Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

“Các giai thoại PR” của bậc Đế Vương trong sử Việt

Đăng 5 năm trước

Nhìn lại hơn 4000 năm dựng và giữ nước của sử ta, không ít những anh hùng hào kiệt đứng lên dẹp giặc, yên dân cũng có khi là lật đổ các triều đại suy vi, tàn ác. Các thủ lĩnh ấy có lúc là những phú hào hay quan lại hoặc chỉ là những người nông dân áo vải. Tuy nhiên, để thu phục nhân tâm, quy tụ được các tầng lớp nhân dân cùng đứng dưới ngọn cờ của mình, không ít những giai thoại xung quanh các nhân vật kiệt xuất ấy được lưu trong nhân gian để chứng minh cơ trời giúp họ. Âu cũng là truyền thuyết

1.Thần giúp đất Âu Lạc

An Dương Vương tên thật là Thục Phán đã đánh bại Hùng Vương lập nên nhà Âu Lạc. Tương truyền, khi cho xây thành Cổ Loa, tường thành nhiều lần bị sụp đổ. May thay, có thần Kim Quy giúp sức, thần bảo:-  Có con gà trằng sống lâu năm nên thành tinh sống trên núi Thất Diệu, có yêu thuật khôn lường, lại hay hãm hại dân trong vùng. Thêm phần, các vua đời trước cùng bọn nhạc công chết đi đều chôn dưới chân núi này, oán khí không tan nên u hồn lẩn khuất trong hang sâu lại có thù với vua.  

Đêm đến con gà tinh ấy dẫn u hồn đến chân thành dùng tà thuật phá đổ tường thành gần sáng lại bay về núi. Con gà tinh có tiền duyên với con gái lão chủ quán gần chân núi nên hay hiện hình làm khách bộ hành ghé vào quán trọ khi thì nhập vào con gái lão, lúc thì nhập vào con gà trắng của lão. Muốn đắp cho được thành, trước hết phải trừ cho tiệt giống yêu ma và giết đứa con gái cùng con gà trắng của lão chủ quán kia đi. 

Theo lời thần Kim Quy, An Dương Vương mai phục tại nhà lão chủ quán giết sạch yêu tinh, tìm thấy dưới núi nhiều hài cốt và nhạc khí, bèn đem đốt thành tro đổ xuống suối. Lại nói, An Dương Vương bảo lão chủ quán cắt tiết con gà trắng để tạ trời đất, gà vừa cắt tiết thì con gái lão cũng lăn ra chết, yêu tinh hóa thành con chim bay ra liền bị thần Kim Quy dùng phép trừ đi. 

Yêu ma đã trừ xong, thần Kim Quy lại hiện nguyên hình là con rùa vàng rất lớn. Thần rút một cái móng của mình trao cho An Dương Vương, dặn rằng: 

– Nhà vua giữ lấy móng chân này để làm lẫy nỏ. Khi có giặc thì đem ra bắn, một phát có thể giết được hàng nghìn quân giặc. 

Cao Lỗ dùng móng ấy làm nỏ Liên Châu.  Bộ cung Âu Lạc thời bấy giờ vang danh khắp nơi là bất khả chiến bại, được xưng tụng sánh ngang với kỵ mã nhà Tần, nỏ Liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.

2. Thanh kiếm Thuận Thiên

Hình ảnh thần Kim Quy lại xuất hiện trong một giai thoại khác liên quan đến người anh hùng Lê Lợi. Vào thời gian nhà Minh chiếm đóng Đại Việt, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn, Thanh Hóa chống nhà Minh. Buổi đầu thế lực nghĩa quân còn non yếu, trước thế mạnh và khả năng tổ chức tốt của quân đội nhà Minh nên Lê Lợi nhiều lần thất bại. 

Ở Thanh Hóa, có một ngư dân tên là Lê Thận. Một đêm nọ, Lê Thận đánh cá,  thả lưới ở một bến vắng. Trong một lần kéo lưới, tự nhiên Thận cảm thấy nằng nặng, trong lòng vui mừng thầm vì tưởng phen này bắt được có cá to. Nhưng khi thò tay lấy cá, Thận nhận ra rằng đó chỉ là một thanh sắt. Thận tiện tay vứt luôn thanh sắt đó xuống nước rồi, đi thuyền thả lưới ở một chỗ khác. Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng, nhưng lại là thanh sắt mà anh đã ném đi kia. Thận tiếp tục ném thanh sắt xuống sông lần hai. Nhưng thanh sắt ấy lại vẫn tiếp tục mắc vào lưới lần thứ ba. Lấy làm lạ, Thận ghé mồi lửa soi để nhìn xem, anh reo lên một mình:Ha ha! Một lưỡi gươm! 

Về sau, Thận gia nhập quân khởi nghĩa Lam Sơn. Vì lòng dũng cảm của mình, Thận nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ nghĩa quân. Một hôm, Lê Lợi cùng tùy tùng đến thăm nhà Thận.Nhà Thận vốn tối om om, bỗng lưỡi gươm hôm đó chợt sáng rực lên soi sáng cả xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi tiến đến gần cầm lấy xem và nhận ra có hai chữ "Thuận Thiên" khắc sâu vào trong lưỡi. Song tất cả mọi người vẫn chưa nhận ra đó là báu vật.  

Một hôm lại bị quân Minh truy đuổi, Lê Lợi và các tướng chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy một ánh sáng lạ trên ngọn cây đa. Ông tò mò, liền xuống ngựa trèo lên mới biết đó là một cái chuôi gươm nạm ngọc. Chợt nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi liền rút lấy chuôi giắt vào lưng. Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các tùy tùng, thuộc tướng gồm cả Lê Thận. Ông lấy lưỡi ra tra thử với gươm, khi lắp lưỡi vào với chuôi thì kỳ lạ thay, vừa khớp nhau.

 Lê Lợi kể lại câu chuyện, mọi người nghe xong đều hồ hởi vui mừng. Lê Thận hai tay nâng gươm lên ngang đầu nói với Lê Lợi:Đây là thần có ý phó thác cho "minh công" làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương da của mình theo "minh công" và thanh gươm thần này để báo đền xã tắc!. 

Thanh gươm thần với một sức mạnh lạ kỳ giúp Lê Lợi đánh tràn ra, liên tiếp thắng quân Minh và làm quân Minh kiếp đảm, sau cùng là chiến thắng quân Minh, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước Việt. Mấy năm sau, Lê Lợi lên ngôi vua lập ra nhà Lê. Một ngày nọ nhà vua đem gươm thần ngồi thuyền rồng dạo chơi trên hồ Tả Vọng, Thăng long. Bỗng nhiên thanh gươm thần động đậy và có một con rùa vàng chặn lối, nó nổi lên và nói:Bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!Nghe thế nhà vua hiểu ra, nhà vua bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. 

Chỉ một lát, thanh gươm thần tự bay về phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa liền ngước đầu lên, há miệng nhận lấy thanh gươm. Cho đến khi rùa lặn xuống, người ta vẫn thấy có vệt sáng le lói dưới mặt nước hồ xanh.

 Khi những chiếc thuyền của bá quan tùy tùng đuổi lên kịp thuyền rồng thì vua nói với họ:Đức Long quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, người sai rùa lấy lại.Và từ đó không ai thấy lại thanh gươm thần nữa . 

Qua câu chuyện, có thể thấy “Thuận Thiên” tức là Thuận theo ý Trời, lại cũng có thể xem đó là một câu chuyện nhằm khắc họa sự danh chính ngôn thuận của người hùng Lê Lợi được trời ban cho sứ mệnh dẹp giặc Minh mà giữ yên bờ cõi.

3. Lời tiên tri của Sư Vạn Hạnh

Vào thời Lý Công Uẩn, Phật Pháp nước ta đạt tới sự phát triển rực rỡ, xuất hiện nhiều cao tăng đắc đạo. Trong số ấy có Sư Vạn Hạnh. Xung quanh việc Lý Công Uẩn lên ngôi sáng lập ra nhà Lê có rất nhiều truyền thuyết mang tính chất huyễn hoặc, có thể là do sự truyền tục của các nhà sư hay những bậc trí thức đê ủng hộ việc lên ngôi của họ Lý thế nhà Tiền Lê đang hủ bại một cách danh chính ngôn thuận. 

Tương truyền, khi gặp Lý Công Uẩn thuở bé, Sư Vạn Hạnh đã tiên đoán:“Đứa bé này có tướng mạo lạ thường. Sau này, có thể cứu nguy trăm họ, đăng ngôi minh chủ thiên hạ”Bé thì tinh nghịch nhưng khi lớn lên, đặc biệt khi làm quan, ông luôn là vị quan tốt, được mọi người yêu mến. 

Có thể nói Lý Công Uẩn là người sống vô cùng trung nghĩa, điều này được thể hiện qua hành động ôm xác Lê Trung Tông mà khóc; Năm 1005, Lê Đại Hành mất, các con trai tranh giành ngôi báu, Lê Trung Việt giành được ngôi trở thành vua Lê Trung Tông. Thế nhưng chỉ được 3 ngày, vị vua này bị em trai là Lê Long Đĩnh giết hại cướp ngôi. Lúc ấy các quan chạy hết, chỉ có Lý Công Uẩn đến ôm xác Lê Trung Tông mà khóc. Hành động này của ông được Lê Long Đĩnh vô cùng nể phục, khen là trung nghĩa và tiếp tục sử dụng, phong cho ông chức Tướng quân phó chỉ huy sứ, sau là Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. 

Dưới thời cai trị của Lê Long Đĩnh, lòng dân vô cùng oán hận bởi ông vua tàn bạo và ngang ngược coi dân đen như cỏ rác này. Thế nên sau khi Lê Long Đĩnh chết, Lý Công Uẩn được triều thần khanh sỹ tôn lên làm vua.Lại nói, nơi vua sinh ra tại làng Cổ Pháp, một hôm, gió bão kéo đến. Sấm chớp đánh trúng vào một cây gạo, để lộ ra một bài Sấm truyền rằng: 

Thụ căn diểu diểu 

Mộc biểu thanh thanh 

Hoà đao mộc lạc 

Thập bát tử thành 

Đông a nhập địa 

Mộc di tái sinh 

Chấn cung kiến nhật 

Đoài cung ẩn tinh

 Lục thất niên gian 

Thiên hạ thái bình. 

 Theo Hán tự, “Hòa, đao, mộc” ghép thành chữ Lê. Ám chỉ nhà Tiền Lê. “Thập, bát, tử” ghép thành chữ Lý. “Đông, A” ghép lại thành chữ Trần. “Mộc di tái sinh” tức là họ Lê khác lại nắm quyền.Như vậy, có thể giải nghĩa rằng: Nhà Lý sẽ nối ngôi nhà Tiền Lê. Nhà Trần “nhập địa” tức là cướp ngôi nhà Lý. Một nhà Lê khác lại lại nối tiếp nhà Trần tức Hậu Lệ(Lê Lợi). 

Lý Công Uẩn là một vị vua anh minh, được lòng trăm họ.  Ông không chỉ yêu thương dân như con mà còn là người có tầm nhìn xa trông rộng nghĩ tới tương lai của con dân Đại Việt qua việc chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Trong Chiếu dời đô, ông viết: "Thăng Long là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời".

4. Tây Sơn xưng hùng

 Dựa vào tín ngưỡng dân gian, những người sáng tạo truyền thuyết đã dùng yếu tố thần kỳ như là phương tiện vững chắc để tạo niềm tin trong nhân dân. Cho nên yếu tố thần kỳ ở đây không phải là mê tín dị đoan. Hình tượng người anh hùng Tây Sơn có mang yếu tố thần kỳ đã làm rung động mãnh liệt, sâu xa tâm hồn của người bình dân lúc bấy giờ. 

Nhân dân thống khổ đã đặt niềm tin của mình ở anh hùng Tây Sơn, ở Nguyễn Huệ. Vì vậy, vai trò của họ trong lịch sử lại càng nặng nề.Theo truyền ngôn ở vùng An Khê (nay thuộc thị xã An Khê, tỉnh Bình Định), xưa kia ở thượng nguồn sông Côn thuộc địa bàn sinh sống của người Bana có một thanh gươm thần cắm sâu vào tảng đá lớn, đã nhiều đời nhưng không ai đủ sức mạnh để rút được thanh gươm đó. Người dân tin rằng thanh gươm đó được trời ban xuống nhưng phải là người hiền tài, oai dũng mới có thể lấy được thanh gươm ra. 

Một hôm, Nguyễn Huệ trên đường đi tìm chiêu mộ hào kiệt để cùng mưu việc lớn tình cờ đi qua vùng này. Thấy người khách phương xa tướng mạo xuất chúng, ăn nói dễ chịu, có sức thu phục cuốn hút lạ kỳ nên ai cũng đem lòng kính mến. Khi được người dân dẫn đến chỗ thanh gươm, Nguyễn Huệ ướm bàn tay vạm vỡ vào chuôi gươm rồi rút mạnh, tảng đã bỗng chốc vỡ tan còn thanh gươm xuất hiện sáng lòa. Mọi người vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh phi thường của người tráng sĩ, họ đồng lòng quỳ lạy tỏ ý tôn phục.Sau đó Nguyễn Huệ được rước về buôn làng, người dân mở tiệc khoản đãi, họ quyết định bắt con gà trống lớn để làm thịt mừng khách quý. 

Theo người dân, con gà này có cái cổ lớn khác thường, nó sống đã trên trăm năm. Lúc mổ gà, người ta tìm thấy trong bụng nó một cái ấn lớn bằng vàng, cho rằng đây là điềm tốt bèn mang dâng lên cho Nguyễn Huệ. Trước buôn làng, cầm gươm ấn trong tay, Nguyễn Huệ nói rằng: “Nếu gươm, ấn là do trời ban thì ta quyết không phụ lượng cao dầy của trời đất và sự chờ mong của trăm họ”. 

Rắn lớn đón đường dâng đao quýTrong “Tây Sơn thập thần vũ khí” (tức mười vũ khí lợi hại của Tây Sơn) không thể không nhắc đến cây thần đao của Nguyễn Huệ. Cây đao này gọi là Ô Long đao, cùng với Huỳnh Long đao của tướng Trần Quang Diệu và Xích Long đao của tướng Lê Sĩ Hoàng được gọi là “Tây Sơn tam thần đao”.Cây Ô Long đao của Quang Trung đã theo ông trên các trận chiến đánh Đông dẹp Bắc, diệt nội phản, đánh đuổi quân xâm lược Xiêm La và Mãn Thanh. Cây đao này có cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao được rèn bằng kim khí màu đen, sắc bén vô cùng; khi rút đao ra khỏi vỏ thì khí lạnh tỏa ra. Đao có trọng lượng rất nặng, phải 2 đến 3 người mới vác nổi.Truyền rằng Nguyễn Huệ có được cây đao này rất kỳ lạ, một hôm ông đi đến khu vực đèo An Khê, bỗng trong rừng xuất hiện hai con rắn mun to lớn, mắt bằng quả dừa có màu xanh ngọc trường ra đón đường dâng lên thanh đao quý, sau đó cúi đầu từ tạ trở lại rừng. 

Có thuyết nói mỗi con rắn ngậm một vật, đó là kiếm vàng và ấn ngọc dâng lên Nguyễn Huệ, ông tin rằng đó là hai sứ giả của Thiên đình vâng lệnh Ngọc hoàng thượng đế ban cho vật báu nên nâng cả hai bảo vật lên ngang trán cung kính cảm tạ trời đất. Để ghi nhớ sự kiện ấy, sau đó Nguyễn Huệ cho lập một ngôi miếu thờ đôi rắn kia, người dân thường gọi là miếu Xà; còn con đường đôi rắn từ núi bò ra là một đoạn dốc giữa đèo An Khê được gọi là dốc Ông Dài (Ông Dài là từ địa phương chỉ con trăn hoặc rắn lớn).

5. Gia Long được phù mệnh khi bôn tẩu

Cuộc đời của vương tử Nguyễn Phước Ánh (tức Nguyễn Ánh, sau đánh bại triều Tây Sơn lên ngôi lấy hiệu là Gia Long) cũng lắm nỗi gian truân trên con đường bôn tẩu tránh sự sát hại của quân Tây Sơn khi cả nhà chúa Nguyễn đều đã bị Tây Sơn giết hết. Đây có thể coi là nguyên nhân dẫn đến sự trả thù tàn bạo của Nguyễn Ánh đối với phong trào Tây Sơn khi ông lên nắm quyền. 

Khi chúa Nguyễn Anh còn bôn ba gian nan ở miền Nam lẩn tránh quân Tây Sơn, có thể nói địa phương nào có dấu chân ông đi qua, kể cả đường sông, đường biển, hầu như nơi đó đều có để lại những dấu ấn tình cảm vô cùng sâu đậm. Từ phường ăn mày, người bần nông cùng khổ, đến thày tu hoặc những tay cự phú gạo tiền nứt đố đổ vách… ai ai cũng thể hiện tinh thần hào hiệp với chúa. Cũng có không ít anh hùng hào kiệt sẵn trong tay hàng trăm, hàng ngàn quân gia, đầy quyền thế khi nghe biết chúa sa cơ, khổ sở đều dẫn quân theo về, kể cả lãnh tụ “người dân tộc” cũng tự nguyện đến xin phò tá, rất mực trung thành.

 Chung nhất, đó chính là sự cảm thông, là tấm lòng, là thói nết “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” của người lưu dân trên vùng đất phương Nam.Tương truyền, thuyễn Nguyễn Ánh đang đi trên sông ông Đốc để lánh nạn Tây Sơn thì có đàn cá sấu từ đâu đến nổi lên cản trước mũi thuyền. Thấy điềm lạ, Nguyễn Ánh bèn khấn váo trời đất: “Tôi là Nguyễn Ánh, đông cung thừa nghiệp của tiên vương, bị quân Tây Sơn soán nghiệp yểm bách phải bôn đào, đang ở lúc thế cùng vận bĩ. Nay phải ra Phú Quốc để lánh xa cường tặc. 

Phải chăng lòng trời nương tựa nhà Nguyễn, xui khiến đàn sấu báo điềm cho tôi nguy hiểm đang đón chờ, ở đầu sông bên kia là tử lộ? Nếu phải vậy, xin đàn sấu hãy dang ra đi rồi tái hiện ba lần. Bằng không hãy cho tôi tiếp tục cuộc hành trình vì thời gian rất quý báu”Vừa dứt lời khấn, đàn sấu lặng mất, lát sau lại nổi lên đúng ba lần ứng nghiệm với lời chúa Nguyễn Ánh. Thấy thế, ông liền cho quay ngược thuyền. Vài ngày sau, quân dò thám về cho hay có quân Tây Sơn mai phục bên kia sông ông Đốc. 

Lần khác, thuyền trong rạch sắp ra đến vịnh Xiệm La(Thái Lan), bỗng có hai con rái cá bơi ngang chặn mũi thuyền lại. Thấy bất thường, Nguyễn Ánh định cho quay đầu thuyền lại nhưng không kịp, chiến thuyền Tây Sơn đã kéo đến. May sao, trời nỗi cớn dông gió dũ dội, khiến thuyền Tấy Sơn chìm cả. Nhờ vậy mà Nguyễn Chúa thoát chết. 

Tại Vàm Láng- Gò Công (Tiền Giang), khi thuyền Nguyễn Ánh đến Giang Khẩu, Soài Rạp thì phía sau bị thuyền Tây Sơn đuổi ngặt, phía trước thì mây đen giăng mù mịt. Tình thế nguy kịch, chúa Nguyễn chỉ biết nhìn trời mà than rằng: “Nếu lòng trời còn tựa nhà Nguyễn, xin cho Nguyễn Ánh thoát cơn thập tử nhất sinh này!”. 

Bỗng đâu, có một đôi cá ông kẹp bên mạn thuyền dìu đến nơi bình an. Khi lên ngôi, Gia Long xuống chỉ phong cho cá ông là “Nam Hải Đại Tướng Quân”, đàn cá sấu là “Tân Ngạc Ngư Long”, hai chú rái cá kia là “Lang Lại Nhị Đại Tướng Quân” 

Gắn liền với tên tuổi của những vị vua lập quốc luốn là những giai thoại ly kỳ. Có thể do nhân dân truyền tụng, cũng có thể do chính đế vương hoặc công thần dưới trướng tạo ra cũng nhằm mục đích là truyền thông rộng rãi trong thiên hạ về một bậc minh quân. Như chuyện cá ông giúp người đi biển âu cũng là chuyện thường thấy chứ không riêng gì thuyền của Gia Long. 

                                                                                  Hồ Hoàng Anh

Chủ đề chính: #lịch_sử_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn