngựa trắng là biểu tượng thần thoại của mặt trời. Đền Bạch Mã trấn cửa Đông kinh thành Thăng Long. Ngựa trắng từ đền ra, đi một vòng từ đông sang tây rồi lại quay về đền. Đó là biểu tượng sự vận động biểu kiến của mặt trời, mặt trời mọc đằng đông, lặn ở đằng tây rồi lại quay về đông (trong câu chuyện Cổ Loa, rùa vàng cũng hiện ra ở cửa đông kinh thành). 

 Đền đã được sửa chữa nhiều lần, cuối thế kỷ XVII được tôn nền cũ và mở rộng. Năm 1781, chúa Trịnh cho dân các giáp Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ thuộc phường Hà Khẩu chung quanh đền Bạch Mã được "tạo lệ" (sắm lễ vật tế, không phải sưu sai, tạp dịch khác). Năm 1829, sửa chữa đền thêm tráng lệ. Năm 1839, dựng văn chỉ ở bên trái đền, dựng Phương đình để làm nơi cúng lễ các tuần tiết. 

Kiến trúc xây dựng : Dáng dấp kiến trúc đền Bạch Mã hiện nay là dấu ấn đặc trưng của phong cách kiến trúc thế kỷ XIX thời Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ “tam”, bên ngoài là phương đình tám mái. Điểm đặc sắc của công trình kiến trúc này chính là hệ thống mái hình “vỏ cua” (hình mai con cua) liên kết giữa các hạng mục kiến trúc.

 Điều này tạo sự khép kín, liên hoàn, tạo thêm không gian cho di tích, tạo điểm nhấn khác biệt, hiếm thấy của di tích so với nhiều di tích vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Hiện vật lưu giữ : Đền còn lưu giữ được 15 tấm bia đá cổ ghi lại việc sửa đền, nhiều sắc phong của các triều vua từ thời Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn, trong đó cổ nhất là tấm bia có niên đại Chính Hoà thứ 8 (1867) cùng nhiều đồ thờ tự quý khác. Ðền đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1986. 

Lễ hội :  Được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch.  

 Từ sáng sớm, đội rước kiệu khởi hành từ đền Mã Mây đi qua các tuyến phố lớn để về đền Bạch Mã. Đi đầu là đội múa rồng, sư tử; tiếp đến là đội cờ, trống chiêng, sinh tiền, đánh bồng, bát âm; đội kiệu lễ vật và đội kiệu bát cống đền Bạch Mã với đầy đủ tàn, tán, lọng; đội tế nam quan; dâng hương nữ. Trong đoàn rước còn có mục đồng và mô hình trâu với kích thước bằng trâu thật để làm lễ tiến Xuân Ngưu.  Lễ hội được khai mạc bằng lễ cáo thỉnh do cụ Từ (người trông đền) thực hiện. Tiếp theo, đội tế nam đền Bạch Mã làm lễ tế Thánh. Sau lễ tế, mô hình trâu sẽ được rước từ đền đến bờ sông Hồng để làm lễ “hóa” tiến Xuân Ngưu, một nghi thức quan trọng của hội đền Bạch Mã. Đến chiều, đội tế nữ của đền Bạch Mã dâng hương lễ Thánh. Sau đó, nhân dân cùng du khách thập phương vào lễ Thánh. 

Trấn Tây: Đền Voi Phục .

Địa chỉ :  Đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền còn được gọi là Đền Voi Phục Thủ Lệ.  Nơi đây vốn là đất lắm hồ ao, lầy lội, là một trong Thập tam trại có từ thời Lý. Đương thời, thuộc tổng nội, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên.

Lịch sử hình thành : Trong tiềm thức dân gian, đền Voi Phục thờ thần Linh Lang. Theo thần tích, đức thánh Linh Lang đại vương nguyên là hoàng tử thứ 4 của vua Lý Thánh Tông và bà Hạo Nương, cung phi thứ 9.

 Theo đó, Linh Lang Đại vương sinh năm 1030, được đặt tên là Hoàng tử Linh Lang (tên thường gọi là Hoằng Chân). Tương truyền, Hoàng tử Hoằng Chân sinh ra đã có diện mạo khôi ngô, tuấn tú. Suốt tuổi thơ, Hoàng tử sống trong cung cùng mẹ ở khu Thị Trại (nay là phường Thủ Lệ). Ở tuổi 14, Linh Lang đã cùng trai tráng trong vùng chuyên cần luyện tập võ nghệ. Lớn lên, Linh Lang tỏ rõ là chàng trai văn võ song toàn, theo vua cha đánh giặc Chiêm Thành, đuổi giặc tới tận thành Đồ Bàn (ở Quy Nhơn, Bình Định).

Năm 1076 - 1077, nhà Tống đem quân xâm lược nước ta, tướng Lý Thường Kiệt làm tổng chỉ huy mọi lực lượng kỵ binh, bộ binh, thủy binh, giao cho Linh Lang đảm nhiệm lực lượng thủy quân, từ Vạn Xuân đánh ngược lên phía Bắc, tiêu diệt cụm quân của Chánh tướng Quách Quỳ, rồi phối hợp với đạo quân của Lý Thường Kiệt phản công mạnh mẽ vào lực lượng của phó tướng giặc là Triệu Tiết khiến cho quân Tống bị thương vong rất nhiều, không thể chống đỡ được trên tuyến sông Như Nguyệt (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) nên phải cầu hòa và rút quân về nước.Trong trận quyết chiến này, Hoàng tử Linh Lang đã chiến đấu rất mưu lược, ngoan cường, đánh bại kẻ địch nhưng sau đó đã anh dũng hy sinh. Nhà Vua biết tin đã xúc động và ra tuyên cáo sắc phong Linh Lang là Linh Lang Đại vương thượng đẳng tối linh thần và truyền cho tất cả những nơi Linh Lang đã đi qua đều lập đền thờ để tưởng nhớ công lao.

Kiến Trúc xây dựng :  Hạng mục đầu tiên là cổng nghi môn được làm dạng tứ trụ, như những trục vũ trụ đem sinh khí từ tầng trên truyền xuống trần gian. Đây là sản phẩm của thế kỷ XIX – XX. Hai bên cổng có bia hạ mã và đôi voi chầu phục.  Phía trước lối đi giữa là một giếng vuông mang ý nghĩa tụ thuỷ tụ phúc, nơi xưa kia lấy nước cúng. Ý nghĩa cầu nước và cầu no đủ còn được thể hiện ở đôi rồng mây "chạm tròn" bằng đá, một sản phẩm khoảng giữa thế kỷ XIX và đôi hổ phù gắn hai bên tường cửa chính được chạm nổi, mang nét chuẩn mực. 

Đền chính có dạng chữ Công. Tiền tế 5 gian, kết cấu vì chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ.  Tại tòa này được đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm mang nghệ thuật thế kỷ XIX. Dưới ngai thờ thần là tượng 2 vị tuỳ tướng quỳ chầu. 

Hậu cung cũng 5 gian, gian chính giữa ở vị trí sâu và cao nhất là pho tượng đức Linh Lang Đại vương với nét mặt thanh tú, cao sang. Phía trước pho tượng Ngài là một hòn đá lớn được đặt trong hộp kính. Hòn đá có vết lõm, tương truyền thần đã từng gối đầu trên hòn đá này. Hai bên hòn đá là tượng 2 vị phụ tá đứng chầu. Trong đền, ngoài các pho tượng còn có hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí, đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Lễ hội : Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội vào ngày 9, 10 và 11/2 âm lịch để tưởng nhớ công đức của thần Linh Lang.

 Đây là hội rước lớn với cờ quạt, chiêng trống, lọng, tàn, tán nối nhau thành hàng dài cùng phường bát âm và đội sênh tiền rất nhộn nhịp. Lễ hội của đền là một sinh hoạt văn hoá thường niên, mang tính chất mở, với sự tham gia của thập phương, vượt ra ngoài không gian đất Thủ Lệ, ít nhất là vùng Thuỵ Khuê, Thủ Lệ, Vạn Phúc rồi vùng Thập tam trại và cả Bồng Lai (huyện Đan Phượng).

 Lễ hội có thể kéo dài từ 3 tới 10 ngày tuỳ theo sự đóng góp của dân, đáng kể nhất là việc rước kiệu và một vài tục lệ khác. Tham gia chính trong lễ hội là 4 đình gồm: đình Ngọc Khánh, đình Yên Hòa, đình Xa La và đình Hào Nam. Trong ngày hội chính, 4 kiệu từ 4 đình được rước đến đền Voi Phục để tế và bái yết Thánh với đội hình gồm: đội múa rồng; đội đánh trống, đánh chiêng; đội cầm vũ khí: gươm hầu, bát bửu, chấp kích; đội nhạc lễ, bát âm, đồng văn (trống); đội cấm vệ quân hầu Thánh; đội rước kiệu. 

Trong lễ rước, các đoàn đều trình diễn các hoạt cảnh mang đậm tính dân gian truyền thống như: con đĩ đánh bồng, múa sênh tiền, múa quạt, múa sư tử, múa lân... Tiếp theo, tại đền Voi Phục, bài diễn văn khai mạc lễ hội và thần phả của Đức Thánh. Sau đó, đội nữ dâng hương đền Voi Phục vào lễ Thánh.

 Buổi chiều, lễ hội được tiếp tục với màn tế lễ của đội tế nam và đội dâng hương nữ của các đình cùng khách thập phương vào lễ Thánh.Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: thi đấu cờ tướng,  biểu diễn võ thuật, thi chọi gà, đập nồi niêu có thưởng và biểu diễn văn nghệ...

Trấn Nam: Đền Kim Liên

Đền Kim Liên,  trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội), thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ 17 .

Lịch sử hình thành . Đền Kim Liên vốn được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian, thì đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau theo mẹ lên núi). 

Theo tấm bia đá đặc biệt hiện còn lưu giữ tại đền (đây cũng là di vật quý giá nhất ở đền này) có bài tựa "Cao Sơn đại vương thần từ bi minh", văn bia do sử thần Lê Trung soạn năm 1510, nói về công lao của thần Cao Sơn. Nội dung cho biết: Khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Thái Tổ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hoá (nay là di tích đền Láo, xã Văn Phương, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương".

 Rất lấy làm lạ, vua quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên sau mười ngày đã thành công. Vì thế, vua Lê Tương Dực cho xây dựng đền thờ thần Cao Sơn được lập ở Phụng Hóa. Sau nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, nên năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ.[1]

Kiến trúc xây dựng .   Đình được xây dựng trên một gò đất cao ở phía đông đầm Kim Liên. Cổng đình và cửa chính điện đều hướng về phía tây, trông ra đầm Kim Liên .

 Kiến trúc của đình bao gồm hai phần tương đối rõ: phần phía trước gò có một cổng trụ biểu, hai dãy giải vũ hai bên sân gạch rộng và phần kiến trúc chính của di tích nằm trên gò đất cao. Đi hết khoảng sân trên thì qua chín bậc gạch cao được xây bằng những viên gạch vồ có kích thước lớn thời Lê Trung Hưng nối hai bộ phận kiến trúc trên. Đình chính gồm Nghi môn, Đại bái và Cung cấm. Nghi môn là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Bốn bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, cột trốn. 

Trên các bộ phận kiến trúc các họa tiết trang trí được thể hiện sinh động, công phu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Nhà đại bái gồm 5 gian mới được thành phố tôn tạo trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long-Hà Nội, với kiểu dáng kiến trúc truyền thống. Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói ta. Trong nhà xây vòm cuốn, nội thất được bố trí như sau: gian ngoài cùng, bó bệ gạch cao để đặt hương án; gian thứ hai xây bệ gạch cao để đặt long ngai và các đồ tế khí.

 Gian cuối cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng (Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh công chúa). 

Lễ hội . Muôn nơi hội tụ về đây dâng hương truyền thống với đạo lý uống nước nhớ nguồn, tầm tông bái tổ tỏ lòng thành kính, nhớ đến ơn sâu, nghĩa nặng của Thượng Đẳng Tối Linh Thần Cao Sơn Đại Vương đã có công trấn sơn, trị thủy, bảo vệ mùa màng, phù trợ, che chở cho nhân dân muôn nơi được bình yên, phát triển, hưng thịnh và giàu đẹp.

Các hội tham gia trình diễn, thi chào mừng lễ hội, như: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, biểu diễn võ thuật, múa kiếm, cờ tướng, văn nghệ, hội thi cắt tóc truyền thống với chủ đề “đôi bàn tay vàng”  của làng nghề cắt tóc Kim Liên.

Trấn Bắc: đền Quán Thánh

Đền Quán Thánh (đúng ra là đền Trấn Vũ), cuối đường Thanh Niên, thuộc quận Ba Đình Hà Nội. Thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền được xây dựng từ thế kỷ 10.

Lịch sử hình thành :  Đền được xây dựng vào đầu thời nhà Lý. Từng trải qua nhiều đợt trùng tu vào  các năm  1618,  1677,  1768,  1836,  1843,  1893,    1941   (các lần trùng tu này được ghi lại trên văn bia).

 Đợt trùng tu năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 tức đời vua Lê Hy Tông. Trịnh Tạc ủy cho con là Trịnh Căn chủ trì việc xuất của kho để di tạo Trấn Vũ Quán và pho tượng Thánh Trấn Vũ. Nghệ nhân trực tiếp chỉ huy đúc tượng Thánh Huyền thiên Trấn Vũ là Vũ Công Chấn. Ông cho đúc tượng Huyền thiên Trấn Vũ bằng đồng hun, thay cho pho tượng bằng gỗ trước đó. 

Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm đền và ban tiền đúc vòng vàng đeo cho tượng Trấn Vũ. Đền được công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đợt đầu năm 1962.  

Thánh Trấn Vũ là một hình tượng nhân vật thần thoại Việt Nam (ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma trong khi xây dựng thành Cổ Loa) .

Kiến trúc xây dựng : Tương truyền đền có từ đời Lý Thái Tổ (1010-1028). Nhưng theo Vũ Tam Lang trong cuốn Kiến trúc cổ Việt Nam, thì đền được khởi dựng năm 1012. 

Theo Vũ Tam Lang thì đền được di dời về phía Nam hồ Tây trong đợt mở rộng Hoàng thành Thăng Long năm 1474 của vua Lê Thánh Tông, nhưng diện mạo được tu sửa vào năm 1836-1838 đời vua Minh Mạng. Các bộ phận kiến trúc đền sau khi trùng tu bao gồm tam quan, sân, ba lớp nhà tiền tế, trung tế, hậu cung. Các mảng chạm khắc trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Bố cục không gian thoáng và hài hòa.

 Hồ Tây phía trước mặt tiền tạo nên bầu không khí mát mẻ quanh năm.Ngôi chính điện (bái đường) nơi đặt tượng Trấn Vũ có 4 lớp mái (4 hàng hiên). Chính giữa là bức hoành phi đề "Trấn Vũ Quán". Hai tường hồi có khắc các bài thơ ca ngợi ngôi đền và pho tượng Trấn Vũ của các tác giả thời nhà Nguyễn như Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Phạm Hàm... Nhà Tiền tế có khám thờ và án thư cùng tượng thờ nghệ nhân đúc tượng Trấn Vũ, Luân Quận Công Vũ Công Chấn.

Pho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ.

Pho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng đen vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), đời Lê Hy Tông. 

Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m. Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản, hiền hậu với đôi mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ ngồi trên bục đá với hai bàn chân để trần. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống trên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên. Rùa, rắn và kiếm là biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ. 

Theo như sự tích được ghi chép ở đền thì Huyền Thiên Trấn Vũ là thần trấn quản phương Bắc đã nhiều lần giúp nước Việt đánh đuổi ngoại xâm. Lần thứ nhất vào đời Hùng Vương thứ 6 đánh giặc từ vùng biển tràn vào, lần thứ hai vào đời Hùng Vương thứ 7 đánh giặc Thạch Linh... 

Trong bản ghi chép còn có chi tiết Huyền Thiên Trấn Vũ giúp dân thành Thăng Long trừ tà ma và yêu quái, giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa, diệt Hồ ly tinh trên sông Hồng đời Lý Thánh Tông...Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam cách đây 3 thế kỷ. 

Lễ hội Đền Quán Thánh được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên hàng tháng vào dịp rằm, lễ mùng mọt hay dịp đầu năm, lễ hội,… đền có đón tiếp hàng nghìn lượt du khách thập phương dâng hương cầu bình an, tài lộc.

                                                                                           Kimle tổng hợp.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn