Meredith

Bớt ăn thịt chưa chắc giúp Trái Đất xanh hơn

Đăng 8 năm trước

Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy cắt giảm lượng tiêu thụ thịt có thể không làm giảm lượng khí thải nhà kính từ một trong những khu vực sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới.

Phát hiện trên có vẻ vô lý vì nông nghiệp thâm canh phải chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Theo nghiên cứu của Đại học Edinburgh, Cao đẳng Nông thôn Scotland và Hiệp hội Nghiên cứu Nông nghiệp Brazil, việc cắt giảm sản lượng thịt bò ở khu vực Cerrado Brazil (đồng cỏ Brazil) thực sự có thể làm tăng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Phát hiện trên vừa được công bố tuần này trong tạp chí Nature Climate Change.

Ông Rafael Silva, tác giả bài báo đã giải thích: "Phần lớn các đồng cỏ của Brazil đang ở tình trạng xấu, dẫn đến năng suất thịt bò thấp và tạo ra lượng khí thải nhà kính cao từ gia súc. Tuy nhiên, việc gia tăng nhu cầu về thịt lại thúc đẩy nông dân cải tạo những đồng cỏ đang xuống cấp. Điều này sẽ làm tăng lượng carbon tích tụ trong đất và tăng năng suất gia súc. Khi đó người ta cần ít đất hơn cho vật nuôi ăn cỏ đồng thời giảm thiểu nạn phá rừng, từ đó có thể giảm lượng khí thải."

Trong khi các đồng cỏ không trữ nhiều carbon như rừng, cỏ Brazil - phần lớn thuộc họ Brachiaria - lại làm được điều này so với cỏ ở Châu Âu, vì có rễ dài hơn. Những đồng cỏ chất lượng cao sẽ khiến carbon tích tụ trong đất nhiều hơn, giúp giảm lượng khí CO2. Công tác cải thiện đồng cỏ cần đến xử lí hóa chất và cơ học cho đất và sử dụng hạt giống có sức thích nghi tốt hơn cùng với phân bón cung cấp canxi, đá vôi (đá carbonat) và nitơ. Phần lớn đất ở các đồng cỏ Brazil là đất axit, cần ít nitơ.

Trong trường hợp của khu vực Cerrado Brazil, cắt giảm lượng tiêu thụ thịt có thể dẫn đến đồng cỏ bỏ hoang và từ đó dẫn đến lượng khí thải cao hơn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đến năm 2030 nếu nhu cầu về thịt bò tăng 30% so với hiện nay, lượng khí thải ròng sẽ giảm đến 10%. Nếu giảm nhu cầu thịt đi 30% thì lượng khí thải tăng 9%, miễn là tỉ lệ phá rừng không tăng lên. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ phá rừng tăng do nhu cầu, lượng khí thải có thể tăng đến 60%.

Giáo sư Dominic Moran của Cao đẳng Nông thôn Scotland kết luận: "Thông điệp của nghiên cứu là hãy cảnh giác với những hậu quả ngoài ý muốn. Ở một số vùng sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi sang chế độ ăn ít phụ thuộc vào thịt có thể góp phần hạn chế biến đổi khí hậu, nhưng quan trọng là phải hiểu được bản chất của những hệ thống sản xuất khác nhau trước khi kết luận rằng giảm tiêu thụ thịt sẽ có tác động như nhau trên mọi hệ thống canh tác."

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn