Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Các nhà tiên tri trong sử Việt

Đăng 5 năm trước

Lịch sử Lý số Việt Nam thường gắn liền với các lời Sấm ký, như sự dự đoán về tương lai và vận mệnh của dân tộc. Sấm là để tiên tri, Sấm ký là ghi lời Sấm, Sấm vĩ là bàn về lời Sấm. Theo quan niệm, “thiên cơ bất khả lộ”, nên lời Sấm không thể hiện trực tiếp vấn đề nên vừa có tác dụng bảo mật, vừa dùng để bảo tồn lời tiên đoán, khó bóp méo, thay đổi.

Trong lịch sử Việt Nam có ba bậc tiên tri siêu quần là Sư Vạn Hạnh, Trạng Trình Nguyền Bỉnh Khiêm và Liễu Hạnh Thánh Mẫu. Sau đây, xin giới thiệu đến quý độc giả bài lược giải tham khảo về những lời tiên tri ấy qua hai nhân vật là SưVạn Hạnh và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

1. Sư Vạn Hạnh

Là  công thần của ba triều Đinh, Lê, Lý, cũng là người đầu tiên để lại những lời Sấm tiên tri về biến cố của lịch sử dân tộc, những lời Sấm này có trước Sấm Trạng Trình khoảng 500 năm.Sư họ Nguyễn, (938 – 1018), mất dưới triều vua Lý Thái Tổ. Về sau, vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) truy tặng một bài kệ thâu tóm thân thế, tư tưởng Vạn Hạnh như sau:

Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm cơ

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn kinh ký

Tạm dịch:

Vạn Hạnh thông ba cõi

Thật hợp lời sấm xưa

Quê hương tên Cổ Pháp

Chống gậy trấn kinh vua


Vạnh Hạnh chẳng những dung thông được ba cõi quá khứ, hiện tại và tương lai, dung hợp Phật, Khổng, Lão, lại còn dung hóa pháp môn Tổng Trì Tam Ma Địa thành lời Sấm như một khế cơ huyền vi vào việc trị nước, an dân vào buổi đầu của thời đại độc lập quốc gia.Thuở nhỏ, Sư tu ở chùa Lục Tổ, thuộc dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi  (vinītaruci), tinh thông Tam Tạng, Bách Luận, Bát Nhã, Hoa Nghiêm,… chú trong về Mật Tông “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” giản dị, ngọn nhẹ rất hợp với văn hóa Đông Nam Á, chuyên về khoa Tổng Trì Tam Muội, nói lời tiên tri được người đời tin tưởng.

2. Thiền phái Mật Tông

Nguyên Kinh Tổng Trì được chính Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch tại chùa Pháp Vân khoảng 580 – 594. Ông từ Thiên Trúc sang Trung Hoa rồi đến Việt Nam, tu 14 năm làm Tổ sư thiền phái Mật tông tại đất Việt với nhiều thế hệ thiền tăng xuất chúng như Pháp Hiền (thế hệ II), Định Không (thế hệ VIII), La Quý An (thế hệ X), Vạn Hạnh và Đạo Hạnh (thế hệ XII), Minh Không (thế hệ XIII).

Sau giai đoạn Đại thừa Bát Nhã, tới Đại thừa Duy Thức là những cao điểm phát triển của đạo Bụt nghiêng về trí huệ cao siêu, tới giai đoạn Đại thừa Mật giáo là chặng đường lan tỏa, sâu vào tàng thức cộng thể, mênh mông bao bọc các tín ngưỡng thần linh khắp cõi mà không chấp vọng. Vì thế từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ VIII, Mật giáo đã phát triển nhanh chóng vững vàng thành Kim Cang Thừa từ Tây Tạng sang Trung Hoa , Việt Nam,…

Thần chú của Mật tông hiệu lực linh nghiệm, là thần lực gia hộ triều Đinh, Lê và Lý. Cả trăm trụ bia đá vùng Hoa Lư còn ghi khắc kệ và chú từ thế kỷ thứ X, các cột kinh này lấy chú “Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni” làm chủ yếu như “muôn nghìn ánh sáng làm chúng sinh kinh động mà giác ngộ”.

Ngay từ thế kỷ thử VIII, các nhà sư Mật tông Ấn đã sang Trung Hoa và dùng Mật ngôn Thần chú phù trợ triều Đường. Trong những thế kỷ sau, IX, X, XI… trung tâm Luy Lâu vùng  Kinh Bắc là nơi gặp gỡ, giao lưu của các danh tăng Ấn, Hoa, Chiêm Thành… lại thêm các nhà sư Việt sang Ấn du học như Sùng Phạm (thế kỷ XI), sang Ấn 9 năm, sau vế chùa Pháp Vân truyền dạy đệ tử là Đạo Hạnh.

Tương truyền, Đạo Hạnh rất giỏi pháp thuật, thần thông, đã từng dụng 1 vạn 8 ngàn lần Đại Bi Tâm Đà La Ni, dùng gậy quăng xuống dòng nước chảy xiết mà gậy dựng đầu lội ngược, nhờ đó diệt được tà sư Đại Điên là kẻ giết cha mình, sau dốc chí tu tập, pháp lực càng cao, có thể điều phục muông thú, cầu mưa gió, niệm chú trị bệnh. Đệ tử của Đạo Hạnh là Minh Không cũng có phép thổi một niêu cơm cho cả thuyền quân ăn không hết, có phép “rút không gian” chốc lát đưa thuyền từ xa tới kinh thành trị bệnh cho vua Lý Thần Tôn (1136) đang bị chứng hóa ra hổ, lông lá đầy người, kêu gào ghê rợn.

3. Sư Vạn Hạnh với bài "Sấm Cây Gạo"

Vạn Hạnh cùng thế hệ tu học vơi Đạo Hạnh.Cùng với sư huynh Pháp Thuận, hai vị quốc sư này đã dùng sấm vĩ, độn số phò trợ vua Lê Đại Hành (980-1005) trong việc trị quốc . Chính sư Pháp Thuận đã giả người lái đò đối đáp với thi văn với sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Ngày từ năm 980, sư Vạn Hạnh đã đoán trước “nội trong bảy ngày quân Tống sẽ rút lui”, quả nhiên vua Lê dụng mưu ly gián, quân Tống nội biến tự phát lui binh. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng sư, khi nhà vua muốn đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả (Từ Mục) cũng đến hỏi, sư nói trận này đánh tất thành công, không phải do dự. Quả nhiên, chiến dịch bình Chiêm đã đại thắng, vua Chiêm là Parame bị chém tại trận.

Sau khi Lê Đại Hành băng hà, Ngọa triều Lê Long Đĩnh tàng bạo bệnh hoạn, Vạn Hạnh đã vì nước vận động đưa người hiền tài Lý Công Uẩn lên ngôi. Thuở thiếu thời, Lý Công Uẩn đến học ở chùa Lục Tổ và gặp Vạn Hạnh tại đây. Sư thấy họ Lý có tướng mạo phi phạm đã thấy làm lạ, biết là chân mạng đế vương. Sư bèn dùng kế viết chữ “thiên tử” lên lưng một con chó trắng ở làng Cổ Pháp rồi truyền rộng lời đoán rằng chó tượng trưng cho năm Tuất, thiên tử sẽ ra đời vào năm Tuất (Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất 974) và xuất hiện vào năm Tuất  (Canh Tuất 1010) mang lại thái bình, thịnh trị.


Sấm Cây Gạo

Khi cây gạo do thiền sư La Quý An trồng ở chùa Minh Châu năm 936 để trấn giữ trước thuật yểm Long Mạch của Cao Biền từ Trung Hoa bị sét đánh tróc vỏ và một bài Sấm hiện ra được sử ghi lại như sau:

Thụ căn yểu yểu

Mộc biểu thanh thanh

Hòa đao mộc lạc

Thập bát tử thành


Đông An nhập địa

Dị mộc tái sinh

Chấn cung kiến nhậ

Đoài cung ẩn tinh


Lục thất niên gian

Thiên hạ thái bình


Dịch nghĩa:


Gốc cây thăm thẳm

Ngọn cây xanh xanh

Cây hòa đao rụng

Mười tám hạt thành

Sư Vạn Hạnh đoán rằng: Căn là gốc tức là vua, diễu đồng âm với yểu, là vua chết non. Mộc biểu là ngọn cây tức là bầy tôi thanh thanh là xanh đồng âm với thịnh, như vậy quần thần sẽ nổi lên.Hòa đao mộc, ba chữ này hợp lại thành chữ Lê, vậy là Lê suy tàn. Thập bát tử, ba chữ hợp lại thành chữ Lý, như vậy họ Lý tất thành.

Cành Đông vào đất

Cành khác lại sinh

Cung Đông trời mọc

Cung Tây ẩn tinh 

Đông A kết lại thành chữ Trần, nhập địa là vào đất của nhà Lý. Dị mộc tái sinh tức là nhà Lê khác lại tái sinh (Hậu Lê). Câu tiên đoán này tức là sau nhà Lý đến nhà Trần và sau là nhà Hậu Lệ (Lê Lợi).

Chấn cung (Đông) kiến nhật là thiên tử xuất hiện ở phương Đông, phương Tây lại có một ngôi sao khác ẩn dạng.Có sách bàn là nhà Mạc xuất ở phương Đông (Hải Dương) vì chữ Mạc chứa chữ Đông, Tây Sơn ẩn ở phương Tây. 

Khoảng sáu bảy trăm năm

Thiên hạ thái bình

Ngô Thời Sỹ cho rằng “Sét đánh vào cây thành bài Sấm chỉ có 40 chữ mà đủ hêt hưng vong của các đời trong thời gian hơn ngàn năm”. Đủ thấy Vạn Hạnh là một nhà tiên tri của dân tộc, có tầm nhìn không phải “ngũ bách niên” mà là “thiên niên”, dự đoán cuộc thịnh suy từ đời Đinh về sau. Trải qua ba triều Đinh, Lê, Lý, Vạn Hạnh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc và Đạo pháp hành nghiệm. Trước khi mất, sư để lại bài Kệ:


Thân như điện, ảnh, hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố ý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Tạm dịch:

Thân như chớp nhoáng , có về không

Vạn cây xuân tươi, thu tàn khô

Theo vận thịnh suy đừng lo sợ

Thịnh suy: đầu cỏ hạt sương phô.



 

4. Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân vật lịch sử độc nhất làm cố vấn một lúc cho 4 tập đoàn phong kiến đối nghịch nhau: Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn. Ông sinh năm 1491, tại Cổ Am, Hải Dương (nay thuộc Hải Phòng).Tương truyền ông thông minh từ nhỏ, lên một tuổi đã biết nói, lên bốn tuổi đã thuộc thơ và kinh thư do mẹ ông là người hay chữ, lại giỏi về tướng số dạy bảo. Bà là con gái Thượng Thư Bộ Hộ-Tiến sĩ Nhữ Văn Lạn, kén chồng mãi đến năm 30 tuổi gặp ông Văn Định thấy có tướng sinh đại quý tử mới chịu kết duyên.

Có thuyết nói rằng bà gặp anh đánh cá Mạc Đăng Dung ở bến đò và tiếc rẻ là không có duyên với người tướng cách đế vương này! Bà lấy chồng với hy vọng sau sinh con đạt ngôi cửu trùng, ngay từ đêm tân hôn bà đã dặn trước chồng là khi nào trăng lên đến đầu ngọn tre mới được động phòng, nào nhờ ông Văn Định động phòng hơi sớm nên bà thụ thai không đúng vào giờ tốt, tuy sinh được quý tử nhưng không đạt được tột đỉnh thiên tử.

Cũng có truyện kể rằng, thuở nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm khôi ngô, tuấn tú khi đang tắm với lũ trẻ ở sông Hàn, một thầy tướng số người Tàu đi thuyền qua nói rằng “cậu này đáng lẽ tướng làm vua, nhưng vì nước da hơi thô nên chỉ làm đến Trạng Nguyên Tể Tướng”.

Lúc còn bế ẵm, Bỉnh Khiêm đã biết thốt nên lời “mặt trời mọc ở phương Đông” khiến mọi người đều kinh ngạc. Có lần, Từ Thục phu nhân đi vắng, ông Văn Định chơi đùa với con, đọc: “Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung”, Bỉnh Khiêm đọc tiếp: “Vén tay tiên, hốt hốt rung”. Biết chuyện, Từ Thục phu nhân không vui, trách rằng :”Mặt trăng là khí tượng bầy tôi, sao ông lại dạy con như thế!”. Rất có thể với biệt tài tướng số, biết trước vận số của nhà Lê sau đời Lê Thánh Tông 40 năm sẽ suy tàn, phương Đông (Hải Dương) có khí tượng Đế Vương nên bà đã cố tạo ra một ông vua theo giờ giấc sinh nở chăng?

Mẹ mất sớm, người con tên Khiêm, tự là Hanh Phủ, theo quẻ Dịch “Khiêm tốn thì hanh thông”, tuy không được làm vua nhưng ông đã trở thành một chiến lược gia cho cả dân tộc với chủ trương “Bắc hòa, Nam tiến”

Cha ông từng sung chức Thái học sinh, mẹ lại lầu thông kinh sử, lý số nên ông được rèn luyện kỹ lưỡng. Khi lớn lên, ông vào Thanh Hóa, học thầy là Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng, nguyên Lại Bộ Thượng Thư.Trước khi thầy mất, đã truyền lại cho ông cuốn Thái Ất Thần Kinh là một quyển sách lý giải Kinh Dịch của Dương Hùng đời Hán, sách hiếm này Lương Đắc Bằng có được khi đi sứ sang Tàu.

Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy học giỏi và nổi tiếng trong giới nho lâm nhưng ông đã bỏ không dự khoa thi năm 1523 và 1526 vì là thời hỗn loạn cuối triều Lê, bỏ khoa thi đầu tiên của nhà Mạc vì thiên hạ chưa được phục tùng, mãi tới năm 1534-1535, đời vua Mạc Đăng Doanh thịnh trị vương đạo nhất triều Mạc, ông mới ứng thí dà đậu Trạng Nguyên khi đã 44 tuổi.

Ông được bổ nhiệm làm Đông các hiệu thư (sửa chữa văn thư), sau thăng Tả Thị Lang Bộ Hình, Bộ Lại kiêm Đông Các Đại Học Sĩ (Tam phẩm). Trong 8 năm tại triều (1535-1542), ông từng dâng sớ xin chém 18 lộng thần. Năm 51 tuổi, đời vua Mạc Phúc Hải, ông cáo quan về quê. Ít lầu sau triều đình lại vời ông ra làm Thượng Thư Bộ Lại, Thái Phó phò giúp vua nhỏ Mạc Phúc Nguyên (1546-1561), cùng với Mạc Kính Điển là chú vua và là cột trụ chống đỡ nhà Mạc.

Trong khoảng 55 đến 73 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy không ở hẳn kinh đô Thăng Long nhưng vẫn cáng đáng rất nhiều việc triều chính, lúc bà quốc sự, lúc đi đánh giặc, nhà Mạc tôn kính ông như quân sư, phong ông làm Trình Tuyền Hầu (vì thời dân gian mới gọi là Trạng Trình). Mãi tới ngoài 70 tuổi, ông mới hoàn toàn quy ẩn nơi quê nhà.

Ông về quê năm 1563, sống đời tiên thoát tục trong Bạch Vân Am, bắc cầu Trường Xuân, Nghênh Phong, làm nơi nhàn tản nhìn trăng hóng mát. Ông cùng học trò dựng quán Trung Tân nơi bến Tuyết Giang, cho khắc văn khuyến Thiện trên bia đá, nói lên triết lý tư tưởng cao siêu của Trạng Trình:“…Toàn kỳ thiện giả vi trung, bất toàn kì thiện giả tắc phi trung dã…Tân giả tân dã, tri sở chỉ vi yếu tân, bất tri sở chỉ tắc mê tân dã…Trung chi sở tại, tức chí thiện chi sở tại,…”Nghĩa là: “Vẹn điều Thiện là Trung, không vẹn điều Thiện không phải là Trung,…Tân là cái bến, biết chỗ dừng lại là Bến Chính, không biết chỗ dừng lại là Bến Mê…Nghĩa chữ Trung chính là ở chỗ Chí Thiện…”

Có lẽ trong nghìn năm Nho học mới thấy một nhà Nho giải nghĩa chữ Trung Dung một cách giản dị đầy đủ và sáng tạo như vậy, đề cao tính Thiện trong cốt cách con người. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nối Nho vào Phật Lão, mang lại cho nhà Mạc cái vinh dự tiếp tục tư tưởng Tam Giáo Đồng Tôn mà nhà Lê độc tôn Tống Nho đã đánh mất, và đánh mất nặng nề truyền thống dân bản khai phóng của Lạc Việt.Ông có một phong thái của Lã Vọng Khương Tử Nha ngồi câu bên bờ sông Vỵ hay một Gia Cát Lượng ngâm thơ ở chân núi Ngọa Long:

Ngư ông bất ngộ Đào nguyên khách

Khởi thức hưng vong thế cổ kim

Năm 1585, tuổi già lâm bệnh, biết mình khó qua, đã 95 tuổi, cụ dâng sớ cho vua Mạc “…thần tính độ số thấy vận nước đã suy, vận nhà Lê tới hồi tái tạo, ý trời đã định sức người khó theo. Song nhân giả có thể hồi thiên ý, xin nhà vua hết lòng tu nhân phát chính, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng, trong sửa sang văn trị, ngoài chuyên cần võ công, may ra giữ được cơ nghiệp Tổ tiên, thì Thần chết cũng được thỏa lòng."

Nhà Mạc cử hoàng thân Khiêm Vương Mạc Kính Điển cùng các quan về tế lễ sai lập đền thờ, cấp ruộng điền tự trăm mẫu, vua Mạc Mậu Hợp lại đích thân viết chữ đề lên đền thờ “Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng Từ”.Bảy năm sau Trạng Trình mất, 1592, nhà Mạc cũng mất theo. Tuy còn giữ đất Cao Bằng thêm bốn đời nữa, như thế ông đã dốc lòng tận tụy vì triều đại nhà Mạc trong suốt 60 năm.

Trạng Trình và các môn đệ của ông như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ (Tác giả của Truyền Kỳ Mạn Lục), Nguyễn Quyện (Danh tướng nhà Mạc), Trương Thời Cử, Trạng Giáp Hải, Lương Hữu Khánh… tập hợp thành một môn phái Đạo học, Đại học chi đạo, tiếp nối truyền thống Lý-Trần, tổng hợp Nho, Phật-Lão, Tứ Thư Ngũ Kinh lẫn các môn lý học, huyền học, binh thư, phong thủy địa lý.Các môn đệ ông đi khắp nơi, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh,… vào với nhà Lê trung hưng ở Thanh Hóa, Nguyễn Đình Thân phò tá Chúa Nguyễn Hoàng vào Hoành Sơn, Trạng Giáp Hải, Nguyễn Quyện phò nhà Mạc tại quốc đô Thăng Long cho đến hết thế kỷ XVI.Hai tập thơ của ông là Bạch Vân am thi tập (chữ Hán) và Bạch Vân quốc ngữ thi tập (chữ Nôm) được coi là thành tựu lớn của thơ văn trung đại Việt Nam.Tương truyền, ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê.

Năm 1545, Vua Trang Tông phong Trịnh Kiểm, chồng của Ngọc Bảo (chị ruột Nguyễn Hoàng) làm Thái sư. Họa vô đơn chí trong cùng một năm, trước là cha (Nguyễn Kim- công thần phục quốc của triều Lê trung hưng) bị đầu độc chết, giờ là anh bị giết chết. Người anh cả của Nguyễn Hoàng là Tả tướng Lãng quận công Nguyễn Uông bị đương kiêm Thái sư Trịnh Kiểm giết chết. Hơn nữa, vì mới được chiến công cao, công danh cao, được phong làm Đoan quận công, Nguyễn Hoàng còn bị lộ ra như cái gai trước mắt những kẻ hay ganh tị, nhất là  Thái sư Trịnh Kiểm. Nhận thấy sự nguy hiểm này, nên Nguyễn Hoàng cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo hơn để Trịnh Kiểm khỏi nghi ngờ. Sau khi bàn mưu với cậu là Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Hoàng ngầm sai sứ giả tới hỏi Trạng Trình. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn cái núi non bộ ở trước sân mà ngâm lớn rằng: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", nghĩa là: "Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được." Khi sứ giả về thuật lại câu ấy, Nguyễn Hoàng hiểu ý ngay. Từ đó, mở đất vào nam, con cháu lập nên chúa Nguyễn, chống nhà Lê- Trịnh ở Bắc, lấy sông Gianh làm giới tuyến, cũng là Tổ phụ của vua Gia Long.

Với tầm nhìn chiến lược của Trạng Trình, nước ta lại mở mang bờ cõi vào đến nam bộ.Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa. Đối với Lê - Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ông. Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong".


Một vài mẩu chuyện đã được ghi lại trong gia phả nhà Trạng Trình

Quẻ “Thiết Đoản Mộc Trường” (Sắt ngắn gỗ dài)

Một ngày cuối năm, 30 tết, Trạng và học trò từ xa đến lễ thầy, hai thầy trò đang đàm luận thì có người gõ cổng xin vào. Cụ sai gia nhân ra nói hãy chờ một chút, trong lúc đó cụ và người học trò cùng bấm quẻ xem người gõ cổng đêm 30 Tết có chuyện gì. Hai thầy trò cùng bấm được quẻ “Thiết Đoản Mộc Trường”, tức ứng vào vật sắt ngắn gỗ dài, cụ hỏi:

- Anh đoán xem người gõ cổng có việc gì ?

Người học trò đáp:

- Thưa thầy, sắt ngắn gỗ dài thì chỉ có cái mai, chắc có người vào mượn cái mai để đào đất.

Cụ nói:- Tôi đoán khác anh một chút, người gõ cổng đến mượn búa chứ không phải mượn mai.

Khi mở cổng cho người hàng xóm vào thì đúng là mượn búa chỉ không phải mượn mai mượn xẻng.

Cụ giải thích:- Anh bấm quẻ đã đúng nhưng luận chưa cao. Đêm ba mươi Tết đến mượn búa để bổ củi nấu bánh chưng chứ giờ này ai còn đến mượn mai đào đất!

Vớt xác được phú quý

Bùi Sinh là người học trò nghèo trong làng, Trạng Trình đoán sau này sẽ được phú quý. Mãi đến tuổi 70, Bùi Sinh vẫn không giàu sang, bèn đến hỏi thầy mình. Trạng cười không nói gì, rồi bỗng nhiên một hôm, cụ gọi Bùi Sinh lại và bảo rằng: “Hãy mang thuyền đánh cá ra cửa bể Vạn Ninh, tới giờ ấy…hễ thấy gì trôi trên nước sẽ vớt lên, sẽ được trọng thưởng”.

Bùi Sinh nghe lời ra bến Hồng Đàm ngồi đợi. Quả nhiên, một hồi giông bão nổi lên, rồi thấy một xác người dạt vào, nhìn kĩ là xác một người đàn bà ăn mặc quần áo Tàu, gấm vóc sang trọng. Bùi Sinh vớt lên, sau này mới biết là sang mẹ của Tổng Đốc Quảng Đông đi chơi ngoài biển bị bão bạt sang phương Nam. Viên Tổng Đốc Quảng Đông cho người tìm về hướng biển Nam. Khi tìm thấy liền trọng thưởng cho Bùi Sinh rất hậu, rồi Bùi Sinh lại được nhà Mạc phong quan tước vì có hành vi ngoại giao tốt đẹp.

5. Bài Sấm đích thực là Sấm Trạng Trình

Một ngày mùa thu năm Nhâm Dần (1542), đang tựa án đọc sách chợt thấy mây ngũ sắc hiện ra, Trạng liền gieo quẻ bói xem thời vận nước nhà, lúc ấy đời vua thịnh trị nhất triều Mạc là Mạc Đăng Doanh mới mất, Trạng bốc được quẻ Càn, động hào Sơ cửu, liền đoán:

Liên Mậu, Kỷ, Canh, Tân

Can qua sinh sát biến

Nghĩa là loạn lạc liên tiếp vào năm Mậu Thân, Kỷ Dậu, Canh Tuất, Tân Hợi (1548-49-50-51), rồi cụ giảng tiếp cho học trò Trương Thời Cử rằng:


Bốc đắc Càn thuần quái

Sơ cửu thoái tiềm long

Ngã bát thế chi hậu

Binh qua khởi trùng trùng

Ngưu tinh tụ Bảo giang

Đại nhân cư chính trung 

Dịch nghĩa:

Bói được quẻ thuần Càn

Hào sơ cửu rồng lui ẩn

Tam đời sau ta

Binh biến khởi trùng trùng

Sao Ngưu tụ sông Quí

Đại nhân ở chính giữa

Bài này là chìa khóa để mở mật ngữ và ẩn nghĩa trong toàn bộ Sấm Trạng Trình, trong khi tập Sấm đã bị tam sao thất bản, thêu dệt thêm bớt qua 500 năm. Bói được quẻ Càn (Trời), thấy rồng lui ẩn, hồng vận chân chúa chưa xuất hiện, tám đời sau, khỏang năm 1735, khi tiến sĩ Vũ Khâm Lâm  đến tham hậu duệ đời thứ 7 và thứ 8 của Trạng Trình tại chính nền nhà xưa, đúng là thời loạn lạc liên tiếp giữa các phe Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn… Cho đến triều Gia Long, cũng chỉ được hơn 60 năm lại bị Thực dân xâm lăng, mà trong 60 ăm đó, loạn lạc vẫn liên tiếp tại Bắc bộ (riêng hai đời Minh Mạng và Thiệu Trị 1820-1847 đã có đến 250 vụ loạn), cho đến thập niên 1980 mới tạm gọi là yên ổn.

Phải đợi tới khi sao Ngưu, chủ tinh của bậc Đại Nhân xuất hiện trên Bảo Giang thì đất nươc mới lại phục hưng, vận non sông mới rực rỡ.

Bài Sấm đã cho thấy Trang Trình đã dùng đến Dịch Lý phối Hợp cùng Chiêm Tinh (Thái Ất, Thái Huyền) mới tính ra được thời “sao tụ” trên “Bảo Giang” và “tám đời sau binh qua”, mà một quẻ Dịch thường không “Động” cho một khoảng thời gian dài cả 500 năm như vậy.

Sấm Trạng Trình như một sứ điệp lịch sử

Sấm Trạng Trình đầu tiền được cất giữ kín đáo trong một nhóm môn đệ thân cận như Phùng Khắc Khoan, Trương Thời Cử, Nguyễn Dữ, …, lới số môn đệ đào tạo trong 50 năm lên đến 3000 người, sấm ký chắc hẳn đã được sao chép hoặc truyền khẩu cho đến ngày nay. Đến thế kỷ 18-19 có nhà Nho viết xuống thành tập, thành bài không nhất định, rồi lại dùng thơ lục bát để diễn ý, bên cạnh những câu “chính truyền” còn có các câu sấm “diễn nghĩa”.

Sấm Trạng Trình luận giải về lịch sử dân tộc trong 500 năm sau, nhìn dân tộc như một khối sinh động trôi trong thời gian, thịnh suy theo chu kỳ tinh đẩu “thiên-địa-nhân” nhất thể. Trạng Trình không chỉ đoán thế sự mà còn để cái “tâm” vào cuộc thăng trầm của dân tộc mà suốt đời ông dốc tâm tận tụy.  

Hồ Hoàng Anh (Lược trích từ Việt Sử Siêu Linh)


Bạn có thể tham khảo thêm: "Cuộc chiến giữa các nhà chiêm tinh Việt Nam-Trung Hoa"

Chủ đề chính: #lịch_sử_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn