Mạc Yên

Bóng đá nam: vua hay bù nhìn?

Đăng 6 năm trước

Bóng đá nam từ lâu được coi là môn thể thao của phái mạnh, môn thể thao đẳng cấp đến mức ai cũng gọi nó là môn thể thao vua. Thế giới đặt vị trí của nó lên hàng đầu hẳn là có lý lẽ của thế giới. Còn Việt Nam?

Người Việt Nam chúng ta sau hàng chục năm đem bóng đá đội lên trời, nhìn đi nhìn lại cũng chỉ là những kẻ sính ngoại, a dua đua đòi, thấy cả thế giới tung hô bóng đá thì ngay lập tức phải nặn ra tư tưởng yêu thích môn thể thao này cho kịp thời đại. Giống như môn bóng quần thời thượng trong tác phẩm Số Đỏ, bóng đá ở Việt Nam chưa bao giờ đủ hay ho để người ta phải yêu thích nó như các giải châu Âu.

Người ta cố lập đội bóng này đội bóng kia, giải cấp lớn giải cấp bé để dân tình được hít thở cùng một nhịp với thời thượng của thế giới, dù ngay từ đầu những hoạt động này chẳng có chút gì bài bản và khoa học, chẳng có gì gọi là đẳng cấp và chuyên môn.

Để rồi năm này qua năm nọ, thế hệ này sang thế hệ nọ, những đứa trẻ từ sơ sinh đã phải hít thở bầu không khí đội bóng đá lên trời. Chúng mặc nhiên xem đó là môn thể thao vua thật sự. Dù sau từng đó năm, bóng đá ở Việt Nam vẫn chưa từng thay đổi bản chất của mình: Một môn thể thao a dua đua đòi.

Hãy thật sự chiêm nghiệm câu hỏi này: Bóng đá nam Việt Nam thật sự đẹp và chuyên môn đặc sắc?

Giữa một thời đại sống tự do và bình đẳng, đừng đem lý do Châu Âu chuyên nghiệp và lâu đời hơn nên chúng ta không thể so sánh. Xin thưa rằng, đừng nuôi ý nghĩ người Việt Nam chỉ thế là hay rồi. Tư tưởng đó có khác gì đã thừa nhận giống nòi Việt Nam là giống nòi thấp kém trong các chủng loại con người? Thế thì chúng ta đáng bị khai hóa bởi những chủng tộc khác mất thôi!

Đã làm thì hãy làm từ cơ bản, từ những gì hay, đẹp, đúng của thế giới. Chúng ta không phải là người sáng tạo, chúng ta là những kẻ đi học lại và làm lại. Thế thì cớ gì chúng ta đi học và làm lại một cách tệ lậu, rồi tự vuốt ve rằng: “Người Việt Nam làm thế là được rồi?”

Chúng ta đã đầu tư bao lâu và bao nhiêu tiền cho bóng đá nam? Các cầu thủ đang bắt đầu thời kì bạc tỉ cho những hợp đồng của mình. Các câu lạc bộ đã hoàn tất hàng chục, hàng trăm hợp đồng với các cầu thủ ngoại. Có những cầu thủ mua nhà, xe ô tô, mặc những bộ đồ sang trọng với khối tài sản tiền tỉ còn thừa.

Công việc của họ là ăn, luyện tập, thi đấu và ngủ. Thế mà với số tiền bạc tỉ đó, với thời gian luyện tập dày như thế kia, vấn đề thể lực và tầm vóc của cầu thủ Việt hơn hai mươi năm nay vẫn mãi là vấn nạn nhức đầu đến tận thời điểm hiện tại.

Các anh ăn rồi đá banh, nhưng trái banh của các anh còn thoảng mùi máu của những lần đốn hạ đối phương, ám mùi khói của những chiếc pháo sáng. Và nếu trái bóng ghi âm được, chắc chắn tỉ lệ của những lời lẽ cãi cọ, những lần đánh đấm đối thủ và trọng tài cũng suýt bằng số lần tiếng sút.

Trận nào kết thúc mà không có bất đồng với trọng tài, không có cầu thủ vĩnh biệt nghiệp sân cỏ, không có pháo sáng thì ban tổ chức và người theo dõi mừng đến khóc thầm. Bóng đá Việt Nam đẹp ở đâu? Hay ở đâu? Hay chỉ là một mớ ăn theo được gầy dựng và tổ chức hỗn độn đến mức làm nản lòng khán giả?

Bóng đá nam chưa có gì ở SEA Games, một chiếc ao làng, một vùng trũng thấp của thể thao thế giới. Chúng ta cố giành lấy tấm huy chương bằng môn thể thao mà chúng ta đầu tư hình ảnh nhiều hơn thực tài, phong trào nhiều hơn chuyên môn, ném tiền cho một số cầu thủ này nọ để đổi lại mức thể chất không tài nào so bì với Thái Lan, Indonesia. Nếu xét trên phương diện kinh tế, tiền đã ra đi và chẳng biết đã đi đâu mất trên hành trình mấy chục năm kia.

Sự ảo tưởng của bóng đá nam Việt Nam đến từ đâu?

Đầu tiên đó là truyền thông và báo chí. Giới tin tức thể thao luôn dùng các từ có cánh sau những bàn thắng: điêu luyện, tài năng, vượt bậc, chính xác, đẳng cấp, dẻo, khỏe… để mô tả nhữngđường chuyền, cú sút của cầu thủ. Nhưng cái thói xấu của báo chí thế giới là nếu ngày mai anh thua thì không tiếc lời chê bai đã được chúng ta học tập triệt để.

Hôm qua bài báo mới khen huấn luyện viên, hôm sau cũng nhà báo đó lên án ông là kẻ kịp bợm bất tài. Hôm nay tôi khen cầu thủ này lên tận mây xanh bằng những từ ngữ tôi dành cho Messi, Ronaldo và ngày mai tôi có quyền phán anh là một đứa ất ơ tội đồ. Giữa mê hồn trận khen chê lẫn lộn, bất phân đẳng cấp thế này ai mà tỉnh táo nổi giữa những lời điêu ngoa?

Nguyên nhân ảo tưởng thứ hai vẫn là báo chí truyền thông. Bóng đá một trận dài đến 90 phút, người xem được chiêm ngưỡng qua một thời gian dài hơn hẳn các môn khác. Diễn biến của nó có thể ví như một tập phim điện ảnh có nhiều trường đoạn khác nhau. Một bài bình đá bóng có thể dài hết mấy tờ A4 để phân tích cái sai đúng, cái hay dở, cái đẹp xấu của từng khoảnh khắc. 

Trong lúc trận đấu diễn ra, người bình luận thậm chí còn có thể lôi tiểu sử, đời sống cá nhân, quan điểm thể thao ra thảo luận cũng chẳng ai trách gì. Đâu như chạy 100m chỉ dài không quá 15 giây, chớp mắt thì sợ bỏ lỡ cảnh vận động viên này vượt mặt vận động viên khác, nói chưa tròn vài câu thì cuộc chiến đã ngã ngũ ngay trước mặt. Viết về chạy 100m có khi phải viết dài gấp đôi một trận banh với lượng kiến thức chuyên môn, kiến thức khoa học hết sức phức tạp và chẳng bình dân dễ hiểu tí nào. Đơn giản vì bóng đá là môn thể thao khoe mẽ, giải trí và thị trường thì chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn một môn thể thao đầy tính chuyên môn, khoa học hàn lâm khô cứng và phức tạp.

Đến cuối cùng, chúng ta yêu thích bóng đá nam hơn hẳn dù chuyên môn kém, nhiều hủ lậu, chẳng có thành tích gì và được tung hê quá mức sự thật.

Như thế là không công bằng, bóng đá nam chưa bao giờ có trọng lượng xứng đáng để người ta yêu thích nó đến mức phát cuồng. Mỹ chưa bao giờ xem bóng đá là lựa chọn hàng đầu, đối với người Mỹ là bóng chày, bóng bầu dục, bóng rổ. Trung Quốc luôn hứng thú với bóng bàn, cầu lông.

Vì sao?

Trước tiên vì đẳng cấp của họ trong những môn thể thao này là đẳng cấp thế giới, là chuyên môn thật sự. Họ yêu thích cái họ giỏi, yêu thích cái gì tạo ra sự chuyên nghiệp và cái nghệ thuật đẹp đẽ nhất trong thể thao mà họ có thể làm ra. Hoàn toàn không cần phải là môn thể thao ngoại nhập, lại còn được đầu tư nửa nạc nửa mỡ mấy chục năm vẫn chỉ là con chấu dưới vũng ao làng.

Và quan trọng hơn hết, các môn thể thao khác đòi hỏi sự khổ luyện ngặt nghèo. Có người phải dành hàng năm trời, cả tuổi thanh xuân và cuộc sống người thường chỉ để rút ngắn vài chục phần trăm giây, tương đương với thời gian người thường kịp kêu một tiếng “A”. Và cũng từng đó đánh đổi để nhảy xa thêm, cao thêm vài centimet, để ngắm trúng đích, canh đủ lực.

Xem SEA Games mấy ai sẽ chạnh lòng, tự hỏi trời ơi người đâu sao không ai cổ vũ cho dân tôi kia?

Tại sao cô gái vàng Ánh Viên chỉ rộ lên mỗi mùa SEA Games, khi cô ẵm về một lúc mấy cái huy chương? Tại sao nữ hoàng điền kinh đến họ tên đầy đủ của cô chỉ đôi lần được nhớ lại, trong khi cô đã thắng biết bao nhiêu lần ở đấu trường thế giới ngoài kia? Hoàng Xuân Vinh là ai? Là tỉ phú bắn bia bằng đạn thật hay là người đã từng phải tập bắn bằng cách tưởng tượng ra một chiếc bia vô hình trên vách tường?

Có ai còn nhớ cô gái trong môn điền kinh té ngã ngay trước vạch đích và phải cố nhoài người để giành lấy huy chương bạc năm xưa tên gì không? Có ai nhớ đến vận động viên từng bị lao tưởng giã từ sự nghiệp đã giành được biết bao tấm huy chương thể dục dụng cụ?

Biết bao lần những người anh hùng đã làm quốc ca Việt Nam vang lên ở một đất nước nói toàn những ngôn ngữ xa lạ, nhưng có bao nhiêu khán giả đồng hương trên khán đài khi máu và nước mắt của những con người ấy đang đổ? Họ ở đó chiến đấu, vui theo từng vòng đấu loại mà chẳng có lấy một khán giả nào. Họ đã thi trong những lời động viên từ chính những đối thủ của mình. Họ đi để đem Việt Nam của chúng ta lên bục, đem Việt Nam của chúng ta treo lên cao nhất giữa hai lá cờ xa lạ. Họ thắng cho mình là một, cho vinh quang của đất nước nơi họ lớn lên là mười.

Khi thất bại, sự tủi hổ lớn nhất không phải là trách bản thân mình để lỡ tấm huy chương, mà họ tiếc là Việt Nam đã lỡ mất một lần được hát quốc ca, treo một lá quốc kì. Thi đấu cho nước này chứ có phải cho hòn đất rừng cây đâu, là cho người Việt Nam đó chứ, mà người Việt Nam lại quay lưng với họ. Nhiều lần họ khóc vì tấm huy chương vàng, có mấy ai thấy mình đang mang nợ những giọt nước mắt ấy? Chúng ta, những kẻ đang đứng một góc khán đài để hô hào cho một môn thể thao không ra hồn, liệu có xứng đáng nhận tiếng thơm từ nỗ lực của họ chăng?

Bao nhiêu người đếm những tấm huy chương vàng trên bảng tổng kết SEA Games như một con số đếm thường tình? Rằng 30, 32 rồi 34 đó. Ai cũng biết có một người đã giành được nó, nhưng ai cũng dừng lại ở vị trí biết là đủ. Những khán giả liếc qua con số vô hồn, liếc qua những bản tin chỉ dài có vài giây ngắn ngủi để biết và biết vậy thôi. Vì họ còn đang bận chờ đợi, hi vọng, mong mỏi chiếc huy chương vàng từ môn thể thao ngoại nhập nửa nạc nửa mỡ.

Nhìn thấy tấm đại kỳ giăng trên sân Selayang, ba ngàn người đứng kia để hò hét cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nam đỡ phần xa lạ, cho bóng đá nam lọt qua vòng bảng. Ấy thế mà cũng tối hôm đó, cách sân Selayang không xa, trên khán đài sân vận động UITM chỉ hơn trăm người cổ vũ cho trận đá quyết định huy chương của đội bóng đá nữ.

Ba ngàn người kia đâu?

Các cô gái của Việt Nam đã năm lần đạt huy chương vàng, và họ phải đợi tám năm để một lần nữa đạt được vinh quang ấy vì mấy mùa SEA Games không tổ chức. Các cô gái năm xưa không chờ được nữa, họ đã giải nghệ gần hết. Cái tên Kiều Trinh đượcChâu Á bình chọn làm thủ môn tiêu biểu giờ đã là chị cả chị hai của đội bóng,có mấy ai nhớ tên cô không?

Các cô gái cùng thời với cô, đàn chị của cô từng một thời đội nắng mưa đi bán vé số mà kiếm sống, giành huy chương vàng về vẫn phải bán vé số mà sống kia giờ đang ở đâu? Tiền tỉ mãi vẫn chưa đưa các anh chui khỏi vòng bảng, vậy mà mấy tờ vé số treo giải bạc tỉ ảo tưởng kia lại đưa các cô gái ấy bốn lần đạt huy chương vàng và đưa đội bóng đứng thứ 7 châu Á.

Người đời cứ trách đời người bạc bẽo. Nhưng chúng ta chính là kẻ tạo ra đời người chứ đâu.

Chủ đề chính: #bóng_đá_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn