Nguyễn Thế Nguyện

Cá heo thật sự thông minh tới mức nào?

Đăng 8 năm trước

Chúng ta biết cá heo là một trong những loài động vật thông minh nhất trên Trái Đất, nhưng thực sự chúng thông minh đến mức nào?

Năm 1955, 3 chuyên gia trong một cuộc thám hiểm nghiên cứu về cá heo cảm thấy có chút buồn chán. Để giải khuây, một chuyên gia đã vờ đóng giả thần biển Poseidon bằng cách đội lên đầu một vòng nguyệt quế bằng rong biển, rồi sau đó ông vứt nó xuống biển.

Mô tả hình ảnh


Lát sau, một con cá heo nổi lên mặt nước với vòng rong biển quanh đầu. Tất nhiên, cũng có thể chỉ là trùng hợp. Nhưng đồng thời cũng hoàn toàn có khả năng con cá heo này đã bắt chước nhà khoa học ấy. Bởi vì cá heo là một trong những loài động vật thông minh nhất trên Trái Đất. Vậy thì chính xác chúng thông minh đến nhường nào?

Mô tả hình ảnh

Cá heo bắt chước nhà khoa học.

Giống như cá voi và chủng loài cá heo, cá heo thuộc nhóm động vật có vú sống dưới nước, được biết đến với tên gọi bộ cá voi bao gồm 86 loài khác nhau, và có mối liên hệ nguồn gốc với bộ móng guốc (hay còn gọi là nhóm động vật có móng). Thủy tổ nhóm này là một loài động vật có vú sống trên cạn, đã xuống nước và dần tiến hóa thành bộ cá voi cách đây 55 triệu năm với khuôn hàm lớn và răng nhọn. Rồi sau sự thay đổi nhiệt độ của đại dương cách đây 35 triệu năm gây suy giảm số lượng con mồi sẵn có, một nhóm trong bộ cá voi đã sống sót qua tình trạng khủng hoảng thức ăn. Phân bộ cá voi có răng trở nên nhỏ bé hơn về kích thước và răng ít nhọn hơn, đồng thời bộ não chúng lớn và phức tạp lên, cho phép chúng có những tập tính liên kết xã hội phức tạp cũng như khả năng định vị bằng tiếng vang để di chuyển trong đại dương và giao tiếp với nhau.

Nhảy cóc đến hiện tại, bộ não cá heo thời nay khá lớn trong chỉ số hình thành não bộ của chúng (EQ: Encephazation Quotient), kích cỡ bộ não cá heo so với kích thước cơ thể trung bình của chúng chỉ xếp thứ hai sau con người.

Cá heo tiến hóa để sinh tồn thông qua kĩ năng lập thành một mạng lưới xã hội phức tạp để đi săn, canh chừng địch thủ và nuôi dưỡng con cái cùng nhau. Lấy ví dụ, một nhóm cá heo Florida tập luyện một tập tục tinh vi để hợp tác cùng săn bắt cá. Một con sẽ được phân công nhiệm vụ “dệt lưới” bằng cách quẩy bùn lên, trong khi một con khác phát tín hiệu cho những con còn lại phối hợp cùng nhau bắt những con cá cố trốn thoát. 

Mô tả hình ảnh

Mô hình hợp tác săn cá của đàn cá heo Florida.

Để đạt được một thành quả như vậy yêu cầu chúng phải lên kế hoạch có chủ ý từ trước và hợp tác với nhau, một mặt khác yêu cầu chúng phải có một ám hiệu giao tiếp nào đó. Cá heo truyền lại phương pháp giao tiếp và những kĩ năng khác từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những cộng đồng cá heo khác nhau cũng khác cả về ám hiệu giao tiếp trong chào hỏi, lập chiến lược đi săn và những thái độ cư xử. Thậm chí chúng còn có một kiểu truyền dạy văn hóa dành cho việc sử dụng công cụ. Một nhóm cá heo xám (bottlenose dolphin) ngoài bờ biển nước Úc có biệt hiệu là “Câu Lạc Bộ Cá Heo Bọt Biển”, đã học được cách bao bọc mõm mình bằng bọt biển để sục mõm xuống gốc san hô sắc cạnh tìm thức ăn, và lưu truyền kiến thức từ cá thể mẹ sang cá thể con gái.

Cá heo thậm chí còn bộc lộ khả năng lĩnh hội ngôn ngữ khi ta dạy chúng một kiểu ngôn ngữ dựa trên tiếng huýt gió và động tác tay, chúng không những hiểu nghĩa ám hiệu đó, mà còn biết chỉ dẫn dành cho chúng có nghĩa gì: có sự khác nhau giữa mang quả bóng thẩy vào vòng và mang chiếc vòng quăng tròng quả bóng. Vậy nên chúng có khả năng xử lý được hai yếu tố chính trong ngôn ngữ loài người: Những ký hiệu chỉ mục tiêu và hành động, và cú pháp để nắm bắt được mối liên kết của chúng (kiểu mục tiêu 1 – hành động – mục tiêu 2, hay mục tiêu 2 – hành động – mục tiêu 1. Biết được thứ tự mục tiêu và cách hành động trong mỗi trường hợp ứng với cú pháp ám hiệu của người huấn luyện).

Cá heo còn là một trong số ít loài vượt qua được bài kiểm tra soi gương bằng việc nhận ra bản thân mình trong gương, chúng biểu lộ việc tự ý thức về mặt vật lý, và nghiên cứu cho hay chúng không những nhận ra cơ thể mình mà còn nhận ra cả những suy nghĩ của bản thân, một đặc tính được gọi là “siêu nhận thức” (tư duy về mặt tư duy, có khả năng điều khiển và điều chỉnh về mặt tư duy của mình). Trong một bài học, cá heo được cho so sánh giữa hai âm thanh, chúng biểu lộ đáp án giống, khác, hay không chắc chắn về câu trả trả lời giống hệt như con người. Chúng biểu lộ vẻ không chắc chắn thường xuyên hơn với những bài thử nghiệm so sánh khó hơn, điều này gợi ý rằng chúng hiểu rõ về những thứ chúng biết và mức độ tự tin mà chúng cảm nhận về kiến thức này.

Một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất về cá heo chính là khả năng tri nhận của chúng về sự cảm thông, lòng vị tha và tình cảm quyến luyến. Tập quán của chúng là giúp đỡ những cá thể bị tổn thương xét rộng ra khỏi giới hạn chủng loại (loài nào ẻm cũng cứu trừ con mồi). Bằng chứng lá việc rất nhiều cá thể cá heo đã cố mang người gặp nạn lên mặt nước để họ có thể thở. Và cũng như chúng ta, chúng cũng tiếc thương đồng loại đã chết.

Mô tả hình ảnh

Cá heo thường đưa người gặp nạn lên mặt nước để họ có thể thở.

Khi chúng ta có thể xem xét toàn bộ những chứng cứ trên, chúng ta không khỏi ngạc nhiên tại sao con người vẫn săn cá heo làm thức ăn, gây nguy hiểm cho chúng bằng việc đánh bắt và làm ô nhiễm môi trường, hay giam cầm chúng để biểu diễn xiếc. Câu hỏi cuối cùng không phải là cá heo có thông minh hay có phức cảm hay không, có chăng là câu hỏi liệu con người có đủ cảm thông với cá heo để chúng được sống tự do và an toàn?

Theo bài nói chuyện của Lori Marino

Dịch: Fata Nguyễn - Ohay TV.

Chủ đề chính: #cá_heo

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn