Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Bước qua lời nguyền

Đăng 4 năm trước

Bước qua lời nguyền của biển cả không phải là một điều dễ dàng. Xưa nay những người ăn trên biển, ngủ trên biển và mưu sinh bám biển thì “cướp mồi” là một điều tối kỵ.

Từ xa lắc xa lơ và dư ba sóng cả ngày đêm vọng về, tương truyền nếu ai cả gan dám cứu người sắp chết trên biển nghĩa là “cướp mồi” của thần biển thì sau này chính họ sẽ phải thế mạng. Tôi không biết lời nguyền ấy độc địa và linh nghiệm tới đâu, chỉ biết sự thật thì những người ngày đêm bám biển vẫn khắc cốt ghi tâm coi đó như một thánh chỉ.Bất chấp sóng to, gió lớn bão bùng; bất kể ngày, đêm, lễ, tết, cứ có lệnh là ra khơi. Cứu được một người sống, niềm vui nhân đôi, khi thi thể của nạn nhân còn nằm dưới biển, cả đêm mất ngủ. Không nhớ cứu được bao người sống sót, vớt được bao nhiêu thi thể nạn nhân nhưng điều làm cho họ có niềm tin và tiếp tục những công việc hiểm nguy, thầm lặng là đem lại sự sống cho những người gặp nạn, xoa dịu nỗi đau cho thân nhân của những người tử nạn.

Mùa đông năm 2004, một nhóm du khách đến từ Nga đã tự ý rủ nhau vào tận vùng bờ biển gần Ngũ Hành Sơn (thường gọi là bãi tắm Non Nước) để tắm biển (thay vì tắm ở khu vực biển an toàn của Furama resort).Ở vùng biển Non Nước vào mùa đông sẽ có hiện tượng xuất hiện một số cồn cát gần bờ vào tầm 8 đến 10 giờ sáng. Vào thời gian này, từ bờ ra đến cồn cát không có gì nguy hiểm. Nhưng sau khoảng thời gian trên, sự biến đổi của dòng chảy trở nên phức tạp. Các cồn cát này bắt đầu biến mất khi nước biển dâng lên ngập cồn. Đây chính là thời điểm du khách hốt hoảng tìm cách vào lại bờ. Sự hốt hoảng cùng với thiếu kỹ năng đã xảy ra tổn thất lớn.

Lấy 1,5 triệu gia đình sinh sống và mưu sinh trên biển là người thân, hơn 100 nghìn tàu thuyền cá đang hoạt động ngoài khơi là bạn hữu, hơn 300 chiến sĩ thầm lặng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã có 21 năm liều mình ngược bão, chiến đấu với sự dữ dội của biển khơi, để gom góp niềm hạnh phúc bằng sự an toàn, bình yên của cuộc sống người dân trên biển.Có một sự thực mà ai cũng có thể nhận ra, đó là khi biển nổi cơn cuồng phong giận giữ thì cũng là lúc những người cứu nạn trên biển phải tức tốc lao ra ngoài khơi “cướp mồi” giành giật lại sự sống cho con người.Khi có bão, sóng to gió lớn, những con tàu đều chạy vào bờ tìm nơi tránh trú an toàn, còn với những người dám bước qua lời nguyền như SAR, nếu nhận được tín hiệu cấp cứu là lập tức hết máy ra khơi. Phía sau công việc của những người cứu hộ, cứu nạn trên biển, ít ai hiểu được những hy sinh thầm lặng của họ. Đó là bữa ăn, giấc ngủ không bao giờ không trọn vẹn.

Mỗi lần giông bão, tàu thuyền đang hoạt động trên biển được gọi quay về bờ ẩn trú thì tàu cứu nạn SAR lại ngược sóng ra khơi. Họ ra biển trong cô độc, trong tiếng hú gọi quay về của những con tàu ngược chiều. Nhưng 21 năm qua, họ đã trưởng thành và lớn mạnh khi bước qua lời nguyền, trở thành một điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (VMRCC) là tổ chức chuyên trách về Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.VMRCC chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và điều hành các lực lượng, đơn vị thuộc ngành Hàng hải Việt Nam phối hợp tìm kiếm cứu nạn thuộc chuyên ngành, đồng thời tham gia, phối hợp với các lực lượng liên quan trong và ngoài ngành để tiến hành tìm kiếm và cứu nạn trên biển dưới sự điều hành của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

VMRCC ngoài trụ sở chính đóng tại Hà Nội còn có Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực I đóng tại Hải Phòng, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực II đóng tại Đà Nẵng, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III đóng tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực IV đóng tại Khánh Hoà.Nghề cứu nạn trên biển, không phải tàu nào đi, thời gian nào xuất phát cũng cứu được người, tìm được xác. Đôi khi cần một chữ duyên. Nói là chữ duyên, bởi biển cả mênh mông biết đâu mà tìm. Khi tàu chìm, thuyền viên cố bơi để sống, song thực tế ở giữa biển tầm nhìn hạn chế thì họ chẳng biết bơi đi đâu. Khi tàu đến cứu ở tọa độ tàu gặp nạn đầu tiên, hầu hết không tìm thấy nạn nhân. Nên tìm được xác, vớt được người cũng là cái duyên rất lớn rồi.  

Bước qua lời nguyền không phải là một điều dễ dàng bởi còn đó là ngổn ngang những ám ảnh truyền kiếp về thần biển và về những câu chuyện trái ngang mà chúng ta đã gặp trong thực tế của đời thường. Chưa cần biết nó có phải là sự thực, chưa cần biết lời nguyền ấy đã vận vào được bao nhiêu lần trong thực tế mà chỉ biết mỗi một người dám bước qua lời nguyền là mỗi một một câu chuyện dũng cảm.


Trải Nghiệm Khác Biệt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn