tranquocviet

BPhone, một cách tiếp cận

Đăng 8 năm trước

Quả thật, đã lâu lắm rồi làng công nghệ Việt mới có một sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo công chúng. Đó là BPhone

Mô tả hình ảnh

Quả thật, đã lâu lắm rồi làng công nghệ Việt mới có một sự kiện thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo nhân dân (kể cả dân công nghệ và những người không chuyên về công nghệ). Hiện tượng này mang tên “BPhone”.

Trên các diễn đàn đã có rất nhiều ý kiến khen chê đối với sản phẩm này. Tôi xin phép không nhắc lại. Những ý kiến khen thì có lẽ chúng ta không phải bàn luận thêm nữa. Nhưng những ý kiến chê “Bphone” thường bị cho là “dìm hàng” Bphone rồi bị quy chụp là “căn bệnh mãn tính của người Việt”. Liệu như vậy có chính xác không?

Trước hết, tôi xin hỏi những người có quan niệm rằng “ người Việt có căn bệnh mãn tính”. Các bạn cho rằng đó là bệnh GATO (ghen ăn tức ở). Vậy, tôi xin hỏi các bạn: Có ai ném đá Lý Hoàng Nam (tennis), có ai ném đá Giáo sư Ngô Bảo Châu (Toán học), có ai ném đá Đại kiện tướng Lê Quang Liêm (Cờ vua)…Các bạn sẽ trả lời là không. Sẽ có những ý kiến trái chiều về tài năng của họ nhưng đó chỉ là thiểu số bất đồng chính kiến. Và chắc chắn không có chuyện dư luận đồng loạt ném đá, “dìm hàng” họ như đã làm với BPhone.

Vậy chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao?

Bphone đã đạt được những hiệu ứng rất tốt về mặt truyền thông, khích lệ tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần “người Việt dùng hàng Việt”. Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn cần được giải đáp một cách rõ ràng, đó là:

- Người Việt dùng hàng Việt như thế nào cho đúng?

- Hàm lượng sáng tạo trong Bphone có đủ để xếp Bphone vào dòng điện thoại thuần Việt, thương hiệu Việt đúng nghĩa?

1. Hiểu thế nào là “người Việt dùng hàng Việt”.

Một chàng thanh niên lên đường nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc, đó là biểu hiện của lòng yêu nước. Vậy, phải chăng những người không nhập ngũ là những người không yêu nước? Không phải như vậy. Bất cứ một người dân Việt Nam nào cũng đều có lòng yêu nước nhưng cách thể hiện lòng yêu nước của mỗi người không giống nhau. Anh thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, đó là yêu nước, tôi học tập tốt hoặc kinh doanh tốt, đó cũng là yêu nước. Bằng những cách thức khác nhau, mỗi người trong chúng ta đều đang thể hiện lòng yêu nước của mình.

Trở lại vấn đề “người Việt dùng hàng Việt”. Sẽ có nhiều người cho rằng phải mua các sản phẩm của doanh nghiệp trong nước thì mới là yêu nước, mới là ủng hộ sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước. Còn những người không mua sản phẩm Việt thì bị quy chụp không có tinh thần yêu nước, không có tinh thần dân tộc. Đây là cách hiểu hết sức ấu trĩ, sai lầm.

Quả thật đây là một khẩu hiệu rất tốt và cần được hưởng ứng rộng rãi. Bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều muốn được sử dụng những sản phẩm do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất ra. Trong một thời gian dài chúng ta thường xuyên sử dụng những sản phẩm ngoại nhập đến nỗi xuất hiện trào lưu “sính ngoại” trong một bộ phận nhân dân, làm cho chúng ta quên đi sự tồn tại của các sản phẩm trong nước. Những nhãn hiệu việt, thương hiệu việt là một thứ gì đó rất xa lạ trong tiềm thức của công chúng.

Nhưng cái gì cũng phải có nguyên nhân của nó, sản phẩm Việt đã đáp ứng được các yêu cầu của người Việt chưa, đáp ứng được các tiêu chí về khoa học, kỹ thuật hay chưa? Sẽ là vô lý nếu bắt người tiêu dùng Việt phải sử dụng một sản phẩm Việt kém chất lượng.

Trở lại hiện tượng Bphone, phải chăng một người không mua Bphone là chúng ta quy chụp họ không yêu nước, không hưởng ứng chủ trương người Việt dùng hàng Việt?

Dùng hàng Việt không có nghĩa là mù quáng, cứ sản phẩm nào do doanh nghiệp trong nước sản xuất ra cũng phải dùng. Hàng Việt cũng phải được sử dụng một cách có chọn lọc trên cơ sở chất lượng của sản phẩm.

Người Việt dùng hàng Việt cần được hiểu là người Việt nên dùng những sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra, được phân phối và có giá cả theo các quy luật thị trường và những sản phẩm này phải đáp ứng các điều kiện như: thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện được trí tuệ Việt Nam, có sự sáng tạo, đột phá thể hiện được trình độ khoa học kỹ thuật của con người Việt Nam, được sản xuất tại Việt Nam, có các sáng chế do người Việt Nam sáng tạo, phát minh ra hoặc chí ít phải thể hiện được rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ.

Người dùng Việt phải dùng hàng Việt theo quy luật thị trường, quy luật cung cầu. Chứ không phải sử dụng hàng Việt theo cảm tính. Họ có quyền từ chối sử dụng hàng Việt nếu không đáp ứng được yêu cầu của họ và chất lượng, giá cả không bằng các sản phẩm nước ngoài. Chúng ta không thể quy kết cho họ là thiếu tinh thần dân tộc…

2. Hàm lượng sáng tạo trong Bphone có đủ để xếp Bphone vào dòng điện thoại thuần Việt, thương hiệu Việt đúng nghĩa?

Chúng ta hãy đi từ những thương hiệu nổi tiếng về điện thoại di động như Samsung, Sony hay Apple. Tất cả họ đều phải sử dụng rất nhiều các bằng sáng chế khác nhau trong một sản phẩm, cộng với sự đầu tư nghiên cứu phát triển rất nhiều để tạo nên thương hiệu và chất lượng của sản phẩm điện thoại di động. Sự nổi tiếng và giá trị thương hiệu của họ đã được tạo dựng, khẳng định qua một thời gian rất rất dài với sự trải nghiệm của hàng tỷ lượt người dùng.

Bản thân các hãng điện thoại di động mới nổi của Đài Loan như ASUS, ACER…Họ cũng không phải một bước mà thành công ngay. Họ đi từ gia công phần mềm, điện thoại cho các hãng nổi tiếng rồi đến sản xuất và nghiên cứu độc lập để cho ra các sản phẩm mới.

Vậy BKAV và Bphone xuất phát từ đâu?

- BKAV chưa từng có kinh nghiệm gia công điện thoại cho các hãng nổi tiếng trên thế giới.

- BKAV không phải là một công ty chuyên về điện thoại di động; Chưa có một truyền thống, lịch sử sản xuất và nghiên cứu điện thoại di động lâu đời.

- BKAV cũng chưa thực sự nổi bật ở lĩnh vực bảo mật, lĩnh vực chính, chủ chốt của BKAV.

Nói không quá, BKAV và Bphone chỉ xuất phát từ niềm tin, tinh thần “người Việt dùng hàng Việt”.

Bphone có gì mới?

Bphone thực sự không có gì mới theo đúng nghĩa. Giao diện thì là sự sao chép, bắt chước một cách đơn giản giao diện của Iphone. Hệ điều hành thì là sự bắt chước OPPO khi cho ra BOS (nghe giống Color OS của Oppo), BOS có gì mới so với Lollipop 5.0 nguyên bản? Không có điểm nhấn, không có sự sáng tạo mới. Thiết kế của Bphone cũng không có gì nổi bật, cũng là sự sao chép, lai tạp thiết kế của các dòng điện thoại khác, chưa có một ngôn ngữ thiết kế cho riêng mình. Bphone có Camera không lồi, điều này cũng không phải là điều gì quá mới mẻ. Chỉ cần điện thoại có một thiết kế dày thì có thể làm được điều này. Có vẻ như BKAV đi ngược lại xu thế “thiết kế điện thoại ngày càng mỏng”. Nên nhớ điện thoại chứ không phải máy ảnh.

Bphone có sử dụng bằng sáng chế công nghệ nào và của ai?

Điều này cũng không được nói rõ, trong khi các hãng nổi tiếng họ luôn công khai về vấn đề này. BKAV không chỉ ra được sáng chế nào mới và có bao nhiêu sáng chế do đội ngũ kỹ sư của BKAV phát minh ra.

Bphone có tính thuần Việt hay tính Việt ở điểm nào?

Từ cái tên chăng? Chắc chắn là không phải rồi. Từ hệ điều hành chăng? Cũng không phải. Vậy từ đâu? Không phải dân công nghệ, một người sử dụng bình thường cũng phát hiện ra rằng: những yếu tố cơ bản cấu thành Bphone chả có gì mang tính Việt Nam cả ngoại trừ phần mềm diệt virus của BKAV. Vậy tiêu chí gì bảo Bphone là hàng Việt Nam khi những thành phần cơ bản trong đó không do người Việt sáng tạo ra?

Nếu làm như BKAV, đi mua linh kiện rồi lắp ráp lại rồi thêm một hai cái phần mềm Việt Nam vào trong đó, chuyển ngôn ngữ sang tiếng Việt thì đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm được điều đó rồi. Điều đó có xứng đáng để Bphone nhận sự ủng hộ lớn hơn, sự ưu ái của người dùng Việt hay chưa? Chưa bàn đến “hàm lượng sáng tạo ít”, quảng cáo là “sản xuất trong nước” nhưng giá lại trên trời.

BKAV có gì đột phá so với HKPhone hay Mobistar? Có thể nói là không có nếu không muốn nói là bình mới rượu cũ. Chả có gì mới ngoài buổi lễ ra mắt sao chép nguyên bản từ Apple và cái tư duy kinh doanh của XiaoMi. Nhiều người nói BKAV học cách quảng bá của Apple. Tôi cho rằng không phải. Tôi cho rằng BKAV học từ XiaoMi. Nói là học từ XiaoMi bởi vì BKAV không học từ nguyên mẫu Apple mà chính xác là học cách kinh doanh của XiaoMi, học cái tư duy kinh doanh của XiaoMi. Cách tư duy kinh doanh của XiaoMi là bắt chước Apple về mọi thứ. Nếu BKAV học từ Apple thì họ phải đi từ chất lượng sản phẩm, đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Bản thân BKAV muốn người tiêu dùng Việt sử dụng BPhone nhưng cách làm của họ lại không đi từ chất lượng sản phẩm mà đi từ những mánh khỏe, chiêu trò truyền thông để thu hút sự chú ý của dư luận. Nhưng họ không nghĩ rằng dư luận là nhất thời, chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định. Họ đánh vào tâm lý “người Việt dùng hàng Việt” nhằm kêu gọi tình thương từ người Việt. Nhưng đây là làm ăn, kinh doanh chứ không phải làm từ thiện.

Kết luận: Bphone là một làn gió mới trong thị trường điện thoại di động Việt Nam, là tín hiệu tốt cho sản xuất điện thoại di động trong nước. Tuy nhiên, cũng chỉ nên xem Bphone như là một trong những sản phẩm công nghệ bình thường khác, đánh giá nó trong tính quy luật của thị trường và bình đẳng với các sản phẩm khác. Xin đừng có mượn cái mác “thương hiệu Việt” để kêu gọi lòng tốt, tình thương của người dùng Việt và bắt họ phải chịu một cái giá trên trời cho một sản phẩm không phải là sản phẩm Việt theo đúng nghĩa.

Chủ đề chính: #BKAV

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn