Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Bossa Nova – Một loại Tửu Nhạc

Đăng 4 năm trước

Buổi chiều tháng tám, Sài Gòn lại đổ những cơn mưa rả rít. Ngồi trú mưa một góc quán cafe, bất chợt thoáng nghe tiếng oán trách tình nhân của nữ hoàng nhạc Pháp ngữ Dalida vang lên trong ca khúc Paroles (Những lời mê hoặc). Tiếng nàng dịu dàng trong từng cung bậc, da diết khiến thế giới mê mẩn một thời, u uẩn trong điệu Bossa Nova – Một thứ nhạc đê mê lạ kì.

Nhắc đến đất nước Brazil chắc hẳn người ta nhớ ngay đến quốc gia của vũ điệu Samba cuồng nhiệt cùng những đường bóng ảo diệu của các danh thủ, nhưng ít ai biết đến một điệu nhạc khoan thai, phóng khoáng pha lẫn chút tự sự – Bossa Nova. Người khai sinh  dòng nhạc này chính là huyền thoại guitar João Gilberto của xứ Brazil. Tiếc thay, người kể chuyện bằng tiếng guitar ấy đã rời thế gian vào ngày  06/07/2019  tại Rio de Janeiro, hưởng thọ 88 tuổi.

Làn sóng mới Bossa Nova

Có thể nói, Bossa Nova là một điểm giao thoa của hai chất liệu âm nhạc là Jazz và Samba với đường nét hòa âm, cách biểu diễn khá tự do và ngẫu hứng. Có người nói đó là một điệu Samba buồn. Ảo diệu thay!  Cũng cùng một bài hát mà mỗi người nghệ sỹ biểu diễn trên dòng nhạc này đều có thể biến tấu để mang tính đặc trưng, phong cách riêng của mình mà không hề gò bó, áp đặt theo xu hướng cũ. Có khi, người ta hòa trộn Bossa Nova với những thể loại âm nhạc khác nhưng nó vẫn không biến chất, luôn giữ cho mình một nét rất riêng. 

Thật đơn giản, Bossa Nova chính là những bản du ca ra đời trong những phút vui đùa bằng âm nhạc của giới trẻ trên bãi biễn phía nam Rio De Jainero từ khoảng thập niên 50 đến 60, thế kỷ 20. Các nghệ sĩ trẻ Brazil thời bấy giờ đã phá cách, muốn tìm cho mình một kiểu chơi nhạc mới lạ hơn với những tiết tấu ngược trọng âm (đảo phách), nghe rất đặc biệt và làm người ta như bị cuốn vào những câu chuyện trong mỗi bài hát với những ca từ đầy chất thi ca, đôi khi, được phổ hoặc phóng tác từ thơ.

Hoặc giả, đó chỉ là một bài nhạc không lời thì người nghe vẫn có một cảm giác đang nghe kể chuyện bằng tiếng nhạc cụ. Lạ thay! Bossa Nova như một cơn gió mới xua tan đi những ca từ mang đậm chất bi lụy, u uất của những thập niên trước. Tuy chỉ là một thể loại âm nhạc ra đời trong cộng đồng hay người ta hay ví von là âm nhạc đường phố nhưng Bossa Nova lại có cách chơi rất độc đáo và khá phức tạp từ nhịp điệu, ca từ cho đến hòa âm đòi hỏi người nghệ sỹ cũng phải đạt đến một trình độ âm nhạc nhất định. Như một vũ công đã chất ngất men say nhưng những bước nhảy uyển chuyển chẳng hề lệch lạc, lỡ nhịp. Đằng sau sự lả lơi, biến hóa của cách biểu diễn là một sự vô cùng chắc chắn của người nghệ sỹ trong cách chơi nhạc.

Khi nghe Bossa Nova, người ta khong khỏi lâng lâng bởi sự độc đáo của tiết điệu la lùng. Để chơi được người ta cần phải có một sự cảm hứng cũng chất sáng tạo, ứng tấu vô cùng điêu luyện trong từng ngón đàn, cám giác như chất Jazz và Latin hòa quyện vào nhau ăn sâu vào trong máu người nghệ sỹ đến độ khi nhắm mắt họ cũng có thể chơi Bossa Nova tương tự cái cách mà người nghệ sỹ đờn ca tài tử Việt Nam đang thi triển 12 câu vọng cổ, mỗi lúc mỗi khác những không hề biến chuyển.

Len lỏi trong Bossa Nova phảng phất chút hương vị của Jazz nên cách thể hiện cũng chẳng mấy qui định về số lượng nhạc khí. Như jazz, người ta chỉ cần một cây guitare để bày tỏ nỗi niềm hoặc lớn hơn là cả dàn kèn cùng piano và contrabass. Cái độc đáo của Bosaa Nova chính sự giản lược về hình thức càng  giản đơn càng tốt. Người ta có thể biểu diễn trong một khán phòng cổ điển hoặc một sân khấu ngoài trời cũng có khi, những tuyệt khúc ra đời trong những chiều giải khuây tại một khu ngụ cư tồi tàn nào đó của người lao động.

Và có thể nói, tài sản lớn nhất của người dân Mỹ Latin đó chính là âm nhạc dù đôi lúc trước mắt họ là cuộc sống khốn cùng nơi thành thị nhưng không bao giờ họ ngưng tiếng hát, dừng bước nhảy. Dòng nhạc ấy chính là tiếng nói của nỗi niềm khát khao tự do trong một thời kì ảm đạm bao trùm châu Mỹ Latin. Hay cũng là một thoáng để người ta chìm đắm trong một thế giới suy tư, trầm mặc về những câu chuyện ái tình hay mỹ nhân để tạm quên đi cái thực tại đau thương ngày qua ngày.Bởi cái chât men phóng khoáng ấy rất phù hợp với con người cùa vùng Mỹ Latin, dòng nhạc chẳng mấy chốc lan đi khắp cả Nam Mỹ và ngự trị cả  tại Hoa Kỳ suốt những thập niên 50-60.

Không những vậy, tiếng vang của nó bay đến cả những đô thành Âu châu nơi có những lượng khán giả khắt khe khó tính nhất, bởi cái chất âm nhạc hàn lâm quý tộc lâu nay đã chảy trong máu họ suốt mất trăm năm. Những người Tây phương trước kia đã nhìn âm nhạc châu Mỹ nhữ một loại âm nhạc bình dân, rẻ tiền hay nặng nề hơn trong thời kì trước đó là âm nhạc của nô lệ thuộc địa đã nhìn Bossa Nova với một ánh nhìn khác.

Từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đến Pháp, Ý và khắp chốn lục địa già. Những tình khúc roman trên  Paris - thủ đô văn hóa hay cổ thành Vienna – trái tim âm nhạc thế giới đã hòa quyện cùng Bossa Nova tư một đôi tri kỉ như cách mà người châu Âu đón nhận nhạc Jazz của những nô lệ da đen từ Hoa Kỳ.

Nghe nó, khi thì người ta thấy bình dị, khi thì dâng trào và khi thì chất ngất men say trong ca từ như một loại rượu vang tuyệt hảo không chi sánh bằng, một loại Tửu Nhạc.

Cô gái đến từ Ipanema

Thật vô cùng thiếu sót nếu nói đến Bossa Nova mà nhắc đến bài hát The Girl From Ipanema, ca khúc đã làm nên tên tuổi của nghệ sỹ guitar Joãn Gilberto. Vào năm 1962, ca khúc bằng tiếng Bồ Đào Nha nay đã tạo nên một một hiện tượng trong nền âm nhạc Brazil và đi khắp thế giới với nhiều phiên bản cùng ngôn ngữ khác nhau. Đúng với chất của Bossa Nova lời ca khúc thật chân phương, mộc mạc như gởi gắm tình yêu thầm kín đến một thiếu nữ đến từ Ipanema đang đung đưa gởi cảm, ẻo lả, gợi tình trong bước nhảy samba.

Vượt ra khỏi biên giới Brazil, ca khúc này lại được biểu diễn với giọng ca đầy nam tính, lịch lãm và quyến rũ của “quý ông” Frank Sinatra vào năm 1967 đã đưa Gilberto vang danh trên đất Mỹ, có lúc đã vượt qua các ca khúc của Tứ Quái The Beatles trên bảng xếp hạng tại Mỹ lúc bấy giờ. Đỉnh cao vinh quang chính là khi album hợp tác với Stan Getz giành được 4 giải Grammy.

Joãn Gilberto sinh năm 1931 tại Juazeiro một vùng tỉnh lẻ của bang Bahia. Cuộc sống thôn quê đơn điệu và buồn chán khiến Gilberto mau chóng tìm đến làm bạn với cây guitar. Và có thể nói trong cả cuộc đời ông, cây guitar là một kẻ đồng hành hay đúng hơn là một người tri kỉ.

Ông trải qua ba đời vợ nhưng có lẽ chỉ có mối duyên nợ với cây guitar cùng Bossa Nova là khiến ông hạnh phúc nhất.Nhưng sự lạc quang ấy chớm tắt như một dấu hiệu cho ngày vui qua mau. Sự tự do của đất Brazil lại bị bóp nghẹt khi cuộc đảo chính quân sự nổ ra năm 1964. Như số phận của người Gypsy, lang thang qua các châu thành của Tây phương cũng cây guitar, nhiều nghệ sỹ Brazil phải bắt đầu cuộc sống lưu vong, rời quê hương đến Mỹ, trong đó có Joãn Gilberto.

Và câu chuyện về Bossa Nova lại được người ta truyền tụng trên đất Mỹ. Sau 20 năm, Gilberto lại trơ về Brazil cùng nuôi lại niềm đam mê âm nhạc tại nơi đã truyền cho ông cảm hứng lúc niên thiếu. Người ta nói ông là một kẻ khó tính, cũng có người bảo ông kì quặc, bất chấp, bảo thủ và sống xa hoa, tiêu tiền như nước. Tuy nhiên, phải chăng đó chính là các chất “lạ” trong một người nghệ sỹ dám đột phá để sống trọn đời với một tình nhân duy nhất đó là Bossa Nova.

Đó chính là một tình nhân đi cùng ông cho đến trọn cuộc đời mà không hề phản bội, vượt qua mọi thăng trầm, đẹp như một giai nhân đến từ Ipanema mà ông đã từng thương nhớ thuở niên thiếu.

Ca khúc The girl from Ipanema

Hồ Hoàng Anh

Chủ đề chính: #âm_nhạc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn