Thiên Vũ Thích viết lách, muốn đem nhiều bài viết hay chia sẻ cùng mọi người.

Cách để sống sót trước các thảm họa như hỏa hoạn, động đất, sóng thần, lũ lụt...

Đăng 5 năm trước

Để tăng khả năng sống sót, bạn có thể làm gì trước, trong và sau khi thảm họa xảy ra? Mời bạn đọc ngay bài viết sau để biết cách đối phó với các thảm họa như hỏa hoạn, động đất, sóng thần, lũ lụt... nhé.

1. Chuẩn bị trước thảm họa là điều tối cần thiết

  • Chuẩn bị tinh thần. Cần nhớ rằng thảm họa là điều không tránh được và bạn cũng như người thân có thể gặp rủi ro. Sẽ là quá trễ nếu sau khi thảm họa ập đến thì mới chuẩn bị. 
  • Tìm hiểu về những thảm họa có nguy cơ xảy ra trong khu vực của bạn. Cần biết rõ vị trí nơi trú ẩn. Xem xét mức độ an toàn của nhà cửa và khu vực xung quanh. Loại bỏ những nguy cơ gây hỏa hoạn. Lắp đặt thiết bị báo cháy và thay pin ít nhất mỗi năm một lần hoặc thường xuyên hơn. 
  • Chuẩn bị những đồ dùng phòng trường hợp khẩn cấp. Dịch vụ chuyên chở, điện, nước và điện thoại có thể bị cắt. Nếu có xe, bạn nên giữ cho nhiên liệu tối thiểu ở mức nửa bình. Luôn có thức ăn, nước dự trữ và hộp sơ cứu ở nhà.
  • Lưu lại số điện thoại của một số người bạn đang sống gần và xa nơi bạn ở. 
  • Lên phương án thoát hiểm và tập dượt. Cần biết rõ vị trí cửa thoát hiểm gần nhất trong tòa nhà của bạn, cũng như phương án khẩn cấp tại trường học của con cái. Chọn những nơi mà gia đình bạn sẽ gặp nhau trong trường hợp có thảm họa, chẳng hạn như trường học hoặc công viên. Nên chọn một nơi ở gần và một nơi ngoài khu vực bạn sống. Một số tổ chức khuyến cáo bạn và gia đình nên tập đi bộ đến những nơi này. 
  • Lên kế hoạch giúp người khác, bao gồm người lớn tuổi và người đang đau yếu.

2. Hành động nhanh chóng trong thảm họa khi "một giây đáng giá ngàn vàng"

  • Khi xảy ra hỏa hoạn. Cúi thấp người xuống sàn nhà, và nhanh chóng đến cửa thoát hiểm gần nhất. Khói có thể khiến bạn khó nhìn thấy xung quanh. Hầu hết những nạn nhân tử vong là do bị ngạt khói. Bỏ lại đồ đạc cá nhân. Sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc. 
  • Khi xảy ra động đất. Chui xuống gầm những đồ nội thất chắc chắn hoặc ở gần tường bên trong nhà. Thường sẽ có dư chấn, nên hãy ra ngoài và tránh xa các tòa nhà càng sớm càng tốt. Nhân viên cứu hộ có thể sẽ đến hiện trường sau nhiều giờ, vì vậy nếu được, hãy cố gắng cứu người khác. 
  • Khi xảy ra sóng thần. Khi nước đột ngột rút ra xa bờ, hãy nhanh chóng di chuyển đến nơi cao hơn. Sau một sóng lớn, thường sẽ có nhiều sóng lớn hơn. 
  • Khi xảy ra lốc xoáy và bão tố. Ngay lập tức tìm đến hầm trú bão. 
  • Khi xảy ra lũ lụt. Hãy ra khỏi những tòa nhà bị ngập lụt. Tránh lội nước hoặc lái xe qua những chỗ bị ngập. Lũ lụt có thể mang theo nước cống và khiến người ta không thể thấy những mảnh vỡ, hố ga mất nắp và dây điện bị đứt v.v. 
  • Bạn có biết? Dòng nước sâu khoảng 0,6m có thể cuốn đi một chiếc xe hơi. Hầu hết nạn nhân tử vong là do cố gắng lái xe qua dòng nước đang chảy. 
  • Nếu chính quyền ra lệnh sơ tán, hãy làm theo ngay lập tức! Báo cho người thân biết bạn đang ở đâu. Nếu không, họ có thể gặp nguy hiểm tính mạng trong khi đi tìm bạn.
  • Bạn có biết? Nhắn tin có thể bảo đảm hơn so với gọi điện. 
  • Nếu chính quyền yêu cầu người dân không ra khỏi nhà hoặc nơi trú ẩn, hãy ở yên đó. Trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất, sinh học hoặc hạt nhân, hãy ở trong nhà, tắt quạt thông gió và bịt kín tất cả các cửa. Khi xảy ra sự cố hạt nhân, hãy xuống nơi thấp nhất của tòa nhà để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ. Hãy theo dõi tin tức trên ti-vi và đài. Hãy ở trong nhà cho đến khi chính quyền thông báo là không còn nguy hiểm nữa.

3. Giữ an toàn bản thân và gia đình sau thảm họa

  • Ở cùng người thân nếu có thể, thay vì ở khu tập trung.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ.
  • Dùng đồ bảo hộ cá nhân khi dọn dẹp đống đổ nát. Nếu có thể, hãy đeo găng tay, đi giày cứng, đội mũ cứng và mang khẩu trang. Cẩn thận với dây điện và những đống tro còn cháy âm ỉ.
  • Cố gắng giữ nếp sống hằng ngày như bình thường. Con cái cần nhận thấy là bạn vẫn bình tĩnh và có hy vọng. Cả gia đình hãy cùng làm bài tập của con, chơi trò chơi và thờ phượng. Đừng nghĩ mãi về những tin tức của báo đài liên quan đến bi kịch vừa xảy ra. Đừng trút lo lắng và bực tức lên các thành viên khác trong gia đình. Chấp nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ người khác.
  • Nhận biết rằng thảm họa gây ra sự mất mát. Chính phủ và những tổ chức cứu trợ tập trung vào việc giúp người ta sống sót, chứ không bồi thường những thứ đã mất. Để sống sót, chúng ta cần nước sạch, thức ăn, quần áo và nơi trú ẩn.
  • Nhận biết những tổn thương về cảm xúc và nói ra. Tổn thương về cảm xúc thường xảy ra sau khi cú sốc qua đi. Các triệu chứng bao gồm lo lắng, buồn nản và tâm trạng bất ổn, cũng như khó tập trung để suy nghĩ, làm việc và ngủ. Hãy trò chuyện với những người thân quan tâm đến bạn.

4. Những vật dụng cần thiết bạn nên có để phòng các trường hợp khẩn cấp

Những tổ chức ứng phó với thảm họa khuyến cáo mỗi gia đình dự trữ và kiểm tra hằng năm các vật dụng, thực phẩm dự trữ cho trường hợp khẩn cấp. Hiển nhiên, nhu cầu thay đổi theo hoàn cảnh và vị trí địa lý. Vì vậy, hãy tham khảo đề nghị thực tế của các tổ chức ứng phó với thảm họa ở nơi bạn sống. 

Nhìn chung, theo khuyến cáo, bạn nên dự trữ ít nhất 11 lít nước cho mỗi người và thực phẩm ăn liền đủ dùng trong 3 ngày.Ngoài ra, một số gia đình đã chuẩn bị túi đồ dự phòng để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Túi này có thể bao gồm các vật dụng sau: 

  1. Chăn mền, bộ đồ ấm và giày cứng 
  2. Đèn pin, đài (chạy bằng pin hoặc dây cót) và pin dự phòng 
  3. Hộp sơ cứu và còi báo hiệu 
  4. Dụng cụ ăn uống, dụng cụ mở đồ hộp, bộ dụng cụ bỏ túi và diêm chống thấm 
  5. Khẩu trang, băng keo chống thấm và tấm bạt dùng ở nơi trú ẩn 
  6. Bàn chải đánh răng, xà bông, khăn tắm và giấy vệ sinh 
  7. Đồ dùng cho trẻ nhỏ và vật dụng đáp ứng nhu cầu đặc biệt của người lớn tuổi hoặc người tàn tật 
  8. Hộp chống thấm nước để đựng thuốc men cần thiết, đơn thuốc và những giấy tờ quan trọng khác 
  9. Danh sách các số điện thoại cần liên lạc, nơi gặp nhau trong trường hợp khẩn cấp và bản đồ khu vực 
  10. Thẻ ngân hàng và tiền mặt 
  11. Bộ chìa khóa dự phòng của nhà và xe 
  12. Giấy, bút, sách báo và trò chơi cho trẻ em

(Theo jw.org)

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn