Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Bước Nhảy Vọt Thần Kì của Hàn Quốc

Đăng 4 năm trước

Từ lâu, thuật ngữ “bước nhảy vọt thần kì” dùng để chỉ sự thành công trong quá trình phục hưng một đất nước Nhật Bản điều tàn sau chiến tranh trở thành một trong những cường quốc có nền kinh tế thuộc tốp đầu trên thế thế giới. Khác với Nhật Bản là một đất nước đã có những cuộc cải cách hiệu quả từ cuộc Duy Tân của Thiên Hoàng Minh Trị, bán đảo Triều Tiên lại là một quốc gia chịu số phận thuộc địa của Đế quốc Nhật, sau Thế chiến thứ II lại đối mặt với một cuộc nội chiến vô cùng tàn khốc.

Tuy nhiên, Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) lại có một sự phát triển vượt bậc dù đi sau Nhật khá lâu nay cũng là một trong những con rồng châu Á chỉ trong thời gian ngắn. 

Nội chiến Nam-Bắc Triều

Có thể nói đây là một chiến vô cùng tàn khốc mà cả hai miền đều chịu tổn thất vô cùng lớn chưa kể những lực lượng đồng minh tham chiến dù chỉ diễn ra trong vòng có 3 năm 1950-1953. Gần 5 triệu người thiệt mạng trong cuộc chiến, tỷ lệ thương vong của thường dân cao hơn cả Thế chiến II.Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, gần 40.000 lính Mỹ tử trận cùng hơn 100.000 trường hợp thương vong trong cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên. 

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, Hàn Quốc mất khoảng 217.000 quân trong khi 1 triệu thường dân thiệt mạng. Triều Tiên có 406.000 binh sĩ tử trận, 600.000 thường dân thiệt mạng.Quân đội Trung Quốc mất khoảng 600.000 binh sĩ. Theo SCMP, khoảng 149.000 đến 400.000 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. 

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, có những lúc Hàn Quốc  bị dồn ép chỉ còn làm chủ được 10% lãnh thổ Triều Tiên, lui quân tận đến Pusan nhưng bằng tinh thần quả cảm cùng sự hỗ trợ  của lực lượng LHQ họ đã tái chiếm được lãnh thổ. Hàn Quốc bước vào công cuộc tái thiết đất nước sau khoảng thời gian đen tối của một nước thuộc địa của Nhật và cuộc nội chiến tang thương.

Hầu như, họ bắt đầu những bước đi trên tro tàn và đổ nát. Đất nước bị kiệt quệ hoàn toàn, tài nguyên khan hiếm, dân trí thấp và mối đe dọa về xung đột vũ trang vẫn còn dai dẳng.

Cuộc tái thiết thần tốc

Có thể xem đây là một thành quả to lớn của nhân dân Hàn Quốc không khác gì kì tích của người Nhật sau Thế chiến. Những năm 60, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo đói và lạc hậu nhất châu Á. Người Hàn đã quyết định phải tiến hành những cải cách nhanh chóng theo kiểu “đi tắt đón đầu”. 

Năm 1961, GDP bình quân đầu người dưới 80 USD/năm, hầu hết người dân vẫn đói nghèo, không thể đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, lúc đó cũng phải chịu những trận lũ lụt nối tiếp hạn hán triền miên, nạn đói đã từng xảy ra không bỏ sót một vùng đất nào. 

Trong khi đó hệ thống chính trị, quan chức tham nhũng, không lo cho dân, đã đẩy Hàn Quốc đến chỗ nguy vong, nghèo đói cùng cực. 

 Giáo dục: 

Họ bắt đầu cải cách bằng cách chấn hưng ngành giáo dục như câu nói của cụ Phan Châu Trinh nước ta là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Vì tình hình lúc bấy giờ dân trí ở Hàn Quốc khá thấp sau một thời gian bị Nhật đô hộ. Tuy nhiên, thay vì phải bài xích kẻ thù không đội trời chung của mình là người Nhật, họ đã quyết tâm học tập người Nhật. 

Năm 1968, chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc cải cách giáo dục táo bạo bằng cách xây dựng sách giáo khoa theo nên tảng sách giáo khoa của người Nhật. Họ đã lấy nguyên bộ sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn để giảng dạy chỉ trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Quyết định này của chính phủ gặp rất nhiều sự chỉ trích từ dư luận. 

Nhưng theo những người đứng đầu ngành giáo dục Hàn Quốc lúc bấy giờ thì để có được bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh ấy người Nhật đã mất gần 100 năm cải tiến từ phương pháp đào tạo của Tây phương bắt đầu từ thời Duy Tân của Thiên Hoàng Minh Trị sao cho phù hợp với hoàn cảnh châu Á. Đây được xem là một cách để rút ngắn thời gian nhằm tập trung cho phát triển kinh tế. 

 Kinh tế: 

Cũng giống như Nhật Bản, nền kinh tế của Hàn Quốc dựa trên nền tảng là sự tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội. 

Đúng 20 năm sau, năm 1988, Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul khiến cả thế giới phải khâm phục. Một kì tích diễn ra bên bờ sông Hàn.Hàng loạt  ngành công nghiệp có tính chất chuyên mô cao như ô tô, xe máy, dệt, hóa chất, đóng tàu, điện tử đều phát triển ồ ạt. Thậm chí, họ trở thành đối thủ cạnh tranh với cả người Nhật.Trong 20 năm thắt lưng buộc bụng, cùng nhau đoàn kết đã giúp cho đất nước Hàn Quốc thoát nghèo và trở nên phồn thịnh một cách đầy bất ngờ. 

Từ một đất nước chỉ chú trọng đến việc làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài họ đã trở thành những ông chủ thuê lao động khắp nơi vượt ra biên giới Hàn Quốc. Sánh vai cùng Nhật, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã miễn Visa cho người Hàn. Hàn Quốc đã chính thức bước chân vào Top những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới. 

Trong sản xuất công nghiệp, các đại tập đoàn của Hàn Quốc như Kia, Samsung, Huyndai, Daewoo còn thuê cả những chuyên gia từ phương tây như những ê kíp của Mercedes hay BMW từ Đức về làm việc cho họ. Và họ đã thành công trong việc chinh phục thị trường tiềm năng Âu-Mỹ. Có những năm mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ, lẫn người Nhật đã bắt đầu nhìn người Hàn với mắt ngưỡng mộ. 

Song song đó, chính phủ đã cử những sinh viên giỏi nhất  tham gia học tập tại các trường Đại học danh tiếng ở Mỹ và châu Âu. Thủ đô Seoul giờ đây cũng không kém gì Newyork, London hay người láng giềng Tokyo.  

Nhiều quỹ đầu tư ra đời để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp theo phương châm “Một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn giàu có”

Nhà Duy Tân Phác Chính Hy (Park Chung Hee)

Ông là Tổng thống thứ 3 của Hàn Quốc và được xem là người đặt nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Hàn Quốc giai đoạn sau này. Cuộc đảo chính của Park Chung Hee ngày 16/5/1961, dẫu xóa sạch dấu vết của nền dân chủ tự do còn đang thai nghén, song đã đem lại cho Hàn Quốc một nhà lãnh đạo mạnh đúng như trông đợi của nhiều người.  

Xuất thân là một gia đình nông dân nghèo, ông không muốn dân tộc mình hèn yếu và bị các cường quốc xem thường.Trong cuốn tự truyện của mình, Park viết: “Tôi muốn nhấn mạnh, liên tục nhấn mạnh, rằng yếu tố then chốt của cuộc Cách mạng Quân đội ngày 16 tháng 5 là nhằm dấy lên một cuộc cách mạng công nghiệp ở Hàn Quốc” 

Quả vậy, trong suốt bốn nhiệm kỳ làm tổng thống của Park, nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục, trung bình 10% mỗi năm, theo số liệu của World Bank.Nền công nghiệp phát triển thần tốc dưới thời Park cùng với sự xuất hiện của các chaebol (các tập đoàn kinh doanh hàng đầu) và chính sách xuất khẩu chính là đòn bẩy giúp nền kinh tế Hàn Quốc trở nên thịnh vượng hơn bao giờ hết. 

Việc Park Chung Hee ký kết hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào những năm 1965 cũng đem lại cho Hàn Quốc nhiều mối lợi. Sau năm 1971, Nhật Bản là quốc gia đổ nhiều tiền nhất vào Hàn Quốc, hơn cả Mỹ.Nhờ vào nguồn trợ cấp 364 triệu đô-la của Nhật Bản, chính quyền Park đã sử dụng số tiền này để thành lập doanh nghiệp sản xuất thép POSCO (hiện đang là một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới) và xây dựng tuyến đường cao tốc huyết mạch Gyeongbu nối liền Hàn Quốc từ Bắc chí Nam. 

Tên tuổi ông gắn liền với công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nhờ đường lối phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo. Hàn Quốc không còn là một đất nước nghèo nàn như những thế kỷ trước nữa, mà vươn lên trở thành một trong những con Rồng của châu Á.  

Ngành công nghiệp Hàn Quốc đã chứng kiến sự phát triển vượt trội dưới sự lãnh đạo của Park. Hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trong việc mở rộng xuất khẩu của Hàn Quốc đã giúp dẫn đến sự tăng trưởng của một số công ty Hàn Quốc thành các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc ngày nay. 

Xuất thân từ một gia đình nông dân, Park Chung Hee thâm hiểu sự tuyệt vọng của nông dân trong cái vòng luẩn quẩn nghèo đói, lạc hậu suốt cả ngàn năm, và nhất là trong đời mình, ông đã chứng kiến nhiều chương trình cải cách nông thôn thất bại từ sau ngày Đại Hàn thoát khỏi sự thống trị của Nhật. 

Vì thế, khi tiến hành chương trình Saemaul (Phong trào cộng đồng mới) để canh tân nông thôn, ông đã vạch ra đường lối chỉ đạo thực tiễn là “Đi từng bước, đừng quá nhiều, quá nhanh”. Đối với chính quyền là không được cưỡng ép và tất cả các dự án phải có tác dụng nâng cao lợi chung cùng lợi tức của nông dân. Còn đối với nông dân là phải tự làm việc để thay đổi vận mệnh của mình. 

Trong việc khuyến khích nông dân, Park Chung Hee thường nói với họ: “Tại sao chỉ biết phàn nàn mà không chịu làm việc cần mẫn. Làm việc đi, chính quyền sẽ giúp đỡ và sẽ ưu tiên trợ giúp những người chứng tỏ có tinh thần cao về tự lực, tự túc và hợp tác”.Từ những nguyên tắc trên, phong trào Cộng Đồng Mới, qua việc hoạch định chu đáo, đầu tư sáng suốt và nhất là khéo giác ngộ nông dân về sự thăng tiến đời sống, đã có thể dấy lên lòng nhiệt thành, tinh thần sáng tạo và nỗ lực chung của nông dân trong việc thực hiện các dự án hợp tác theo sự lựa chọn của chính họ. 

Vì thế, chỉ trong khoảng gần một thập niên với chất xúc tác của tinh thần Saemaul, nông dân đã tự thay đôi được đời sống của mình và làm biến đổi toàn diện nông thôn Hàn Quốc.Gần một thế kỷ sống dưới chế độ Nhật thuộc, và sau đó hơn 10 năm dưới chế độ độc tài, tham nhũng Lý Thừa Vãn, đa số dân Nam Hàn đã đi vào tâm trạng tuyệt vọng, sống ù lì và bất cần. Tâm trạng sống đó đã tiêu hủy niềm tin vào tương lai và sự siêng năng, nhân tố căn cốt của công cuộc xây dựng con người và đất nước. 

Nhận chân điều này nên trong cuộc cách mạng kinh tế, Park Chung Hee đã đặt nặng việc thay đổi tinh thần dân chúng. Vì ông quan niệm rằng: “Việc xây dựng kinh tế và phát triển tinh thần không phải là hai ý niệm riêng biệt mà cả hai phải đi song hành với nhau. Xây dựng không thể thiếu tinh thần và ngược lại… Nhiều dân tộc khác phải mất hàng thế kỷ để tìm ra thần trí của mình. Còn chúng ta đã tìm thấy tinh thần dân tộc Đại Hàn trong chính thập niên này (1970)”. Nói lên những điều này không khó. Người lãnh đạo nào cũng có thể nói bằng hay nói hay hơn. Nhưng điều khác ở đây là Park Chung Hee đã lấy chính cuộc sống và hành động của mình tác động vào sự thay đổi để chính quyền trở thành biết làm, có hiệu quả và dân trở thành có niềm tin, biết chăm chỉ và kiên nhẫn để thay đổi cuộc đời và đạt những mục tiêu chung. Kết quả là chỉ gần 20 năm, cuộc cách mạng của Park Chung Hee đã phục hưng được tinh thần tự tin và cương quyết của dân tộc Đại Hàn, trong đó học và làm đã trở thành một cái đạo để đưa con người và dân tộc đi lên. 

Trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở, Park Chung Hee đã thực  hiện được một kỳ công là xa lộ Seoul – Pusan, công trình xây dựng cầu đường lớn nhất trong lịch sử Đại Hàn, chạy dọc theo chiều dài của Nam Hàn, từ thủ đô Seoul tới hải cảng Pusan ở bờ biển phía nam. Khi đưa ra chương trình này, ông nhằm hai mục tiêu: Thứ nhất là giải quyết việc giao thông cho phát triển kinh tế, và thứ nhì quan trọng hơn là đem lại cho người dân một niềm tin mới là họ có khả năng xây dựng và sáng tạo lớn. Nhưng theo nhận định chung của một số tác giả nghiên cứu về Đại Hàn thì có lẽ ông là người duy nhất ở cả trong và ngoài nước có niềm tin này. Năm 1961, có lẽ ít người dám tin khi Park Chung Hee nói là sẽ biến Đại Hàn thành cường quốc kinh tế trong 20 năm. 

Nhưng với phong cách lãnh đạo cương quyết, thực tiễn và hết lòng, ông đã đem lại niềm tin.   

Vì chỉ trong một thời gian ngắn, người dân Hàn nhận ra rằng lời nói và cuộc sống của ông đã đi đôi với việc làm.  Từ đó, ông đã có thể truyền cho người dân ý thức về sự cấp bách phải làm để giải phóng thân phận của một quốc gia nghèo đói và chậm tiến: “Xin đồng bào nhớ rằng dân tộc chúng ta đã mất cả thế kỷ. Chúng ta không còn thời gian để mất nữa. Vì chúng ta phải thực hiện cả chục việc trong thời gian mà những nước khác chỉ phải làm một. Chúng ta phải tiếp tục làm khi các dân tộc khác có thể nghỉ ngơi. Ngày nay, bánh xe lịch sử quay với một tốc lực ghê gớm. Nếu bỏ qua một ngày lười biếng, chúng ta sẽ tụt lại đằng sau người khác một năm, mà nếu lãng phí một năm, chúng ta sẽ tụt hậu 10, 20 năm”. 


                                            Hồ Hoàng Anh tổng hợp

Chủ đề chính: #Hàn_Quốc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn