mirumirumirumo Every day may not be good, but there is something good in every day.

Cách đọc sách cho trẻ nhỏ

Đăng 4 năm trước

Đọc sách cho bé được coi là một trong những bài tập phát triển quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ có thể dành cho con cái. Việc đọc sách không chỉ đem lại niềm vui mà còn giúp cho liên kết giữa cha mẹ và con cái thêm khăng khít. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với bạn một số phương pháp để việc đọc sách cho con có hiệu quả cao nhất.

1. Hãy đọc với tốc độ chậm

Khi đọc sách cho con thì việc đọc một cách chậm rãi sẽ giúp trẻ tiếp thu và theo dõi mạch truyện dễ dàng hơn. Thêm vào đó, bạn hãy cố gắng phát âm các từ thật cẩn thận và chính xác. Việc đọc chậm cũng làm cho thời gian bên nhau giữa bạn và con trở nên thư giãn và vui vẻ. Ngược lại, nếu bạn lướt qua trang sách quá nhanh thì rất có thể những trải nghiệm cùng nhau đọc sách sẽ không để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của bạn và con trẻ.

2. Đừng quá chú trọng đến việc đọc y nguyên và chính xác đến từng câu chữ

Khi đọc sách cho con, bạn không nhất thiết phải đọc nguyên văn từng câu từng từ. Điều quan trọng là bạn phải truyền tải được nội dung và ý tưởng chính của sách cũng như thu hút con vào tiến trình câu chuyện. Một số gợi ý dành cho bạn là:

  • Tìm cách diễn đạt khác đi nếu muốn.
  • Diễn giải những câu khó hiểu hoặc khái niệm trừu tượng bằng ngôn ngữ của riêng mình.
  • Thể hiện ý nghĩa của những khái niệm quen thuộc thông qua một ngôn ngữ hay một quan điểm văn hóa độc đáo của gia đình bạn.

3. Vai trò của giọng nói và bàn tay

Cho dù bạn đọc sách cho trẻ dưới 5 tuổi hay lớn hơn một chút, tính tương tác là rất quan trọng. Điều đó bao gồm việc thay đổi ngữ điệu, cao độ, trường độ,... Ngoài ra, sử dụng bàn tay để minh họa hình ảnh có thể làm câu chuyện thú vị hơn gấp bội. Khi bạn làm điều đó thường xuyên thì tế bào vận động của con bạn sẽ phần nào được kích thích đấy!

4. Để bé được cầm sách nếu bé thích

Việc chạm vào cuốn sách tạo điều kiện cho con bạn tương tác với chữ nghĩa, hình ảnh và cảm nhận được quyền sở hữu trực tiếp trong quá trình đọc sách. Hãy cố gắng chọn sách có kết cấu đa dạng và nếu hình ảnh nổi lên trên bề mặt giấy thì càng tốt. Bạn cũng có thể thử chọn cho bé các loại sách độc đáo như sách vải hay sách nhựa khi bé bắt đầu biết cầm nắm đồ vật. Thêm nữa, hãy khuyến khích bé lật trang sách hộ bạn trong khi đọc.

5. Chỉ vào tranh

Khi bạn đọc sách, đừng quên chỉ tay vào những bức tranh chủ đề nhé! Ví dụ, nếu bạn đang đọc thông tin giới thiệu về quả táo cho con nghe thì hãy chỉ tay vào hình ảnh quả táo được minh họa trên sách. Sau đó, khuyến khích con bạn lặp lại việc chỉ tay vào ảnh như bạn đã làm. Bằng cách đó, nền tảng về từ vựng của trẻ sẽ dần dần được bồi đắp.

6. Đặt câu hỏi

Trong quá trình đọc, bạn nên ngắt nghỉ ở một số chỗ để đặt câu hỏi cho con. Các câu hỏi sẽ làm tăng tính tương tác và hứng thú của trẻ với câu chuyện. Trên thực tế, việc con bạn có thể hiểu và trả lời câu hỏi hay không sẽ không thành vấn đề. Quan trọng là ở chỗ khi bạn hỏi con điều gì đó, trải nghiệm với việc đọc sách sẽ biến thành một cuộc đối thoại giữa con và bạn. Chẳng hạn:

  • Nếu chủ đề của cuốn sách là về thú cưng, bạn có thể hỏi xem con bạn thích chó hay thích mèo hơn.
  • Nếu cuốn sách ấy xoay quanh chủ đề màu sắc, hãy hỏi xem con bạn thích màu gì. Tận dụng chủ đề đó để hướng dẫn bé phân biệt các màu sắc xuất hiện trong phòng ở.

7. Đọc sách hàng ngày

Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng rảnh rỗi nhưng bạn nên bớt chút thời gian để hình thành thói quen đọc sách hàng ngày cho bé. 

  • Đừng đặt nặng vấn đề phải đọc cho hết, đọc cho xong câu chuyện trong một buổi
  • Nếu quỹ thời gian của bạn khá eo hẹp thì ít nhất hãy cố gắng dành ra 5 phút mỗi ngày để đọc sách cho con. Nếu quỹ thời gian dư dả hơn, bạn hãy cố gắng đọc từ mười lăm đến ba mươi phút.

8. Chọn thời điểm con bạn thoải mái và tỉnh táo nhất

Trước khi đọc sách, hãy chắc chắn con bạn đã ăn xong bữa, được thay tã mới hoặc ngủ trưa hay chưa. Nếu con bạn tỉnh táo và có tâm trạng hứng khởi thì dĩ nhiên việc lắng nghe câu chuyện sẽ hiệu quả hơn rồi. 

9. Chọn địa điểm phù hợp

Khi đến giờ đọc sách, bạn hãy cố gắng tìm một vị trí có thể thư giãn. Địa điểm ấy phải tương đối yên tĩnh, có đủ ánh sáng và chỗ ngồi cho bạn và con. Hãy hạn chế những nơi ồn ào, dễ gây mất tập trung và nhớ tránh cả chỗ ở của thú cưng nhà bạn nữa nhé! Thêm vào đó, bạn có thể tắt âm điện thoại và để nó ở một phòng khác.

10. Để bé ngồi trong lòng bạn

Khi bạn để bé ngồi trên đùi hoặc trong lòng mình, cả hai sẽ cảm thấy gắn bó hơn, bạn và con cũng có thể xem chung sách dễ dàng hơn. Khi tầm mắt của cả hai đều thuận lợi thì việc đọc sách sẽ được tối ưu.

11. Chọn loại sách thích hợp

Một phần vô cùng quan trọng của đọc sách cho bé là phải có một cuốn sách phù hợp. Do đó, bạn hãy xem xét giai đoạn và độ tuổi của con để chọn một quyển sách bổ ích. 

  • Đối với trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi: một cuốn sách không chữ với hình ảnh lớn, mang tính đối lập sẽ tốt cho bé.
  • Đối với trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi: bạn có thể chọn những cuốn sách có từ vựng mà chúng có thể sử dụng hàng ngày. 
  • Với trẻ em từ 13 đến 18 tháng tuổi: chọn sách mà mỗi trang có từ một đến hai câu.

12. Hãy ngừng đọc nếu bé không vui

Một khi bé gặp phải vấn đề tâm lý và không muốn đọc nữa thì bạn nên dừng lại. Nếu bạn ép buộc con, việc đọc sách sẽ trở thành những kí ức tiêu cực và ảnh hưởng đến việc học hành của chúng sau này. Nếu con bạn có biểu hiện đói bụng, muốn thay tã hay quấy khóc thì tốt nhất là bạn nên dừng đọc.

mirumirumirumo dịch

Nguồn dịch: wikihow.com

Chủ đề chính: #cách_dạy_con

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn